tháng 7, 2007
Bốn giờ rưỡi chiều, ngại ngùng điện thoại ông Nghiễm lần đầu, không chắc ông sẽ tiếp. Không ngờ ông vui vẻ bảo lúc nào đến chơi cũng được, bây giờ đến cũng được. Lên xe ôm đi ngay, vào tìm nhà ông khá dễ. Ngôi nhà hẹp nhưng sâu, ngăn nắp, nơi cửa phơi những bức sơn mài đang làm dở. Ông ở trần, mặc quần soóc, dáng tầm thước, trẻ hơn so với tuổi, một phần vì mái tóc cắt ngắn. Ðôi mắt tinh anh, khi cười nheo lại, răng còn đều. Ông nói chuyện từ tốn, cởi mở.
Hai người ngồi nơi bàn nhỏ đặt sát vách, đối diện chiếc tủ thờ treo những bức chân dung đen trắng người Bắc di cư, cũng là những người rất Sài Gòn. Bây giờ người ngoài kia vào có vẻ mãi không thành người Sài Gòn, mãi vẫn cách biệt, không biết vì sao. Ông không kể lại tuổi thơ, chỉ vài câu thoảng qua về cuộc sống vất vả thời mới vào Nam, về những ngày sau 1975. Ông không nói về sự khốn khó của bản thân mà về cả một thế hệ văn nghệ sĩ, gồm luôn những người ở miền Bắc mấy mươi năm qua. Ông nói họ phải tồn tại, khổ lắm, biết làm thế nào. Cả một ông văn nghệ già ở hải ngoại giờ về đây múa hát, ông cũng nói về ông ấy như một người buồn bã. Ba mươi hai năm, ông hầu như không gặp những người văn nghệ chế độ mới. “Nói không là khó nhất, nói ừ dễ hơn,” ông nói. Cũng có những lúc tuyệt vọng nhưng xác tín lớn: “Tôi tin người tốt trên đời nhiều hơn kẻ xấu. Người không hại mình là tốt rồi. Mệt nhất là những kẻ muốn hại mình. Nhưng những người như vậy không nhiều. Rốt cuộc họ cũng tự thấy sai.” Ông nói làm sơn mài giúp đầu óc đỡ mệt, mà nhà văn nói gì thì nói phải tự lập được kinh tế. “Mác nói rồi, kinh tế quyết định ý thức,” ông cười khà khà.

Chuyện đời sống, chuyện văn chương, rồi như sực nhớ, lại vài điều về đời sống. Ông nói với nhà văn, quan trọng nhất là sống, mà khó nhất là giữ được sự nhất quán. Trí thức khi sai phải thẳng thắn nhìn nhận mình sai, không biện hộ, lấp liếm. Ông cho rằng nhà văn trước hết là người đàng hoàng. Ông nhắc đến vài nhà văn lớn, tự nhận chịu ảnh hưởng Dostoevsky và học được nơi Camus tình liên đới. Nhưng ông cũng nói nhà văn là người độc lập, làm việc một mình. Tôi nói thêm về trách nhiệm công dân của nhà văn, ông đồng ý. Trong nghệ thuật, ông tin nội dung sẽ đi tìm hình thức chứ không phải ngược lại. Bàn một chút về lý thuyết với những người thực nghiệm như ông luôn thú vị. Nhà văn khi nói về lý thuyết thường chừng mực, họ biết họ đang nói gì, có thể làm được gì, họ phải lấy tác phẩm để bảo chứng cho lý thuyết, khác với những tay lý thuyết thuần tuý cứ vung vít vô tội vạ, lải nhải đến phát oải, phát ghét.
