Menu Close

Miếng cơm cháy

Cách đây gần một tuần, tôi ghé thăm nhà một người bạn cũ thời đại học ở một vùng quê nghèo. Tới giờ cơm chiều, tôi thấy mẹ bạn vo gạo, chuẩn bị nồi gang rồi nhóm bếp củi. Ðã lâu lắm, tôi mới gặp lại mùi khói của rơm, của lõi ngô cùng những nhành củi khô từ cây cối trong vườn nhà. Mùi khói ấy, đã từng khiến cho tôi – một đứa sinh ra và lớn lên ở phố thị cảm giác lạ lẫm và thích thú. Nhưng sự thích thú ấy sớm tan biến khi phải ngồi đun bếp giữa cái oi ả của ngày hè. Cái nóng từ bếp củi tỏa ra, như càng nhân lên sự nóng bức và ngột ngạt của không gian. Ðã không ít lần tôi than với bạn tôi rằng: đun bếp củi, cực quá! Nhưng hôm nay, tôi chẳng ngại vào bếp để giúp mẹ bạn nấu cơm và xào một chảo đọt bí non xanh mướt. Mặc khói làm cay mắt, tôi háo hức với ý nghĩ: lát nữa thôi, khi dỡ cơm, tôi sẽ có vài miếng cháy giòn giòn để ăn. Chẳng là, lâu quá không được ăn cơm cháy. Nhớ hồi trước, nhà tôi vẫn nấu cơm trong nồi gang rồi vần quanh bếp than nên bữa nào cũng có một lớp cháy vàng ươm ở đáy nồi. Ðợi cơm được xới vơi rồi, tôi dùng thìa cạy lớp cháy giòn tan đó, ăn chậm rãi từng mẩu nhỏ để nghe cái giòn tan, vị ngọt bùi của cơm gạo. Lúc đó, tôi thấy sao mà ngon đến thế và chẳng còn mơ thức quà nào hơn.

Tôi làm sao quên được lúc tôi mới đi học, bà ngoại tôi vẫn nhắc: không được ăn cơm cháy kẻo học dốt đó. “Cơm cháy” theo cách nói của bà tôi là phần bị quá lửa, chuyển sang màu nâu nâu chứ không còn được vàng ươm nữa. Nó cũng không còn hương thơm của gạo mà có mùi nồng khét. Và tất nhiên, nếu ăn cũng chẳng ngon lành gì. Sau này, lớn rồi tôi mới hiểu: không phải ăn “cơm cháy” thì sẽ học dốt. Bà tôi “nói dối” vì thương tôi và muốn dành cho tôi phần cơm trắng trẻo, ngon lành. Còn phần cơm khô quá lửa kia, cuối cùng bà tôi lại lặng lẽ ăn. Ngày đó, tôi cũng vô tâm chẳng để ý xem cuối bữa, nồi cơm còn ít bao nhiêu. Cũng những tảng cơm cháy, đã giúp gia đình tôi đi qua những ngày thiếu thốn. Ðó là thời điểm nhà tôi rất khó khăn, đến mức Tết năm ấy còn chẳng có nổi cặp bánh chưng. Sau đó, may mắn mẹ tôi xin được công việc ở một tiệm bán đồ ăn sáng và cơm trưa. Cô chủ quán rất tốt, ngày nào cũng cho mẹ tôi đem về những đồ ăn bán chưa hết và phần cơm còn lại. Biết tôi thích, nên mẹ tôi thường lấy thêm mấy vầng cơm cháy. Tôi thường lựa những miếng cháy đủ lửa, bẻ từng mẩu ăn chơi. Còn những miếng mềm hơn, tôi vẩy nước rồi hấp lại cùng cơm cho bữa tối. Thế là, chẳng mấy khi nhà tôi phải nấu thêm cơm nên cũng tiết kiệm được một chút. Ðến khi tôi đi học xa nhà, một mình mẹ tôi ăn không hết phần cơm đem về. Mẹ tôi nghĩ cách phơi khô những miếng cháy cơm, rồi bán cho những nhà quanh đấy để họ chăn gà, chăn lợn. Số tiền thu về chẳng đáng bao nhiêu, nhưng theo lời mẹ tôi nói: “bỏ đi thì phí, thì tiếc, cơm gạo cả mà”.

Cái sự tiêng tiếc của mẹ tôi khiến tôi nhớ mấy câu thơ mà tôi đã từng được học thuở nào: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Vất vả, cơ cực lắm người nông dân mới làm ra được hạt gạo dẻo thơm. Ðể rồi chính họ, có khi chẳng được ăn những hạt gạo thơm ngon nhất do chính tay mình làm ra. Tôi đã từng ghé nhiều vùng quê khác nhau, ăn những bữa cơm khi thì đạm bạc với rau dưa hoặc có lúc đủ đầy hơn với thịt cá. Nhưng cơm thì ở đâu cũng gần giống nhau: cơm khô từng hạt rời rạc được nấu từ loại gạo rẻ tiền. Vì ý tứ, tôi chẳng khi nào thắc mắc. Và chính tôi, đã tự tìm cách trả lời cho băn khoăn của mình. Nhà nông mà, cốt sao cho no bụng để đi làm là được. Cơm ngon, gạo đắt lại tốn thêm một khoản chi tiêu trong khi còn thiếu trước hụt sau. Nghĩ đến đó, tôi nghe sống mũi mình cay cay và lòng nao nao buồn.

