Nhà khảo cổ học mê Hội An vì những đồng tiền cổ, đồ gốm sứ, tượng thờ Champa, Trung Hoa, Ấn Độ nằm trong lòng đất, lòng nước. Nhà nghiên cứu kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng mê Hội An vì hệ thống nhà cổ, hội quán, chùa, miếu dày đặc. Còn phần đông khách du lịch bình thường phải lòng mảnh đất này chính bởi cảm giác vừa quen vừa lạ do phong cách sống và không gian sống của người địa phương mang lại.

Chợ trong lòng “phố đi bộ”
Thử tưởng tượng, xe gắn máy có thể dựng vỉa hè, không khóa. Ngồi ăn uống, coi hát lộ thiên bao lâu tùy thích. Vui chân, đi bộ loanh quanh, chụp ảnh, mua sắm… Cả giờ sau trở về, xe vẫn đó. Ra bờ biển trải khăn, đeo kính nằm đọc sách rồi ngủ lim dim. Thức dậy, điện thoại, máy ảnh, ví tiền còn nguyên. Nửa đêm, đi lang thang trong lòng phố cổ, gặp bà già bán hột vịt lộn, bà mẹ gánh chè đậu ván, ông già đẩy xe chí mà phù (chè mè đen) đi bán. Coi đơn sơ, thậm chí nghèo nàn lầm lụi nhưng có vẻ lành thiện. Người nào cũng mươi năm, vài chục năm theo nghề. Không ai than nghèo kể khổ, càng không chụp giựt, ham hố. Ngồi ăn đêm, khách rủ rỉ hỏi chuyện. Người bán chậm rãi kể bằng giọng Quảng Nam mộc mạc.
Trong phố Hội, chỗ nào cũng giăng mắc đèn lồng, bán đèn lồng đủ loại, đủ màu, đủ kích cỡ. Tất cả đều làm bằng lụa, gấm. Vào ban đêm, nhất là đêm rằm, đèn đuốc Hội An tắt hết. Trên trời trăng vằng vặc. Trên sông hoa đăng thả bồng bềnh. Dọc bờ sông hàng ngàn hàng vạn đèn lồng thắp đồng loạt. Du khách thuê thuyền dạo chơi giữa đèn và trăng hư ảo. Vẳng đưa khắp nơi tiếng rao chè cháo, tiếng hô bài chòi, tiếng hát tuồng, tiếng quân cờ ăn nhau chan chát, tiếng gầu múc nước va thành giếng cổ… Ngoài biểu tượng đèn lồng đẹp mắt, Chùa Cầu là điểm ăn khách nhất của Hội An. Chùa do người Nhật Bản xây trên cây cầu dài 18m có tên chữ là Lai Viễn Kiều (tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt nhân lần ghé ngang năm 1719). Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa hầu như chẳng còn nét đặc trưng Nhật Bản nào, thay vào đó, mang đậm mầu sắc Trung Hoa. Dấu vết kiến trúc Trung Hoa không chỉ in dấu ở Chùa Cầu, mà còn bao trùm các khu nhà cổ- những ngôi nhà hai tầng làm bằng gỗ quý, hình ống dài hun hút, gắn hai mắt cửa bên ngoài (hiện tượng nhà có mắt như nhà Hội An là duy nhất ở Việt Nam). Gian trước làm chỗ buôn bán, gian kế có thể làm kho hàng hoặc gian thờ, rồi tới sân trong, nhà sau. Tầng trên làm chỗ thờ tự, (hoặc làm kho hàng). Nhà mở hai mặt. Mặt thông với bờ sông để lên hàng. Mặt trông ra phố để buôn bán. Nhà gỗ Hội An mùa đông ấm, mùa hè mát nhờ mái ngói tách riêng từng tầng, từng gian, có hành lang thông gió, có giếng trời trồng hoa cỏ, kê non bộ. Tuy vào mùa mưa, Hội An là túi hứng bão lũ sông Thu Bồn nhưng nhờ làm bằng gỗ quý, có bộ khung chắc chắn, hợp nguyên tắc khí động học nên dù có dầm trong nước lũ cả nửa tháng nhà cổ Hội An vẫn không mấy hư hao. Tiêu biểu là nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, đều có tuổi thọ trên 150 năm, được công nhận di tích cấp quốc gia vào thập niên 90 của thế kỷ trước.

