Menu Close

Mikhail Gorbachev và một “Nga Sô Mới”

“Nga Sô Mới” hay “The New Russia” là nhan đề của một cuốn sách của ông Mikhail Gorbachev, vừa phát hành trong Tháng Năm vừa qua. Cuốn sách thu gọn tư tưởng và ý kiến của ông cựu tổng thống lẫy lừng một thời về đất nước Nga. Ông Gorbachev được xem như một chính khách quốc tế nổi bật của thể kỷ XX mà công trình tạo lập nền hòa bình thế giới là một thành quả lớn nhất.

Mikhail Gorbachev sinh ngày 2 tháng Ba, năm 1931, tại Privolnoye, Nga trong một gia đình gốc gác nông dân; tốt nghiệp ngành Luật tại Moscow State University năm 1955. Ông gia nhập đảng cộng sản từ khi còn đi học và là một đảng viên đắc lực. Năm 1961, ông gia nhập the Communist Party Congress và được bầu là Bí Thư đảng cộng sản năm 1985. Ông Gorbachev trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của liên bang Xô Viết vào năm 1990, và đã đoạt giải Nobel về Hòa Bình cùng năm.

mikhail-gorbachev
Nguồn wiley.com

Ông Mikhail Gorbachev đã kể lại cảm nghĩ trước các biến cố thế giới trong suốt một phần tư thế kỷ qua, từ việc tan rã của liên bang Xô Viết, sự hình thành của Nga Sô cho đến sự hâm nóng Chiến Tranh Lạnh giữa Nga và thế giới tự do và sự hồi phục thể chế độc tài ngay trên đất nước của ông ấy. Hành trình của nền cai trị độc tài cộng sản – dân chủ – rồi vòng về điểm khởi đầu cũ “độc tài”. Ông Gorbachev xem ra vô cùng thất vọng về việc Nga Sô rời xa chính sách “Ðổi Mới” do ông ấy khởi xướng để trở lại thể chế độc tài. Ông Gorbachev cho rằng chính thế giới tự do bên ngoài và cả Hoa Kỳ cũng đã góp phần vào việc khơi lại Chiến Tranh Lạnh. Ông ấy băn khoăn và không ngớt hô hào việc thiết lập lại mối bang giao Ðông – Tây và nhất là Nga Sô cần tạo dựng một nền dân chủ cần thiết.

Tạm hiểu là ông Gorbachev tha thiết với chủ thuyết “Perestroika”, thành công trong việc tạo dựng nền dân chủ tại Nga nhưng nền dân chủ ấy mỏng manh và chết yểu sau một thời gian ngắn. Chỉ mới 25 năm sau lần tay bắt mặt mừng giữa Ronald Regan và Mikhail Gorbachev, mối bang giao giữa Nga Sô và phương Tây thắm thiết rồi phai dần dưới vài triều vua [đỏ] khác, đến nay thì mối bang giao ấy đang hồi nhạt nhẽo và tương đối thù hằn. Người thế giới không mấy ai hiểu lý do tại sao vị đương kim Tổng thống, Vladimir Putin, lại thù hận và muốn đối đầu với phương Tây nhưng theo ông Gorbachev, kinh nghiệm đầy mình và thấu đáo tình hình chính trị của Nga, ông Putin muốn cầm quyền, và cầm quyền mãi mãi nên đã đi từng bước để xóa bỏ mọi đổi mới, phá hủy nền dân chủ non trẻ của Nga Sô. Một thể chế dân chủ sẽ đòi bỏ phiếu chọn người lãnh đạo, sẽ không chấp nhận nhà cầm quyền độc tài hay một vị tổng thống đời đời?!

Ông Gorbachev phân tích và đưa ra các lập thuyết hầu giải quyết những trận chiến tranh âm ỉ giữa Nga Sô và các quốc gia láng giềng, trước đây từng là thành phần của liên bang Xô Viết như Ukraine, cũng như các vấn nạn về hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Ông Gorbachev cho rằng để giải quyết các khó khăn có tính cách quốc tế, mọi quốc gia đều cần chung tay góp sức, đừng cô lập Nga Sô như hiện nay dù ông Putin cứ hằm hè lấy thịt đè người, mang quân xâm chiếm Ukraine để gây ảnh hưởng chính trị quanh vùng.

