Sau những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, người được bảo lãnh vẫn tiếp tục đeo theo cái nợ giấy tờ. Người theo diện vợ, chồng, xin Số An Sinh Xã Hội, vốn là bước đầu tiên đi sang những loại giấy tờ khác. Về Thẻ Xanh – trong thời gian này – người di dân phải đóng lệ phí mới được Sở di trú gửi về sau khi nhập cảnh Hoa Kỳ. Người theo diện hôn phu, hôn thê (fianceé) vất vả hơn. Trong 90 ngày phải làm hôn thú, rồi nộp đơn xin Thẻ Xanh, chờ ngày lăn tay, phỏng vấn. Sau khi Thẻ Xanh có giá trị 2 năm, họ sẽ phải làm đơn xin diện Thẻ Xanh 10 năm. Và đủ 3 năm kể từ ngày có Thẻ Xanh, vợ, chồng của công dân Mỹ được nộp đơn vào quốc tịch sớm.
Hầu hết người mới sang đều kiếm một ngôi trường gần nhà để học thêm sinh ngữ, hoặc trường dạy nghề, hay xin vào một trường đại học. Tân nương, tân lang, sau một thời gian học hỏi ngắn hạn, bắt tay ngay vào nghề “nails”, làm đẹp bàn tay; làm đẹp đầu tóc; thợ may, công nhân điện tử, phụ tá nha, y sĩ… Cũng có người được đức lang quân năn nỉ ở nhà làm nội trợ và sinh con, chăm sóc con cái. Và cũng vì hoàn cảnh thực tế, nhiều cô dâu trẻ không tiếp tục việc học ở trình độ cao, và đây cũng là điều đáng tiếc.
Đối diện hoàn cảnh mới….
Thực tế xã hội Hoa Kỳ cũng dễ làm cho người mới sang thất vọng. Người mới sang thường cảm thấy cô đơn, không dễ dàng đi ra khỏi nhà trong khi người hôn phối phải đi làm. Nhiều người không thể kiếm việc làm ngay và cảm thấy xứ Mỹ không… dễ kiếm tiền như họ mong đợi.
Người bảo lãnh nên trao đổi thường xuyên với người phối ngẫu, tế nhị nhưng thẳng thắn, nhẹ nhàng nhưng chân thành về những chuẩn bị về tinh thần và năng lực sau khi đến Hoa Kỳ. Người bảo lãnh nên chia sẻ với người bạn đời tương lai:
– Về công việc thực tế và hoàn cảnh của mình, của gia đình (cha mẹ, anh chị em nếu có).
– Về đời sống kinh tế, xã hội thực tế nơi mình đang sinh sống.
Một số hoạch định trong đời sống sau khi đến Hoa Kỳ, ngắn và dài hạn. Nếu có ý thích một công việc nào đó, nên chuẩn bị học hỏi, trau dồi trước. Thu xếp thì giờ học qua các lớp Anh văn vẫn là điều nên làm.
Về tài chánh, nên bình tâm với những gì đang có, không để người phối ngẫu bị áp lực quá nặng về việc kiếm tiền sinh sống; và nhất là không nên quá kỳ vọng rằng mình có thể kiếm tiền ngay để giúp đỡ người thân ở quê nhà.
Mới hay, tình nhẹ như tơ…
Một thí dụ điển hình: Cha mẹ chồng là bạn rất thân với cha mẹ vợ. Họ lấy nhau với sự chấp thuận vui mừng của hai bên. Tuy nhiên, khi con dâu sang Mỹ và sống với gia đình chồng, mẹ chồng không những không hỗ trợ mà còn đòi hỏi quá nhiều từ con dâu. Vì còn trẻ, con dâu không chịu nổi áp lực lâu dài. Cuộc sống không vui vẻ, hạnh phúc như cô nghĩ. Chồng lại không chia sẻ với vợ và chỉ nghe lời mẹ. Một ngày nọ, người vợ ra đi không một lời từ giã. Một số nhà tâm lý cho rằng, trong hoàn cảnh như vậy, nếu người chồng xin phép cha mẹ cho ra ở riêng từ những ngày đầu, có lẽ chữ hiếu vẫn tròn và tình vợ chồng không đến nỗi chia lìa.
