Menu Close

Giải mã Trung Cộng – Ảo tưởng siêu cường

Lâu nay, có nhiều nhận định vội vã, cho rằng Trung cộng đã bước lên hàng siêu cường, thậm chí sắp sửa… thay thế vị trí người Mỹ nay mai. Một trong những nguyên do là tốc độ tăng trưởng mau lẹ chỉ trong 3 thập niên. Năm 2009 là cột mốc quan trọng. Trung cộng qua mặt Đức Quốc (Germany) như bạn hàng xuất cảng lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Trung cộng vượt luôn Nhật Bổn, trở thành #2 toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngay tại Trung Hoa, trong khi chánh quyền Bắc Kinh hí hửng với “thành tích kinh tế”, thì dân chúng lại tỏ ra khá bình thản. Theo một cuộc thăm dò mới đây của Pew Research, có 48% người Hoa vẫn xem Hoa Kỳ là thế lực số một, và còn lâu Trung cộng mới bắt kịp người Mỹ. Thử tìm hiểu sâu hơn, không khó thấy nhiều khảo sát trên nhiều lãnh vực đều xác nhận cảm giác này là đúng.

alt

Một trong những thành công lớn nhất, song cũng chính là tử huyệt, là gót chân Achilles của Trung cộng: nền kinh tế phát triển quá nhanh. Sách lược “hiện đại hoá” do Đặng Tiểu Bình khởi xướng cuối thập niên 1970 biến Trung cộng thành nhà máy sản xuất khổng lồ của thế giới. Nền kinh tế lệ thuộc lớn vào xuất cảng, thay vì khuếch trương tiêu dùng nội địa. Ba thập kỷ sau, những vấn đề của “nhà máy” Trung cộng phơi bày trước thế giới: điều kiện làm việc tồi tệ; vật liệu sản xuất độc hại cho người lẫn môi trường; sản phẩm ra lò kém phẩm chất; chi phí chuyên chở quá cao; lương nhân công ngày càng cao, trong khi tay nghề không cải thiện v.v…

alt


Trong thương mại quốc tế, Trung cộng thích hạ giá đồng Nhân Dân Tệ, để tranh đoạt lợi thế trong xuất cảng — một bài tủ bị Hoa Kỳ và Tây phương chỉ trích nhiều lần.

Ba mươi năm sau, Trung cộng vẫn còn là một thầu khoán hợp đồng cho Tây phương và Hoa Kỳ. Họ chưa thể sáng tạo nên cái mới. Trung cộng vẫn còn là một nước thuộc thế giới thứ 3, khi mà 1.1 tỉ người, trong dân số 1.3 tỉ, vẫn chỉ có thu nhập và mức sống tương đương với công dân Nigeria, một xứ Phi Châu. Nền kinh tế Trung cộng chẳng khác nào là con tin của Hoa Kỳ và thế giới Tây phương. Phần lớn thu nhập của Trung cộng đến từ xuất cảng hàng hoá sang các nước này. Một khi người Mỹ và đồng minh cắt hợp đồng nhập cảng, rút giới đầu tư ra khỏi Trung Hoa lục địa, nghĩa là đảng cộng sản Tàu cũng… hết đường binh.

Một vấn đề hóc búa khác nằm chính nơi nguồn nhân lực tại chỗ. Đến năm 2020, gần 250 triệu người qua tuổi 60. Đây là gánh nặng không nhỏ cho Bắc Kinh, nhất là khi Trung cộng vẫn còn 200 triệu người khác sống với thu nhập 1 Mỹ kim mỗi ngày. Tình trạng phân hoá giàu nghèo đang khoét sâu những xung khắc xã hội. Giới đầu tư ngoại quốc than phiền tay nghề nhân viên Trung cộng không lên cho dù sau 30 năm. Điều này có nguyên do vì đa phần vốn là nông phu, bỏ ruộng vườn lên thành thị kiếm sống tức thời. Phân hoá giàu nghèo cũng phản chiếu qua các quy hoạch phát triển tầm rộng. Dạo quanh Bắc Kinh, Thượng Hải, hay vài thành phố khác có thể khiến du khách ngỡ như đang ở một nước phát triển lâu đời. Tuy nhiên, chỉ cần bước ra ngoài biên giới phồn vinh theo kế hoạch đó, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nước Tàu tiều tuỵ, lạc hậu của hàng ngàn năm qua.

alt


Nhân công tay nghề thấp, dân số nam nhiều hơn nữ đến mức báo động, là những mối hoạ tiềm ẩn của Trung cộng.

