Menu Close

Đường Nguyễn An Ninh – Một sự trở về

Tôi gặp Vinh ở Câu Lạc Bộ Doanh Nhân. Dáng người tầm thước, nước da ngăm ngăm rắn rỏi, ít ai biết Vinh chỉ mới sống ở Việt Nam độ 3 năm nay sau mấy chục năm định cư tại Canada. Anh về nước vài lần làm chuyên viên kiểm toán cho một hai công trình xây dựng của ngoại quốc đầu tư, rồi sau đó quyết định thành lập công ty kiểm toán độc lập do anh cùng vợ và bạn bè góp vốn. Chị là nhân viên của KPMG Sài Gòn, sau vài lần cộng tác, anh chị bén duyên và thế là anh ở lại, chấm dứt những chuyến đi đi về về lùi lũi mười mấy tiếng trên máy bay.

Trò chuyện vài lần với anh mới biết là người cùng quê. Thiệt ra cũng chẳng phải là chốn quê như người ta thường nói. Anh và tôi đều lớn lên từ một con đường miệt Gia Ðịnh mang tên Nguyễn An Ninh. Có điều tôi ở đầu đường còn anh thì cuối phố. Hồi trước năm 1975, con đường ngắn ngủn vì bị xây chặn lại tách biệt với khu gia binh. Nhắc lại tiệm tạp hóa bà Mập bán đủ thứ trên đời, anh và tôi cùng cười ha hả vì từng một thời xin tiền ba má chạy ra đó mua súng gươm nhựa về chơi, dĩ nhiên là không quên tha thêm miếng bánh miếng kẹo để nhâm nha.

-Chà, thấm thoắt vậy mà cũng mười chín năm rồi em chưa quay về đó.

Vinh nhìn tôi, ánh mắt như có nắng:

– Sao vậy, em sống ở Vũng Tàu, muốn về thăm thì dễ ợt mà.

– Dạ, tại chẳng biết ai còn đó mà về thăm. Không lẽ chạy xe vù ngang một cái rồi thôi.

Anh nhìn ra đường sá xe chạy vun vút một hồi rồi bỗng dưng hỏi:

– Có muốn về chơi không?

Anh day mặt lại nhìn xoáy như đo độ ngạc nhiên trong tôi.

– Ủa?

– Ừ, anh có căn nhà cũ ở đó.

– Vậy lâu nay, gia đình anh vẫn ở đó hả?

– Không, không có, nhưng sẽ.

Vinh chậm rãi rút bao thuốc Marlboro, kéo một điếu đưa lên môi đốt. Khói thuốc ve vãn gương mặt anh như muốn giày vò cơn tò mò nơi tôi.

– Anh mới xin lại nhà, giấy tờ gốc hồi xưa bà già còn giữ. Sẵn bà xã anh quen nhiều cán bộ trên thành phố nên một tay chỉ lo hết. Anh đang cho thầu thợ dọn dẹp, chỉnh trang. Lâu năm quá, căn nhà cũng hơi tàn tạ, anh định sửa lại rồi cho thuê hay bán. Vợ anh vẫn muốn ở bên quận 2, còn bà già yếu rồi không về Việt Nam đâu.

– À, ra là vậy.

– Ừ,… thành thử, nếu em muốn “nostalgic” một chút thì anh để em về đó ở một tuần cho thỏa. Anh sắp sửa cho tân trang lại cái nhà nên mai mốt sẽ bề bộn lắm.

mot-su-tro-ve
Hoàng Tường

o O o

Con đường xưa, nay bỗng trở nên chật chội hơn bởi những căn nhà mặt tiền nghều nghễu 3, 4 tầng thập thõm hai bên. Taxi đưa tôi đến một con hẻm lớn rồi dừng lại. Vì muốn có cảm giác “về quê” nên tôi đề nghị Vinh chuyển cho tôi địa chỉ để tự tìm đến. Thiệt ra, đường Nguyễn An Ninh cũng ngắn và thẳng thớm nên việc tìm nhà không mấy khó. 19 năm trước, sau khi ba má tôi về dưỡng già trên rẫy của anh chị hai tôi, còn tôi ra Vũng Tàu làm cho công ty dầu khí và sau đó ra riêng làm thầu dịch vụ nhỏ trong ngành với tay đồng nghiệp thì tôi cũng chẳng còn gì để dây dưa với nơi chốn cũ. Nay Vinh đã mở lời mời và sẵn dịp rảnh rỗi ở thành phố nên tôi không mấy do dự.