Một thí dụ khác: Người chồng than phiền rằng những tưởng “phong cách Việt Nam” mà chàng tìm thấy và hãnh diện ở nàng trong thời gian gặp gỡ, tìm hiểu ở quê nhà sẽ là một giá trị trường cửu. Nhưng, vẫn theo người chồng, “phong cách Việt Nam” của người đầu ấp tay gối mất dần theo thời gian. Hai chữ “thất vọng” bùng lên trong căn nhà – theo nguyên tắc – phải được dựng lên bằng hai chữ “yêu – thương”. “Anh không ngờ” rồi đến “tôi không ngờ” ào ào như bão táp liên hồi. Sau một thời gian, tiếc thay còn ngắn hơn cả thời gian họ tìm hiểu nhau, đã đi đến tòa ly dị.
Ngoài những thay đổi tự nhiên phải có, một số người vợ mới sang Hoa Kỳ bị ảnh hưởng từ những người chung quanh, nơi làm việc, trường học… Những người bạn mới này chuyển tải những ý tưởng “tự do”, “bình đẳng”, “đời sống giàu sang”, “nhất nàng” (lady-first)… vào đầu những người mới sang. Thường, những ý tưởng này dễ làm người bảo lãnh, người chồng, cau mày…. Cũng có người, vì trải qua đời sống khó khăn ở Việt Nam, nên đã bị ảnh hưởng tính “ma lanh” ngoài xã hội, bỏ qua những đức tính truyền thống, và hay có phản ứng thiếu lịch sự, lễ độ với người hôn phối và những người chung quanh. Hầu hết những người này thường quá kỳ vọng về đời sống Hoa Kỳ trước khi di dân, và dĩ nhiên gặp ngay sự thất vọng và bị áp lực. Cũng có một số người mới sang cảm thấy bị người thân quen xa cách vì họ không tỏ ra trân quý sự giúp đỡ của người khác….
Sự tan vỡ có thể đưa đến những hậu quả quan trọng về di trú. Có trường hợp, người vợ trở về Việt Nam không lời từ giã. Người chồng thất vọng và bực tức. Phản ứng ngay tức thì là tự ý đâm đơn ly dị và thông báo cho cơ quan di trú về sự ra đi của vợ. Nhưng phần lớn người vợ chọn sự ở lại Hoa Kỳ. Có người chấp nhận đắng cay dù bị bạo hành trong gia đình, vì sợ trở về Việt Nam với nhiều lý do tế nhị khác nhau; hoặc kiên nhẫn chịu đựng cho đến khi họ được Thẻ Xanh chính thức 10 năm. Nhiều người khác dời chỗ đến người thân, dựng cuộc đời mới. Cũng có nhiều người, đến Hoa Kỳ theo diện hôn phu, hôn thê, chấp nhận sự tan vỡ và lưu lạc trên đất Mỹ không mảnh giấy tờ hợp lệ tùy thân.
Ðối với nhân viên văn phòng RMI, có những lần gặp gỡ, có những cú điện thoại của khách hàng làm bàng hoàng không ít. Dĩ nhiên là không vui chút nào.
Khách đến xin tham vấn và cần nói chuyện riêng. Anh có công ăn việc làm vững chắc và quyết định về Việt Nam bảo lãnh một cô gái, do một người bạn sơ giao giới thiệu, sang Hoa Kỳ theo diện hôn thê. Hôn thê đến Hoa Kỳ thì ngày hôm sau đòi đi làm hôn thú. Sau khi anh nộp đơn xin Thẻ Xanh cho hôn thê, ngay ngày hôm sau, anh về nhà thì hôn thê và quần áo riêng của cô ấy… biến mất. Không để anh chờ lâu, hôn thê gọi đến thông báo chuyện ra đi của cô ấy là có sắp đặt. Người tình cũ đã đến chở cô ấy đi như ước hẹn. Chỉ một lời cảm ơn anh, nhưng không một lời xin lỗi. Thế là hết. Nhưng “hết” trong tình yêu của anh, chưa hết với Sở di trú. Cô không biết một điều là diện hôn thê, dù đã kết hôn chính thức với người bảo lãnh trên đất Mỹ, nhưng sẽ bị trục xuất nếu cuộc hôn nhân không kéo dài đến khi có Thẻ Xanh 10 năm. Anh hỏi phải làm sao?
Một thiếu nữ hiền lành, có học thức, gọi đến Văn phòng RMI khóc như mưa. Cô được người yêu bảo lãnh sang một tháng theo diện hôn thê. Ngày qua Mỹ, thay vì được chở về nhà thì hôn phu chở cô đến tá túc nhà một người quen của cô. Sau vài ngày, người hôn phu cho biết không thể làm giấy kết hôn để cô ở lại Hoa Kỳ được, vì anh ta đã có người yêu khác nhưng không… tiện nói với hôn thê cũ, vì cảm thấy… tội nghiệp! Tội nghiệp ra sao không rõ, chỉ biết rằng sau đó chàng hôn phu này biệt tăm để cô ở lại chơ vơ nơi xứ lạ quê người….