Một siêu cường đúng nghĩa cũng phải đủ nội lực và sức mạnh ảnh hưởng nhiều nơi trên thế giới, trên các lãnh vực khác nhau. Về khía cạnh này, Trung cộng kém xa người Mỹ. Nước Tàu mới “đại nhảy vọt” từ thập niên 1970, trong khi người Mỹ đã dẫn dắt thế giới dẹp tan 2 cuộc thế chiến tàn khốc của thế kỷ 20. Hoa Kỳ đơn thương độc mã giúp Âu Châu tái thiết sau Thế Chiến Hai với kế hoạch Marshall (Marshall Plan). Ngoài lá phiếu phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thừa hưởng từ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, ảnh hưởng của Trung cộng đến ngày nay chỉ quanh quẩn các quốc gia nghèo, nhất là ở Phi Châu. Từ dạo chủ nghĩa cộng sản… tịt ngòi bành trướng từ thập kỷ 1960, Trung cộng hầu như không còn phương cách hữu hiệu để chiêu mộ đồng minh cùng ý thức hệ.

Mấy năm gần đây, những thế lực nhà binh trong đảng cộng sản Tàu thúc đẩy sách lược khuếch trương võ lực. Tuy nhiên, quân lực Trung cộng vẫn lạc hậu, gặp thách thức lớn ngay cả trong việc bảo vệ thương thuyền của họ trên các đại dương. Đằng sau những tuyên bố bóng gió, đằng sau những sóng gió hư hư ảo ảo, Trung cộng khó che dấu thực tế là tiềm lực quân sự của họ có thể chỉ đủ để khống chế vài lân quốc tí hon trong vùng Biển Đông.

alt


Hải quân Trung cộng diễu võ giương oai ở Biển Đông, nhưng có thể sa ngay vào bẫy của Chú Sam.

Và cũng trong chính vùng biển nhiều tranh chấp này, Trung cộng để lộ tay cờ còn non nớt của mình, dễ dàng sa vào ma trận của người Mỹ. Dục tốc bất đạt — hải quân Trung cộng ào ạt tung chiến đỉnh, chiến hạm ngang dọc Biển Đông, khi mà chính họ chưa có kế sách và sự chuẩn bị thấu đáo. Những động binh sớm sủa có thể chỉ khiến vài ngư dân người Việt hay người Phi bối rối chút xíu. Kết quả chưa thấy Trung cộng được gì, mà các tiểu quốc quanh Biển Đông phản đòn mau lẹ, mở toang vùng biển này. Thoắt chốc dập dìu hải quân Anh, Pháp, Nga, Nhật, và nhất là Hoa Kỳ. Mới đây, người Mỹ còn tuyên bố sẽ chuyển đa phần hải quân của họ sang vùng Thái Bình Dương.

Đâu đó trong cuộc cờ Trung cộng-Á Châu-Thái Bình Dương còn thấp thoáng nước cờ thâm của TT Nixon và Ngoại Trưởng Henry Kissinger đầu thập niên 1970. Người Mỹ nhử vài củ cà rốt để chiêu dụ Trung Cộng làm đồng minh giả hiệu, đương cự lại thế lực Nga sô. Củ cà rốt chính là hợp tác vực dậy nền kinh tế Tàu. Một lầm lẫn chết người, khi ngày nay Trung cộng nghĩ rằng họ là siêu cường kinh tế thực thụ. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu.

alt


Xây dựng Trung Hoa hùng cường, hay củng cố nền thống trị của đảng cộng sản Tàu – câu trả lời có thể quyết định con đường tương lai.

TD