Sau gần 3 tuần tranh hùng, Olympic Rio 2016 đã khép lại hôm Chúa Nhật 21/8/2016 tại vận động trường Maracanã Stadium. Trong Lễ Bế Mạc, hằng tỉ khán giả một lần nữa được chứng kiến màn trình diễn thời trang thể thao ngoạn mục.

Phong trào Thế Vận Hội quốc tế đã trải qua rất nhiều thay đổi từ khi ra mắt. Chỉ kể riêng trang phục thể thao, kỳ Olympic đầu tiên năm 1896, các lực sĩ mỗi người còn tự may sắm trang phục riêng. Tại các kỳ TVH thời hiện đại, mỗi quốc gia đều có đồng phục với các nhãn hiệu riêng. Năm nay, phái đoàn Thụy Ðiển mặc trang phục hiệu H&M; hiệu cá sấu Lacoste cung cấp đồng phục cho lực sĩ Pháp; Anh Quốc dùng trang phục của nhà thiết kế Stella McCartney; trong khi nhà thiết kế Giorgio Armani sửa soạn khăn áo cho phái đoàn Ý; và phái đoàn Cuba cũng thừa lịch lãm trong trang phục của Christian Louboutin… Trong Lễ Bế Mạc, các lực sĩ Team USA mặc trang phục hiệu Ralph Lauren, đặc biệt tất cả đều được may tại Hoa Kỳ. Team USA hầu như năm nào cũng được khen ngợi mặc trang phục đẹp mắt. Năm nay, đội thể dục nghệ thuật nữ Hoa Kỳ U.S. Women’s Gymnastics chẳng những liên tiếp giật huy chương trong đó có vàng đồng đội, mà còn chiếm nhiều cảm tình của khán giả với đồng phục có đính 5,000 hạt cườm óng ánh. Mỗi thành viên đội Gymnastic được cung cấp 12 bộ đồng phục tập luyện và 8 bộ đồng phục trình diễn, mỗi bộ tốn kém từ $700 đến $1,200, tổng cộng chi phí trang phục cho mỗi người chừng $12,000.

Trên chính sân tranh tài cũng vô vàn thay đổi. Xứ Phần Lan (Finland) tuy nhỏ nhưng xưa nay vốn là một người khổng lồ trên làng TVH thế giới. Các lực sĩ Phần Lan chiếm huy chương Olympic nhiều vào hàng thứ 14, trên nhiều quốc gia khác như Nam Hàn, Hòa Lan, Bỉ, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, tại Rio 2016, đến thời điểm trang báo tuần này lên khuôn, Phần Lan chỉ mới đoạt 1 huy chương đồng duy nhất trong môn đấm bốc Boxing. Còn các lực sĩ người Ðức tuy không giật nhiều huy chương nhất, nhưng lại đạt tỉ lệ huy chương vàng cao nhất, với trên 40%. Trong môn bơi lội, một mình Hoa Kỳ giật 16 huy chương vàng, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trong bất kỳ môn nào khác. Ngược lại với bơi lội, bắn súng là một trong những sở đoản của Team USA mặc dù Hoa Kỳ khét tiếng là nước lưu hành nhiều súng ống dân sự nhất trên thế giới. Tại Rio 2016, các xạ thủ Hoa Kỳ chỉ được 1 vàng 2 đồng, kém hơn cả thành tích của Việt Nam (1 vàng 1 bạc). Một trong những lý do chánh là người Hoa Kỳ sính bắn thiệt với đạn đồng thiệt, và nhiều khi gây ra… chết người thiệt. Ở Olympic người ta thi bắn súng hơi, mà “Airgun” tại Hoa Kỳ chỉ được kể như đồ chơi cho trẻ con chưa đủ lớn để cầm súng thứ thiệt.


Dù kém cỏi trong bắn súng, phái đoàn Hoa Kỳ vẫn dễ dàng dẫn đầu TVH Rio 2016 về tổng số huy chương. Vào thời điểm kết thúc TVH, các lực sĩ Hoa Kỳ đã đoạt 121 huy chương, và riêng vàng được 46 chiếc, trong khi không có nước nào khác có thể chiếm hơn con số 30 huy chương vàng và đạt ngưỡng trăm chiếc huy chương tổng cộng. Ðằng sau những chiếc huy chương lấp lánh, ít người biết là nhà tổ chức đã phải chiêu mộ 100 nghệ nhân và chuyên viên lành nghề để chế trên 5,000 chiếc huy chương tinh xảo cho kỳ Rio Olympics 2016. Riêng chiếc huy chương vàng, gọi vậy nhưng chỉ có 6g là vàng ròng, 494g còn lại là bạc. Vì vậy mà giá trị của nó chỉ khoảng $564, trong khi nếu trọn chiếc huy chương là vàng ròng thì phải tốn kém trên $20,000 mỗi chiếc. Lần cuối cùng người ta trao huy chương vàng ròng tại Olympic là dạo tiền Thế Chiến Nhất, Olympic 1912 ở Stockholm xứ Thụy Ðiển. Trong xu thế ý thức gìn giữ môi trường ngày càng lên cao, nhà tổ chức cũng tuyên bố ít nhất 30% vật liệu làm huy chương TVH Rio 2016 là vật liệu tái chế – recycled material – riêng chiếc dây đeo cổ 100% tái chế từ vỏ nhựa của chai nước.

