Không biết có phải vì năm cùng tháng tận, vì thời gian của bốn con số 2016 chẳng còn nhiều nữa, nên có cơ man điều cần giải quyết. Công chuyện có, tư chuyện có. Công chuyện đã nằm trong kế hoạch, cứ theo đấy mà làm, dù thật nhức đầu vì hàng muôn bản tin, tôi cũng không thấy ngại. Chỉ có tư chuyện là không biết phải thu xếp vén khéo như thế nào. Từ ngàn xưa -tư chuyện- hay nói cho rõ ràng thì chuyện riêng tư đã là điều ngổn ngang trăm mối, cứ đan kết chồng chéo lên nhau, khiến khổ chủ cuống quít vân vê tà áo, không biết phải làm cách nào, để chuyện này ăn khớp với chuyện kia, để mọi sự đều xuôi thuận.
Nói cho đúng thì tư chuyện, nghĩa là chuyện riêng tư của tôi không có gì lắt léo. Chỉ là những việc tôi thường làm, khi ở nhà. Viết bài, viết đôi giòng để gió cuốn đi… Thật may [hay không may] tôi vẫn chưa bị ràng buộc vào phúc âm riêng của hai người, nên có thể thức rất khuya dậy rất sớm, hay là thức trắng đêm để làm những gì tôi cần làm, mà không hề sợ bị ai đó lườm nguýt hay trách mắng. Sự tự do tuyệt đối này thật tốt, nhất là khi tôi muốn hoàn tất một kế hoạch trong thời gian ngắn nhất. Cho dẫu là như vậy, rất nhiều khi tôi không thể làm được một chuyện riêng nào hết. Vì sao? Xin thưa: Một ngày làm suốt mười hai tiếng, có khi mười bốn hay mười sáu tiếng phải thực hiện một công chuyện nào đó. Kết thúc rồi chỉ muốn đánh răng rửa mặt, rồi đi ngủ. Không còn hơi sức, làm sao mà viết gì cho được.
Có những hôm tôi mất tăm mất hút, không thể trao đổi với những người thân quen trong một cõi ảo nào đó, khiến có người tưởng tôi giận hờn hay sao sao đó. Không đâu, tôi chẳng muốn giận hờn bất cứ ai, nhất là đối với những người đã gọi là quen. Ðây là điều rất rõ ràng trong cá tánh của tôi. Ðời thường, ngộ nhỡ bị người nào đó hồ đồ nói lời thị phi, tôi cũng chín bỏ làm mười, không muốn bắt bẻ, không muốn xung đột, huống là trên cõi ảo chẳng tỏ mặt người. Hơn nữa, hờn giận chỉ tổn hại chính mình. Tôi không muốn làm tổn hại tôi, không muốn làm tổn hại trái tim vốn đã có tiền sử bệnh án dai dẳng về arrhythmias. Tôi không muốn vì những chuyện vu vơ nào đó của cuộc đời, mà trái tim của tôi lại phải đau hoài đau mãi.
Vì sẵn có trái tim không bình thường, tôi rất sợ làm tổn thương trái tim của người khác. Không muốn làm tổn thương mình, không muốn làm tổn thương người khác, nên tôi muốn nói điều trái tim muốn nói, nên tôi muốn được thương người như thể thương thân. Nếu phải chọn một giữa hai điều: Hoặc là tôi phải đau khổ, hoặc là làm cho người khác đau khổ. Tôi xin chọn sự đau khổ cho mình. Vì sao? Vì tôi từng trải qua những cơn co thắt về bệnh lý của trái tim, tôi hiểu sự khốn khó của người bị đau tim, càng hiểu rõ sự khốn khó của người bị đau lòng. Phải đứng trước một điều gì thuộc phạm trù tranh giành hơn thiệt, nhất là có dính dáng đến cảm tính, tôi nhất định là người thinh lặng chịu thua thiệt, ngay cả khi phần thắng chắc chắn thuộc về tôi.
Thái độ này có vẻ khó hiểu, đối với một người cương nghị, không dễ dàng buông xuôi như tôi. Thật ra, chẳng có gì khó hiểu. Tôi luôn luôn kiên tâm bền chí theo đuổi một mục đích, hay một vấn đề gì đó mà tôi ưa thích. Chẳng hạn như tôi quyết học biết tường tận những điều tôi muốn biết, quyết theo đuổi hoài bão của bản thân cho đến khi thành tựu. Còn những chuyện có vẻ mộng mị thức mây, có vẻ mờ mờ nhân ảnh, có vẻ sắc sắc không không, có vẻ yêu-thương-giận-ghét một cách tranh chấp…, tôi lùi lại, để thấy trời quang mây tạnh. Trong đời thường cũng như trên cõi ảo, có rất nhiều người tôi và họ chỉ chào một bận, có rất nhiều người tôi và họ chỉ gặp một lần, nhưng họ đã để lại trong tâm hồn của tôi những dấu ấn tình cảm đặc biệt, không bao giờ phai. Tôi từng gặp những người như vậy, và tôi biết người khác cũng nhận ra những điều đặc biệt ở ai đó, như tôi đã-đang cảm nhận. Ðứng trước cảm nhận đặc biệt như vậy, trái tim của tôi chỉ muốn hát lên giai điệu của lòng, một giai điệu dư đầy sâu lắng, thiết thân.
