Menu Close

Quê ở Sài Gòn

“Hỏi rằng quê ở nơi đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”
Bùi Giáng

Cuộc đời tôi là chuỗi ngày ịn dấu… lưng lên khắp Sài Gòn. Tôi có thể tự hào khoe là đã ngủ ở khắp 19 quận và 5 huyện của Sài Gòn trong những năm tháng tuổi thơ dữ dội trốn học, bỏ nhà đi bụi với mấy đứa bạn… đồng hương. Nên mỗi khi ra đường, ai hỏi quê ở đâu, tôi nói quê Sài Gòn chớ đâu, người ta cười, nói ai lại gọi mảnh đất đầy nhà cao tầng này là quê? Gia đình hai bên nội ngoại tuy không còn nhiều người ở Việt Nam nhưng đa số đều “mọc” ra từ đất Sài Gòn. Phải nói là cái gốc rễ Sài Gòn của tôi nó đã cắm rất sâu rồi, nên bây giờ mỗi lần một người bạn tha phương nào đó bất chợt ghé ngang, nhìn thẳng vào mắt tôi âu yếm hỏi: “Khi nào mày về quê?” Tôi cũng hông biết trả lời sao nữa! Có muốn về cũng chẳng biết quê đâu mà về. Chả lẽ nói “Quê tao là cái chỗ chất đầy người quê chỗ khác?” Bởi vậy, ghét nhất là khi phải đối mặt với các thủ tục hành chính rắc rối đúng kiểu “hành là chính”, lúc nào cũng bị bắt buộc phải biên ngay chỗ “nguyên quán” năm chữ “Thành phố Hồ Chí Minh” dài thòn lòn. Trong khai sinh, người ta ghi tôi sanh tại nhà bảo sanh TH. Sài Gòn, có chữ nào ghi là thành phố Hồ Chí Minh đâu? Sài Gòn của tôi có dính líu gì tới ổng đâu? Nghe đồn ổng còn chưa đặt chân đến đây nữa mà!

Hẻm Sài Gòn
Hẻm Sài Gòn

“Quê” ở Sài Gòn là một lợi thế, thậm chí được “chiếm dụng” rất nhiều đặc quyền. Bạn bè, đồng nghiệp của bạn sẽ là dân tứ xứ. Bạn có thể ngồi một chỗ biết hết khắp mọi miền đất nước có chi hay, có gì ngon, cái này bậy, cái kia tốt, cái nào là báo đài ba xạo. Nhưng mà đôi khi cũng bực bội vì… ganh tỵ, nhất là đối với người có nhiều máu “cà nanh” như tôi. Ai mà chịu nổi khi ngồi giữa đám đông, mỗi người đều long lanh nước mắt khi nói chuyện về chủ đề “quê hương”, nơi họ sanh ra hiện lên như một bức tranh cổ tích đầy màu sắc về miền quê nào đó xa ngái, đượm buồn mà đẹp đẽ, cuốn hút, bình yên và… nghèo! Thầm nghĩ, chắc những người bạn, người thân, đồng hương của tôi ở những phương trời xa xôi nào đó bên kia trái đất cũng ngồi kể về Sài Gòn với người xứ đó như vậy!

Hinh 8

Không biết ai sao chớ máu cà nanh sôi ồng ộc trong người không cho phép tôi ngồi im lặng bĩu môi tức tưởi, lúc nào cũng phải trèo vô mỗi câu chuyện về quê họ “thả” một… đống chuyện của quê tôi mới chịu, “dằn mặt” cho họ biết: Quê mày có gì, quê tao có cái đó, thậm chí đẹp hơn, ngon hơn và nhiều hơn. Nhưng có những cái quê tao có, quê mày đốt đuốc tìm hông ra, thí dụ như… tao.

Sông nước Sài Gòn, Quận 8
Sông nước Sài Gòn, Quận 8

Khi ai đó nói về những con đường làng ngoằn ngoèo, cây rợp bóng thì tôi tự tin huyên thuyên về những con hẻm cũng ngoằn ngoèo không có lối ra, cũng rợp bóng mát từ những bức tường kiên cố của các tòa nhà cao kều, không những thế, “đường làng” còn được trải nhựa, cách vài căn là một chỗ ăn hàng. Có đi lạc cũng không sợ đói!

