Không thiếu những lần ta quên bẵng những điều cần nhớ. Bạn hẳn đã nghe những mẩu chuyện khó tin nhưng vẫn xảy ra trong đời sống hàng ngày? Chẳng hạn như chuyện ông X đến bưu điện rồi đứng ngẩn người không biết phải điền vào khoảng trống “người gửi” ra làm sao. Ông ấy quên mất cái địa chỉ của mình dù vừa lái xe từ nhà ra bưu điện.
Ông X kia là một trong cả chục triệu người từ Á sang Âu sang Mỹ, nhất là những người trong tuổi 45-65 hay thế hệ “baby boom”. Qua những lần “nhớ quên” bất ngờ như thế thì người ta nhận ra rằng trí nhớ của mình không còn sắc bén như xưa. Bà A quên béng tên người bạn thân thiết dù vẫn nhớ những chi tiết về hình dáng mặt mũi nơi ăn chốn ở của người kia. Ông Y không biết đã để cái kính lão ở đâu, tìm quanh quẩn cả nhà không thấy, đến khi sờ lên mũi mới “thấy” cái kính lão vẫn nằm lù lù ở đấy! Bà B uống xong bỏ luôn hộp nước cam còn lại vào ngăn tủ dự trữ thức ăn khô mà cả hai ba ngày sau mới biết, trong khi cứ lẩm bẩm quái nhỉ, làm sao mà mình uống hết cả hộp nước cam 2 lít to đến thế.
Những cái nhớ quên bất ngờ kia có lẽ là những giây phút hoảng sợ nhất khi người ta nhận ra sự thay đổi hay nói rõ ràng hơn là sự thoái hóa của thân thể mình. Từ nỗi sợ hãi kia, người ta bắt đầu tìm cách phục hồi và gia tăng trí nhớ của mình. Bà Nancy Ceridwyn, Director, the American Society on Aging, cho rằng con người nhận dạng mình qua trí nhớ; khi mất trí nhớ, con người hầu như mất luôn gốc rễ căn bản.
Sự thoái hóa hoặc chính nỗi sợ hãi về sự thoái hóa tâm não đã đưa đến việc tạo lập một kỹ nghệ chuyên việc buôn bán các sản phẩm bồi dưỡng trí tuệ, từ thức ăn phụ như coenzyme Q10, nhân sâm và bacopa đến những thảo trình điện toán, dụng cụ điện tử dùng vào việc rèn luyện trí nhớ.
Công ty Nintendo, chuyên chế tạo các món đồ chơi điện tử, đưa ra thị trường Brain Age 2, dùng những bài toán đơn giản và những cách luyện tập trí nhớ, với giá bán 19.99 Mỹ kim. Hãng Posit Science bán một thảo trình chú trọng đến luyện tập trí não với giá 395 Mỹ kim. MindFit, bán với giá 149 Mỹ kim, một thảo trình khác dùng cho việc tập thể dục trí não. Những dịch vụ khác như Lumosity và Happy-Neuron, phí tổn hàng tháng là 10 Mỹ kim, người đọc có thể vào những trang mạng kia mà sử dụng các thảo trình tập luyện trí não. Mua thì mua cho yên trí chứ chưa mấy ai biết hiệu quả của mấy món hàng của Lumosity hay Happy-Neuron!
Những tay buôn bán đã đánh hơi và tính toán, thị trường “bồi bổ trí tuệ” từ thức ăn đến sách vở, thảo trình, dụng cụ dùng trong việc luyện trí não sẽ chiếm khoảng 10% thị trường “duy trì sức khỏe” (health club/spa) hay 1.6 tỉ Mỹ kim vào năm 2008. Riêng các thảo trình điện toán (neurosoftware) trị giá khoảng 225 triệu Mỹ kim trong năm 2007. Thị trường này mỗi ngày một rộng lớn, nên ông Alvaro Hernandez của SharpBrains, một công ty cố vấn về luyện trí não, mạnh tay đoán tiếp là đến năm 2015, neurosoftware sẽ có mãi lực khoảng 2 tỉ Mỹ kim.
Người ta có lý do để ước đoán như thế, những người đầu thế hệ “baby boomer” (sinh trong khoảng 1946 -1966) đang đi vào tuổi vàng và tỷ lệ của chứng mất trí nhớ gia tăng với tuổi tác. Y học đang loay hoay chữa trị bệnh Alzheimer, cơn bệnh mất trí nhớ thường thấy nhất, nhưng chưa có loại thử nghiệm nào có thể chẩn bệnh sớm. Bác Sĩ phải chờ đến khi cơn bệnh xuất hiện, dựa theo các triệu chứng mà chẩn bệnh, và phần đông các chuyên gia đều cho rằng khi cơn bệnh phát thì mức hư hại tại não bộ đã khá trầm trọng, nghĩa là trí não khó có thể phục hồi như trước. Theo Hội Alzheimer, số người bị chứng bệnh mất trí nhớ này sẽ lên đến khoảng 16 triệu vào năm 2050.
Bác Sĩ Gene Cohen, Director, Center for Aging, Health and Humanities, Ðại Học George Washington, cho rằng tuổi tác làm ta lo âu hơn mỗi khi quên nhớ lãng đãng. Khi để quên chìa khóa ở tuổi 25, chẳng mấy ai thắc mắc nhưng khi để quên chìa khóa vào tuổi 50, người chung quanh bắt đầu lo âu. Bác Sĩ Cohen tường trình về một số trường hợp đặc biệt.
Bà Lisa C. (giấu tên họ vì lo rằng thân nhân và bệnh nhân nghi ngại khả năng làm việc của bà ta), 47 tuổi, là chuyên viên Tâm Lý. Bà này để quên chiếc điện thoại di động. Lúc tìm kiếm, bà Lisa đã thử gọi số điện thoại của mình, chẳng nghe điện thoại reo. Cho đến khi nấu bữa ăn chiều thì bà Lisa tìm thấy chiếc điện thoại di động nằm trong tủ đá! Một câu chuyện “lãng đãng” khác cũng khiến ta lo âu không kém. Chuyện bà Nancy Cutler, 51 tuổi, lái xe đi làm, đậu xe tại bãi đậu xe, rồi quên bẵng. Lúc ra về, bà ta đón xe bus để về nhà, cho đến khi một người con hỏi lại rằng tại sao mẹ đi xe bus thì bà này mới sực nhớ!
Cả hai trường hợp này theo Bác Sĩ Cohen, sự vô tâm, không để ý hay “absent-minded”, nói một cách khác “làm mà không chú tâm vào công việc” là thủ phạm gây ra sự quên nhớ kia thay cho việc “suy giảm” hay “mất trí nhớ”. Cả hai phụ nữ này, MRI chụp hình não bộ đều “bình thường”. Tuy nhiên ta cần đặt câu hỏi ở đây, dù hình ảnh của não bộ “bình thường” nhưng việc “đãng trí” kia có phải là một triệu chứng sớm nhất trong chứng suy giảm trí nhớ không? Câu hỏi quan trọng hơn nữa là sự nhớ quên kia có ảnh hưởng nặng nề đến việc làm hay đời sống hàng ngày hay không? Nếu sự “đãng trí” này không ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống, ta có thể an tâm hơn trong khi tìm hiểu nguyên nhân; thiếu ngủ, quá bận rộn là hai nguyên nhân đưa đến sự thiếu tập trung và ghi nhận của trí não và do đó khó có thể nhớ lại khi cần thiết.
Trong khi con người đang lúng túng với sự mất còn của trí nhớ thì khoa học bắt đầu chứng minh được rằng trí nhớ dẻo dai và bền bỉ (plastic) hơn ta nghĩ. Nghĩa là trí nhớ không “cứng nhắc”, còn hoặc mất, mà ta có thể rèn luyện não bộ để gia tăng trí nhớ hay ít ra là duy trì trí nhớ. Trí nhớ là một phần quan trọng của trí tuệ; khả năng suy nghĩ và phân tích. Do đó khi trí nhớ suy giảm, người ta lo âu và tìm cách chữa trị.
