Menu Close

Sổ Tay Người Việt – Ngô Nhân Dụng

Khi giới thiệu “Sổ Tay Người Việt,” nhà báo Ðỗ Ngọc Yến viết: “Từ ngày nước ta dùng lối viết “chữ quốc ngữ,” có lẽ báo chí là hình thức sử dụng chữ quốc ngữ nhiều nhất. Báo chí góp phần phổ biến lối viết mới này, và giúp cho tiếng Việt Nam phong phú hơn. Tuy nhiên, dù chúng ta đã mở nhiều trường dạy nghề làm báo, trong các tòa soạn vẫn chưa thấy tài liệu nào về các quy tắc sử dụng ngôn ngữ, về văn pháp, cũng như cách hành văn, soạn riêng cho các người làm báo tham khảo khi cần. Tập sách nhỏ “Sổ Tay Người Việt” này do Ngô Nhân Dụng, nguyên chủ bút báo Người Việt, sưu tầm và soạn thảo có mục đích ghi lại một số tiêu chuẩn được cập nhật dần dần trong sinh hoạt của ban biên tập Người Việt. Ðây là một đóng góp nghề nghiệp, hy vọng sẽ khích lệ các người viết báo quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm đối với ngôn ngữ Việt Nam; vì những người làm báo và làm phát thanh, truyền hình chúng ta mỗi ngày đều đụng chạm tới chữ nghĩa. Ðặc biệt khi chúng ta sống ở ngoại quốc, thì trách nhiệm đó càng quan trọng, nhất là đối với các bạn trẻ muốn đóng góp vào gia tài Tiếng Việt, cho mỗi ngày thêm phong phú và trong sáng hơn.” [Trang 8]

ngo-nhan-dung

“Sổ Tay Người Việt” do tác giả Ngô Nhân Dụng biên soạn, Ðỗ Ngọc Yến giới thiệu, Người Việt ấn hành năm 2006, được chia ra 12 phần, gồm có: “Lời Giới Thiệu; Trách Nhiệm; Viết Tin Bằng Tiếng Việt;  Làm Tin Hay Dịch Tin; Dùng Dấu Chấm Câu; Viết Hoa; Viết Cẩn Thận; Ðừng Ngại Dùng Dấu Chấm; Viết Tựa; Lịch Sự Lễ Ðộ với Ðộc Giả, Thính Giả; Luật Lệ Và Ðức Công Bằng; Chữ Và Nghĩa.” Ðây là tài liệu đầu tiên trợ giúp những người làm báo tại hải ngoại, đặc biệt tại Little Sài Gòn, khi phong trào truyền thanh, truyền hình, và báo chí phát triển.

Tác giả Ngô Nhân Dụng đã định nghĩa về người viết tin như sau:

“Người viết tin, làm tin đóng vai trò người quan sát và tường thuật, chứ không đóng vai người tham dự trong các biến cố làm thành tin tức. Ðây là một đòi hỏi khó khăn, nhưng mỗi người chúng ta cố gắng giữ quy tắc này, vì cần giữ đạo công bằng. Ấn tượng của độc giả, thính giả về vai trò của chúng ta khi viết tin, sẽ ảnh hưởng tới lòng tín nhiệm của họ đối với ngành truyền thông.” [Trang 12]

Ông cũng nhắc nhở người làm tin, tránh những câu, chữ sáo mòn: “Chúng ta thường viết trong bản tin những câu như: “Tưởng cũng nên nhắc lại…” Viết như vậy, vì người viết không biết nên chuyển đoạn như thế nào. Ðịnh kể chuyện gì thì cứ kể, không cần phải “tưởng” cho có vẻ khiêm tốn. Không nên nói như thế nữa, chỉ làm người đọc sốt ruột thôi. Bất cứ câu chuyện nào xảy ra từ trước thấy cần nhắc lại cho người đọc hiểu chuyện mới, đều có thể viết một cách tự nhiên, không cần “tưởng cũng nên” rồi mới viết. [Trang 32]

Tác giả Ngô Nhân Dụng cho rằng: “Dấu chấm câu thường dùng để báo cho người đọc, đến chỗ nào đó thì có thể ngừng thở một lát trước khi đọc tiếp. Nhưng các dấu chấm câu cũng diễn tả những rung động và ý tứ nữa, nhất là đối với một số thi sĩ. Chưa có nhà văn nào được giải thưởng Nobel, vì biết dùng dấu chấm câu. Nhà văn Bồ Ðào Nha José Saramago, trong nhiều cuốn tiểu thuyết, nhất định dùng dấu phẩy suốt một trang hay nhiều trang, dấu phẩy thay thế cho các dấu chấm, dấu hỏi, hai chấm, vân vân. Ông không hay xuống dòng, không dùng ngoặc đơn ngoặc kép gì hết…Vậy mà ông được Giải Nobel Năm 1998! Chúng ta viết báo là viết cho “các độc giả bình thường” thì nên dùng dấu chấm câu, theo một số quy ước thông thường. Vì độc giả chứ không phải vì văn chương. Cho nên quy tắc quan trọng nhất là: Dùng dấu chấm câu cốt để làm rõ nghĩa, không gây hiểu nhầm. Tất nhiên không nên làm khổ người đọc, vì cái tâm mình loạn hoặc lơ mơ bất định, nó hiện ra đấy…” [Trang 51]

Ðã 10 năm qua, nhưng những gì tác giả Ngô Nhân Dụng ghi lại trong “Sổ Tay Người Việt” vẫn là một tài liệu tốt, giúp những người làm việc trong ngành truyền thông báo chí, có thể làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm của họ khi viết tin, dịch tin. Quyển sách cũng giúp người Việt hải ngoại bảo vệ văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ, để “ngày càng thêm phong phú, tinh tế, thuần nhã,” như lòng mong ước của tác giả.

HNP – 5:23am Thứ Bảy ngày 02 tháng 09 năm 2016