An xúc nửa lon gạo đổ xè vô nồi, mở nước vòi, vo nhẹ, tay huơ huơ hớt mấy cợn cám lềnh bềnh. Nàng định rang gạo với chút dầu cho cháo lát nữa đừng nở hoa nhưng chợt nhớ bà già dạo này cái bụng không tốt nên thôi, bắc nồi cháo lên lò luôn. Mới 6 giờ sáng, trời hửng giấc, lũ chim tinh mơ líu lo gọi đuổi trong vòm mận ngoài sân. Bữa nay đứng một mình trong gian bếp rộng, nhìn quanh những nồi những chảo, nàng bất giác nhớ lại thuở mới về làm dâu.
Bà già ó đâm. Ác gì mà ác quá.
o O o
Thuở đó, bà Hoài hẳn nghĩ con trai bà bị An bỏ bùa yêu, một hai đòi mẹ phải trầu cau sang nhà xin cưới nàng. Bà là dân làm ăn, còn nhà An vốn dòng khoa bảng nên bà không ưa. Ðâm ra mẹ chồng ghét An. An về làm dâu, thấy bà bận rộn buôn bán, ít quán xuyến việc nhà, nàng bỏ công mua xoong chảo mới đủ bộ treo sáng choang gian bếp, bà Hoài về la oang oang rồi hất tung chúng xuống sàn, bảo nàng chớ khoe khoang thói nhà quyền quý, lâu nay gia đình này vẫn sôi cơm ấm bếp hà cớ chi bày vẽ. Rồi mấy hôm rảnh rỗi, muốn trổ tài nữ công gia chánh, nàng nấu bảy tám món thịnh soạn cả chính lẫn tráng miệng, bà ngó một cái nhiếc liền bộ định nấu đám giỗ đám cúng hay sao. Bữa sau đó nàng nấu gọn duy một món thì bà chê mặn chê lạt, hứ đồ dâu hư rồi bỏ cơm. Dĩ nhiên là những chuyện này diễn ra những khi Ðông vắng nhà, chàng đi công tác suốt ngoài giàn khoan, nên An cắn răng chịu đựng. Mà dẫu có Ðông ở nhà, An cũng không méc lại. Nàng chưa hề có ý định tranh giành con trai của bà. Thậm chí đến giờ, An vẫn tự vấn lòng mình đã thật sự yêu Ðông?

Những khoảnh khắc lãng mạn của tuổi biết yêu trên Ðà Lạt chập chùng hay Huế mơ Huế mộng là với Nhân, mối tình đầu. Nhân là sinh viên của cha An. Ngày Nhân tìm đến nhà xin ông hướng dẫn luận án tốt nghiệp, bốn mắt vừa chạm, trái tim cô sinh viên năm nhất đã lạc nhịp. Ðôi mắt tinh anh dưới bờ mày rậm, giọng nói trầm ấm pha chút nghịch ngợm luôn khiến nàng bối rối. Những lần đến nhà gặp cha nàng, Nhân luôn có quà ăn vặt cho An, đến nỗi nàng cứ trông chàng đến như con nít đợi quà.
Cả hai lén lút hẹn hò tuy nàng biết không qua được mắt cha. Mà ông không nói. Ông giáo sư già trường Luật là một người rành đạo lý song không quá khắt khe. Ông biết Nhân là một chàng trai nghèo chăm học, thông minh và có chí. Một chàng rể có tương lai. Nhưng cám dỗ cuộc đời đã quật ngã Nhân, chàng vướng vào một vụ bê bối của một ngân hàng lớn khi lo chạy giấy tờ tín dụng thế chấp. Nhân cầu cứu ông thầy già có nhiều quen biết. Từng trải trong nghề, ông biết Nhân chỉ là ngựa non háu đá, nên ra tay giúp chàng thoát trọng án, nhưng ông cũng biết tiền đồ xán lạn của chàng trai trẻ đã vụt tan, ông không muốn con gái nâng khăn sửa túi cho một gã luật sư thất cơ lỡ vận. Ông khéo léo buộc Nhân phải rời An. Vốn là người biết điều, Nhân đền ơn ông thầy bằng cách bỏ đi thật xa, cắt đứt liên lạc với An, kiểu như người bội bạc. An sốc, An trầm uất, nhưng không mảy may biết sự dàn xếp của cha. An không tin vào tình yêu nữa. Thế nên khi Ðông tìm đến, xưa là bạn học phổ thông, nay là một kỹ sư dầu khí thành đạt, An rất đỗi hững hờ. Song mưa dầm thấm đất, Ðông đã trở thành một thói quen trong đời. An không hề rung động hay tốn công vun quén, một mình Ðông xây lâu đài tình ái cho nàng bước vô.
Do vậy bà Hoài đã phí công ganh ghét nàng. Ðông tự ý săn sóc nàng những lúc ở nhà, chứ An không tìm cách kéo chàng về mình. Có chăng là thời gian sau cưới, Ðông bận việc ngoài giàn khoan nhiều hơn, chỉ còn hai người đàn bà ở nhà. Mà tính bà Hoài cổ quái, khó khăn, bạn bè, thân thích còn ngán. Người ta nói phụ nữ làm kinh doanh, lại vắn số chồng nên phải mạnh mẽ và độc đoán. Riêng An quen làm theo ý mình, thích ăn nói từ tốn, kiệm lời chọn chữ nên đương nhiên bà không hợp. Mà An không trông mong điều gì từ bà nên nàng cứ lặng lẽ sống và vô can.
Thế rồi Ðông đi phượt. Bị xe tông trên một đường núi miền Tây Bắc. Chàng lớn mạng không rơi vực sâu nhưng chịu nằm liệt ở nhà. Bà Hoài một tay gánh vác kinh tế gia đình, An ở nhà chăm sóc chồng. Tình yêu không biết đã có chưa nhưng tình thương và trách nhiệm thì An không thiếu. Song tất cả cũng không cứu vãn được sự rệu rã trong cơ thể chồng. Biến chứng từ những lần mổ xẻ đã dần làm Ðông suy kiệt. Chàng qua đời sau 6 năm nằm một chỗ. Cũng chỉ còn hai người đàn bà trong căn nhà trống trải. Lẽ ra An có thể bỏ về nhà cha sau đó. Nghĩa vụ với chồng đã hết, tình yêu với Ðông chưa đủ lớn để nàng thủ tiết thờ chồng. Nàng tự do. Nhưng An e ngại cho người đàn bà còn lại trong ngôi nhà trống vắng. Nàng nghĩ mình được quyền có ý nghĩ cao thượng đó.
Rồi nàng tự hỏi, liệu đúng vậy không? Hay cái lý do lớn hơn đâu đó là ở trong nàng. Trước đó ít lâu, một lần tình cờ về dọn phòng cha, An bắt gặp hai lá thư Nhân gửi cho ông. Trí phán đoán cho nàng biết có bàn tay can dự của cha khiến Nhân bỏ nàng. Ông vẫn thường dàn xếp nhiều việc khi nàng còn bé. Mẹ mất sớm, ông ít chia sẻ tình cảm với con gái nhưng mọi việc diễn ra cho nàng đều có bàn tay của cha. Nàng chỉ không ngờ là cha nàng lại dàn xếp cả sự bội bạc của mối tình đầu. Hiểu cha nhưng An sợ cuộc sống “tưởng rằng” như xưa. Thêm ông anh Hai và bà chị dâu ương chảnh muốn dọn về để coi sóc cha càng đẩy nàng rời xa mái ấm cũ. Thà nhẫn với mẹ chồng “chằn ăn trăn quấn” nhưng thói lề đã ngấm, chứ lắm lúc không nghe bà cẳn nhẳn, nàng cảm thấy trống trải chơi vơi. An trù trừ nán lại với bà.
Mà kiếp người đâu chỉ chảy xuôi một ngã. Một trận ốm thập tử nhất sinh giữ chặt nàng trên giường cả tháng. Một tay bà Hoài bưng cơm đến giường cho nàng, mất mẹ từ nhỏ nên An rơn cả người mỗi khi được bà vỗ về chăm bón. Nhưng tuyệt nhiên vẫn không là hai mẹ con như người ta. Hai người đàn bà vẫn thích thú cắn đắng nhau mỗi khi có thể.
o O o
Mới đó lại sáu năm trôi, tóc bà Hoài trổ trắng như tơ như cước, bà đau ốm nhiều hơn, việc kinh doanh giao lại cho An đảm đương. Nhờ vậy, trong một chuyến làm ăn, sẵn ghé chơi Mũi Né, nàng gặp Dũ, anh trí thức Việt kiều về thăm quê. Chỉ vài lần nói chuyện vu vơ bên bờ hồ mà cả hai đã tâm đầu ý hợp. Thấu đáo cuộc đời hơn, An không còn suy tôn tình yêu mù quáng, cũng không phải ngại ngờ. Nàng nhận diện tình cảm kẻ đối diện bằng thâm trầm xét đoán, bằng chín muồi tiềm thức của phụ nữ chớm đa đoan. Và còn bằng nỗi khát khao của giống loài. An biết Dũ thích mình. Dũ nhanh nhạy, tinh tế, khá giỏi trong lối sống win-win, sao cho cả chàng và mọi người xung quanh đều thoải mái. Hai bên cũng không còn trẻ dại để quá khó khăn tìm hiểu nhau. Thời gian trôi mau, Dũ và An đã tính đến hôn nhân. Mà cái khó vẫn không buông tha An. Tháng rồi bà Hoài đổ bệnh rồi bà bị lẫn. Nhưng bà không quên An. Bà vẫn in là An bỏ bùa yêu con trai bà để bà hứ hó. Hứ hó thôi chứ không la, hơi sức còn đâu nên bà chỉ nay hờn, mai dỗi. Rồi thiếu An là bà khóc, rồi lại nài nỉ An ngồi bên giường cho bà kể lể.
Mà trớ trêu hơn, đôi lần Dũ đến thăm An, bà Hoài lẫn lộn chàng là Ðông mới về từ giàn khoan, may nhờ Dũ nhanh trí vâng dạ cho qua. Thương chàng vậy đó.
Tiếng chuông điện thoại hối hả từ nhà trên, An nhoẻn cười, buông chiếc đũa quậy cháo, tắt lò. Gọi giờ này chỉ có thể là Dũ từ nửa vòng bên kia trái đất.
– Anh, An nghe nè.
– Em, má hối làm đám hỏi đặng còn lo giấy tờ bảo lãnh em sang đây.
– Thì anh với má cứ tính ngày tốt và tiện cho anh về.
– Thiệt hông, em giao cho anh nha.
– Dạ, thiệt. Nhưng mà . . .
– Mà sao nữa?
– Còn má . . .
– Má… ai?
– Má chồng em…
– Thì hôm bữa em nói nhờ bà con của bả.
– Em không tin tưởng được họ… Em tính…
– Tính sao em?
– Hay là anh để em ở đây.
– Là sao?
– Chứ em đâu nỡ bỏ bả một mình.
– Ơ thì…
– Em tính, anh đi đi về về được, còn em đi luôn thì khó.
– . . .
– Anh thương em không?
– . . .
– Anh?
– Sao em hỏi vậy?
An hít một hơi dài.
– Em tính lấy nhau rồi, anh cho phép em ở lại chăm bả.
– Ðến bao giờ?
– Anh hỏi khó quá – An nấc nhẹ — Bác sĩ nói má em không sống thọ với từng ấy bệnh, người già suy sụp nhanh, mà giờ chỉ còn mình em.
– Còn anh thì sao?
– Em vẫn sẽ là vợ anh, má em còn tưởng anh là con ruột bà, thì nhà đây cũng là mái ấm chờ anh mà.
– Vậy là anh phải take care bà má chồng trước của vợ sắp cưới còn bà má chồng bên này thì đưa vô viện dưỡng lão nằm queo?
– Anh đừng làm khổ em mà.
– Well, Thôi được rồi. Anh hiểu em.
– Dũ, em thương anh.
– Thiệt, nợ bà già này từ kiếp trước mà, ha ha… Nói chớ anh cũng tội má lắm.
– Má ai?
– Thì lấy nhau rồi, má chồng em cũng là má của chồng em chứ sao! Chịu chưa?
Chấp chới chơi vơi, bất giác An cười, trễ một bên môi.
K – June 2016
kayennduchu@charter.net