Tôi năm nay 64 tuổi, sức khỏe cũng tốt, bị bệnh tiểu đường, đang uống thuốc. Không có bệnh gì khác, ngoài no hơi, như có cái gì chặn trước ngực, rất khó chịu. Bác sĩ cho tôi biết tại sao và chữa bằng cách nào. Có phải kiêng ăn gì không.
Cảm ơn bác sĩ. Lê N- Sachse
Đáp
Thưa bà
Quá nhiều hơi trong ruột và bao tử sẽ đưa đến khó chịu cho cơ thể chẳng hạn tức bụng, no hơi. Hơi sẽ thoát ra miệng khi ta ợ hoặc trung tiện. Theo một số nghiên cứu, người khỏe mạnh trung tiện tới 15 lần mỗi ngày và đó là hiện tượng bình thường.
– Sự không hấp thụ hết một số chất tinh bột và đường trong thực phẩm. Các vi khuẩn trong ruột non sẽ làm các chất này lên men và tạo ra nhiều loại hơi như carbon dioxid, methane và hydrogen. Bình thường, các hơi này không có mùi. Hơi có mùi khi thực phẩm tiêu thụ có chất sulfite như rau broccoli, cauliflower, giá đậu hoặc la de.
– Các thực phẩm như táo, đậu, cải bắp, nước giải khát có nhiều hơi carbonate;
– Khi ăn, nuốt nhiều không khí, nhất là khi vội vàng cười nói ăn nhanh hoặc khi trầm cảm buồn phiền. Bình thường khi ăn hoặc nuốt nước miếng ta cũng nuốt vào khoảng 17 ml khí nitơ và oxy
– Khi ăn nên nhai chậm rãi, ngậm miệng, từ từ nuốt thức ăn;
– Tránh hoặc giới hạn thực phẩm sinh ra nhiều hơi, nhất là các loại đậu, cải bắp, hành, giá đậu, chuối, mận. Sữa và pho mát cũng gây no hơi nếu cơ thể thiếu diêu tố lactase để tiêu hóa đường lactose trong sữa;
– Giới hạn đường thay thế như sorbitol, manitol có nhiều trong bánh kẹo gọi là “sugar-free”.
– Không lạm dụng dược phẩm chống acid trong bao tử;
– Có thể dùng chất chống gas như Simethicone, Phazyme; Mylanta gas, Pepto Bismol, Lactaid.
Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Ba tôi năm nay được 65 tuổi. Ông mới được bác sĩ cho hay là mắc bệnh suy tim khá nặng và đang điều trị. Tôi lo quá. Bác sĩ có thể cho tôi biết suy tim là bệnh gì và có nguy hiểm không? Và cần phải điều trị ra sao, liệu có uống dược thảo được không?
Cảm ơn bác sĩ.
Theresa Ngọc
Đáp
Chào cô Ngọc
Suy tim là một bệnh khá phức tạp và do nhiều lý do gây ra. Bệnh trạng lại thay đổi tùy theo người bệnh, về tuổi tác cũng như điều kiện sức khỏe tốt hay xấu. Tôi không có hồ sơ bệnh lý của ba cô, cho nên không biết rõ bệnh của ông.
Tôi đề nghị với cô thế này: Lần sau khi ba cô đi khám bệnh, cô nên đi cùng với ổng. Như vậy cô có cơ hội hỏi bác sĩ tất cả những gì cô muốn biết về bệnh của ông. Nên viết sẵn những câu mình muốn hỏi vừa khỏi quên vừa không làm mất thì giờ của bác sĩ. Đây là một quyền hạn của bệnh nhân và thân nhân. Cô nói với bác sĩ rằng cô là người trực tiếp chăm sóc ông cho nên cần biết. Tôi nghĩ là bác sĩ sẽ không từ chối mà còn tán thưởng, vì được sự hợp tác của gia đình trong việc điều trị người bệnh.
Trong khi chờ đợi, xin tóm tắt đôi lời về bệnh suy tim nói chung.
Suy tim là khi trái tim vì một lý do nào đó trở nên suy yếu, không hoàn tất được các chức năng bình thường của nó như là co bóp để đẩy máu đi nuôi cơ thể. Mỗi phút tim co bóp từ 60-80 lần và đẩy ra khỏi trái tim trung bình là 5 lít máu.