o O o

Mở cổng đón tôi là một anh thợ được cử ở lại canh nhà. Vinh đang đi công tác ở tỉnh Hải Dương nên tôi sẽ tự xoay sở lấy. Tôi nhận ra ngay đó là một trong bốn căn biệt thự xưa tọa lạc ở con đường này. Lọt thỏm trong vùng dân cư lao động của Xóm Giá, những biệt thự kiểu nhà Tây này uy nghi như những lầu ông hoàng bà chúa, tuy chẳng thể nào so sánh với những khu sang trọng ở trung tâm thành phố. Ðiểm đặc biệt ở ngôi nhà anh Vinh là nó mang dáng dấp nửa Tây nửa Tàu. Ba của anh là người Hoa sanh đẻ tại đây, còn ông bà nội vốn từ Quảng Ðông qua lập nghiệp. Nhờ sinh trưởng tại vùng Gia Ðịnh thuần Việt và mẹ anh gốc gác Bình Dương nên khó lòng biết Vinh là người Tàu lai.

Dọn vali vào phòng trong, tôi ngược trở ra khách sảnh rộng hút lên tận mái ngói. Như lời Vinh nói, ngôi biệt thự đang được dọn dẹp để chuẩn bị tân trang lại. Mà nhìn ngắm kỹ thì có lẽ chỉ cần thay mới giàn kèo mái ngói và cạo tường sơn lại, chứ nhà xây gạch bề thế kiểu xưa xem ra vẫn còn vững chãi lắm. Khu vườn bao quanh thì có phần um tùm. Gia đình Vinh di tản vào cuối cuộc chiến, giao lại cho một người bà con, vài năm sau người này vượt biên thì nhà bị lấy phân cho cán bộ nhà nước, nhưng không biết vì lý do gì mà họ cũng không mặn mà lắm. Nhà tôi trước ở đầu kia con đường nên chẳng mấy quan tâm.

o O o

Trời nhập nhoạng tối, tôi bật đèn phòng khách rồi bước ra vườn cho thoáng đãng. Ngoài đường đã lên đèn nhưng không mấy nhộn nhịp. Nhớ thuở nhỏ, mỗi tối con nít ùa ra đường chơi năm mười tạt lon sau giờ học bài. Còn bây giờ ắt hẳn ti vi và game vi tính đã giữ chân trẻ nít. Tôi thủng thỉnh lần bước ra phía sau nhà, nơi những đống xà bần và dây leo, cỏ dại còn vương vãi. Bèn quành lại sân trước, trong vali chỉ mang theo vài bộ đồ nên tôi ngại bẩn.

Phía trước nhà, nơi góc vườn thấp thoáng một hồ nước nhỏ, trên bờ gạch bao quanh hồ có tượng con cóc ngậm tiền bằng sứ xanh. Hẳn trước đây cóc phun vòi nước xuống hồ. Tôi ngồi xuống bên cóc, thả chân dọc nước cho sạch bụi. Trời mùa hè ẩm thấp nên nước hồ mát có phần làm tôi dễ chịu. Tay tôi xoa đầu cóc tròn lẳn. Ai đúc tượng cóc thiệt khéo, con mắt lồi khép hờ xem ra rất có hồn, em cóc như ngoan ngoãn nghe lời khi được vuốt ve. Nhìn những vệt loang lổ theo năm tháng trên mình cóc, tôi nghĩ nó cùng tuổi với căn nhà. May là tượng được đúc chặt vào thành hồ nên không bị suy suyển là mấy, chẳng biết nay mai sửa nhà liệu em có được yên thân. Bật cười với sự nhân cách hóa ngớ ngẩn của mình, tôi vịn tay lên đầu cóc, đứng dậy về phòng ngủ sớm.