Cùng thời với ông Gorbachev, một chính khách lẫy lừng khác là ông Nelson Mandela suốt đời tranh đấu âm ỉ để đòi bình quyền cho người da màu. Công trình của ông Nelson Mandela vượt qua lãnh thổ châu Phi, xóa bỏ mọi biên giới chủng tộc dẫn đến một South Africa bình đẳng, người da màu được học hành làm ăn buôn bán như người da trắng. Tương tự, ảnh hưởng của ông Gorbachev cũng lan tỏa khắp nơi, các hoạt động do ông Gorbachev đề xướng và ủng hộ đã dẫn đến việc chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, người Nga bắt tay với cộng đồng thế giới chung quanh để tạo lập nền dân chủ, không chỉ cho người Nga Sô mà cho cả khối cộng sản Ðông Âu. Từng quốc gia một, các thể chế cộng sản từ từ tan rã trở thành các quốc gia độc lập, Tiệp, Hung, Slovak…

Phương Tây nhìn về Nga Sô với lòng ngưỡng mộ và cảm phục con người viễn kiến kia nhưng ngay tại quê hương, ông Gorbachev lại là tâm điểm của nhiều ý kiến đối nghịch. Có thể nói, ông Gorbachev bị chửi rủa, chê trách kịch liệt bởi các tay cộng sản gộc. Khi khổng khi không lại bày ra chuyện dân chủ độc lập để bây giờ Nga Sô chỉ còn là một đất nước không mấy chư hầu chịu thần phục cống nạp như ngày xưa. Ảnh hưởng chính trị nọ xem ra quan trọng lắm dù dân tình đói rách đất nước nghèo khó, lạc hậu! Tư tưởng “ăn trùm” đế quốc ấy đang được thể hiện bởi Tàu Cộng, ngay sát bên mình. Tằm ăn dâu nên Tàu Cộng đang bành trướng ảnh hưởng suốt cõi Ðông Nam Á, láng giềng nào cũng khiếp sợ. Thua phương Tây về mức văn minh tiến bộ thì không sao nhưng kém miếng Tàu cộng thì khó chịu lắm lắm? Và ông Putin đang cố gắng phục hồi ảnh hưởng chính trị kia.

Chính kiến khác nhau xa như thế nên không lạ là ông Putin và tay chân cứ lăm le đòi mang ông Gorbachev ra tòa để xử tội “phản quốc”!

Nhà cầm quyền Nga bực bội dường ấy nhưng cư dân lại hành xử khác hẳn. Tháng Ba vừa qua, khi ông Gorbachev 85 tuổi, để chúc mừng, nhóm chính khách thân hữu đứng ra tổ chức lễ sinh nhật rầm rộ tại Hotel Ukraine, một địa điểm tên tuổi của Moscow, thì chủ khách sạn từ chối không nhận lệ phí. Theo ông Alexei Venediktov, quản đốc đài phát thanh Tiếng Nói Mạc Tư Khoa (Echo of Moscow) với chủ trương dân chủ đối lập, thì chủ khách sạn không nhận lệ phí vì muốn ghi ơn ông Gorbachev. Họ nói rằng không có ông Gorbachev thì chẳng thể nào họ làm ăn quy mô, buôn bán khá giả như ngày nay. Cố gắng phấn đấu lắm thì cũng chỉ có thể buôn bán vặt vãnh mà thôi!

mikhail-gorbachev1
Mikhail Gorbachev và Tổng Thống Ronald Reagan – nguồn sites.google.com

Khá nhiều cư dân Nga, nhất là những người thích làm ăn buôn bán tự do, vẫn ủng hộ ông Gorbachev. Họ ghi nhận thành quả của phong trào “Ðổi Mới” (perestroika) song song với việc “Mở Cửa” (glasnost), đã giúp xã hội Nga thay đổi từ thể chế áp bức cộng sản sang một đời sống dễ thở hơn. Chính ông Gorbachev đã mang lại sinh khí cho người dân Nga, họ biết thế nào là tự do ngôn luận, tự do buôn bán và nhất là mở cửa giao thương với thế giới tự do phương Tây!