Khi ai đó nói về tuổi thơ với dòng nước ngọt ngào chạy qua nhà, vừa dùng để tắm vừa dùng để giặt đồ, nấu ăn thì tôi chỉ thẳng ra bờ kênh Nhiêu Lộc đang chạy ngang nhà, tôi kể cho họ nghe về hành trình của dòng nước, tất cả đều chảy ra sông Sài Gòn, từ sông Sài Gòn chảy ra khắp hướng, trong đó có cả trong ly nước của bạn đang uống. Mỗi lần như vậy là vài người ho sặc sụa, nhìn dòng nước đen bóng mượt ngồn ngộn rác trôi lững lờ rồi buông luôn ly nước trên tay.

 Hủ tiếu Nam Vang, Sài Gòn
Hủ tiếu Nam Vang, Sài Gòn
Mì Quảng ở Sài Gòn
Mì Quảng ở Sài Gòn

Khi ai đó kể về những phiên chợ làng, chợ xã vui như hội, những gương mặt tươi cười cũng được bày la liệt như đặc sản trong vùng vì hầu hết mọi người ai cũng biết nhau thì tôi toe toét kể về những khu chợ sầm uất, đủ loại đặc sản của các vùng miền trên khắp… thế giới. Mặt cười cũng bày la liệt từ những người chẳng quen biết gì nhau, Bắc Trung Nam đủ giọng, mùa nào thức đó. Ðôi khi ở chính nơi trồng, nuôi thứ đó người ta không có để ăn vì dân buôn đã gom hết về Sài Gòn. Sài Gòn còn có những cái chợ lưu động, chỉ một chiếc xe bé xíu và một người phụ nữ thôi mà chứa hàng chục bữa ăn ngon.

“Tây” ở Sài Gòn
“Tây” ở Sài Gòn

Vậy đó, khi người từ núi rừng kể về những khung cảnh bát ngát nhìn từ đỉnh núi hùng vĩ nào đó thì tôi nói về cảm giác, và khung cảnh từ đỉnh của các cao ốc. Khi người từ biển khơi kể về nhưng cơn sóng dập dềnh, những buổi chiều đi bơi quên nóng thì tôi kể về những cái hồ bơi trên tầng 15, 16 của những tòa nhà nào đó, có luôn bia lạnh, đậu rang, ghế massage và những cô nàng phục vụ xinh tươi. Khi người từ sông nước kể về mùa cá linh, những cây cầu khỉ, ao cá vồ thì tôi chỉ họ ra… Bình Thới, một “đặc khu” ăn chơi mới, mô phỏng “miền Tây sông nước” không kém cạnh, chẳng những có thể câu cá mà bạn còn được câu tôm, câu cả… người!

Hinh 12

 Biển báo ở Sài Gòn
Biển báo ở Sài Gòn

Tiếp sau tôi còn “khuyến mại” thêm một lô một lốc những “đặc sản” của Sài Gòn. Quê tôi thứ gì cũng có, chuyện chi ngó miết đâm ra cũng… bình thường, nhưng mà khi nói ra mọi người quê chỗ khác cũng mắt nở to, gật gù trầm trồ. Như chuyện giàu nghèo khó phân biệt lắm, ra đường ai cũng như ai. Người đi xe hơi xịn, mặc sơ mi quần tây láng mướt, ngồi cà phê sang trọng đôi khi chỉ là tài xế mà kẻ chạy chiếc Cup50 cà tàng, quần tà lỏn áo ba lỗ ngồi quán ven kênh đôi khi lại chính là chủ của chuỗi khách sạn bốn sao rưỡi ngoài quận Nhất. Vài trăm đô Mỹ cho một vài lát bánh mì mỏng dính cùng chút xíu pa tê gan ngỗng của Pháp không đủ nhét kẽ răng hay ổ bánh mì “khủng” mười ngàn vnd no từ sáng đến chiều cũng là chuyện bình thường. Chiếc xe đạp trăm rưỡi chất nặng cuộc đời của năm người trong một gia đình cũng có, cái xe hơi hơn hai mươi tỷ chỉ để làm công cụ se sua của một nàng chân dài showbiz cũng không là chuyện to tát. Họ cùng hít thở một bầu không khí, chạy cùng trên một con đường, nhìn nhau đủ kiểu, từ thân thiện, ngạc nhiên, ngưỡng mộ đến bới móc, khinh khỉnh, coi thường thậm chí đôi khi chả có nhau trong mắt. Người Sài Gòn gần nhau lắm mà cũng xa nhau lắm, đôi khi đứng kế bên nhau mà cũng như từ hai thế giới mà đôi khi ở hai đầu trái đất lại như ở rất gần.