Trong nhà bắt đầu tối, ông bật điện rồi nói mình đi ra đường làm chai bia. Ông tròng chiếc áo thun trắng, xỏ đôi dép nhựa, đi thong thả trong con hẻm chộn rộn những thiếu nữ đánh cầu lông, những người đàn bà ngồi ngoài cửa. Ông lộ vẻ lo lắng mỗi khi nghe tiếng xe gắn máy phóng đến gần. Cách đây không lâu ông đi bộ tập thể dục trên lề, vậy mà vẫn bị xe gắn máy leo lên tông gãy tay và xương ống chân, phải nối lại bằng vít thép. Tai nạn giao thông trên đất nước này đôi khi mang màu sắc của một phim trinh thám rẻ tiền nhưng với cái kết thúc chết người đợi chờ khán giả ngoài cửa rạp.
Quán bia vỉa hè hẹp, ông nói đã quen nhiều năm. Bàn ghế xanh bạc thếch, lè tè, kê vào cửa sắt một nhà đóng kín. Xe cộ qua lại ngay sát chỗ ngồi. Người uống bia ngồi gần chạm đùi nhau nhưng chuyện ai nấy nói. Có được sự riêng tư như vậy là nhờ tiếng xe cộ quá ồn, ồn đến nỗi chỉ khi hướng mặt vào sát nhau người ta mới đối thoại được. Vài người bán trứng cút luộc và vé số đến mời, ông đưa bàn tay lên, họ thôi ngay không chèo kéo. Tôi ngưỡng mộ chuyện này. Tôi thường mất thời giờ từ chối mà ít khi đạt được kết quả như cái khoát tay nhẹ nhàng của ông. Tôi định nói ông đang ra chưởng của người nội công thâm hậu. Nhưng tôi e đó là câu đùa suồng sã.
Ông ít xuống khu trung tâm Sài Gòn dù từ chỗ nhà thờ Ba Chuông nơi ông ở cách phố chẳng mấy xa, và ông ít biết về sinh hoạt văn chương đang diễn ra. Tôi nói sơ với ông vài “hiện tượng hay ho.” Ông chỉ cười. Ông nói về nhóm Sáng Tạo: “Trong khi làm mới, thời đó những người Sáng Tạo cũng cố gắng xây dựng một đức lý xã hội.” Tôi nghe không rõ, hỏi lại, ông nói “đức lý.” Tôi ít gặp từ này, nó là một từ không còn dùng trong xã hội hôm nay. Ông nhắc đến Thanh Tâm Tuyền mà ông gọi “anh Tâm.” Ông nói về sự buồn bã của Thanh Tâm Tuyền và những nhà văn cùng thế hệ sau cuộc bể dâu 1975. Nhà văn Việt Nam khổ. Ông Nghiễm là nhà văn chia sẻ số phận của đám đông theo nghĩa rất thực: một người di cư nghèo, một người lính cấp thấp của đội quân thất trận, một người tù, một người lao động tay chân tự kiếm miếng ăn, một người dân đen luôn đứng thẳng. Tôi hỏi ông có ý định viết hồi ký không, ông trả lời không. Tôi nói đến sự khó khăn của các thế hệ sau này khi muốn nghiên cứu văn chương miền Nam mà thiếu tài liệu cung cấp từ người trong cuộc. Ông cười buồn. Ông nói bây giờ tôi còn sống mà chỉ trích tôi trên báo, tiểu sử tôi họ viết cũng sai. Họ nói tôi là sĩ quan chế độ cũ, thực ra tôi là hạ sĩ quan. Tôi nói: “Họ thăng cấp cho anh.”
Mỗi người uống hai chai bia rồi trở lại nhà. Tôi mua một bức sơn mài nhỏ do ông làm, chép lại tranh của họa sĩ Nguyễn Trung vẽ Từ Hải cỡi ngựa. Từ Hải không có vẻ gì gần với tạng người như ông. Từ Hải hào nhoáng quá, hùng hồn quá, màu mè quá. Nhưng ông nói ông sẽ viết một truyện mới về Từ Hải. Trong truyện này Từ Hải không bị giết, Từ Hải sẽ được thu dụng để sống cái đời lơ láo của một hàng thần. Cái đó mới thảm cho Từ Hải. Ông cười khà khà.
PNH – 2007 – 2012