Dù giật nhiều huy chương vàng Olympic, nhưng các lực sĩ Hoa Kỳ không được tưởng thưởng tài chánh cao nhất, một cách trực tiếp, nếu so với các nước khác. Ủy Ban Olympic Hoa Kỳ USOC trao thưởng mỗi huy chương vàng $25,000, chưa tính theo luật hiện hành thì các lực sĩ vẫn phải nộp thuế thu nhập trên khoản tiền thưởng này. Nói chung, những cường quốc thể thao từng chiếm hữu vô vàn huy chương TVH thường chỉ trao thưởng hiện kim khá tượng trưng, như Hoa Kỳ, hoặc người Ðức thưởng $19,500 cho mỗi huy chương vàng, thậm chí các lực sĩ Anh Quốc không hề được thưởng đồng nào khi giật huy chương bất cứ thể loại nào. Ngược lại, những xứ chưa thu đạt nhiều thành tích lại rao thưởng rất cao để tạo khích lệ. Nam Hàn chẳng những trao thưởng $55,000 mỗi huy chương vàng, mà các lực sĩ giành huy chương vàng TVH (hoặc các giải quốc tế lớn) còn được miễn quân dịch (nam giới Nam Hàn trên 18 tuổi phải gia nhập quân ngũ 21 tháng với tiền thù lao $120 mỗi tháng). Ðiểm qua vài quốc gia với mức tiền thưởng cao nhất cho một huy chương vàng: Ấn Ðộ và Ukraine $150,000; Philippines: $215,000; Thái Lan $314,000; Indonesia $384,000; Azerbaijan $510,000; Ðài Loan $640,000. Ðầu sổ là đảo quốc Singapore đã thưởng $746,000 cho nam kình ngư Joseph Schooling, người đã qua mặt Michael Phelps của Hoa Kỳ, về đầu môn bơi bướm 100m. Tuy nhiên, có lẽ chủ nhân các tấm huy chương vàng trên thế giới, trong đó có Joseph Schooling, khó lòng so sánh với Phelps và lực sĩ Hoa Kỳ về giá trị tưởng thưởng trên thực tế, sau kỳ Olympic, qua các hình thức tài trợ quảng cáo. Với 5 chiếc huy chương vàng TVH Rio 2016, Michael Phelps được thưởng $125,000 chưa tính thuế, nhưng với nhiều tài trợ quảng cáo hậu hĩnh, đến nay ước lượng Phelps đã bỏ nhà băng ít nhất $50 triệu.


Cũng như thường lệ, nước chủ nhà Brazil kỳ này thắng lớn. Từ sau 1988, tại mỗi kỳ Olympic, phái đoàn lực sĩ nước chủ nhà luôn đạt thành tích cao nhất trong lịch sử tranh hùng TVH của nước đó, thí dụ 1988 Nam Hàn xếp hạng 4 chung cuộc, là điều họ chưa từng đạt đến trước đó. Ðến Olympic 1992 thì Tây Ban Nha xếp hạng #6; 1996 Hoa Kỳ #1; 2000 Úc #4; 2004 Hy Lạp #15, 2008 China #1; và 2012 Anh Quốc #3. Trong lịch sử tranh tài TVH, Brazil chưa bao giờ xếp hạng cao hơn #15 (TVH Antwerp 1920, Brazil gởi 21 lực sĩ giành được 1 vàng 1 bạc 3 đồng, xếp hạng #15). Kỳ này với 471 lực sĩ, đến thời điểm hiện tại họ đã có 16 huy chương (5 vàng 6 bạc 5 đồng), và hoàn toàn có thể lấy thêm huy chương trong 2 ngày cuối để vươn lên #10 đến #15 trên bảng xếp hạng chung cuộc. Và không chỉ có thành tích thể thao, người Brazil còn có cơ hội vàng để trình bày xứ sở mình và thành phố Rio de Janeiro hoặc chỉ ngắn gọn là ‘Rio’. Hằng tỉ khán giả khắp hoàn cầu đã được tận mắt chứng kiến sự sống động của thành phố lớn thứ 3 Brazil với gần 6.5 triệu dân, từng nổi tiếng với các cuộc hội hè Carnival và hằng trăm ngôi trường dạy điệu nhảy Samba lừng danh.

TTD