Menu Close

Những đứa trẻ trên máy bay

Những hành khách cuối cùng bước lên chuyến bay từ Seattle đến Dallas là một phụ nữ cùng ba đứa trẻ, các con của bà ấy. Tôi nghĩ bụng: “Cầu cho họ đừng ngồi gần mình, mình có quá nhiều việc phải làm.” Vậy mà chỉ một lúc sau, đứa bé gái độ chừng 11 tuổi và thằng em trai khoảng 9 tuổi của nó đã leo sang chiếc ghế trống bên cạnh chỗ tôi ngồi, trong khi người phụ nữ kia và đứa bé trai 4 tuổi vẫn ngồi ở phía sau. Gần như ngay lập tức, hai đứa lớn bắt đầu tranh cãi với nhau trong khi đứa nhỏ phía sau lâu lâu lại đá vào lưng ghế của tôi. Chốc chốc, đứa bé trai lại hỏi chị nó: “Mình tới đâu rồi chị?”. “Có im đi không thì bảo!” cô chị gắt gỏng và tiếp theo đó là một loạt những câu hỏi vặn vẹo và cằn nhằn của hai đứa nhỏ.

“Trẻ con chẳng hề có khái niệm gì về những công việc quan trọng cả,” tôi nghĩ thầm và im lặng chịu đựng tình huống khó chịu này. Nhưng rồi, trong tôi lại xuất hiện một suy nghĩ hoàn toàn khác, xuất phát từ trái tim của một người cha, trái ngược hẳn với những bực dọc tự nãy đến giờ – rất rõ ràng: “Chúng nó cũng đáng yêu lắm đấy chứ!”. Nhưng ngay lập tức, tôi lại tự chống chính mình: “Nhưng mấy đứa trẻ này phá phách quá, mà mình lại còn rất nhiều việc quan trọng cần phải làm”. Nhưng tiếng nói bên trong tôi một lần nữa lại vang lên: “Hãy yêu thương chúng như chính con bạn”.

Ðể trả lời cho câu hỏi cứ lặp đi lặp lại của thằng bé: “Chúng ta đang ở đâu vậy chị?” tôi mở màn hình phía trước mặt sang bản đồ có cập nhật lộ trình bay thay vì chú tâm vào công việc quan trọng của mình.

Tôi bắt đầu giải thích cho chúng nghe hành trình của chuyến bay, tôi chia nó ra thành nhiều chặng, mỗi chặng kéo dài 15 phút và chúng tôi cùng ước tính khi nào thì chuyến bay sẽ hạ cánh xuống Dallas.

nhung-dua-tre-tren-may-bay
Thắm Nguyễn

Chẳng bao lâu sau đó, hai đứa trẻ thay nhau kể cho tôi nghe về chuyến đi đến Seattle là để thăm cha của chúng đang nằm trong bệnh viện. Trong lúc nói chuyện, chúng không ngừng hỏi tôi thế nào là hàng không, hàng hải, khoa học, và quan niệm của người lớn về cuộc sống – những điều mà chúng đã từng được nghe hoặc thấy qua ở đâu đó. Thời gian trôi qua thật nhanh, và công việc “quan trọng” của tôi vẫn chưa thể hoàn thành được.

Lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh, như chợt nhớ ra điều gì đó, tôi liền hỏi thăm tình trạng sức khỏe của cha bọn trẻ. Chúng trở nên im lặng, đứa bé trai khẽ nói: “Cha cháu mất rồi.”

“Chú rất tiếc.”

“Vâng, cháu cũng vậy. Cháu thương cha cháu lắm, chú ạ! Nhưng người cháu lo lắng nhất chính là đứa em nhỏ của cháu. Em cháu đang rất buồn.”

Tôi chợt nhận ra những điều chúng tôi đang nói đến mới thật sự là công việc quan trọng mà chúng ta luôn phải đương đầu: đó là tiếp tục sống, yêu thương, và trưởng thành thay vì cứ mãi đau khổ. Khi chúng tôi chào tạm biệt nhau ở sân bay Dallas, cậu bé bắt tay và cám ơn vì tôi đã làm “thầy giáo trên máy bay” của cậu; và tôi cũng cảm ơn cậu vì đã làm thầy giáo của chính tôi.

NS – theo Chicken Soup for The Soul