Hãy đọc lại đoạn cuối và có lẽ là đoạn gây xúc động mạnh mẽ nhất của “Chùm Nho Phẫn Nộ”:
“ Phù Dung ngồi yên một phút trong nhà kho, gió thì thào qua khe. Nàng cựa mình mệt mỏi một tí cho dễ chịu, rồi đứng dậy đi chậm vào góc nhà và nhìn xuống một khuôn mặt lạc thần, ánh mắt mở to thảng thốt. Nàng khẽ nằm xuống cạnh ông ta. Ông lão nhẹ lắc đầu từ chối. Phù Dung cởi bỏ một bên chiếc chăn trùm để lộ bầu ngực. “Ông phải cần nó!” Nàng nói. Trườn lại gần hơn và kéo đầu ông ta vào sát ngực. “Ðúng đấy! Chỗ đó!” Nàng nói, bàn tay nàng nâng đỡ đầu ông lão. Ngón tay nàng nhẹ lùa vào tóc ông. Nàng ngước lên rồi nhìn qua nhà kho. Và môi nàng khẽ mím một nụ cười bí ẩn.”
Bầu ngực của Phù Dung (xin tạm dịch từ Rose of Sharon) vừa mới sinh xong đứa con yểu mạng chết non, con nàng chết vì nàng thiếu dinh dưỡng trầm trọng, đó là một bầu sữa không no đầy mà thoi thóp xanh xao những đường gân máu trên cơ thể gầy gò. Và ông lão nọ cũng suy yếu vì đói lả, mệt mỏi đến mức kiệt lực nằm bất động. Nhờ những giọt sữa ngọt ngào nóng hổi lòng từ tâm kia mà nàng đã cứu sống ông ấy, cũng như nàng đã hóa thân thành một đấng từ bi, quên đi nỗi đau khôn hàn vì vừa mất con sơ sinh! Chuyện ấy xảy ra vào một năm của cuộc Ðại suy thoái 1930, trên con đường đầy gió bụi và nước mắt của đại lộ 66.
Trước hết ngoài bức tranh tàn khốc của cuộc Ðại khủng hoảng, nỗi kinh hoàng còn thê thảm hơn với những cơn bão bụi; xảy ra nhiều năm liên tiếp từ các bình nguyên bao la miền Trung Bắc nước Mỹ, mà người Mỹ gọi là The Dust Bowl kéo dài từ biên giới Canada đến Texas. Một vùng đất bằng phẳng, ít cây rừng, nhiều nắng gió và khô hạn.

Các nhân chứng và sử liệu ghi lại cho chúng ta thấy một hình ảnh tang tóc màu đen. Bụi mù cuốn lên cao cả cây số như những đám mây đen, trải rộng trăm dặm đến hết tầm nhìn, bụi như ngọn núi đen di chuyển đổ ập lên làng mạc. Bụi khắp bốn phương tám hướng và đến nhanh như bão. Khi cơn bão này đi qua thì các cánh đồng trơ khô gốc rạ, phơi trần cả rễ, lớp bụi dày như đất cát màu nâu đỏ phủ ngập mái nhà, phủ lên hoa màu chưa kịp ra hoa, phủ lên mặt sông cạn, giếng nước. Bụi làm bầu trời tối sầm và người ta phải bò rạp xuống đất để tìm đường về nhà trong ánh sáng tờ mờ như đêm. Bụi làm con lạc mẹ, vợ tìm chồng, gia súc chết ngạt thở vì bụi. Bụi làm hư hỏng máy móc nông cụ. Những cơn bão mạnh đến nỗi khi đi qua đã lột các lớp sơn của xe cộ. Tĩnh điện gây ra làm những tia lửa xanh lóe dọc theo các hàng rào kẽm gai, làm xe hơi không khởi động. Các làn sóng radio, vô tuyến bị nhiễu.
Bụi đi len lỏi đến tận mọi ngóc ngách nhà cửa dù đã đóng kín và nhét khăn ướt các khe hở. Bụi vẫn lọt vào phủ kín bàn ghế, thức ăn; bụi bám vào tóc, tai và lỗ chân lông, bụi lơ lửng trong không khí và đi vào trong buồng phổi. Bụi theo gió và có khi kèm theo sấm sét. Ngày 9 tháng 5, 1934 một trong những trận bão kinh khủng nhất, kéo dài hai ngày, đã cuốn đi vô số đất đai của vùng Ðại Bình nguyên. Bụi bay tới tận Chicago và phủ xuống thành phố ngàn tấn đất cát. Hai ngày sau, cơn bão đó mang bụi mù đến các thành phố ở tận duyên hải phía Ðông như Buffalo, Boston, Cleveland, New York, và cả thủ đô Washington, D.C. Bụi phủ kín tượng Nữ Thần Tự Do và Ðiện Capitol, nơi bên trong các nghị viên đang tranh cãi về luật lệ nông nghiệp. Thành phố phải thắp đèn vào ban ngày vì bầu trời tối om. Người ta phải mang mặt nạ kín bưng. Các chuyến tàu không thể vào cảng vì tầm nhìn mù mịt…Mùa đông 1934-35, tuyết đỏ rơi xuống New England do quặng kim loại lơ lửng trong không khí suốt mùa đông. Ở Amarillo, Texas, năm 1935 cơn bão bụi với sức gió 60 dặm một giờ, bụi che phủ bầu trời suốt 11 giờ liền. Một cơn bão khác hoành hành suốt 3 ngày rưỡi. Ngày 14 tháng 4 năm 1935, ngày được gọi là Chủ Nhật đen tối, cơn bão đen tồi tệ nhất dài hơn 200 dặm, với tốc độ 65 dặm một giờ quét từ miền Nam Canada tới tận Texas đi qua nhiều tiểu bang, biến ngày thành đêm; người Mỹ tưởng chừng như ngày tận thế.

