Menu Close

Trung Quốc sau phán quyết của PCA

Dân Philippines biểu tình sau phán quyết của PCA - nguồn elitereaders.com
Dân Philippines biểu tình sau phán quyết của PCA – nguồn elitereaders.com

Thông thường, những phán quyết của toà án quốc tế liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia trước đây nói chung không gây được sự chú ý của quốc tế. Nhưng với phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hoà Lan) về vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân tại bãi cạn Scarborough vào đầu Tháng 7 vừa qua đã trở thành bản tin hàng đầu của hầu hết các cơ quan truyền thông trên thế giới. Điều này cho thấy cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông không chỉ là vấn đề tranh chấp có tính cách khu vực mà còn là mối quan tâm lớn đối với thế giới trong nhiều năm tới.

Như đã được dự đoán từ trước dựa trên hồ sơ pháp lý, kết quả phán quyết của toà PCA nghiêng hẳn về phía Phi Luật Tân. Tuy nhiên, điều làm cho giới quan sát quốc tế ngạc nhiên không ít là phán quyết của toà vạch ra rất nhiều chi tiết về những việc làm sai trái của phía Trung Quốc trong mấy năm qua, trong đó nói rõ là những nơi mà Trung Quốc xâm chiếm và nhận chủ quyền tại Biển Ðông thực ra chỉ là những bãi đá chỉ hiện lên trên mặt nước khi thủy triều thấp, hoặc là những bờ cát hoàn toàn chìm dưới mặt nước và do đó không thể dùng làm cơ sở để nhận chủ quyền vùng biển xung quanh. Toà PCA cũng tuyến bố là “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để nhận chủ quyền mang tính lịch sử đối với những nguồn tài nguyên trong khu vực.” Phán quyết của toà cũng cáo buộc Bắc Kinh đã cố tình gây trở ngại trong việc đánh bắt cá và thăm dò dầu khí của những quốc gia khác trong khu vực, làm “thiệt hại nặng nề đối với môi trường đá san hô” và đã làm ngơ không chịu kiểm soát và ngăn ngừa ngư phủ Trung Quốc đánh bắt rùa biển và những loài thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng “ở một mức độ nghiêm trọng.” Và cuối cùng, toà cũng tuyên bố “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh khoanh vùng ở Biển Ðông không phù hợp với Công ước về Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà chính Trung Quốc đã ký kết vào năm 1996.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa (ảnh) - nguồn dailymail.co.uk
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa (ảnh) – nguồn dailymail.co.uk

Dĩ nhiên, sự kiện này đã làm Bắc Kinh nổi giận và tất cả các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đều đồng thanh lên tiếng phản bác phán quyết trên, gọi đây là âm mưu của Hoa Kỳ và Nhật Bản, và Toà Trọng tài PCA chỉ là con rối của các quốc gia phương Tây. Một số cuộc biểu tình bởi những nhóm có tư tưởng quốc gia cực đoan đã xảy ra trong nội địa Trung Quốc, đập phá một số nhà hàng bán gà chiên KFC thuộc công ty Yum! Brands của Mỹ, làm trò hề mang những chiếc điện thoại iPhone ra đập nát trên đường phố cũng như kêu gọi tẩy chay không ăn xoài sấy khô được sản xuất từ Phi Luật Tân.

Một số người Trung Quốc đập phá cửa hàng KFC - nguồn http://infonet.vn
Một số người Trung Quốc đập phá cửa hàng KFC – nguồn http://infonet.vn

Nhưng trước hết ta hãy thử tìm hiểu về cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc sử dụng và rêu rao là đã có lịch sử lâu đời để biện hộ cho việc ngang nhiên nhận chủ quyền của họ ở Biển Ðông. Thực ra, đường vẽ chín đoạn này chỉ là một sản phẩm tưởng tượng mà Trung Quốc tự sáng chế ra mới đây thôi. Theo nhận định của nhiều học giả có uy tín thì đường chín đoạn này khởi thủy là “đường mười một đoạn” do chính phủ dân quốc của Tưởng Giới Thạch vẽ ra và cho in trong bản đồ lần đầu vào năm 1947, hai năm trước khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (tức Trung Cộng ngày nay) được thành lập. Cũng theo các học giả trên, tấm bản đồ này dựa vào một tấm bản đồ trước đó được Ủy ban Thanh tra Bản đồ Thủy Ðịa của chính phủ dân quốc in vào năm 1935, có tên là “Bản đồ các hòn đảo ở Biển Hoa Nam”, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta, quần đảo Pratas (Ðông Sa), bãi Macclesfield (Trung Sa) và bãi cạn Scarborough. Sau đó Tưởng Giới Thạch bị thua và chạy ra Ðài Loan, Mao Trạch Ðông lên cầm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949 và tiếp nhận tấm bản đồ của Tưởng. Ðến năm 1953, cựu Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng yêu cầu cho cắt bớt hai đoạn ở khu vực vịnh Bắc Bộ và nó trở thành tấm bản đồ với đường chín đoạn ngày nay. Ðể chính thức nhận chủ quyền, Trung Quốc đệ trình tấm bản đồ này cho Liên Hiệp Quốc vào ngày 7 Tháng 5, 2009, đặt các quốc gia trong khu vực Biển Ðông trong tình trạng báo động và làm cho tình hình ngày càng thêm căng thẳng.

