Menu Close

Nỗ lực hòa bình cho Syria

Sau nhiều nỗ lực để tìm một giải pháp hoà bình cho Syria, vào rạng sáng Thứ Bảy 10/9 tại Geneva, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Nga cùng tuyên bố một thoả thuận vừa đạt được sẽ đưa tới việc ngưng bắn trên toàn quốc Syria bắt đầu từ Thứ Hai 12/9.

no-luc-hoa-binh-cho-syria4
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau cuộc họp tại Geneva, . photo Kevin Lamarque / AP

Sau buổi họp cuối cùng kéo dài suốt một ngày trong cuộc thương thuyết, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thông báo cho báo chí biết ngay sau lúc nửa đêm (giờ địa phương) bước qua ngày Thứ Bảy rằng kế hoạch ngưng bắn này có thể làm giảm bớt bạo động tại Syria và dẫn đến một cuộc chuyển tiếp chính trị đã được theo đuổi từ bấy lâu nay để hy vọng chấm dứt một cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn năm năm qua. Ông Kerry gọi thỏa thuận ngưng bắn này có thể là “khúc quanh” quan trọng trong cuộc xung đột vũ trang đã làm chết khoảng nửa triệu người, nếu được cả hai phía quân đội chính phủ Syria được sự hậu thuẫn của Nga và quân nổi dậy được Hoa Kỳ hỗ trợ cùng tuân thủ.

no-luc-hoa-binh-cho-syria3
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hàng Châu – nguồn timesofisrael.com

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã lên tiếng xác nhận thỏa thuận này và cho rằng nó sẽ giúp mở rộng cuộc chiến chống khủng bố và đưa các toán cứu trợ nhân đạo dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đến được với người dân Syria mà trong nhiều tuần qua đã bị ngưng hẳn. Lavrov cho biết Tổng thống Bashar al Assad của Syria đã được thông báo về kết quả của cuộc thương thuyết, và đã chuẩn bị để tuân thủ.

Thỏa thuận đình chiến lần này là kết quả của nhiều tháng với những nỗ lực ngoại giao đầy thử thách và cam go, trong đó bao gồm bốn cuộc gặp mặt giữa Kerry và Lavrov kể từ 26 Tháng 8, và một cuộc gặp gỡ riêng kéo dài nhiều giờ giữa Tổng thống Barack Obama và Vladimir Putin ở thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc vừa qua.

Cuộc ngưng bắn bắt đầu vào lúc hoàng hôn ngày Thứ Hai 12 Tháng 9, trùng với ngày lễ Eid al-Adha (Hiến tế) của người Hồi giáo, để bắt đầu cho cuộc ngưng bắn kéo dài bảy ngày sau đó cho phép một số tổ chức nhân đạo đưa đồ cứu trợ vào và người dân được quyền đi lại trong Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, nơi mà trong những ngày gần đây đã phải chịu đựng nhiều cuộc tấn công dữ dội từ nhiều phía.

no-luc-hoa-binh-cho-syria2
Cầu không vận nhân đạo giao hàng cứu trợ đến các khu vực bị bao vây – nguồn aljazeera.com

Cũng trong ngày Thứ Hai, Hoa Kỳ và Nga sẽ bắt đầu chuẩn bị cho việc thành lập một trung tâm mang tên Trung tâm Thi hành Chung (Joint Implementation Centre), là nơi Hoa Kỳ và Nga sẽ cùng chia sẻ những tin tức tình báo để xác định các khu vực đang được kiểm soát bởi lực lượng al-Nusra (một nhánh của al-Qaida) và những nhóm chống đối chính phủ trong những khu vực chiến sự đang xảy ra.

Trung tâm này được biết sẽ được thành lập một tuần sau đó, và sẽ xúc tiến một nỗ lực rộng lớn hơn hướng đến việc phác họa những khu vực khác đang được kiểm soát bởi các nhóm lực lượng quân sự khác nhau.

Như một phần của thỏa thuận, phía Nga sẽ phải chịu trách nhiệm kìm giữ không để cho máy bay của không quân chính phủ Syria tiếp tục oanh tạc những khu vực đang được các lực lượng chống đối kiểm soát, kể cả lực lượng al-Nusra, mà chỉ được quyền nhắm vào duy nhất lực lượng ISIS. Phía Hoa Kỳ cam kết sẽ giúp làm suy yếu lực lượng al-Nusra tại nhiều nơi trong nội địa Syria được biết là đã trà trộn với những nhóm chống đối chính phủ được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ.

no-luc-hoa-binh-cho-syria
Các quầy hàng trên một đường phố al-Shaar Aleppo, Syria, ngày 10 tháng 2 năm 2016. REUTERS / Abdalrhman Ismail

Cuộc đối thoại chính trị giữa phe chính phủ và phe chống đối dưới sự dàn xếp của Liên Hiệp Quốc sẽ được tiếp nối trở lại sau nhiều tháng tạm ngưng do tình hình chiến sự leo thang vào Tháng 4, và người ta hy vọng lần này, dù rất mong manh, là hai phe sẽ tìm được một giải pháp hoà bình lâu dài hơn.