o O o

Tôi chạy theo thằng bé, chỉ thấy cái chỏm tóc đen chứ nó không quay mặt lại nên tôi chẳng biết nó con nhà ai. Nhưng tôi không cưỡng lại được, cứ muốn đuổi theo nó. Ðến chừng tưởng những sải chân dài của tôi đã đuổi kịp thì thằng nhỏ biến đâu mất tiêu, chỉ còn tôi trơ trọi giữa hành lang mái hiên trống trải. Trời tối hiu hiu gió, le lói ánh sáng từ chiếc đèn lồng Tàu to bằng kiếng mờ khung gỗ chạm trổ tinh xảo treo phía cuối hành lang. Tôi như bị thôi miên bởi ánh sáng mờ ảo đó, chân bước đến mà lòng tê lạnh. Bỗng đâu có tiếng cười nắc nẻ từ cửa sổ một bên hành lang. Tôi giật thót người, xoay qua, và tỉnh giấc. Lồng ngực vẫn còn thình thịch tiếng tim đập, cổ họng khô rang. Ngoài cửa sổ phòng, nắng đã lên cao.

o O o

Tôi ghé nhà thằng bạn hàng xóm thuở trước, rủ nó đi ăn quán. Không thân thiết là mấy, chỉ là qua lại thuở thiếu thời. Nó bệt mặt ra, hỏi mày về bao giờ, làm ăn gì ở đây. Nó còn ngạc nhiên hơn khi biết tôi có nhà nghỉ “hạng sang”. Hàn huyên tâm sự một hồi, nó đưa chân tôi về lại biệt thự. Rủ nó vào, nó chỉ cười gượng từ chối, bảo tao dân ở đây, rủi có ai thấy ra vô nhà người sang thì kỳ. Nhưng tôi thấy ánh mắt nó có phần nào dè dặt. Tôi bảo, ừ thôi mai hay mốt gặp lại, tao còn ở đây đến cuối tuần. Trở vô nhà thì buồn, mà giữ nó nói chuyện vãn cũng chán. Lâu nay không liên lạc, chẳng biết gì để nói.

o O o

Tôi chạy theo thằng nhỏ, lần này mở hết tốc lực, mà nó vẫn mất dáng, nhưng tôi kịp thấy nó lách vào một lùm cây. Lần trước, ánh đèn lồng mờ quá nên tôi không thấy rõ. Vén lùm cây lá rậm rạp sang một bên, khó khăn lắm, tôi mới chui qua được. Trước mặt là những luống hoa vàng lườm chạy đến căn nhà nhỏ vẹo xiêu, bên trong cũng vàng vọt ánh đèn lồng. Lùm cây phía sau bỗng đổ sụp làm tôi la hoảng.

– Dậy, dậy, mớ gì mà la dữ ông?

Tôi mở mắt ngẩng đầu, thoáng run rẩy. Vinh đã đứng bên giường, miệng cười rạng.

Vinh dẫn tôi ra quán cà phê đường Lê Quang Ðịnh ăn sáng. Ðường này nối liền Bà Chiểu lên Gò Vấp, vẫn nhộn nhịp như thuở nào song vẫn chưa kéo tôi thoát khỏi nỗi bồn chồn. Vinh chờ đợi tôi, hoặc chẳng có gì để chờ đợi, anh chỉ lặng lẽ quan sát xem vị khách mời có muốn gọi gì thêm. Sống ở nước ngoài quen, anh không đon đả mọc mời. Tôi ngập ngừng, nhưng vì sự trùng lắp và tiếp diễn của hai giấc mơ lạ, tôi đành quên đi nỗi xấu hổ.

o O o

Vinh sai thợ đập bức vách ai đó xây sau này, bởi nó không ăn khớp với kiểu cách của ngôi nhà, không đắp chỉ tường, không cẩn gạch, màu sơn nhuệch nhoạc. Lộ ra sau nó là một hành lang mái hiên. Tôi điếng người khi nhận ra cái hành lang trong giấc mơ, hoặc tôi cố tình cho là vậy, bởi tôi cũng không rõ. Không có cái lồng đèn Tàu nào ở cuối hành lang. Cũng chẳng có lùm cây nào ở đó, chỉ một bức tường chặn lại, hành lang rẽ sang hàng hiên khác sau nhà.

