Menu Close

Hành trình của Pokémon

Năm nay, 2016, đánh dấu ngày Pokémon tròn 20 tuổi. Chẳng mấy người trong tuổi trung niên biết Pokémon, nhưng con em họ thì rành về Pokémon lắm lắm.

hanh-trinh-cua-pokemon3

Danh xưng Pokémon là tên gọi tắt của “Pocket Monsters” hay “”, tên Nhật Bản được phiên âm theo Anh ngữ, dịch nôm na theo tiếng Việt ta là “Quái vật bỏ túi”. Pokémon không chỉ là tên gọi của một trò chơi điện tử mà cũng là thương hiệu của công ty chế tạo trò chơi ấy. Trò chơi Pokémon gồm nhiều món, tính đến năm nay đã có 722 món trò chơi dưới thương hiệu Pokémon, như Pokémon X, Pokémon Y. Ðặc điểm của Pokémon là lặp đi lặp lại tên “gốc”, một cách quảng cáo hữu hiệu. Tương tự như hãng Trái Táo Sứt sử dụng tên gọi iPhone, iPad, iPod… đến nỗi khách hàng quen thuộc với sản phẩm của họ, và từ đó, món chi bắt đầu bằng chữ “i” cũng được gom chung với Trái Táo Sứt.

hanh-trinh-cua-pokemon
Satoshi Tajiri – nguồn idigitaltimes.com

Satoshi Tajiri là cha đẻ của Pokémon, ông ấy tạo ra một sản phẩm với đầy đủ cảm tính của con người vào năm 1995 sau 6 năm “thai nghén”. Trong thời gian ấy, ông Tajiri hầu như cạn túi, không còn đủ tiền trang trải chi phí cho công ty non trẻ, GameFreak, của ông ấy. Nhân viên bỏ việc khi nghe tin công ty khốn quẫn. Chính ông ta là sếp lớn cũng không thể tự trả lương mà phải nương tựa vào gia đình để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp! Tạm hiểu là giấc mộng chế tạo một trò chơi điện tử gian nan không kém chi việc ông Jobs thai nghén chiếc máy điện toán đầu tiên. Ông Tajiri cho rằng chính áp lực sống còn kia khơi mầm cho trí óc tưởng tượng phong phú. Con quái vật bỏ túi nọ phải bé bỏng và dễ điều khiển, như con quái vật trong tâm tưởng con người với đầy đủ hỷ nộ ái ố! Và ông ấy mê mải tiếp tục làm việc. Khi Pokémon ra đời thì trò chơi điện tử đi vào một giai đoạn khác, các kỹ thuật chế tạo mấy món “Game Boy” (trò chơi điện tử dành cho trẻ em trai) như Pokémon đã trở thành đồ… cổ, không còn mấy hấp dẫn nữa. Và ông chủ Tajiri chẳng hy vọng cho lắm vào đứa con tinh thần sinh sau đẻ muộn được các hãng sản xuất & phát hành chiếu cố. Cuối cùng, Nintendo nhận sản xuất Pokémon dù không mấy hăm hở chờ đợi.

Nhưng chẳng mấy ai học được chữ ngờ. Trong khi giới trẻ Huê Kỳ chê “Game Boy” và các hãng sản xuất điện tử bắt đầu loại bỏ các trò chơi ấy thì giới trẻ Nhật Bản lại chưa… chán. Chúng chiếu cố Pokémon kịch liệt, có thể vì con quái vật bỏ túi kia gần gũi hơn, có vẻ Nhật hơn? Hoặc giả trò chơi tạo dựng bằng kỹ thuật cũ rẻ hơn, hợp với túi tiền trẻ em hơn so với các trò chơi mới, lộng lẫy và hấp dẫn nhưng cao giá nên khó cáng đáng? Tính toán hơn thiệt kỹ lưỡng xong, công ty Kubo phát hành Pokémon và phát hành luôn cả một chuỗi truyện tranh hoạt họa đi kèm với những tấm ảnh dùng để đổi chác, trading card, làm quà tặng. Thế là cuộc đời của Pokémon từ từ đi lên dù trò chơi lẫy lừng (trong giai đoạn ấy) là Final Fantasy đang hàng đầu vượt xa trò chơi cũ, Pokémon cứ thủng thẳng chiếm chỗ đứng trong thị trường trò chơi điện tử, chậm mà chắc (ăn)!

hanh-trinh-cua-pokemon1
Denno Senshi Porygon – nguồn www.dudemag.it

Một năm sau khi Pokémon được khai sinh, năm 1996, con quái vật bỏ túi nọ tiếp tục sinh sôi nảy nở qua hai thập niên. Tính đến nay, Pokémon đã trải qua “thế hệ” thứ sáu, mỗi “thế hệ” đại diện bằng một thảo trình gốc, nhưng nhìn chung Pokémon vẫn là một loại trò chơi điện tử. Mọi câu chuyện đều xoay quanh Pokémon; Pokémon chơi bóng chày trong môn thể thao, bắn súng nhanh hơn điện chớp khi trở thành hiệp sĩ trừ gian diệt bạo… Ðại khái là Pokémon muôn hình muôn vẻ, biến dạng theo các tay viết thảo trình điều khiển nó.