Ông Dmitri Muratov, trưởng ban biên tập của báo Novaya Gazeta, một trong vài tờ báo độc lập hiếm hoi tại Nga Sô, cho rằng cư dân Nga có người yêu mến, ngưỡng mộ ông Gorbachev nhưng cũng có kẻ căm ghét ông ấy vì nền tự do kia!? Họ căm ghét ông cựu tổng thống vì Nga Sô không còn là một đế quốc ăn trùm thiên hạ như ngày xưa dù chính họ và con cái họ được hưởng tự do! Nôm na là vẫn có người yêu chuộng cái vỏ hùng mạnh của đế quốc dù trong ruột, dân tình đói khổ. Dân Nga suy nghĩ như thế nên không lạ là thể chế của ông Putin tiếp tục sống hùng sống mạnh!

Trước sự chống đối của nhà cầm quyền và nhóm bảo thủ cộng sản, ông Gorbachev nhận ra mình thất bại, nguyên nhân của sự thất bại ấy nhưng vẫn ấp ủ giấc mộng dân chủ cho đất nước và người dân Nga. Và cuốn sách này dường như là bài tranh luận, tiếng nói sau cùng của một minh quân thất sủng.

Trong những ngày tuổi già bóng xế, ông Gorbachev mỗi ngày một đơn độc. Hầu hết các chính khách cùng thời đã qua đời nên chẳng còn mấy ai chia sẻ tư tưởng chính kiến. Nhưng ông Gorbachev vẫn duy trì ý kiến của mình, chỉ trích đương kim tổng thống đủ để các đài truyền thanh truyền hình né tránh. Ông Gorbachev chê trách ông Putin về thể chế độc tài tại Nga nhưng chỉ chê gián tiếp vì nhiều lý do. Lý do chính là với luật pháp hiện nay, ông Gorbachev chẳng có chút “miễn nhiễm” nào, và có thể bị bắt bớ giam cầm như mọi nhà chống đối khác. Lý do khác cũng quan trọng không kém là việc bị vu khống, báo chí quốc doanh đã nhiều lần gọi ông Gorbachev là gián điệp của phương Tây, được “cấy” để lũng đoạn đất nước Nga Sô. Tội danh “gián điệp” thường được sử dụng để xóa sổ các nhóm chống đối, các chính khách dám mạnh miệng đòi tự do dân chủ tại Nga.

Không ưa ông Putin về sự độc tài nhưng kẻ ông Gorbachev căm ghét nhất lại là cựu Tổng thống Boris Yeltsin người đã có lần tranh giành quyền hành và thắng cuộc. Ông Gorbachev cho rằng sự sụp đổ về kinh tế và khuynh hướng chính trị của Nga là do tội lỗi của ông Yeltsin!

Dù được phương Tây nhìn nhận là nhân vật chính trong việc thiết lập hòa bình thế giới, chấm dứt trận Chiến Tranh Lạnh, ông Gorbachev vẫn cho rằng mình bị phương Tây phản bội đặc biệt là Hoa Kỳ! Nhất là khi Hoa Kỳ reo hò “thắng trận” và đưa quân đội NATO cũng như Liên Âu đến sát biên giới Nga.

Suốt cuốn sách, tác giả vẫn mơ ước một nền dân chủ cho Nga Sô, bắt đầu từ việc bỏ phiếu chọn người lãnh đạo đến các điều luật công nhận các quyền tự do căn bản.

Ðọc hết cuốn sách dầy cui, Dế Mèn băn khoăn lắm. Chẳng biết có khi nào ông Gorbachev hối hận về việc thi hành các chính sách cởi mở, đổi mới hay không vì nếu ông ấy đừng làm gì cả thì biết đâu giờ này ông Gorbachev vẫn giữ được chiếc ghế, lãnh tụ đời đời như các tay cộng sản gộc khác? Liên bang Xô Viết vẫn đứng vững, bức tường Bá Linh vẫn sắt máu hay con người vẫn đứng dậy, bằng cách này hay cách khác để đòi tự do?

TLL