Thế Vận Hội bắt đầu từ năm 776 trước Công Nguyên (BC), để xiển dương thần thánh của vùng Olympia. Cuộc tỷ thí được tiếp tục cho đến năm 393 thì chấm dứt theo lệnh vua Theodosius. Cho đến hậu bán thế kỷ XIX, năm 1896 tại Athens, thì Thế Vận Hội… sống lại, mỗi ngày một rầm rộ, tưng bừng.
Từ năm 1994, Thế Vận Hội được tổ chức riêng, mùa Hè và mùa Ðông, cứ 4 năm một lần. Thế Vận Hội mùa Ðông bao gồm các trò thể thao trên tuyết băng và đá. Thế Vận Hội mùa Hè bao gồm các trò thể thao như bơi lội, chạy đua…
Năm nay, 2016, thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã được chọn làm nơi tổ chức kỳ Thế Vận Hội XXXI Olympiad, khai mạc vào ngày 5 Tháng Tám.
Qua bao nhiêu kỳ Thế Vận Hội, và biết bao quốc gia chủ nhà gặp muôn vàn khó khăn nhưng xem ra Rio de Janeiro là nơi gặp nhiều gian truân hơn cả với những khó khăn cỡ lớn. Khó khăn đầu tiên là vấn nạn siêu vi khuẩn Zika. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã công bố rằng dịch Zika, thủ phạm của dị tật “đầu nhỏ”, là mối lo âu cấp thời về sức khỏe công chúng tại miền đất ấy.
Nước ô nhiễm. Không khí ô nhiễm. Chỉ hai tuần trước đây, báo chí phim ảnh đã trình chiếu cảnh nước cống rãnh trong thành phố tiếp tục thải ra biển và rác rưởi lềnh bềnh nơi diễn ra các cuộc đua thuyền buồm… Nước ô nhiễm đã khó khăn như thế nhưng không khí ô nhiễm thì phòng ngừa thế nào? Không khí Rio vẩn đục và hôi hám, nhất là khu vận động trường, bên ngoài đầy rác!
Tính đến hôm nay, báo chí đã than phiền về việc hai lực sĩ Úc bị cướp của, một lực sĩ Tân Tây Lan bị chính cảnh sát [bẩn] bắt cóc và lột của chưa kể những chuyện ăn cắp vặt vãnh, lẻ tẻ khác. Tính sơ sơ, tỷ lệ tội ác tại Rio đang gia tăng cấp kỳ, gấp đôi, so với thời điểm này năm ngoái dù Thế Vận Hội chưa đến ngày khai mạc.
Thiếu hụt ngân sách nên các tòa nhà xây cất dành riêng cho Thế Vận Hội không hoàn tất theo hạn kỳ. Cả chục tòa nhà vẫn chưa có tiện nghi tối thiểu. Khi đoàn lực sĩ của Úc đến đây vào tuần trước, họ đã tháo lui vì chốn ở thiếu điện nước, nên đành thuê khách sạn riêng cho đoàn lực sĩ 700 người tạm trú.
Khách mời thì khốn đốn như thế còn cư dân địa phương thì sao? Người thành phố xuống đường dàn hàng quanh phi trường trương bảng “Welcome to Hell” để phản đối chính phủ thành phố dùng ngân sách dành cho Thế Vận Hội vào những chương trình xây cất khác, các chương trình xây cất chỉ có lợi cho các khu phố giàu có khá giả như đường metro, sân golf… Cư dân sinh sống trong khu phố nghèo vẫn phải cuốc bộ và là những người cần phương tiện di chuyển công cộng như bus, metro… nhưng vẫn chờ dài cổ mà không thấy gì!
Thế Vận Hội năm nay lại mang thêm nỗi tai tiếng vì việc lực sĩ Nga Sô dùng thuốc kích thích hầu thủ thắng, 312 mẫu máu lực sĩ dự thi 28 bộ môn thể thao có dương tính. Chuyện dối gạt ấy lại được chính phủ Nga che đậy giấu giếm thay vì ngăn cấm. Ban tổ chức Thế Vận Hội, để lại công bằng cho các lực sĩ “sạch”, đã cấm toàn bộ các lực sĩ Nga trong bộ môn chạy đua, nhảy xa tranh tài. Số lực sĩ Nga còn lại đang chờ Thế Vận Hội phán quyết tiếp!