Bản đồ 11 đoạn của Tưởng Giới Thạch năm 1947 - nguồn en.wikipedia.org
Bản đồ 11 đoạn của Tưởng Giới Thạch năm 1947 – nguồn en.wikipedia.org

Trong khi Bắc Kinh vẫn lớn tiếng phủ nhận thì họ cũng không thể làm ngơ trước hậu quả là uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế bị xuống rất thấp sau phán quyết của toà. Cộng đồng quốc tế thêm mất tin tưởng vào thực tâm của Trung Quốc về những điều mà họ vẫn thường ra sức vận động dư luận rằng Trung Quốc sẽ là một siêu cường hoà bình trong tương lai, sẽ gia nhập vào các tổ chức quốc tế cũng như tôn trọng các luật lệ và công ước quốc tế. Phán quyết bất lợi trên đối với Trung Quốc chỉ đưa ra thêm một lý do nữa để cộng đồng quốc tế tiếp tục xem Trung Quốc như một quốc gia tự đặt mình nằm ngoài vòng pháp luật, chỉ lựa chọn và tôn trọng những luật lệ quốc tế nào có lợi cho họ.

Ngay từ nhiều tháng trước khi toà án quốc tế đưa ra phán quyết, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không chấp nhận kết luận từ phía toà. Tuy nhiên, bên cạnh sự phản đối của các cơ quan truyền thông nhà nước, một số viên chức cao cấp của Trung Quốc còn công khai lớn tiếng bài bác, nói rằng phán quyết của toà trọng tài PCA “không hơn gì tờ giấy lộn”. Cái mà họ gọi là “tờ giấy lộn” ấy, theo nhà phân tích thời cuộc Zang Shan, chính là cái tát vào mặt Trung Quốc, cho dù họ có chịu công nhận hay không.

Thậm chí chỉ ít ngày trước khi có phán quyết, chính phủ Trung Quốc đã cho tổ chức một vài cuộc tập trận trong khu vực Trường Sa, cho Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo khoe khoang nhận được sự ủng hộ của hơn 60 quốc gia (trên thực tế chỉ có vài nước ở xa lơ xa lắc chính thức lên tiếng), và đặt quân đội trong tình trạng báo động. Tuy vậy, ngay sau phán quyết, chính phủ Trung Quốc đã lập tức lớn tiếng gay gắt phản đối, các bản tin chỉ trích phán quyết của toà PCA xuất hiện trên tất cả các diễn đàn trong nước, học sinh sinh viên xuống đường biểu tình và công dân mạng thì sôi sục vì giận dữ, làm như mọi người dân Trung Quốc đã sẵn sàng trong tư thế chuẩn bị chiến tranh không bằng. Song chính phủ Trung Quốc cũng biết rằng họ không thể để cho tình trạng trên leo thang đến mức không kiểm soát nổi và đã tự động cho giảm nhiệt mấy ngày sau đó.

Lý do chính mà chính phủ Trung Quốc nói rằng phán quyết của toà án hoà giải tại La Haye không hơn gì “một tờ giấy” là vì toà trọng tài này không có quyền bắt buộc các quốc gia có tên trong vụ kiện phải thi hành theo đúng phán quyết. Kể từ sau Thế chiến II đến nay đã có nhiều phán quyết của Toà Trọng tài đưa ra nhưng vẫn không được thi hành, kể cả những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, như nghị quyết buộc Bắc Hàn phải ngưng phát triển chương trình vũ khí hạch tâm, cũng không được thi hành, tuy nhiên, phán quyết của Toà Trọng tài PCA tại La Haye vừa qua có thực sự chỉ là tờ giấy hay không? Cho dù Trung Quốc có thể phớt lờ phán quyết của toà thì phán quyết trên vẫn đẩy Trung Quốc vào thế bị động trước dư luận và trên trường ngoại giao quốc tế.

Biếm họa về đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông - nguồn  japantimes.co.jp
Biếm họa về đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông – nguồn japantimes.co.jp

Phán quyết của Toà Trọng tài về vụ tranh chấp tại Biển Ðông vừa qua mặc dù không có quyền tài phán để buộc bất cứ ai có liên quan phải tuân thủ, nhưng nó có đủ cơ sở để các quốc gia trong khu vực cũng như Hoa Kỳ, Nhật Bản và những quốc gia khác dựa theo đó trong những cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề Biển Ðông và phản bác lại lập luận của Trung Quốc trên chủ quyền Biển Ðông. Có lẽ hiểu được điều đó nên trong mấy ngày qua phía Trung Quốc đã có vẻ dịu giọng kêu gọi Phi Luật Tân cùng chia nhau quyền lợi tại bãi đá cạn Scarborough chứ không chỉ nói suông về đàm phán song phương hay cương quyết nhận hoàn toàn chủ quyền như trước đây, mặc dù lực lượng hải quân Trung Quốc vẫn tiếp tục ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân đánh bắt cá trong vùng. Tuy nhiên, đây có thể là dấu chỉ cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng thay đổi và bớt giọng kẻ cả hơn trong chính sách về Biển Ðông đối với các nước trong khu vực. Do đó, không phải là không có lý do khi đã có một số nhà quan sát tình hình xem phán quyết của Toà Trọng tài về vấn đề Biển Ðông vừa qua là bước ngoặt lịch sử đối với Trung Quốc.

VH