Chợ Sài Gòn
Chợ Sài Gòn

Cũng không biết bao nhiêu người cứ nói Sài Gòn có chi mà lưu với luyến. Họ tự dưng chạy đến đây, “ăn nhờ ở đậu” rồi mang những thói đời cố hữu, hô biến quê tôi thành quê họ, đuổi hết đồng hương của tôi đi bằng cách sống của mình. Sài Gòn trong mắt họ ngày càng thuận thì trong mắt tôi ngày càng lạ hoắc. Rồi sau đó oang oang kể tội quê tôi và khoe khoang về quê họ. Cũng phải thôi, ai cũng được nghe “quê hương là chùm khế ngọt” Với lại, hầu như hơn 95% tác giả nổi tiếng ở Việt Nam đương thời đều không phải sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, và đặc biệt là những người viết nhiều về Sài Gòn đa số lại là những người từ nơi khác đến đây sinh sống và làm việc. Ðọc-Sài Gòn của người Sài Gòn xưa thì rất thích, rất yêu nhưng chỉ là một bầu trời hoài niệm thời quá vãng, hay thì dĩ nhiên là hay, đẹp dĩ nhiên rất đẹp, nhưng, quả tình nó…  xa lạ quá. Còn đọc-Sài Gòn của “người (đôi khi là tự xưng) Sài Gòn” bây giờ, đôi khi muốn tìm kiếm một sự đồng cảm trên những trang sách rất khó, Sài Gòn của họ và Sài Gòn của tôi hình như hổng có quen nhau, như hai đứa cùng cha khác… ông nội vậy đó. Ngay cả người Sài Gòn như tôi đọc còn không nhận ra được Sài Gòn thì người ở nơi khác sao họ có thể tin được? Rồi như lẽ thường, họ kết luận luôn, Sài Gòn trong trang sách chỉ là một tác phẩm của văn học chứ nào phải Thành Phố Hồ Chí Minh họ đang sống. Họ tin luôn rằng tô mì quảng hay mâm bún đậu ở Sài Gòn ngon cách mấy chắc-cũng-vì đầy chất hóa học sao so bằng thức ấy với hương vị mộc mạc, nguyên bản ở quê nhà.

Tình Sài Gòn
Tình Sài Gòn
Sống ở Sài Gòn
Sống ở Sài Gòn

Tôi biết hết luôn mà cũng không thèm chấp, ừ thì Sài Gòn oi nồng, chật chội, mưa nắng thất thường, ừ thì người Sài Gòn ngày một xấu xa. Nhưng nó là quê hương của tôi, là chỗ nơi tôi sanh ra, lớn lên, chui vô chui ra, bỏ đi và tìm về. Nếu ai đó nói Sài Gòn không bằng quê họ thì cứ việc, con người ai mà không mơ mộng, mong ngóng những điều không thực tế!

Ừ, quê tôi chả có gì vui, chả có gì đẹp, chả có chi xuất sắc, nó chỉ chứa nuôi cả chục triệu người mà thôi. Trong khi Ðà Lạt, Nha Trang, Ðà Nẵng, Hà Nội… quê người đang đứng tên của mảnh đất này,  ngày càng đẹp đẽ, văn minh, hiện đại mà chứa toàn người Trung Quốc!!!

đặc sản Sài Gòn
đặc sản Sài Gòn

DU