Tổ chức một chương trình thi đua vĩ đại như thế tất nhiên là chủ nhà thể nào cũng sơ suất, không nhiều thì ít. Riêng Rio dường như việc sơ suất rất nhiều và rất trầm trọng. Tại sao thế nhỉ? Mới hôm nào, năm 2009 khi Rio “thắng”, được lựa chọn để tổ chức Thế Vận Hội, thì cư dân reo hò hoan hỷ, Brazil có cơ hội để trình làng với bá tánh khắp nơi nên họ nô nức lắm. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, kinh tế Brazil suy thoái, nạn thất nghiệp gia tăng nhanh chóng, và mới đây bà tổng thống bị bãi nhiệm, ra đi quẳng cái gánh non sông nặng ì xuống đầu người kế nhiệm, thế là chuyện trong nhà [Brazil] rối như tơ vò. Nhất là chương trình xây cất, chỉnh trang thành phố sửa soạn đón Thế Vận Hội tại Rio đã lên đến 12 tỷ Mỹ kim và có thể lên đến 20 tỷ Mỹ kim trong ít ngày sắp tới, tiền đâu mà trang trải?!
Việc phí phạm lỗ lã tày đình kia sẽ không chỉ hiện diện tại Rio mà hầu như mọi thành phố chủ nhà “thầu” Thế Vận Hội đều lỗ lã chỏng gọng. Năm nọ qua Athens, Hy Lạp, Dế Mèn ghé “Làng Thế Vận Hội” (Olympic village), thấy hồ bơi lem luốc phủ đủ thứ rác rưởi, sân cỏ bỏ hoang, nơi có chút nước mưa đọng thì đầy lăng quăng. Làng Thế Vận Hội tại Barcelona cũng có số phận tương tự, người thành phố chẳng biết dùng các tòa nhà ấy vào việc gì. Tòa nhà Tổ Chim (Bird’s Nest Stadium) của Beijing cũng chẳng thấy lực sĩ nào héo lánh, chỉ có du khách tò mò đi tới đi lui ngó nhau rồi tặc lưỡi tiếc rẻ, hoài của! Sân vận động trong làng Thế Vận Hội tại Atlanta thì ít ra còn dùng làm công viên nơi người thành phố qua lại, gỡ chút vốn đầu tư. Không biết số phận của những tòa nhà tại Sochi bên Nga thì sao? Dân Nga Sô tiêu xài đến 55 tỷ Mỹ kim để tổ chức kỳ Thế Vận Hội ấy.
Các tòa nhà được xây cất cho Thế Vận Hội Beijing, London và Rio đều có chương trình sử dụng về sau, nghĩa là dùng cho các việc khác sau khi Thế Vận Hội bế mạc để thuyết phục tài phiệt chịu bỏ tiền đầu tư để thu lợi những năm về sau. Chương trình phát triển “về sau” (hậu Thế Vận Hội) là các bài toán nan giải, chưa thấy tài phiệt nào thu được tiền về. Vì sao? Vì các chương trình phát triển ấy cần cả một hạ tầng cơ sở vững chắc mới có thể tiến hành.
Các thử thách trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở.
Sau khi chương trình biểu diễn bế mạc, lực sĩ cũng như khán giả khăn gói ra về, thành phố sẽ làm gì với các sân vận động, những tòa nhà lớn nhỏ kia? Cả hệ thống di chuyển công cộng, bus, metro [đã được xây dựng để đưa khách đến làng Thế Vận Hội], sẽ dùng vào việc gì? Tất nhiên khi xây cất một cơ sở vĩ đại như thế, phục vụ cả triệu con người cùng lúc, thì thành phố phải chọn một khu đất trống rất lớn và rẻ tiền (thường là các khu dân sinh tối tăm để có thể mua rẻ từ dân nghèo!). Và khu dân sinh thường thiếu điện nước, cống rãnh hay đường sá, và chính phủ thành phố phải gấp rút xây dựng cầu cống, giải quyết cấp kỳ các nhu cầu thiết yếu ấy.