– Hành lang này hồi trước không có dùng, chỉ tại thế đất dư ra nên làm hiên để che mưa nắng cho mấy cái cửa sổ hông nhà. Sau này mấy gia đình vô ở xây tường chắn lại.

– Không thấy lồng đèn treo.

– Hồi trước có, ba tôi cho treo ở đó để nó chạy ra đây chơi.

– Ai?

– Thằng nhỏ. Em tôi.

Mặt Vinh như đanh lại, mắt thoáng bạc.

o O o

Em tôi tính tình lặng lẽ lắm. Nó không thích chỗ đông người. Thành thử, trong nhà nó chỉ thích quanh quẩn chạy giỡn ở góc hồ nước là một, hành lang đó là hai. Tôi thương nó lắm nhưng không gần gũi, chỉ thích ra đường chơi, thích tìm bạn. Máu dân business từ nhỏ.

Nó mất rồi. Chết? Mất tích? Tôi cũng không rành. Bị hồi đó chạy di tản 30 Tháng Tư, ba tôi dẫn má và hai anh em chạy đến sở Mỹ mà chen vô không nổi. Có người mách nước là chạy ra Quân Cảng bên Cát Lái, cũng nghẹt kín. May mà ba tôi lanh trí cho tiền dân địa phương, họ dẫn vòng ra ngõ sau, chui qua hàng rào vô bến tàu. Nhưng hồi chen nhau lên tàu, em tôi nhát đám đông nên khóc ngặt rồi bị dòng người đẩy lùi té xuống nước. Muốn trở lại cứu nó cũng không xong. Người ta cứ đẩy tới. Rồi tàu chặt dây rời bến. Hỗn loạn lắm. Má tôi ngất lịm mấy ngày. Mà má thương tôi nhiều nên bà phải ráng sống. Má không gần thằng nhỏ lắm. Ừ, ngộ, trong nhà nó không quanh quẩn ai. Trừ một người. Bà vú. Bả mất một tháng trước khi tôi đòi được nhà.

Tôi không hiểu tại sao em của Vinh xuất hiện trong giấc mơ tôi. Vinh không thắc mắc. Tôi cũng không sao giải thích được. Tôi định bỏ về Vũng Tàu. Nhưng thấy mình là cơ duyên làm Vinh xao động, tôi ngại bỏ anh lại. Vả tính tôi không sợ ma, tôi không tin một linh hồn bé bỏng của mấy chục năm trước có thể hại tôi. Nhưng mà. Ừ, quên, tôi có máu thám tử, tò mò chuyện gì là tìm cho ra tông tích. Nhưng lần này chắc lung tung thì có.

o O o

Tôi hẹn gặp thằng hàng xóm. Hỏi, mày không bước vô nhà đó vì mày sợ ma. Tao đọc được ánh mắt mày.

– Ừ, phải. Mấy gia đình dọn vô ở mà không được. Thành thử nhà nước cứ treo đó. Giờ chủ cũ đòi lại chắc là yên. Ai biểu mày vô ngủ nên nó nhát.

– Vậy là nó chết ngoài bến tàu?

– Ðâu phải. Tao thấy nó vẫn ở đó sau giải phóng. Sau đó thì mất tiêu.

– Sao mày biết?  Tôi trợn ngược.

– Nhà bà người làm hồi sau giải phóng bị ngăn lại không cho lên nhà trên, nên bả phải trổ cửa ra hẻm đằng sau. Tao thường qua lại hẻm đó nên thấy thằng nhỏ thấp thó trong nhà bả. Không thấy nó ra đường, mà tao hồi đó cũng không thắc mắc. Nó con nhà giàu mà.

Tôi hồi đó cũng ít khi đi chơi với thằng hàng xóm nên cũng không rõ.

o O o

Vinh dắt tôi vòng ra hẻm sau nhà. Anh trước giờ không qua lại hẻm này nên sự xuất hiện làm dân hẻm lăng xăng.

– Bà vú người Quảng Ðông. Theo chồng sang đây. Ông bà nội thấy đồng hương nên cho vô làm. Bả hầu ba má tôi rồi nuôi anh em tôi. Chồng bị bệnh mất sớm, ba má cho bả dọn xuống cái nhà kho góc vườn sau.

