Menu Close

Đồng hồ hơi nước Gastown

Khách du lịch đứng gần chiếc đồng hồ hơi nước, chờ thời điểm 15 phút hoặc đúng một tiếng để nghe âm thanh chuông đồng hồ gõ nhịp. Trên tay họ, máy ảnh bấm lia lịa để có được những tấm ảnh đẹp kỷ niệm một lần đến thăm Gastown. Tình… tính… tang… tình, tình… tang… tính… tình. Tính… tình… tang… tình, tình… tang… tính… tình. Khé…t, khé…t, khé…t, khé…t, khé…t, khé…t, khé…t, khé…t, khé…t. Tiếng chuông không gõ đoong… đoong… đoong… đoong… ngân vang mà rít lên giống tiếng xúp lê xe lửa rồi phụt ra từng cột khói hơi nước mịt mù.

alt

Gastown thật ra là một khu phố nhỏ trong khu vực trung tâm thành phố Vancouver, Canada, chứ không phải là một thị trấn tách biệt. Tuy thế, nếu không đến tận nơi mục sở thị, cái tên Gastown dễ làm người ta lầm tưởng một thị trấn nhỏ nào đó. Điều này đúng với cách nay hơn 150 năm. Nơi đây đã từng có một thị trấn mang tên Granville. Nhưng kể từ năm 1867 đã đổi thành Gastown theo tên Gassy Jack Deighton, thuyền trưởng một tàu hơi nước đầu tiên đến đây lập nghiệp. Sau đó, con đường xe lửa được hình thành để vận chuyển hàng hóa đến bờ Thái Bình Dương. Và năm 1886 thành phố Vancouver chính thức được thành lập. Cho nên Granville, Gastown cũng chỉ là tên gọi qua các giai đoạn phát triển thành phố Vancouver.

Điểm qua vài dòng lịch sử thành phố Vancouver ở giai đoạn đầu hình thành để ta có thể nhớ lại thời đại hoàng kim kéo dài hơn trăm năm kể từ ông tổ Jame Watt phát minh ra máy hơi nước dùng để thay thế sức kéo của thú vật vào giữa thế kỷ 18. Tàu thủy, tàu hỏa và những máy móc công nghiệp khác, kể cả những cỗ máy đo đếm thời gian chạy bằng hơi nước. Kỳ thực, đồng hồ cơ khí sử dụng năng lượng bằng con lắc và sau đó là dây cót đã xuất hiện trước thời kỳ con người ứng dụng máy móc chạy bằng hơi nước trong đời sống. Cho nên chiếc đồng hồ hơi nước đầu tiên nhưng ra đời hơi muộn màng vào năm 1859 ở Ladywood, Birmingham, Anh quốc do John Inshaw chế tác cũng không có gì là lạ. Lạ là ở Gastown, tuốt bên kia nửa vòng trái đất, trên bờ Thái Bình Dương cũng có chiếc đồng hồ y như thế. Và chuyện này đã khiến người ta lầm tưởng đây là chiếc đồng hồ cổ xưa tồn tại đến ngày nay như nhiều người biết đến và đề cập trên các bài viết về du lịch.

alt

15 phút hay một tiếng, đồng hồ phát ra tiếng chuông và xúp lê phụt ra hơi nước mịt mù

Chính tôi cũng lầm khi chưa tận mắt nhìn thấy chiếc đồng hồ hơi nước. Cái tên của chiếc đồng hồ hầu như làm cho người nghe và cả khi nhìn thấy đều cho rằng đây là chiếc đồng hồ cổ trong thời đại xa xưa. Ngay cả du khách ngoại quốc đến Vancouver, tò mò nhìn vào hệ thống hoạt động trong lồng kính chiếc đồng hồ cũng ngạc nhiên thốt lên: “Ôi chiếc đồng hồ cổ khồng lồ!”. Thậm chí có người còn phát biểu khi phóng viên hỏi đến cảm nghĩ gì khi tận tay chạm đến chiếc đồng hồ. “Tôi rất vui thích đứng trước cỗ máy đo thời gian cổ xưa chụp một tấm hình. Khi trở về, tôi sẽ khoe với bạn bè mình đã tận tay chạm vào phát minh vĩ đại của con người trong thời đại máy hơi nước. Tôi nghĩ rằng đây là một công trình có giá trị lịch sử trong thành phố và điều tôi tâm đắc nhất là thành phố đã bảo quản tốt chiếc đồng hồ cổ để ngày nay nó vẫn hoạt động tốt, thu hút khách du lịch đến xem”.

alt

Bảng đồng ghi tên nhà chế tác chứ không ghi năm chế tác

Có lẽ người du khách này không biết mình  quá vội để tuôn ra những lời nhận xét rồi cuối cùng phát hiện ra rằng, đấy là chiếc đồng hồ giả cổ. Điều này cũng hoàn toàn bình thường khi công nghệ chế tác làm ra từng bộ phận tinh xảo đến mức hầu như tuyệt đối. Trong cuộc sống, hàng giả làm y như thật thiếu chi nếu ta không tinh mắt hay có một kiến thức cơ bản so sánh, đối chiếu và có cách kiểm tra chứng thực. Tuy nhiên, loại giả cổ này thật đáng yêu khi nó có giá trị phục vụ cho xã hội và làm cho thành phố còn một chút gì để nhớ, ngoài các con phố có kiến trúc xưa cũ và những viên đá lát đường mòn láng in đầy dấu ấn thời gian.