Sau Thế Vận Hội, liệu các tòa nhà ấy có trở thành khu giải trí, thu hút người ngoạn cảnh mà kiếm ra tiền hay không? Câu trả lời là “Không”. Montreal, Sydney, Athens, Beijing và Vancouver đều là những tấm gương của sự thất bại hậu Thế Vận Hội.
Cái giá phải trả của dân nghèo
Khi thành phố cần khu đất mênh mông để xây cất rầm rộ thì cư dân sinh sống ở đó bị đuổi đi đâu? Họ bị mang đến một chốn khỉ ho cò gáy nào đó, mất công ăn việc làm, trường học, sau khi được trả một món tiền còm cõi dưới trị giá của túp lều đang ở. Ðó là kinh nghiệm của 1.5 triệu dân Tàu tại Beijing năm xưa, và cũng là kinh nghiệm của dân nghèo tại Rio hiện nay. Kêu gào rên xiết thế nào cũng mặc!
An ninh và lo âu
Khi dân nghèo bị xua đuổi lấy chỗ xây cất các tòa nhà thương mại đồ sộ thì khu xóm ấy trở thành chốn qua lại, sinh sống của người có tiền. Ðể giảm mối lo về an ninh, cư dân lắm của thành lập các trạm canh, thuê người gác cửa để tiện việc buôn bán. Việc bảo đảm an ninh cho người qua lại đã trở thành một phần lớn của mọi chương trình phát triển đô thị mới. Nói một cách khác, tiền của từ thành phố, quốc gia đóng góp trong việc tổ chức Thế Vận Hội trở thành tài sản riêng của những tài phiệt đầu tư dù họ chỉ góp một phần trong chương trình phát triển rộng lớn ấy! Gián tiếp, chương trình Thế Vận Hội đã dẫn đến việc xua đuổi người nghèo và giúp người giàu giàu có hơn.
Thể diện quốc tế
Tổ chức Thế Vận Hội là một sự hãnh diện của quốc gia chủ nhà nên tốn kém thế nào quốc gia ấy cũng cố gắng thực hiện dù phải vay nợ qua các chương trình bán trái phiếu. Quốc gia càng nghèo đói lại càng muốn khoa trương. Quốc gia tai tiếng về nhân quyền cũng muốn ‘rửa mặt’ với người thế giới như Tàu Cộng và Nga Sô. Rửa mặt hay khoa trương có thành công hay không thì chưa rõ nhưng giới truyền thông thì không nhẹ tay với chủ nhà chút nào. Họ dè bỉu Hoa Lục vi phạm nhân quyền, chế giễu Nga Sô vung tay tiêu xài mà có cái nhà vệ sinh cũng làm không xong, chẳng cửa nẻo chi ráo ai dám tiểu tiện hay đại tiện giữa chốn ba quân như thế?
Ðọc mấy bài tường trình về Thế Vận Hội mà Dế Mèn băn khoăn quá xá. Danh thơm tiếng tốt của lực sĩ thắng giải từ từ biến thành những tấm chi phiếu khổng lồ, huy chương trở thành mục tiêu của thương mại, quảng cáo và con người bị cuốn hút dữ dội. Thế Vận Hội từ đó trở thành một dịch vụ buôn bán, người lời là kẻ thắng giải kiếm ra tiền, các tài phiệt đầu tư trong khi thành phố thì mất mát và dân nghèo là những người thua lỗ nặng nề.
Câu chuyện Thế Vận Hội không còn hấp dẫn nữa nhưng có khi nào thì ta chấm dứt được việc buôn bán và các bộ môn thể thao trở về ý nghĩa nguyên thủy của nó?
TLL