Du khách thăm chùa Cầu ban đêm
Theo thống kê, toàn Hội An hiện có 11 giếng nước cổ. Trong đó, nổi tiếng là giếng Bá Lễ. Nằm ngay trên lề đường Hai Bà Trưng bán buôn tấp nập, tây ta qua lại ì xèo, giếng Bá Lễ vẫn tịch nhiên như vài trăm năm trước, thuở lần đầu tiên mảnh trời xanh in hình xuống lòng giếng đá ong trong vắt. Nhờ làm du lịch, Hội An ngày nay giàu lên nhiều. Từ tháng 3 năm 2012, khắp Hội An phủ sóng internet miễn phí. Người Hội An làm ăn với khách năm châu bằng tác phong hiện đại. Thế nhưng họ không hiện đại hóa giếng cổ. Không gắn máy bơm, máy hút. Không diệt cỏ cây lòa xòa trong lòng giếng. Mỗi sáng, người Hội An vẫn quảy gánh đến giếng Bá Lễ, dùng gầu kéo nước, gánh về. Mùa nắng, con sông Thu Bồn quặn mình khô khát, giếng Bá Lễ vẫn đầy ứ, trong veo. “Có ngày cả Hội An quây lại múc, hắn cũng không cạn”. Một bà gánh nước kể vậy. Theo bà, nước máy tuy có nhưng không thể bì được nước giếng ngọt mát. Đặc biệt, ngâm gạo làm bánh tráng, bánh phở, mì Quảng, cao lầu, bánh xu xê bắt buộc phải dùng nước giếng Bá Lễ. Dùng nước máy là thất bại. Không phải một mình bà này nói mà tất cả Hội An đều công nhận vậy. Còn nhớ có lần đến ăn cao lầu quán Phố Hoài Sài Gòn. Chủ nhân là thi sĩ HT, người Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông HT khoe từ sợi cao lầu đến nước mắm, bánh tráng, rau sống nhất nhất đều chở bằng máy bay từ Đà Nẵng vào. Cao lầu là món không cao lương mỹ vị gì, không rõ xuất xứ từ Trung Hoa hay Nhật Bản, chỉ biết tô cao lầu đúng điệu phải gồm sợi cao lầu, rau ghém, thịt xá xíu và nước sốt, thêm chút đậu phụng, bánh tráng nướng bóp giập, trộn đều lên. Mà sợi cao lầu đúng điệu là một thứ sợi không “dúng” (giống) ai. Hắn là gạo vo bằng nước giếng Bá Lễ, ngâm nước tro (tro lấy từ củi ngoài Cù Lao Chàm mới đúng điệu. Lại đúng điệu!), hấp cả thảy ba lần rồi cán thành sợi. Vì thế sợi cao lầu có mầu trắng ngả vàng tự nhiên, khá “cứng mình” chứ không mềm dính như bún. Hưởng thụ cao lầu không cần phải lên lầu cao có bàn ghế tô chén sang trọng, cứ kéo ghế vỉa hè mà ngồi, vừa ăn vừa thảnh thơi nhìn xe cộ qua lại, hứng gió mát sông Hàn. Theo sự bình chọn của người địa phương, cao lầu đẳng cấp nhất Hội An là cao lầu gánh Bà Bé, đường Trần Phú chỗ Ngã Tư Giếng Nước. Chỉ 20,000 đồng một tô mà ngon độc đáo. Miếng rau húng dũi (còn gọi là húng lủi, húng chó) nhỏ mà thơm điếc mũi. Thịt ướp gia vị vừa phải, nước ram thịt đỏ nâu, sệt sệt, quện trong sợi cao lầu dai dai. “Chơi” một tô, coi như không uổng công làm người (!).

Giếng cổ Bá Lễ trên đường Hai Bà Trưng
Được biết có nhiều sản phẩm góp phần làm nên tính cách phố cổ như lụa gấm làm lồng đèn Hội An không do Hội An tự sản xuất, mà do làng dệt Mã Châu cung cấp. Gạch, ngói vảy cá để trùng tu hội quán, nhà cổ cũng độc quyền của làng gốm Thanh Hà, vì chỉ gốm, gạch ở đây mới khớp với kiểu dáng, ni tấc của kiến trúc Hội An xưa. Đồ thờ, chuông mõ do thợ mộc làng Kim Bồng, thợ đúc làng Phước Kiều. Ngay miếng rau ghém dùng trong các món ăn made in Hội An, cũng “phi Trà Quế bất thành rau ghém”. Tất cả những làng nghề này nằm cách nhau dăm ba cây số, có tuổi đời trên 300 năm, mỗi làng một diện mạo riêng. Người làng cùng làm một nghề, cùng sống trong một không khí văn hóa có vẻ cổ kính êm đềm.
Tuy nhiên, dù ở đâu thì cũng có vài điều bất ưng, đáng tiếc. Như kẻ viết bài, ghé qua Hội An có một buổi tối, cũng vô tình chứng kiến cảnh một phụ nữ hai tay khệ nệ hai cái giỏ, một đựng chai ly, một đựng ghế ngồi. Thấy mấy du khách ngoại quốc lớ ngớ, chị dạn dĩ cất tiếng Anh chào mời. Họ vừa gật đầu, lập tức ghế lôi ra, bày xuống đường, chai ly lôi ra, dĩa lôi ra… Không bỏ lỡ cơ hội, ông bán đèn lồng phía bên kia đường băng ngay qua. Những chiếc đèn nhỏ xinh bằng bàn tay đủ kiểu đủ màu nhanh chóng được đám khách dễ tính ô kê. Tàn cuộc, chị bán bia, ông bán đèn đều hỉ hả vì chiếc đèn vốn 4,000 đồng, bán 20,000 đồng. Chai bia kèm dĩa sò “hét” hai chục đôla.
Mùa hè năm nay, học sinh sinh viên nghỉ học, đến thăm chơi Hội An khá đông. Vẫn đó đây sót cảnh chặt chém quanh các quầy bán lồng đèn, bán tượng thờ, bán vải (kèm đo may tại chỗ, hai tiếng đồng hồ sau lấy). Vẫn cảnh chen chúc mua vé thăm nhà cổ, đi đứng ầm ầm, nhìn ngó lấc láo. Vẫn cảnh “diễn” thả đèn, đánh cờ, hát bài chòi, vừa chuyên nghiệp vừa nhàm chán. Nhưng dù sao, vẫn phải công nhận so với Đà Lạt, Nha Trang… Hội An phần nào vẫn giữ được sức hấp dẫn du khách.

Đường phố Hội An hôm nay
Dãy quán cao lầu dọc bờ sông Hàn
Hàng quán ban đêm