Menu Close

Chưa có chuyện tháo dỡ Chùa Cầu Hội An?

Image copyright UNESCO - Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17
Image copyright UNESCO – Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17

BBC – Đại diện trung tâm bảo tồn di sản TP Hội An nói với BBC: các báo Việt Nam “chưa biết mô tê đã đăng bài về tháo dỡ Chùa Cầu như chuyện sắp xảy ra”.

Chùa Cầu – biểu tượng của Hội An, công trình được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, được ghi nhận đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.

“Chùa Cầu có nguy cơ sụp đổ rất lớn vì đã hỏng từ móng. Đặc biệt, theo khảo sát của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sự ổn định và khả năng chịu lực theo phương ngang của trụ và mố cầu không đảm bảo dẫn tới nguy cơ có thể sập bất cứ lúc nào”, báo Zing hôm 19/8 dẫn lời kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích.

Những ngày gần đây, một loạt báo Việt Nam tường thuật phương án ‘hạ giải toàn phần để trùng tu’ (tháo dỡ) di tích này.

‘Chưa biết mô tê’

Hôm 19/8, trả lời BBC, ông Võ Đăng Phong, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa TP Hội An, nói: “Thông tin mà các báo Việt Nam có được là từ một cuộc hội thảo lấy ý kiến ban đầu về giải pháp trùng tu Chùa Cầu chứ chưa phải là quyết định cuối cùng”.

“Các nhà báo chưa biết mô tê đã đăng bài về tháo dỡ Chùa Cầu như chuyện sắp xảy ra”.

“Muốn có giải pháp trùng tu cuối cùng thì phải qua nghiên cứu và nhận được sự đồng thuận từ thành phố và các ban ngành, kể cả ý kiến từ Unesco”.

Ông Phong cũng cho hay “chưa có thời gian biểu và dự trù kinh phí cho việc trùng tu Chùa Cầu” nhưng hàng năm đều có việc chống cột và móng cho di tích này trước mùa mưa bão”.

“Tất nhiên thành phố muốn có giải pháp toàn diện để tránh việc chắp vá khiến giá trị của di tích mai một như hiện tại”, ông nói với BBC.

Hôm 19/8, Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Vĩnh An, trưởng khoa kiến trúc Đại học Quốc tế Hồng Bàng và nguyên phó giám đốc Ban tư vấn bảo tồn di sản văn hóa Huế được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Muốn giải quyết triệt để các vấn đề kỹ thuật của di tích đặc biệt này [Chùa Cầu], cần áp dụng biện pháp trùng tu hạ giải toàn phần”.

Ông An nói: “Hạ giải toàn phần sẽ là cơ hội tốt để nghiên cứu kỹ thuật xây dựng của người xưa, và can thiệp một cách triệt để làm cho công trình “cường tráng hơn” nhưng vẫn giữ được những giá trị cơ bản của một di tích kiến trúc lịch sử”.