Máu không được đưa vào động mạch, sẽ dội ngược lên phổi, gan gây ra tụ huyết ở các bộ phận này. Bệnh nhân sẽ thấy khó thở ngay cả khi nằm nghỉ, đồng thời cơ thể sưng phù.
Nguyên nhân thông thường gây ra suy tim là huyết khối kết tụ tại động mạch vành nuôi tim, bệnh mãn tính của các van tim, và loạn nhịp tim.
Điều trị gồm có nghỉ ngơi, giảm tiêu thụ muối, uống thuốc lợi tiểu và các thuốc trợ tim.
Riêng với dược thảo thì tôi thấy có nhiều loại thuốc từ thực vật cũng có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho bệnh tim. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại dược thảo được chế biến sẵn. Cô nên tìm hiểu cặn kẽ loại nào và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho ba cô dùng, để tránh các phản ứng kỵ nhau giữa dược thảo và âu dược.
Chúc ba cô mau bình phục, có sức khỏe tốt.
Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Năm nay tôi mới hơn 50 tuổi, vậy mà tôi đã không đọc được sách báo như trước đây. Mấy người bảo mắt tôi già rồi, cần phải đi bác sĩ khám rồi mua kính. Thú thật với bác sĩ là tôi mới qua Mỹ, không có bảo hiểm sức khỏe, ăn nhờ con cho nên không có tiền. Tôi nghe nói ngoài tiệm có bán kính đọc sách mình có thể mua tự do. Câu hỏi của tôi là mua kính như vậy có được không và có hại gì cho mắt không. Xin bác sĩ bỏ thì giờ chỉ cho, tôi cảm ơn bác sĩ nhiều lắm.
Vương Le- FW
Đáp
Ông Vương ơi,
Ông đang ở vào tuổi mà cặp mắt đã bắt đầu bị chứng lão thị rồi đấy. Đây là chuyện thường xảy ra đối với người từ 45-50 tuổi trở lên, nam cũng như nữ. Họ sẽ không đọc hoặc thực hiện được một số công việc ở cách mắt khoảng 30 phân và phải đưa tờ báo cuốn sách ra xa hơn mới nhìn rõ.Lý do là với tuổi già, thủy tinh thể của mắt mất dần tính cách đàn hồi, không thay đổi độ cong để điều tiết tập trung mắt vào sự vật ở gần hoặc do các cơ bắp điều khiển thủy tinh thể trở nên yếu, không giúp thủy tinh thể điều tiết. Và họ bắt đầu phải mang kính để đọc sách báo, chữ nghĩa, cắt móng tay móng chân…
Trong các hoàn cảnh này, thường thường ta nên đi bác sĩ nhãn khoa để khám mắt và đo độ kính thích hợp cho mỗi người bệnh. Nếu vì hoàn cảnh nào đó, như trường hợp của ông không bảo hiểm sức khỏe, có thể ra tiệm mua cặp kính gọi là “one size fit all” về dùng tạm. Vừa tiện lợi vừa rẻ tiền. Tuy nhiên, nên để ý là kính làm sẵn như vậy cũng có một vài khuyết điểm. Tương tự như quần áo may sẵn. Còn nhớ là ngày xưa ở VNCH mình quần áo là phải “sur mesure” may chứ không có việc mua đồ may sẵn, dài quá hoặc bụng quá chật quá rộng, phải sửa. Kính làm sẵn cũng vậy. Phẩm chất của kính quá kém vì được sản xuất hàng loạt; một cỡ cho mọi người cho nên trung tâm điểm của kính không trùng với con ngươi cho nên khó nhìn; mỗi mắt có sai biệt khác nhau mà kính làm sẵn không đáp ứng nhu cầu này, giống như khi bác sĩ đo thị lực từng con mắt rồi biên toa làm kính.
Nhưng thưa ông, cái khó bó cái khôn. Bây giờ chưa có tiền, ta tạm dùng kính như vậy đã. Rồi để dành tiền, đi khám mắt, mua kính riêng cho mình, ông nhé. Vì cuộc sống của ông còn khá dài đấy. Ít nhất cũng bốn năm chục năm nữa cơ đấy.
Chúc ông và gia đình vui mạnh.