“Các thành phố lớn ở Việt Nam, bao giờ cũng bắt đầu ngày trước khi mặt trời mọc. Có nhiều chợ trời họp ở các vỉa hè, chỉ được họp từ 4 giờ đến 6 giờ sáng rồi phải “giải phóng” ngay, để các chủ căn nhà thuộc vỉa hè đó còn mở cửa, bán hàng. Người đi chợ mua bán eo xèo, tiếng xe máy nổ rầm rầm, tiếng xe thồ lộc cộc nghiến bánh trên mặt đường nhựa đầy ổ gà, tiếng rao hàng ơi ới của các bà bán hàng rong… quyện thành một thứ âm thanh hỗn độn, pha trộn các thứ tiếng lao xao xen lẫn với tiếng ỳ ầm, inh ỏi…”
“Sau đó mới đến các quán cà phê, quán phở, bánh mì, xôi, cháo…vv… mở cửa, và lấp đầy khách chỉ trong chớp nhoáng. Ðủ mọi loại khách hàng, từ viên chức nhà nước đến nhà văn, nhà báo, nhà giáo, từ thương gia, đến người lao động…Chính những nơi đây là nơi thông tin nhanh nhất. Vì thế tờ báo Nhân Dân hôm nay, vừa được một vài người trong quán liếc thấy, là tin đi nhanh như điện chuyền: Ở ngay trang đầu có tấm ảnh màu, chụp Ðại Lão Hòa Thượng Huyền Quang của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đang ngồi đàm đạo tay đôi với Thủ Tướng Chính Phủ. Chưa cần xem bài báo nói gì, người ta đã xôn xao: “Ơ kìa! Chuyện gì mà ngoạn mục thế này?” “Chu choa! Chuyện nghìn năm một thuở.” “Ủa, chiện chi lạ dzậy, cà?” “Ừ hé! Mà có thật không dzậy, hay là anh nào đùa dai?” … [Chuyển Mùa. Chương 39, trang 786]
“Chuyển Mùa” dày 800 trang được độc giả mệnh danh là trường thiên tiểu thuyết chính trị-thời đại. Bởi vì nội dung của tác phẩm nói về quan điểm chính trị liên quan đến xã hội Việt Nam, của cả người quốc gia và người cộng sản, trong giai đoạn từ sau năm 1975. Ðây là khúc quanh ngặt nghèo và cũng là dấu ấn khó phai nhòa của Miền Nam Việt Nam, buộc phải thay đổi hệ thống suy tưởng-văn hóa-giáo dục-chính kiến, theo đúng chủ trương chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội. Cho đến nay, dẫu 41 năm đã trôi qua, những điều từng xảy ra trong quá khứ vẫn đang xảy ra ở hiện tại, không có tín hiệu cho thấy sẽ kết thúc. Sự bất đồng quan điểm về cải cách kinh tế, văn hóa, chính trị, hay sự đối lập về tư tưởng khi nói đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, vẫn là những vấn đề nan giải, không thể hòa hợp giữa những người Sài Gòn xưa và những người Sài Gòn nay. Ngay cả giới trẻ, những người sinh sau đẻ muộn, trưởng thành khi đất nước không còn biên giới ngăn chia ở Cầu Hiền Lương, ở giòng sông Bến Hải, vẫn cảm thấy sự bất thường trong thể chế độc đảng. Nhà nước không chấp nhận những gì đi ra khỏi khuôn khổ của chế độ, bất cứ ai lên tiếng dù là sinh viên, là công dân, là văn nghệ sĩ, hay là các nhà hoạt động xã hội dân sự, đều bị bắt giữ theo Ðiều 79 và Ðiều 88 của Bộ Luật Hình Sự, và bị cáo buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá nhà nước.
Tác giả Trương Anh Thụy sinh tại Hà Nội, di cư vào Miền Nam Việt Nam năm 1954. Bà là học sinh của Trường Nữ Trung Học Trưng Vương từ năm 1954 đến năm 1956, sau đó sang Hoa Kỳ du học vào năm 1961. Tác phẩm “Chuyển Mùa” được Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do trao tặng Giải Văn Học Năm 2004, gồm có ba tập là “Trạm Nghỉ Chân,” “Ma Lộ,” và “Chuyển Mùa.”
Có thể nói “Chuyển Mùa” đề cập đến hai hệ tư tưởng song song không bao giờ gặp nhau. Hai hệ tư tưởng này giống như hình học Euclide, cùng nằm trên một mặt phẳng, không có điểm chung, không giao nhau, hoặc không cắt nhau. Tuy nhiên, cũng giống như định đề Euclide, hai đường thẳng song song có thể trùng nhau, cắt nhau tại ít nhất một điểm nào đó. Tư tưởng của những nhân vật trong “Chuyển Mùa,” cũng có những điểm trùng lắp, những điểm giao nhau như vậy. Ðây là nhận xét và cũng là cảm nghiệm của tác giả Trương Anh Thụy, khi theo dõi nhịp đập của trái tim Việt Nam suốt mười năm, trước khi ký gửi những điều trông thấy vào “Chuyển Mùa.” Tác phẩm vừa mở ra không gian mênh mông trùng điệp, của một giai đoạn lịch sử đầy biến động tại Việt Nam, vừa nhấn mạnh đến mộng tưởng tuyệt vời của giới trẻ, khi họ nhìn về tương lai quê hương.
HNP – 8:55am Chủ Nhật ngày 24 tháng 07 năm 2016