Menu Close

Toán đố xứ ta

“Em có 5 cây kẹo, mẹ cho thêm 5 cây. Hỏi em có tổng cộng mấy cây?”.

Những bài toán đố lớp 1 kiểu này xưa như… kẹo, không theo kịp đà phát triển xã hội của xứ ta. Vừa không “theo kịp thời đại”, lại thiếu tính độc đáo để gây “ấn tượng” cho trẻ em. Nên việc cải cách giáo dục là việc cần thiết và cần sự sáng tạo để giúp cho học sinh sự hào hứng khi học. Theo tinh thần này thì nếu có những sự độc đáo, mới lạ đưa vào sách dạy thì quả cũng chẳng ngạc nhiên gì. Nên theo các bản tin từ báo chí trong nước và cả BBC đăng lại trong tuần qua thì, người ta vừa phát hiện ở trang 11 trong sách dạy toán lớp 1 xuất bản trong nước có bài toán đố thế này: “Hai bàn tay em có 10 ngón tay, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”. Bài toán có hướng dẫn cách giải, vẽ minh họa hai bàn tay bị… cắt bỏ hai ngón, để qua một bên.

Mèn ơi! Phải vậy chớ. Ga Tui đọc xong bản tin mà mừng cho nền giáo dục nước nhà đã có những cải cách đầy độc đáo và quá … “ ấn tượng” đến vậy. Báo chí đăng kèm trang sách có hình minh họa, vẽ hai ngón tay bị cắt nhưng không có máu me gì, chớ nếu có thì càng tuyệt cú mèo, dễ làm cho trẻ em học là nhớ, nói phải nghe. Hổng dám lộn xộn, ồn ào vì ngó hai ngón tay bị… cắt đó mà làm gương.

Nhưng nghe đâu cũng có nhiều phụ huynh “bức xúc”, kêu trẻ nhỏ mà dạy chuyện chặt chém dzậy hổng có nên. Thiếu gì cách, thà cứ giữ mấy cây kẹo bị sún răng còn hơn mới lớp 1 mà cho học ba chuyện kinh dị, hổng phải cách tân đúng cách. Người ta đang rà lại sách lớp 5, lớp 10, xem thử ở trình độ cao có khi những bài toán còn đem cả súng vô nữa chớ chẳng chơi. Hổng biết ai đúng, ai sai nhưng nghe có phụ huynh hay báo chí lên tiếng là các quan ta sốt ruột. Các nhà xuất bản rối rít lên tiếng, cho là “các thế lực thù địch” cho in gian, in lậu chớ họ làm gì để chuyện đó xảy ra. Thế mới biết là chuyện đổi mới, sáng tạo vậy hổng dễ ăn gì nghen. Đâu phải phụ huynh nào cũng thấy tính độc đáo của cách dạy vậy đâu.  Mà thật ra thì sách đã in mấy năm rồi, bộ hổng có ai ngó qua sao mà giờ mới có người phát hiện và la làng. Chắc dạo sau này các quan ta tất bật việc nước, ngày đêm lo coi có thằng nào đưa tin càn hay lên lưới coi thằng “blogger” nào viết cái chi mà bắt nhốt cho yên nước yên nhà, nên ít coi qua các sách giáo dục chăng? Hoặc chuyện giáo dục cũng hổng quan trọng chi, vì nó là lợi ích của 100 năm, còn thời đại bây giờ chụp giựt ngày nào hay ngày ấy? Nói chung chuyện đẽo cày giữa đường lo chi cho bạc tóc.

Trò chuyện với chú Ba Xe Ôm thì chú biểu rằng, thật ra những việc này gây dư luận ồn ào vì nó chưa đi kịp những thời sự, đổi mới xứ ta. Theo chú thì lẽ ra sách giáo khoa dạy tính đố cộng trừ cho học trò bây chừ phải đưa thêm những bài toán như thế này:

“Nhà em có 10 héc-ta đất, nhưng bị cưỡng chế hết 8 héc-ta. Hỏi nhà em còn lại mấy héc-ta?” hoặc “Có 6 anh công an đang đánh dân, xe jeep chở tới thêm 10 anh nữa. Hỏi có bao nhiêu anh công an sẽ đánh dân?”. Hay ít ra cũng như vầy: “Chủ Tịch tỉnh X có 4 xe hơi và 6 cô bồ nhí. Hỏi Chủ Tịch X có tổng cộng bao nhiêu xe và bồ nhí?” hoặc “Đường dây cung cấp chân dài cho đại gia có 6 cô người mẫu bị bắt, má mì khai thêm 6 cô nữa. Hỏi tổng cộng có bao nhiêu chân dài bị bắt?”… Đó! Những  chuyện đại loại như vậy mà đưa vào sách dạy cho trẻ em thì nó được “cập nhật” tình hình xã hội biết bao nhiêu. Học trong sách, rồi coi trên tivi, nghe người lớn nói chuyện…, các em dễ nhớ dễ thuộc hơn ba cái chuyện lấy dao chém ngón tay, mất công băng bó tùm lum, lại làm cha mẹ sợ.

Ga tui thì nghĩ rằng ba chuyện này… nhỏ như con thỏ ăn cỏ. Có một bài toán đố lớp một cho trẻ nít mà làm gì mà dữ vậy? Học trò bây giờ xách dao chém nhau hà rầm, sá gì hai ba ngón tay con nít. Mà lỡ đứt thì ráp nối lại dễ ẹt chớ gì, y khoa bây chừ tân tiến quá trời mà. Cái khó là làm sao ráp nối lại cái xứ ta bây giờ xem ra đã bị rách ten-ben như cái quần sa-ten kia kìa.

alt

GL