Mục tiêu tối hậu của thỏa thuận là nhắm vào việc tập trung và tăng cường sức mạnh quân sự của hai cường quốc quân sự mạnh nhất trên thế giới để chống lại ISIS và al-Nusra, là hai tổ chức đã được Liên Hiệp Quốc dán nhãn hiệu là khủng bố.

Cả hai phía Hoa Kỳ và Nga đã từng thất bại thực hiện những cam kết của họ trong những thỏa thuận đình chiến nhiều lần trước đây.

Nhưng điểm đáng chú ý ở thỏa thuận lần này là Hoa Kỳ và Nga đi thêm một bước trong việc liên minh với nhau để chống lại khủng bố, và việc này xảy ra chỉ một năm sau khi Obama cáo buộc Putin quyết định can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria mà chủ yếu là giúp cho chế độ Assad tiếp tục nắm quyền và nhắm tiêu diệt thêm các lực lượng chống Assad ôn hòa.

no-luc-hoa-binh-cho-syria1
Aleppo của Syria – nguồn voanews.com

Ðể đáp lại, phía Nga đã lên tiếng chỉ trích sự hỗ trợ quân sự và tài chánh của Hoa Kỳ cho các nhóm nổi dậy trên chiến trường đã bị lực lượng al-Nusra trà trộn vào ở mức độ khá nặng.

Ðã có những tiếng nói phản đối từ ngay trong nội các của chính quyền Obama trong khi cuộc thương thuyết đình chiến đang diễn ra, trong đó tiếng nói chống đối mạnh nhất đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Cố vấn Tình báo Quốc gia James Clapper về việc Hoa Kỳ chia sẻ tin tức tình báo với Nga cũng như cáo buộc Nga đã lợi dụng thời gian thương thuyết để giúp Assad dành lại việc kiểm soát Aleppo và đẩy mạnh thêm những cuộc dội bom vào những nhóm chống đối chính phủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Nếu như các phe quân sự tại Syria tuân thủ theo đúng những gì mà thỏa thuận đình chiến đưa ra, giới quan sát cho biết sẽ tác động trực tiếp ngay đến hai khu vực đã có những giao tranh ác liệt trong nhiều ngày qua. Một là đường Castello, con đường huyết mạch mà các hoạt động dân sự, thương mại, quân sự và cứu trợ nhân đạo đều cần đến nó để đi vào Aleppo. Cả ba phe gồm quân đội chính phủ, các nhóm nổi dậy và dân quân người Kurd đã có lúc tấn công lẫn nhau và nay được yêu cầu ngừng lại mọi hoạt động quân sự để biến nó thành một khu phi quân sự.

Một khu vực khác là Ramouseh, một dải đất hẹp chiến lược quan trọng trong thành phố Aleppo, nơi mà các phe tham chiến đã ba lần thay phiên nhau kiểm soát trong nhiều tuần lễ qua và hiện đang được đặt dưới sự kiểm soát của phe chính phủ, thì nay các phe cần phải hợp tác để mang lại một mức độ an toàn đủ cho các hoạt động thương mại và cứu trợ nhân đạo có thể đi lại được giữa đông và tây Aleppo.

Khoan chưa nói đến những khó khăn là làm thế nào gỡ cho được mối bòng bong đầy phức tạp của cuộc xung đột quân sự tại Syria liên quan đến vô số các nhóm quân sự khác nhau cũng như sự thay đổi liên minh giữa phe này phe kia và những quyền lợi kình chống nhau giữa Hoa Kỳ và Nga, giữa Ả Rập Saudi và Iran, và giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm người Kurd. Nội việc làm sao thuyết phục được chính quyền Assad và những nhóm nổi dậy chịu tuân thủ với những điều kiện trong thỏa thuận đình chiến có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong tình thế hiện nay khi các cuộc giao tranh tăng cường độ xung quanh thành phố Aleppo. Nhiều tin tức cho thấy dường như quân đội của chính phủ Assad đã siết chặt hơn việc bao vây Aleppo và chiếm giữ được nhiều chốt giao thông quan trọng. Rất khó có thể bắt họ tự nguyện phải rút khỏi những nơi đang chiếm giữ mà sắp tới đây sẽ được khoanh vùng là khu phi quân sự.

Trong khi đó rất nhiều nhân vật lãnh đạo của những nhóm chống chính phủ nhìn cuộc thương thuyết Hoa Kỳ-Nga và bất kể kết quả ra sao đều là âm mưu chống lại cuộc đấu tranh cách mạng đầy khó khăn và lâu dài của họ. Và do đó rất khó để lay chuyển lối suy nghĩ này của họ trong một sớm một chiều.

Cũng giống như những phác thảo cho lộ trình hoà bình trước đây, kế hoạch đình chiến lần này cho thấy vẫn thiếu cơ chế bắt buộc các phe phải tôn trọng các điều kiện nêu ra trong thỏa thuận. Trên lý thuyết, Nga có thể đe dọa tấn công các nhóm nổi dậy nếu như các nhóm này vi phạm bản thỏa thuận. Nhưng nếu như phe Assad dội bom nhóm chống chính phủ thì không chắc Hoa Kỳ sẽ có bất kỳ phản ứng gì do từ lâu ông Obama vẫn luôn chống lại việc trực tiếp tham dự vào cuộc nội chiến Syria.

Một giải pháp hòa bình cho Syria quả thật hết sức mong manh.

VH