Khi giá lúa mạch tăng cao trong thế chiến I, những người di dân đã hối hả trồng trọt, các cánh đồng cỏ Bufflalo bạt ngàn được xới lên, các đường cày đào sâu lớp đất trên bề mặt. Cây cối rừng hoang bị đốn hạ. Lợi nhuận từ nông sản làm người ta làm việc suốt đêm, đèn xe cấy cày xếp hàng ngang thắp sáng cánh đồng. Miền đất màu mỡ làm mùa vụ tươi tốt. Người ta nghĩ rằng mưa sẽ đến hàng năm và vùng đất này chính là miền đất hứa, là vựa bánh mì của nước Mỹ (breadbasket). Thế rồi hạn hán 10 năm liên tiếp. Gió lạnh khô từ Canada, từ dãy núi Rocky phía Tây đã tràn qua bình nguyên, nơi được hun nóng nhiều tháng trời trên 100 độ F. Nhiệt độ chênh lệch trong khí quyển tạo ra tĩnh điện cuốn bụi đất lên cao. Và những cơn bão bụi như thế được hình thành, càng lúc càng lớn dần. Bão bụi và làm đảo lộn hệ sinh thái. Các đàn chim bay dạt về phía Nam, châu chấu và thỏ hoang làm nên những cơn dịch phá hoại mùa màng còn sót lại. Hàng triệu con châu chấu bao phủ cánh đồng. Tổng thống FDR đã nói trong radio: Những gì mặt trời sót lại trên mặt đất thì châu chấu đã lấy hết! Lính Mỹ được lệnh đi giết châu chấu bằng xe máy cày và đốt các cánh đồng khô. Người dân họp nhau ra cánh đồng bắt thỏ và đập chết hàng ngàn con bằng gậy bóng chày. Bụi và hạn hán kinh hoàng làm người dân tin vào những giải pháp mê tín hoang tưởng. Họ giết rắn và treo lên hàng rào để cầu mưa. Nhiều nhà nông ở Texas đã trả 500 đô cho một công ty phóng hỏa tiễn có chứa chất nổ và Nitroglycerin vào đám mây để tạo mưa nhân tạo…Bão gây thiệt hại kinh hoàng đến sức khỏe con người, bệnh sưng phổi, ho hen, có người bị mù mắt. Hàng trăm người chết, nhiều nhất là trẻ sơ sinh, trẻ em và người già. Bão bụi đã tạo nên làn sóng di dân lớn nhất trong lịch sử, trong vòng một thập niên, có đến 3 triệu rưỡi người dân từ Oklahoma, Arkansas, Missouri, Iowa, Nebraska, Kansas, Texas, Colorado và New Mexico; họ tay trắng chân trần đi về California mang theo niềm hy vọng. Người ta gọi họ là Okies, Arkies hay Texies (di dân từ Oklahoma, Arkansas và Texas) là những nhân vật của John Steinbeck trong Chùm Nho Phẫn Nộ. Và nơi họ đến cũng khó nhọc không kém do đất nước đang ở trong thời kỳ suy thoái.
Nhiều đạo luật cải tạo đất đai cũng như giải pháp để cứu vãn đất nước được đặt ra. Tổng thống FDR đã cho trồng 217 triệu cây xanh tạo thành vòng đai quanh vùng nhằm chắn gió giữ đất, (nay trở thành các cánh rừng và công viên quốc gia) xây đập nước Dalhart và cho đào hàng trăm giếng ngầm Ogallala, song song đặt hàng ngàn dặm ống nước tưới cây. Chính phủ đã mua 16 đô cho mỗi con bò khỏe mạnh, làm thịt, đóng hộp để cứu trợ. Những con bò nào đau yếu, bò con được trả 1 đô để giết và chôn ngay. Làm như vậy để giúp nông dân có tiền, cứu trợ người nghèo đói và duy trì những cánh đồng cỏ cũng như những con bò khỏe mạnh sót lại. Cải cách phương thức cày xới theo hình vòng cung thay vì thẳng để hạn chế bụi bay. Áp dụng luân canh, chia ruộng nhỏ…Cưỡng ép người nông sử dụng các biện pháp canh tác mới và trợ cấp cho những nông dân gặp khó khăn. Ðến năm 1938, nỗ lực bảo tồn đất đai đã gặt hái được thành quả khi số đất đai bị thổi bay giảm đến 65 phần trăm. Cuối cùng, vào mùa thu năm 1939, mưa quay trở lại vùng Ðại Bình Nguyên, chấm dứt một thập kỷ hạn hán và gió bụi.

Cơn bão bụi của thập niên 30 tưởng chừng đã biến miền Trung Nam nước Mỹ thành sa mạc. Người Mỹ đã học được bài học lịch sử đắt giá. Thiên tai dù tàn bạo cũng không bằng thảm họa do con người gây ra đối với môi trường sống. Rằng con người cần được lắng nghe những nhịp sống cân bằng với mảnh đất ngàn đời này qua những luống cày, qua những mạch sông ngòi, qua những ngọn gió rừng và biển xanh rì rào sóng vỗ.
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. / Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên. (Chinh phụ ngâm) Vâng! Có một thuở trời đất nổi cơn gió bụi kinh hoàng như thế! Khách má hồng như nàng Phù Dung – Rosa of Sharon của Chùm Nho Phẫn Nộ và những người Mỹ năm xưa phải truân chuyên.
SB