Tôi nói điều này nhằm thanh minh cho chiếc đồng hồ hơi nước đứng ở góc ngã tư phố Water và Cambie thuộc khu Gastown xưa cũ, nơi trải qua bao biến cố thăng trầm: Hỏa hoạn thiêu rụi cả thị trấn, khủng hoảng kinh tế trong thập niên 30 kéo dài đã biến Gastown thành nơi ổ chuột và tệ nạn xã hội trong vài chục năm, một thành phố chết. Mãi cho đến năm 1971, Gastown mới được hoàn toàn khôi phục và được chính quyền xác lập là khu vực lịch sử kiến trúc cần phải gìn giữ và bảo tồn. Năm 1977, chiếc đồng hồ hơi nước do nhà sáng chế Raymond Sauders làm ra theo đặt hàng của Hội đồng Thương mại Vancouver. Chiếc đồng hồ được làm y phiên bản chiếc đồng hồ hơi nước đầu tiên bên Anh quốc đã nói ở trên. Và cứ 4,5 phút hơi nước thoát ra từ ống khói một lần giúp những người vô gia cư có chỗ sưởi ấm quanh chiếc đồng hồ trong những ngày đông giá. Ý nghĩ này đã được tính đến một công hai chuyện khi cho thiết kế và lắp đặt chiếc đồng hồ như một công trình tưởng niệm thời đại cơ khí hơi nước. Tất nhiên là không hoàn toàn có thể thiết kế vận hành toàn bộ hệ thống theo nguyên tắc truyền thống mà phải kết hợp với 3 bộ phận cơ điện để hoạt động hệ thống vận hành thông qua năng lượng cung cấp từ nhà máy khí đốt của thành phố.

alt

Hệ thống máy hơi nước vận hành bên trong chiếc đồng hồ

Ngoài chiếc đồng hồ ở Gastown, bên hông Viện bảo tàng tiểu bang Indiana cũng có một cái và một cái nữa ở thành phố Otaru, Nhật Bản do công ty Raymonds Sauders chế tạo. Cả ba chiếc đồng hồ hơi nước này có cấu tạo gần giống nhau về hình dạng. Có một vài đồng hồ hơi nước ở Anh quốc nhưng kiểu dáng to kềnh. Như vậy trên thế giới, đồng hồ hơi nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có người hỏi, tại sao người ta không sản xuất ra nhiều đồng hồ như thế lắp đặt khắp nơi như một nghệ thuật trang trí cho các công trình công cộng. Nếu nói là nghệ thuật thì phải mang tính sáng tạo, không thể trùng lắp. Vì khi sản xuất theo dạng công nghiệp, mọi chi tiết sao chép giống nhau dù tinh vi đến mức nào, bản sao vẫn là bản sao, không còn mang tính nghệ thuật. Và chính điều này sẽ làm mất đi ý nghĩa công trình dù là tưởng niệm một thời đại công nghệ hay ý nghĩa ích lợi xã hội nào đó. Ngay như đồng hồ thái dương Stonehenge cổ xưa mấy ngàn năm trước của người Anh cũng chỉ có một duy nhất. Nếu có phiên bản chỉ là áp dụng nguyên tắc ánh sáng mặt trời để tính thời gian như đồng hồ thái dương trong khuôn viên Cung điện Windsor ở Anh quốc, hoặc đồng hồ thái dương thô sơ của của Việt Nam do Bác vật Lưu Văn Lang xây bằng xi măng ở thành phố Bạc Liêu trong thập niên đầu thế kỷ 20. Những công trình này có ý nghĩa tưởng niệm sự sáng tạo trong một thời đại đã qua. Hình thức đồng hồ thái dương phiên bản cũng không thể giống nhau cho dù cùng một nhà chế tác. Và thông thường, nhà chế tác không để lại năm chế tạo trên sản phẩm của mình.

Và đó là một trong những nguyên nhân làm nhiều du khách đến xem chiếc đồng hồ hơi nước ở Gastown ngộ nhận đây là chiếc đồng hồ cổ xưa và không tiếc lời ca ngợi cỗ máy đo đếm thời gian qua gần một trăm năm mươi năm đến ngày nay vẫn còn chạy tốt.

alt

Đồng hồ thái dương của Bác vật Lưu Văn Lang ở thành phố Bạc Liêu
NL