Hai thế giới cách nhau một bức tường, tôi luôn có cảm giác như vậy mỗi khi nằm viện. Trong đây, một thế giới dậy mùi máu me, than vãn, rên rỉ, sợ hãi, chết chóc; ngày và đêm không có gì khác biệt. Thời gian được tính bằng bảng bệnh án và túi tiền của mỗi bệnh nhân. Thời gian của họ dẫu chờ sống hay chờ chết đều chảy rất chậm, rất mệt mỏi. Đó là lý do bao nhiêu lần tôi giật mình thon thót khi nghe vài bệnh viện nào đó ở Việt Nam được cả thế giới biết đến sau mỗi lần bệnh nhân chết vì bị bác sĩ bỏ mặc, thai nhi chết vì bác sĩ chẩn sai thời gian ra đời, bác sĩ mổ lộn bộ phận của bệnh nhân hoặc mổ lộn người vì không xem bệnh án…
Những hốc mắt phờ phạc, những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng có thể gói trọn cuộc đời một ai đó. Có lẽ nơi này là nơi chứa niềm tin nhiều nhất; cũng là nơi bão hòa thất vọng; nhưng cũng là nơi duy nhất không được phép thể hiện nghi ngờ. Bạn chỉ được quyền nói “Yes” hay “No” và đặt bút ký rồi đưa tiền. Chuyện sống chết thì… sau đó sẽ biết!
Có lần tôi bị ngộ độc thực phẩm, đến bệnh viện tôi phải nằm lăn lộn chịu đau rồi ngất đi khoảng hơn một giờ đồng hồ, chờ người bạn quay trở về nhà lấy 180 ngàn vnd để được chích một mũi thuốc vì lúc nãy gấp quá cả hai không mang tiền, mà không có tiền thì sẽ không được bất cứ ai quan tâm dầu sắp chết. Từ đó tôi hiểu được câu “Lương y như từ mẫu” là một khái niệm khá xa vời nếu bạn vô bệnh viện mà không có tiền, ở đất nước này!

Giả sử lúc đó tôi nằm lăn lộn ngoài đường chắc đã có người đến giúp đỡ mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì trước khi tôi tỉnh táo. Ðó có thể là một chị bán ve chai, một chú xe ôm, một cụ già bán vé số. Họ không có điều kiện để làm bác sĩ nhưng lòng nhân thì có lẽ nguyên cái bệnh viện kia không theo kịp. Ðó là cái thế giới bên ngoài, bên kia bức tường ngăn cách.
Hai thế giới trong và ngoài bệnh viện đều có điểm chung là mọi chuyện không may đều được “rút kinh nghiệm” và “xin lỗi”. Từ khóa “rút kinh nghiệm” là từ được sử dụng nhiều nhất trên tất cả các trang báo lẫn cửa miệng của con người, nguyên nhân của mọi rủi ro thì được cho là tại cái số, do xui rủi… Ở bất cứ đâu luôn có những con kên kên mang thân xác của con người, bất cứ sự kiện đau thương nào họ cũng kịp thời có mặt, cầm bảng tài trợ nhét vào xác nạn nhân rồi chụp ảnh tung lên các trang mạng xã hội, các trang báo để nâng uy danh của bản thân mình. Như ngài Bộ Trưởng Y Tế chạy đến hứa với cô bé xinh đẹp mới học lớp 10, ước mơ trở thành công an bị cưa chân phải vì bác sĩ tắc trách trong điều trị: “Cô sẽ cho con thi đậu ngành y và có việc trong ngành chỉ trong một năm”. Truyền hình Cap VTV chạy lại tặng 2 năm sử dụng truyền hình Cap miễn phí cho gia đình chị Trần Thị Hà, vợ phi công vừa tử nạn Trần Quang Khải. Cuối cùng, trong bệnh viện hay ngoài xã hội rộng lớn kia, người chịu thiệt vẫn là dân đen, những kẻ thấp cổ bé miệng không có quan hệ, không có tiếng nói và quan trọng là không có ÐỦ tiền!