Ở cảnh giới này, phải chăng sự đồng cảm thật không thể nghĩ bàn.
Viết tới đây tôi nhớ đến tata Margo, một người cô rất dễ thương của tôi. Khi mọi người trong nhà đều vui vẻ, công việc làm đủ để mưu sinh, có nghĩa là đã an cư lạc nghiệp, tata Margo đi du lịch. Tata nói với tôi “Tata đi du lịch không phải để tìm bình an cho tâm hồn, mà là để thực hiện những mơ ước của thời còn đi học. Tata muốn lấy lại sự độc lập của mình, muốn sống như mình là…” Một ước muốn hết sức tự do. Không có gì vui sướng cho bằng được nghĩ như mình muốn, được làm như mình thích. Hành trang vào đời của mỗi người phong phú và có giá trị nhiều hay ít, tùy theo những điều đã suy nghĩ và đã làm được rất riêng này. Tata đi Cuba, đến phố Cienfuegos, gửi về cho tôi những tấm ảnh do chính Tata chụp. Tata kể: Tuy sống giữa thế kỷ 21, nhưng Cuba gần như không bị tràn ngập những tiến bộ của thông tin, khoa học, kỹ thuật. Không cell phone, không laptop, không twitter, không facebook, không chơi game tìm bắt Pokemon… Cienfuegos giống hệt một thành phố cổ. Không có tiếng nhạc xập xình. Không bị những tạp âm làm đau đầu nhức óc. Cư dân sống đơn thuần, bình đạm. Biển có nhiều san hô, gần như lúc nào cũng sóng yên bể lặng. Ngồi trên pedalo đeo kính lặn có thể nhìn thấy đáy biển. Nhiều người lượm được vỏ ốc, bắt được những con cá nhiều màu sắc rất đẹp… Cuba chưa có nhiều du khách. Biển Cienfuegos còn nguyên vẻ hoang sơ, không khí trong lành, không bị ô nhiễm, tuy có vài nơi xả rác… Tata lang thang trên bãi, bị con còng ngậm mấy ngón chân, thấy ngồ ngộ tự nhiên phá ra cười…
Mái nhà ẩn hiện xa xa. Sắc cỏ xanh tươi. Hàng dừa sai trái vây quanh. Bãi cát dài chạy dọc theo trùng dương thẳm xanh. Ngần ấy điều khiến tôi chạnh lòng nhớ cầu Xóm Bóng, nhớ biển Nha Trang. Nha Trang miền cát trắng. Nha Trang với hàng dừa nghiêng soi trên triền sóng. Nha Trang có núi Cô Tiên huyền thoại, càng thêm nổi tiếng nhờ hai câu thơ của người thi sĩ vô danh: “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ. Em nằm xõa tóc đợi chờ ai.” Ða Lạt, thành phố cao nguyên nơi tôi sinh trưởng, theo đường Sông Pha đi xuống Nha Trang rất gần. Chúng tôi, những học sinh phố núi mỗi mùa hè đều rủ nhau đi Nha Trang tắm biển, để cùng đồng cảm trong truyền thuyết một mẹ trăm con có từ thời lập quốc… Năm mươi người theo mẹ lên núi. Năm mươi người theo cha xuống biển. Sinh ra và lớn lên trên cao nguyên, học trò của phố núi ngàn thông tự nhận mình là hậu duệ của năm mươi người đã theo mẹ lên núi. Chúng tôi gọi bạn hữu ở thành phố biển xanh cát trắng bóng dừa nghiêng soi, là con cháu của năm mươi người theo cha xuống biển. Tuổi học trò vô ưu, chúng tôi thật hạnh phúc khi tự hào mình là hoàng thân quốc thích, là con cháu của tiên vương họ Hồng Bàng theo truyền thuyết thời ông cha xây dựng nước Văn Lang thuở xưa.
Cảm ơn tata Margo, và những hình ảnh về chuyến đi Cienfuegos. Riêng tôi nhìn biển trời Cienfuegos, nghe Nha Trang dậy sóng ở trong lòng.
HV – 4:15am Thứ Bảy ngày 03 tháng 09 năm 2016