Vinh hỏi dân hẻm xem ai từng thấy cậu em. Chỉ một vài người ở lâu năm mài mại nhớ. Tại bà Tàu không rành tiếng Việt nên không giao thiệp. Tại bà là người của nhà giàu nên cũng kín kẽ. Sau này trổ cửa ra hẻm sau, bà chỉ lùi lũi đi về, sống bằng nghề ve chai. Có, tôi có thấy nè. Mà lâu quá, mấy chục năm rồi. Ngày đó tôi đầu xù tóc rối mà giờ hói lọi ông à. Chỉ nhớ là thấy thằng nhỏ trong cái nhà nhỏ đó. Nó chỉ ở đâu vài tháng rồi đi mất tiêu, ai biết. Hồi mấy năm gần đây, bà già như người mất trí, cho đến khi chết, công an đem hỏa táng như người tứ cố vô thân. Nếu ông không về đòi nhà, cũng không ai dám vô. Mấy ông cán bộ được phân cho nhà cứ đâu vài tháng là bỏ đi. Hình như có ma nhát.

o O o

Tội cho Vinh. Anh như sụt hẳn người. Vậy là em anh không chết ở bến tàu sao? Sao mà nó về đây được.

– Tôi nghĩ là có thể. Em tôi cô độc nhưng rất lanh trí. Hồi tiểu học, nó học khá lắm. Ba má tôi hỏi những câu dễ, nó không thèm trả lời, mà hỏi câu khó khó thì nó nói trúng phóc. Nếu có người vớt lên, thì họ cũng có thể dẫn nó về nhà nếu nó cho địa chỉ. Có gì khó!

– Nhưng sao nó không sống với người bà con ở nhà trên mà ở nhà dưới với bà vú.

– Nó không thích họ nhiều chuyện. Họ vượt biên nhưng tụi tôi không giữ liên lạc. Có thể họ cũng không hay là thằng nhỏ về. Tôi sợ là biến cố 30 Tháng Tư, tai nạn đột ngột nơi bến tàu làm em tôi sốc, nó càng co cụm hơn. Chỉ có bà vú là hiểu nó. Mà bả thì … ai biết được. Nếu nó về báo mộng trong vóc dáng một đứa bé thì nghĩa là nó chưa bao giờ tồn tại trong hình hài một người lớn.

Vinh tối sầm mặt ngoảnh đi.

o O o

Vinh dẫn toán thợ vẹt những bụi cây um tùm che khuất nhà kho. Họ gỡ những mảnh ván đóng chặn cửa mở vào khu vườn và cánh cửa sổ duy nhất. Tôi ớ người, cổ họng khô rang. Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo trong giấc mơ thứ hai. Vinh như đã biết trước sau khi nghe kể chuyện tôi mơ nên vẫn bình thản. Anh cũng đã an bài rằng em mình chết hồi 1975. Cái mông lung duy nhất là cậu em xuất hiện ở đây sau đó. Và lại biến mất. Hoặc chết lần nữa. Tại sao?

Từ sau ngày bà vú mất cũng chẳng ai muốn vào dọn dẹp nhà kho. Phần vì bà sống bí ẩn quá nên bên trong có phần nhếch nhác tênh hoang. Phần vì biệt thự nhà trên bị đồn thổi đủ chuyện ma quái. Rồi chị Vinh ráo riết đòi nhà nên địa phương cũng buông lơi để mặc cho chủ nhà vô giải quyết. Nhà kho đó làm gì có chủ quyền nhà. Châu về hợp phố là hợp lý thôi.