Tôi yêu hình ảnh những cánh đồng khi ngày mùa đến. Cả một không gian bát ngát sắc vàng. Chỗ thì lúa chín vàng ruộm, chỗ còn lác đác lúa xanh. Chỗ đã chỉ còn trơ những gốc rạ. Không gì đẹp hơn hình ảnh của những sân phơi ăm ắp thóc vàng và cái ngon của nồi cơm gạo mới. Niềm vui của những người nông dân lam lũ có lẽ chỉ giản dị thế thôi. Và cũng không có gì buồn hơn hình ảnh những thửa ruộng khô nẻ và vạt mạ non mới cấy chưa lâu đã héo khô vì thiếu nước. Tháng mười hai năm trước, tôi ghé thăm miền Tây, nghe người dân nói: năm nay lũ không về, không có mùa nước nổi như mọi khi. Tôi tần ngần đứng nhìn cây điên điển bên đường lơ thơ vài bông hoa vàng. Ðể rồi, vài tháng sau, xem tin tức hàng ngày trên tivi tôi không khỏi xót xa. Những cánh đồng chết khát, những vườn cây trái bị hạn mặn xâm nhập chết khô, quả rụng đầy mặt đất. Còn những con mương, con sông từng ăm ắp nước giờ thu mình chỉ còn nhỏ xíu hay thậm chí cạn khô. Những tiếng thở dài, những giọt nước mắt và giọng nói nghẹn ngào. Họ than thở, cầu nguyện, bất lực. Chữ “hạn” đi liền với chữ “khát” và chữ “đói’. Tôi đã hiểu…

Những mẩu chuyện tôi từng đọc, chợt như đang sống động trước mắt tôi đây. Cảnh người dân lần hồi đong từng ký gạo. Nồi cơm độn khoai sắn, cùng bát canh rau lõng bõng là tất cả bữa ăn của một gia đình. Ðã bao lâu rồi mà những hình ảnh đó vẫn còn tồn tại ở một miền quê nào đó, ở một làng bản xa xôi nào đó. Và giữa những đô thị, cũng thấp thoáng không ít nghịch cảnh. Một phóng sự ngắn, đã khiến không ít người giật mình thảng thốt. Tại một khu chợ đầu mối nông sản của Sài Gòn, có những người đi gom rau củ quả thối hỏng để bán lại. Có đủ loại: từ cải thảo, cải thìa đến cà chua, cà tím, khoai lang… được thương lái sau khi đã bán buôn thì loại ra. Mặc nhiên, chúng chính là rác. Bởi lẽ, những thứ đó, đều hỏng cả không còn sử dụng được như cách họ nói. Nhưng kỳ không, khi có những người đi bới lượm từng trái cà chua giập, từng mớ rau ôi héo để dành cất đi. Chiều tới, họ mang ra tiêu thụ ở một khu chợ tạm cho công nhân gần khu công nghiệp. Những công nhân nghèo với đồng lương eo hẹp chắc chẳng có nhiều lựa chọn đâu. Họ đành chọn mua những thứ với phần thối hỏng kia, vì một lý do là nó rất rẻ. Rẻ chỉ chừng 1/2 hay 1/3 so với các thứ cùng loại bán ở chợ bình thường. Và còn rẻ hơn nữa so với giá cả ở siêu thị hay các cửa hàng mà họ chẳng mơ có thể đặt chân vào. Ðể rồi, những thứ ôi, hỏng, giập sẽ có mặt trên mâm cơm của những người công nhân. Chắc họ không biết được, những thứ họ vừa mua với giá hời kia, được lượm từ đống rác. Họ đã từng và đang ăn… rác. Còn gì xót xa hơn chuyện cái nghèo và miếng ăn chẳng được là miếng ngon và sạch.

Trong cuộc chuyện trò, tôi kể với bạn về những miếng cơm cháy của tuổi thơ. Ðối với tôi, đó là những miếng cơm cháy của niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc giản dị của việc không bị thiếu đói, không phải ăn cơm độn khoai, sắn. Ðó còn là niềm hạnh phúc khi cảm nhận được sự nhường nhịn của bà ngoại, sự tảo tần của mẹ tôi. Tôi lớn lên cùng với những miếng cơm cháy nhưng vẫn được no đủ, khỏe mạnh. Còn hiện tại, đồ ăn thức uống chẳng thiếu thứ gì nhưng sao tôi không còn cảm nhận được trọn vẹn hương vị thơm ngon như thời ấu thơ nữa.

Không phải vì lòng người thay đổi mà vì có những thứ đã không còn giữ được nguyên vẹn hương vị như xưa. Bỗng nhiên, có những cái tưởng như đã lâu chẳng ai thèm ăn như tóp mỡ, rau dại được săn lùng và để dành ăn dè. Không ít người cầu kỳ đi tìm nguồn đồ sạch giữa ma trận những cái không sạch bủa vây. Nghịch lý ấy thành một bước lùi ngược trong hiện tại. Khi thiếu thốn ta mơ một miếng ngon cao sang. Ðủ đầy rồi, ta lại mơ hương vị mộc mạc một thuở…

Khoảng lặng vui buồn chợt đến trong một buổi chiều mùa hạ, nơi một gian bếp đầy khói.

NHN – Hạ Long, tháng 7 – 2016