Khái niệm “chế biến”dựa trên sự tranh đua để đến đỉnh kim tự tháp, không khác chi ngày xửa ngày xưa cụ Kim Dung thần sầu đã chế ra các món bửu bối để giang hồ hắc bạch đua nhau đi tìm và uýnh nhau kịch liệt mà tranh giành, lúc thì Cửu Âm Chân Kinh khi thì kho báu… Món chi cũng đưa con người đến chỗ vinh hoa, phú quý, giang hồ đệ nhất giỏi hay đệ nhất giàu! Trò chơi Pokémon cũng in thế, cũng là một thế giới ảo, người chơi được gọi là ‘huấn luyện viên’ và tay chơi có hai mục đích chính. Thứ nhất, thu góp mọi ‘sinh vật’ trong thế giới ảo của trò chơi, càng nhiều càng tốt, và thứ nhì, huấn luyện thế nào để các quái vật bỏ túi [thu góp được] tranh tài với nhóm quái vật bỏ túi của huấn luyện viên khác xem ai thắng. Nghĩa là huấn luyện viên tranh tài với nhau qua việc điều khiển các quái vật bỏ túi. Mỗi lần “thắng” là huấn luyện viên được “lên” một nấc thang cho đến khi trở thành tay chơi giỏi nhất, từ Pokémon League đến Elite Four rồi Regional Champion để trở thành “Master Trainer” hay “giang hồ đệ nhất”. Người chơi “thắng” qua việc tính điểm. Và chính những cuộc so tài kia khiến trẻ em tiếp tục mua trò chơi để tỷ thí nếu lỡ thua hoặc đã thắng nhưng cứ muốn tiếp tục thắng. Công ty sản xuất cứ thu bạc đều đều khi món hàng của họ vẫn có người mua!

hanh-trinh-cua-pokemon2
Giải Pokémon vô địch thế giới 2014 tại Washington, D.C – nguồn time.com

Trò chơi Pokémon nào hầu như cũng bấy nhiêu thứ, thu góp quái vật, huấn luyện chúng để đi tranh tài, từ món điện tử đến truyện tranh hoạt họa và cả những tấm card để trao đổi. Ðiều lạ là các tay chơi không chán, 722 món Pokémon mà vẫn tiếp tục kiếm ra tiền, hay là trò chơi ấy cũng qua tay các thế hệ [con người], người lớn chơi xong đến con em? Như những người trẻ hôm nay vẫn chuộng truyện kiếm hiệp dù ý niệm chính cũng chỉ bấy nhiêu xào đi xáo lại? Lệnh Hồ Xung của Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Vi Tiểu Bảo trong Lộc Ðỉnh Ký thì cũng chỉ là con người với các bộ mặt thiện ác, hay dở khác nhau tùy theo giai đoạn của đời sống?

Nhìn theo khía cạnh giải trí, Pokémon khá thành công qua việc giữ được khách hàng liên miên. Về mặt sinh hóa và thể dục, trẻ em nhanh tay nhanh mắt hơn khi chơi trò chơi điện tử vì phải vận dụng nhiều giác quan từ thị giác, thính giác đến xúc giác và cả trung tâm thu nhận cũng như điều khiển cơ thể hành động. Não bộ người chơi được [bị?] kích thích liên tục và các phần não bộ phải hoạt động cùng nhau so với việc đọc sách [kiếm hiệp] thì giới hạn hơn. Nhưng khi não bộ bị kích thích quá mức thì sao? Báo chí tường trình rằng, ngày 16 tháng Mười Hai năm 1997, trên 635 trẻ em Nhật Bản bị kinh phong, epileptic seizure, và phải vào bệnh viện. Bác sĩ điều trị cho rằng cơn kinh phong đến từ trò chơi Pokémon “Dennō Senshi Porygon” bao gồm các tia sáng chớp nháy thay đổi từ xanh qua đỏ và các tiếng động lớn khiến não bộ bị kích thích quá mức! Thì ra cái lợi đi chung với cái hại khi lạm dụng cơ thể.

Pokémon là trò chơi điện tử thành công [tài chánh] thứ nhì của thế giới, chỉ đứng sau thương hiệu Mario của hãng Nintendo. Tính đến năm 2013, Pokémon đã mang về cỡ 38 tỷ Mỹ kim cho chủ nhân, chỉ riêng năm 2014, mãi lực của Pokémon đã sơ sơ hai tỷ Mỹ kim. Con quái vật bỏ túi kia quả là một mỏ vàng và cũng là món quà tinh thần của ông Tajiri, cất công mài sắt cộng với sự may mắn vô bờ đã đưa ông ta đến thành công!

TLL