Vinh và hai người thợ bước vô nhà kho nhờ nhạt, chân đá phải những thau thúng loảng xoảng khiến tôi như choàng tỉnh, vội theo vào. Vô tình, tôi đẩy toang cửa hơi mạnh tay làm rung rinh căn nhà gỗ. Một vật gì đó to lớn, đen nhẻm bụi hóng rơi xuống trước ngực, theo phản xạ, tôi vội chụp lấy, ghì chặt. Rồi tôi vùng đẩy ra. Nó vỡ toang văng mảnh tung tóe trên sàn đất. Một chiếc đèn lồng Tàu to tướng, khung gỗ chạm trổ tuyệt đẹp. Tôi không nhớ mình có hét lên không. Nhưng cái cách Vinh sụp xuống ôm lấy cái khung đèn khiến tôi không thể quỵ ngã. Tôi không thể yếu đuối hơn một người cần nâng đỡ.

o O o

Tôi khuyên Vinh về quận 2 với vợ con vài hôm cho khuây khỏa. Nhưng anh gạt đi bởi anh không tin mình có thể khuây khỏa ở bất cứ nơi nào trên quả đất, dù là nhà quận 2, dù là Canada hay những công trình ngoài Bắc đang chờ anh trở lại. Anh bảo, hẳn là cậu em biết anh về nên báo tin. Nhưng tại sao chọn tôi làm sứ giả thì không hiểu được. Cũng chính vì lý do này mà anh năn nỉ tôi nán lại. Tối hôm sau, anh rước thầy về tụng kinh rồi khấn. Anh cho lập bài vị của cậu em và bà vú. Ánh mắt anh đau đáu nhìn tôi làm tôi hoảng. Nhưng tôi biết là tôi phải thí thân lần nữa. Tôi nhắc lại, tôi không sợ ma, tôi chỉ sợ những suy đoán chủ quan len vào giấc mộng.

o O o

Chúng tôi cúng rồi chúng tôi đào lật nền nhà kho. Những bước chân của bà vú giẫm đạp dẫu nhẹ nhàng nhưng hơn 30 năm vẫn đủ sức làm khó những nhát cuốc. Hơn 6 tấc đất, cuốc chạm phải mặt ván mục, rồi lật tung những vóc vải nát mà tôi đoán là áo quần cậu bé. Và cuối cùng là những mẩu xương nhỏ cùng hộp sọ. Bí ẩn được giải đáp sau mấy mươi năm. Miễn là họ tin vào giấc mơ tôi. Chứng cứ duy nhất.

o O o

Cậu bé khỏe mạnh nhảy nhót trên những chiếc ghế rồi chồm qua chiếc giường. Lăn lộn một hồi, cậu lại nhảy xuống đất, kéo rê cái bàn qua một bên để trèo lên. Phía trên trần lủng lẳng chiếc đèn lồng xưa xem ra quá khổ với mái nhà kho lè tè. Cậu tìm đâu được một mảnh giấy và hộp diêm, vo giấy lại châm thành một mồi lửa, đứng với trên bàn cố luồn đốm lửa vào đèn cầy từ phía dưới đèn lồng. Loay hoay một hồi, chiếc đèn lồng cũng sáng bừng lên. Song cái cú nhón cuối cùng làm em lỡ đà hụt chân chới với, Mặt em va vào góc tủ rồi em sóng soài trên nền đất. Máu loang đỏ trên nền đất đen. Một hồi lâu, một bà xẩm đi vào hốt hoảng vồ lấy người cậu lay hoài rồi bà rú lên, ôm cậu chạy đi. Tôi như bị kéo theo, cứ chạy sau cách khoảng vài bước chân. Bỗng cậu bé vực mặt lên, chỉ tay vào lưng bà vú rồi lắc tay ra dấu như nói rằng bà không có lỗi. Ðoạn cậu cười thật hiền, nhưng tôi vẫn không nhìn rõ được ánh mắt của em.

o O o

Tôi bước lên xe taxi, từ biệt con đường. Một lần về dun rủi đầy ẩn ý nhưng tôi chẳng bận lòng. Giúp được một gia đình giải mã những ẩn khuất dẫu tôi không mong tái lập kỳ duyên đó. À mà tôi quên kể, anh Vinh có cho biết là em của anh ngày trước thường ngồi vọc nước bên hồ vuốt đầu tượng cóc xanh. Sáng nay, anh phải bay sớm ra Hải Dương, nên tiễn tôi đi vẫn chỉ là anh thợ giữ nhà. Những toán thợ mới đang rình rang dựng giàn giáo để dỡ mái ngói. Khi xe chạy rồi, tôi ngoảnh lại, vượt lên trên mái ngói âm u, trời trong veo, rạng rỡ.

K – 201