Thành phố New York là thành phố đầu tiên đòi hỏi quán ăn nhà hàng với 15 cửa tiệm trở lên (nghĩa là có buôn bán có hệ thống hay “franchaise”) đề rõ số lượng calorie bên cạnh món ăn trên thực đơn. Thực khách chọn món ăn sẽ biết rõ số calorie là bao nhiêu, có đánh sập nhà băng năng lượng của cơ thể hay không.
Hiệp hội quán ăn nhà hàng (National Restaurant Association) đã phản đối kịch liệt việc thành phố cả gan ban hành điều lệ kể trên, họ dọa sẽ kiện đến ba tòa quan lớn là thành phố lộng quyền, hổng nể nang chi Quốc Hội mà dám đặt lệ làng. Cho đến khi ba tòa quan lớn vỗ bàn xử án, những nhà hàng ở New York đành ngậm bồ hòn mà theo luật.
Ấy là chuyện luật pháp, còn thực khách thì sao? Khách ăn cũng bắt đầu để ý đến những thứ họ mang vào cơ thể, cứ ăn bừa uống đại thì chẳng mấy chốc ta sẽ trở thành cái bị gạo biết nhúc nhích. Nhất là khi ta biết rõ mười mươi những món ta chọn nặng ký cỡ nào. Không còn lý do gì để đổ tội như ngày trước người ta đã đổ tội cho đại tửu lầu của ông hề MacDonald là quảng cáo khéo léo đánh lừa dụ dỗ khách ăn. Và biết như thế nên người ta cũng đã bắt đầu lựa chọn các món ăn ít calorie hơn.

Chuyện đếm calorie là chuyện xửa chuyện xưa, ai cũng biết, ăn nhiều thì mập béo và muốn xuống cân thì bớt ăn những thứ nhiều calorie, dễ ợt! Nhưng ai cũng mong mỏi một cách ăn uống nào khác, dễ hơn, lạ hơn. Trong suốt mấy thập niên vừa qua, sách vở, đài truyền thanh truyền hình cứ ra rả về bao nhiêu cách ăn kiêng mới lạ, cứ dăm ba tuần lại thấy một cuốn sách mới ra đời, hết bà Oprah quảng cáo giùm đến mấy tài tử nặng ký lô khác. Từ việc ăn toàn protein (nôm na là thịt cá, trứng và mấy cái bánh làm bằng đậu nành) tránh tinh bột và đường cho đến những cách ăn theo loại, sáng ăn tinh bột, trưa ăn protein, tối ăn mỡ hay ngược lại. Nhiều kiểu nhiêu khê quá người ta bán luôn cả thức ăn sẵn trong hộp, trong gói, người tiêu thụ chỉ việc rinh về nhà, pha nước, hâm nóng… là ăn cho xong. Nhưng đấy đâu có phải là… ăn, phải không bạn? Người ta đang hành hạ ông thần khẩu đấy chứ? Ðâu có thấy ai khen lao chi mấy gói thức ăn làm sẵn kia là “ngon” đâu? Họ chỉ nức nở về việc chúng đã giúp xuống bao nhiêu cân Anh mà thôi?!
Thế rồi người ta lại vòng về chốn cũ, nghĩa là trở lại cách đếm calorie mà ăn uống để giữ trọng lượng của cơ thể hoặc xuống cân vì sự thật là chẳng có cái chi mới lạ về việc xuống cân trong mấy thập niên vừa qua.
Khi người tiêu thụ bận rộn đếm calorie thì người bán xoay sở thế nào? Họ cũng gấp rút chuyển hướng bạn ạ, kẻo hàng hóa bán ra nặng ký thế kia thì bán cho ma! Hãng Coca Cola và M & M sẽ in số calorie ngay trên mặt trước của bao bì, chai lọ. Các công ty khác bắt đầu thay đổi thực đơn hoặc giảm số lượng của mỗi món ăn thức uống cho “dễ nhìn” một chút! Starbucks bắt đầu dùng sữa 2% chất béo thay vì sữa nguyên chất. Những món ăn vặt phổ thông như SnackWell bắt đầu bán các món đề nhãn hiệu “100-calorie snack” như Cool Ranch Doritos và Clif bars. Dunkin’ Donuts bán bánh mì kẹp trứng làm bằng tròng trắng và nhiều thí dụ khác.