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau…
Người vợ, người chồng mới qua đều muốn trở về Việt Nam thăm cha mẹ, anh chị em, bạn bè ngay sau khi có Thẻ Xanh. Có người bận bịu thì lại muốn bảo lãnh cha mẹ du lịch Hoa Kỳ, vừa được gặp lại người thân, vừa được cha mẹ đỡ đần chăm sóc.
Tình yêu vợ chồng đã mang lại nhiều lợi ích thực tế cho những người thân. Ngoài những giúp đỡ về vật chất là vấn đề bảo lãnh di dân. Sau thời gian đến Mỹ khoảng 3, 4 năm, nhiều người đã trở thành công dân Mỹ. Việc bảo lãnh cha mẹ, anh chị em, đã quá dễ dàng. Dù thời gian chờ đợi dài hay ngắn, tương lai của một đại gia đình đoàn tụ trên đất Hoa Kỳ đã chắc trong tay.
Ðược quý vị ủy thác cho công việc bảo lãnh thân nhân là một trách nhiệm lớn, nhưng cũng là nỗi vui khi nhìn thấy tương lai với những kết quả tốt đẹp. Từng hồ sơ được chấp thuận, nhân viên Văn phòng chúng tôi như thêm nghị lực sau những lo lắng theo dõi hồ sơ từ những bước đầu tiên, là những món quà tinh thần to lớn đối với toàn thể anh chị em văn phòng Robert Mullins International. Bảo lãnh để cải tiến thế hệ tương lai sẽ luôn là mục tiêu, là nỗ lực không ngừng nghỉ của văn phòng.
Hỏi Đáp Di Trú
– Hỏi: Những người bảo lãnh diện hôn thê-hôn phu (tức fiancée) giải quyết ra sao vì phải chờ đợi quá lâu khi hồ sơ của họ bị trả về?
– Đáp: Hầu hết cảm thấy rằng điều tốt hơn là không nên chờ để kháng cáo hồ sơ diện hôn thê-hôn phu bị trả về. Thay vào đó, họ chọn cách trở về Việt Nam, kết hôn, và nộp hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng với nhiều bằng chứng mới về quan hệ vợ chồng.
– Hỏi: Ngoài những giấy tờ và bằng chứng về sự liên hệ, có những yếu tố nào khác có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhân viên Lãnh sự trong cuộc phỏng vấn không?
– Đáp: : Hầu hết các đương đơn đều căng thẳng trong cuộc phỏng vấn. Ðiều sẽ giúp ích rất nhiều cho vợ của quý vị là sự tự tin, thoải mái và thái độ thân thiện, để giúp cho nhân viên Lãnh sự thấy rằng đương đơn không có gì để giấu giếm và sự liên hệ vợ chồng rất trong sáng.
– Hỏi: Nếu Lãnh sự từ chối hồ sơ, ngay cả sau khi đã nộp thêm bằng chứng, cả hai vợ chồng có thể làm gì?
– Đáp: Họ không nên bỏ cuộc. Hầu hết những cuộc hôn nhân chân thật sau cùng cũng đều được chấp thuận. Một lá thư khiếu nại có thể gửi cho Lãnh sự Hoa Kỳ. Nếu điều này không thành công, những khiếu nại, giải thích và thêm bằng chứng mới có thể nộp cho Sở di trú ở Hoa Kỳ nếu hồ sơ bảo lãnh bị trả về cho Sở di trú. Ðiều này cần thêm thời gian, nhưng nếu việc khiếu nại được thực hiện một cách chuyên nghiệp thường sẽ đưa đến thành công.
Kính mời quý độc giả đón đọc chủ đề Di Trú và Thăng Tiến Đời Sống trên các báo chí Việt ngữ địa phương số cuối tuần, hoặc nghe trực tiếp chương trình của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư trên các làn sóng: Bắc Cali 1430AM, 7:00-8:00, Nam Cali 106.3FM,7:00-7:30 và trên trang nhà: www.rmiodp.com. Hoặc www.facebook.com/rmiodp. Hay liên lạc với văn phòng Robert Mullins International gần nhất:
Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Sacramento (916) 393-3388, Rạng Mi: 84-3914-7638 hay Email: info@rmiodp.com
LMH