Một bài nghiên cứu đã cũ nhưng vẫn còn giá trị: Theo tạp chí The Proceedings of the National Academy of Sciences, ấn bản ngày 28 tháng Tư, 2008, các chuyên viên về Tâm Lý và Tiến Sĩ Susanne M. Jaeggi của Ðại Học Michigan, đã trình bày kết quả của một cuộc khảo nghiệm. Cuộc khảo nghiệm này cho thấy rằng ta có thể luyện tập để gia tăng mức thông minh, nghĩa là trí tuệ con người không hoàn toàn do bẩm sinh. Ðiểm quan trọng trong cuộc khảo nghiệm là việc huấn luyện con người gia tăng trí nhớ, loại trí nhớ giúp ta đọc số điện thoại và nhớ lâu đủ để có thể sử dụng mà không cần dùng giấy ghi chép. Loại trí nhớ này liên quan mật thiết đến trí thông minh có tên là “fluid intelligence”, về cấu trúc, trí nhớ ngắn hạn và “fluid intelligence” nằm chung trong một mạch điện của não bộ.

Những người tình nguyện được thử mức thông minh, sau đó được huấn luyện các kỹ thuật “nhớ” và họ bắt đầu các trò chơi. Trò chơi mỗi lúc một phức tạp khó khăn nếu người tình nguyện tiếp tục thắng. Ngược lại khi thua, trò chơi trở nên dễ hơn. Mức thông minh lại được thử nghiệm sau mỗi lần huấn luyện. Kết quả cho thấy rằng càng được huấn luyện nhiều, mức thông minh càng gia tăng, và bắt đầu với việc gia tăng trí nhớ ngắn hạn.
Khoa học đã hé mở được phần nào cánh cửa của trí tuệ: Sự dẻo dai, bền bỉ của trí não dựa trên sự hình thành của những “dendrite” (những cấu trúc hình sợi, như những cành cây từ tế bào thần kinh) mới. Dendrite dẫn chuyển những tín hiệu đi khắp não bộ, hình ảnh của tín hiệu chuyển từ cành cây này sang cành cây của những thân cây khác. Não bộ con người có khả năng sinh sản và tạo những tế bào thần kinh mới, dù ở trong tuổi 50+. Ðiều này có nghĩa là khi não bộ được kích thích qua việc sử dụng hay “thách thức” như tự thúc đẩy, ép đầu óc làm việc theo hệ thống để đi tới câu giải đáp cho một vấn đề khó khăn cần suy nghĩ nhiều.
Việc thúc đẩy trí não làm việc được đặt cho một cái tên tượng hình là “pursuit of dendritic growth”. Ðể tự luyện, người ta có thể theo đuổi những bộ môn mới lạ, làm những công việc đòi hỏi sự hoạt động của trí não nhưng thích thú đối với cá nhân (thay cho việc làm hàng ngày để sinh sống). Chẳng hạn người thích âm nhạc có thể tìm học cách đánh đàn, dùng nhạc cụ mới, người yêu văn chương có thể bắt đầu viết dù trước đó chưa hề cầm bút…
Như thế, để tiếp tục duy trì trí tuệ, khả năng hiểu biết và suy luận, ta cần dùng trí não, hoạt động đều đặn và nên tìm cách kích thích đầu óc mình qua việc tìm hiểu, học hỏi những điều mới lạ, và nhất là rèn luyện trí nhớ, căn bản của trí tuệ.
Trở lại với câu hỏi làm thế nào để ta gia tăng trí nhớ? Hãy dùng các kỹ thuật luyện trí nhớ, và duy trì sức khỏe, từ thân thể đến trí não, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và ngủ đều đặn. Khi có quá nhiều công việc khiến ta khó tập trung, nên lập danh sách và làm việc theo danh sách đã định. Kỷ luật và sự tự chủ sẽ giúp ta hoàn tất những việc cần thiết, do đó đem lại sự tự tin, và sẽ thành công hơn.
TLL