Cả tuần nắng, mưa tràn qua cửa sổ phòng bệnh đầy hớn hở, vậy mà hôm hổm còn trách năm nay mùa mưa “trùm sò” quá. Có lẽ lúc đó tôi quên “tuyên ngôn” của chính mình khi dõng dạc “phát biểu” với đám bạn phương xa rằng: “Sài Gòn của tao mấy tháng này có hai mùa mưa nắng, không phải một năm mà là trong một giờ!”
Sài Gòn đã vô mùa… ba lơn. Ðiểm nhận dạng của mùa này là khi học trò vừa nghỉ hè được hơn một tháng, chuẩn bị đi học hè, ở các ngã tư có vị trí đẹp bắt đầu giăng những cửa hàng dã chiến với những tấm bạt màu vàng, chữ đỏ, người ta chuẩn bị bán bánh Trung Thu dẫu chưa bước qua Tháng Bảy âm lịch. Và mùa này xách xe chạy rong ngoài đường thật là thú vị.
Hình ảnh đặc biệt nhất là đôi khi trên những chiếc xe gắn máy đủ màu xen kẽ có người mặc áo mưa, có người chỉ ở trần mặc mỗi cái quần tà lỏn. Biết sao hông? Vì những cơn mưa đã dừng ngay sau lưng họ. Ðôi khi trời nóng ran, ai cũng muốn chạy nhanh về bỗng ông trời đổ ào xuống một đống nước. Ai cũng hối hả tấp xe vô lề, lấy áo mưa ra tròng vô người, mới vừa leo lên xe đi tiếp chừng 5 giây thì trời… hết mưa. Lòng người phân vân, nếu dừng xe cởi áo mưa ra thì sợ chút nữa trời mưa tiếp, mà mặc áo mưa đi tiếp thì thế nào cũng có người nhìn như… nhìn người hành tinh khác. Người ta bảo đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ nhưng không phải ai cũng biết đường Sài Gòn bên ướt bên không! Có khi bên này nắng dịu dàng, còn bên kia mưa xối xả, con đường bị cắt ngang thẳng thớm. Hồi đó đó, mỗi lần vầy tôi hay nghĩ mình là thần tiên, có phép thuật nên thấy được… hai bầu trời. Mỗi lần mặc áo mưa chạy xe dưới trời nắng mà gặp “đồng hương” là biết ngay, vì thay vì họ nhìn mình bằng ánh mắt kỳ kỳ thì họ sẽ cười thật tươi hỏi:
– Ở “trển” mưa hả em?
Còn nữa, mùa này mà đi ăn hàng rong hay lang thang dạo bộ Sài Gòn thì nên ôm theo cây dù. Thời tiết như vậy rất thích hợp cho các cặp hẹn hò, nàng ôm eo ếch chàng lượn trên chiếc xe máy dưới nắng dưới mưa đầy thi vị nhưng cũng đồng thời thích hợp ai ở nhà nấy, rất có thể vì… ông trời mà hai đứa xa nhau. Ai biết được nàng vừa mua cái áo mới, mưa xuống lem màu hay chàng vừa rửa chiếc xe cưng mà giờ bị bắn sình dơ, cả hai không biết đổ lỗi cho ai thì đành… đổ cho nhau, vậy là chia tay! Mấy chủ quán “ỉ i” một chút là coi như xong. Có khi vừa kéo mái hiên vô cho khách ngồi ăn sáng sủa, hóng gió được chừng mươi phút thì tự nhiên mưa ào xuống, thị dân thảng thốt kẻ ôm đồ chạy vô trong người nhảy ra kéo mái hiên, mái hiên chạy ra một nửa thì trời tạnh. Cứ như vậy trong một tiếng đồng hồ làm cho mấy lần, khiến lòng người bâng khuâng không biết làm sao, để mái hiên thì sợ tối, mà kéo vô thì sợ mưa, mở đèn thì vừa chói vừa tốn điện. Sau đó thì đâu lại vô đó, ai cũng phải quen với chuyện này. Và điều đáng lưu ý nhất là, khi ở Sài Gòn ở bất kỳ thời điểm nào, bạn đừng bao giờ tin dự báo thời tiết trên ti vi, ngày nào cũng sẽ nghe: “Ðêm không mưa, ngày nắng. Nhiệt độ thấp nhất từ 24 – 27 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 32 – 35 độ C..”

Nói chứ có cái thời tiết này cũng cho vừa với cái thói đòi hỏi của người Sài Gòn lắm. Nắng một chút là nhìn lên trời rên rỉ:
– Trời gì nắng hoài, mưa cái đi ông ơi…
Mưa cũng nhìn lên trời lầm bầm:
– Tạnh mưa đi ông ơi, để người ta còn làm ăn nữa!
Vậy đó, cái xứ gì đâu mà nắng hổng ưa mưa hổng chịu. Cỡ gì cũng than thở cho được. Mà Sài Gòn mưa hay nắng gì thì xe hơi cũng chạy chậm hơn xe máy và thể nào thị dân cũng dễ nhận những tai nạn bất ngờ từ nước. Thử tưởng tượng bạn đang mặc đầm hoa, đi dưới vỉa hè đầy bóng râm của những căn chung cư cũ kỹ, nhìn cơn nắng cách một bờ vai đầy thách thức. Bỗng ào một cái, ôm trọn một xô nước tưới cây của vị chủ nhà yêu hoa tầng bốn! Rồi nha, tưởng tượng tiếp. Sau cơn mưa dài, trời mát mẻ, thế giới xanh trong, lần này rút kinh nghiệm bạn không đi dưới chung cư mà đi qua bên lề bờ kè lộng gió, hít thở không khí trong lành. Bỗng, lại bỗng, ào, lại ào một cái, bạn lại ôm trọn một đợt nước bắn lên từ hai cái bánh xe vô tình đang quay đều quay đều xa dần kèm theo ánh nhìn ngây thơ vô số tội của một vị bạch mã hoàng tử nào đó cũng đang dần xa xăm… Nói chung. Sài Gòn, nắng thì cực mà mưa thì bực! Vừa nắng vừa mưa thì… chịu, chớ biết làm sao?

Ngày mai tôi xuất viện. Tính ra bệnh viện cũng bị giảm doanh thu “đáng kể”, nhưng không sao, cái giường tôi chưa trèo xuống thì đã có người mon men muốn leo lên thế chỗ. Từ lúc nhận được tin sẽ xuất viện thì cái gáy bắt đầu nhồn nhột cảm nhận ánh mắt chăm chú dõi theo từng cú nhích mông của mình một cách thèm thuồng như chú mèo mướp nhìn con cá rán vàng đong đưa trên đũa chủ từ những người nằm trên trước hành lang, họ phải chờ phòng trống để chuyển vào vì bệnh viện luôn quá tải. Cái thời gì mà con bệnh nhiều vô số kể! Không một buổi nào không có người nhập viện. Còn đối với tôi, việc nằm viện thường xuyên dần trở thành những chuyến du lịch đắt đỏ nên không có gì lăn tăn mỗi khi ra-vào viện ngoài số tiền phải chi trả. Tôi “sống” ở đây khá thoải mái, nên mỗi lần phải xuất viện, tái hòa nhập cộng đồng cũng có chút lưu luyến. Nhắn tin cho người bạn:
– Mai đi rước nhớ mang áo mưa nha!
Nhận được câu hỏi:
– Áo mưa loại nào?
DU