Việc làm của thành phố New York đã thu hút nhiều thành phố khác và người ta ùn ùn theo chân, nghĩa là các thành phố khác cũng đòi hàng quán phải để số calorie trên thực đơn. Và hàng quán đành bỏ nhỏ, chúng tôi đề nhãn hiệu là muốn chăm sóc sức khỏe khách hàng chớ hổng phải vì cái luật (rừng) kia đâu!
Thức ăn được phân tích theo lượng mỡ và số calorie. Mấy tay đầu bếp được khuyến khích dùng các nguyên liệu “bổ dưỡng” thay cho bơ, đường… hoặc nếu hương vị cũng thay đổi theo thì họ sẽ cần giảm cân lượng của khẩu phần để giữ món ăn ở mức có thể “nhìn” được. Tổ hợp Le Pain Quotidien có 17 cửa tiệm khắp New York đã phải thay đổi thực đơn. Món ăn phổ thông Quiche Lorraine đi từ 11 oz xuống 6 oz, và nhà hàng bỏ thêm rau tươi vào đĩa kẻo trông trống trải quá! Nhưng khẩu phần thu nhỏ không có nghĩa là giá tiền sẽ giảm, nhà hàng kêu la rằng gần đây thực phẩm lên giá quá xá nên đây là cơ hội chúng tôi gỡ vốn! Công ty này kể lể rằng món bánh mì cá hồi, cỡ 350 calorie, đã bắt đầu thay thế món bánh mì gà nướng, cỡ 690 calorie, khi họ bắt đầu đề nhãn hiệu. Nghĩa là khách ăn đã bắt đầu đếm và so sánh mức dinh dưỡng của món thức ăn họ chọn!
Cơ quan Y Tế của thành phố New York tường trình rằng khi lượng calorie của các món ăn phổ thông được công bố, dán bích chương khắp đường xe điện ngầm, người tiêu thụ đều kinh ngạc kêu trời. Một cái bánh blueberry scone của Starbucks sơ sơ 480 calorie, một khúc bánh mì cá thu hộp nướng fromage (tuna melt) từ Quiznos nặng 1270 calorie. Bagel nhiều calorie hơn donut! Một bịch bắp ngô rang tưới bơ ở rạp cine có lượng calorie cao hơn cả nửa số calorie trong suốt một ngày! Nói chung là các con số kia khiến người ta kinh hãi, đâu có ai ngờ!

Các viên chức y tế cũng nhìn nhận rằng người tiêu thụ không thể thay đổi cách ăn uống qua đêm, nhưng tin rằng khi biết rõ như thế, người tiêu thụ sẽ đổi thay từ từ, mỗi ngày một chút, và cơ quan y tế cứ tiếp tục giảng giải các bài học dinh dưỡng nhỏ nhỏ, mỗi ngày một chút.
Tính đến hôm nay, khoảng 40 thành phố khác đã theo chân New York; California là tiểu bang đầu tiên đã ban hành một đạo luật tương tự dù bớt khe khắt hơn.
Người đầu tiên rao truyền cách giảm cân qua việc đếm calorie là Bác Sĩ Lulu Hunt Peters trong cuốn sách “Diet and Health, With a Key to the Calories” ấn hành năm 1918. Là một người nặng ký (220 cân Anh), bà bác sĩ này tìm cách giảm cân cho mình và thành công (bớt được cỡ 70 cân Anh) sau đó viết sách chỉ dẫn cho người khác. Nói chung, Bác Sĩ Peters khuyên độc giả của mình chỉ ăn khẩu phần cỡ 100 calorie, và không bao giờ ăn quá 1,200 calorie mỗi ngày. Lời khuyên giải kia vẫn đúng cho đến hôm nay, năm 2016!
TLL