
Etgar Keret là một trong những khuôn mặt văn nghệ hàng đầu của Do-thái hôm nay. Là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, truyện bằng tranh, và cũng là một nhà làm phim, anh bắt đầu viết từ năm 1991 và gửi đăng trên một số tạp chí ở Do-thái. Năm 1992, anh xuất bản tập truyện đầu tiên Tzinorot [Những cái ống], và trong thập niên đó anh tung ra nhiều tập truyện khác, với bút pháp độc đáo, nổi tiếng nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến nhiều nhà văn cùng thế hệ.
Phê bình gia Phillip Lopate nhận định rằng truyện ngắn của Etgar Keret mang phong thái “hậu hiện đại một cách không cần cố gắng” (“effortlessly postmodern”), kết hợp những lối viết mang tính chất tự phản tỉnh, phóng tưởng, hiện thực thần kỳ và ý niệm. Giọng văn của anh trẻ trung và mới mẻ một cách dễ dàng, và Salman Rushdie cho rằng đó là “giọng của thế hệ kế tiếp” (“the voice of the next generation”).
Keret đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương và điện ảnh, trong đó có Prime Minister’s Award for Literature; Ministry of Culture’s Cinema Prize; Israel Film Academy Award; giải nhất của Munich International Festival of Film Schools; và giải Camera d’Or tại liên hoan điện ảnh Cannes. Năm 2006, anh được Israel Cultural Excellence Foundation chọn như một nghệ sĩ ngoại hạng.
Những giọt thuốc
Cô bồ của tôi nói rằng một người nào đó ở Mỹ đã phát minh một thứ thuốc chống lại cảm giác cô đơn. Hôm qua nàng đã nghe tin đó trên chương trình Nightline, và bây giờ nàng gửi một bức thư bảo đảm cho chị của nàng, nhờ bà ấy gửi cho nàng một thùng đựng đầy thứ thuốc ấy. Trên Nightline, họ nói rằng tất cả các đại lý bán lẻ ở vùng duyên hải phía đông nước Mỹ đã bày bán, và ở New York nó là một món hàng bán chạy nhất. Nó có hai hình thức, chai nhỏ giọt hoặc bình xịt. Cô bồ của tôi đòi loại chai nhỏ giọt. Chỉ vì nàng không muốn cảm thấy cô đơn, thì chẳng có lý do gì để làm hại tầng ozone.
Bạn cho những giọt thuốc vào lỗ tai, và trong vòng hai mươi phút bạn không còn cảm thấy cô đơn. Nó tác động với một phản ứng hóa tính nào đó trong óc bạn, họ có giải thích trên radio, nhưng cô bồ của tôi không thể hiểu nổi. Nàng đâu có phải là Marie Curie. Thậm chí nàng thuộc loại đần. Cả ngày nàng ngồi nghĩ tôi sẽ lén cặp một cô khác và bỏ rơi nàng và đủ thứ đại loại như vậy. Bây giờ nàng lại nói rằng khi nàng trở về từ bưu điện, thì nàng không cần phải sống với tôi nữa. Bởi vì nàng sẽ nhận được loại thuốc giọt ấy trong một ngày rất gần, nên nàng không sợ cô đơn nữa.
“Em bỏ anh?” Tôi nói. “Ðể đổi lấy những giọt thuốc ấy hả? Tại sao vậy?” Nhưng tôi vẫn yêu nàng, tôi yêu nàng như điên dại. “Em cứ dọn đi chỗ khác nếu em muốn,” tôi nói với nàng, “nhưng em nên biết rằng chẳng có những giọt thuốc tanh tưởi nào sẽ yêu em như anh yêu em đâu, em ạ.” “Nhưng những giọt thuốc ấy sẽ không lừa dối.” Nàng nói như thế, rồi nàng ra đi. Giống như tôi đã lừa dối nàng rồi vậy.
Nàng thuê một căn gác xép ở dưới phố, và bây giờ hàng ngày nàng đợi ông bưu tá. Còn tôi, bưu điện sẽ chẳng mang đến cho tôi thứ gì cả, và tôi cũng chẳng có bất cứ bạn bè nào ở nước ngoài để gửi thứ gì cho tôi cả. Nếu tôi có bạn bè ở nước ngoài, thì chắc là tôi đã đi theo họ từ lâu rồi. Chắc là tôi đã đi uống rượu với họ và kể cho họ nghe những nỗi buồn phiền của tôi. Chắc là tôi đã ôm chầm lấy họ nhiều lần và chắc là tôi đã khóc rưng rức bên cạnh họ, chẳng còn biết xấu hổ. Ta có thể sống nhiều năm theo kiểu đó, sống cả đời còn lại theo kiểu đó. Một trăm phần trăm hợp với tự nhiên, tốt hơn rất nhiều so với những giọt thuốc ấy.

ETGAR KERET
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn