Menu Close

Điệu ruộng miền Trung

Phơi lúa ở chân đèo Phước Tượng - Huế
Phơi lúa ở chân đèo Phước Tượng – Huế

Sáng ra, nhiều người châm lửa đốt ruộng bởi mất mùa, tối đến người người mang đèn ra đồng nhổ mạ bởi nắng nóng… Đó là thực trạng mà nhiều nông dân miền Trung đã phải trải qua sau vụ Đông – Xuân vừa rồi. Và nay, khi tháng 8 đến, điệu ruộng miền Trung một lần nữa khóc than khi vụ Hè – Thu chuẩn bị thu hoạch xong.

Nói đến ruộng lúa miền Trung, người ta hình dung đến vựa lúa Tuy Hòa, Phú Yên bạt ngàn, Quảng Ngãi bao la, Huế sóng lúa rì rào. Nhưng cũng không ít người nghĩ đến những vạt lúa eo óc, chờ con nước trời, những mảnh ruộng vá víu, làm không đủ trả công, nếu chưa muốn nói là lâm nợ sau mỗi vụ lúa.

Cấy lúa
Cấy lúa

Tôi có cơ hội đi dọc miền Trung qua những ngày này, và thật ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc máy cày ở Quảng Nam thi nhau xuống ruộng khi lúa còn xanh. Tạt vào gốc cây ven đường, nơi người nông dân hóng gió sau cơn vật vã ruộng, và bắt chuyện, bác An – lão nông gần 60 tuổi cho chúng tôi biết:

– Mùa này cũng tạm tạm con à, bác mới gặt xong mấy sào, trung bình cũng được gần 3 tạ lúa. Ðỡ hơn mùa trước, có sào chưa tới 2 tạ.

– Lúa mình làm đủ ăn không bác?

– Không đủ ăn đâu con à. Như ruộng miền Trung mình thì trung bình mỗi sào (500m2 – UC) thu hoạch được từ 2.5 đến 3 tạ lúa là cùng. Trừ phân, thuốc, lúa giống, tiền thuế ruộng, đất, nước… nộp cho nhà nước, tổng cộng cả hơn 1.5 triệu một sào. Mà lúa bán ra cũng chừng đó tiền, nói chung trúng lắm thì lãi được một hai trăm ngàn, nhiều khi còn bị lỗ, nợ phân thuốc nữa.

Chuẩn bị đất
Chuẩn bị đất

– Sao con thấy ruộng còn xanh mà máy gặt họ xuống đồng rồi?

– À, cái máy gặt đó của mấy người ở xã này. Bữa nay máy móc nhiều lắm, khắp nơi đổ về. Mấy anh em nhà đó chạy xuống ruộng của mình, xanh vậy chứ họ cũng thẳng máy gặt chạy luôn. Ðể đánh dấu lãnh thổ. Máy gặt khác tới, thấy có mảnh gặt rồi biết mà tránh.

– Tránh là tránh sao bác?

– Thì để khỏi tranh giành đó con, ở đây hiền, chịu mất sào lúa hơi xanh vậy nhưng đỡ bị đánh nhau đổ đầu. Chứ mấy vùng khác, họ cũng vào gặt tuốt. Nó có mấy đứa giang hồ bảo kê, mấy chủ máy gặt vùng khác đến, nộp tiền cho nó rồi nó chỉ vùng cho mà gặt. Chẳng có máy nhà nào dám ra gặt vùng đó, nên trừ khi bà con tự gặt tay, tự tuốt, chứ có muốn hay không cũng phải gọi mấy máy đó gặt.

Một cặp vợ chồng cố cứu lấy lúa còn sót lại trên sào ruộng bị ngập nước mà máy cày không gặt
Một cặp vợ chồng cố cứu lấy lúa còn sót lại trên sào ruộng bị ngập nước mà máy cày không gặt

– Ui dào, thế còn đỡ ông ơi. Hôm qua tui mới nghe ngoài Nghệ An cái vụ xã bắt máy gặt đóng 2 triệu tiền bảo kê nữa mới tức cười. Là ‘mày nộp cho tao rồi tao bảo kê mày’ khỏi mấy đám giang hồ bảo kê.” – Bạn già của Bác An tham gia vào câu chuyện.

Ra là ở vùng nào rồi cũng vậy, muốn gặt cũng phải có bảo kê, đâu phải người nông dân vay vốn, bỏ tiền ra mua cái máy gặt liên hợp là xong đâu.

Ông Nam, một người thả sen ở Chu Bầu, gần Hội An cho tôi biết rằng, ở đất Quảng này bà con sợ trời một phần mà sợ người mười phần. Nói như vậy quả không ngoa khi cày cả ngày đợi cả tuần nước thủy lợi chưa xuống để kéo đất gieo giống. Nhưng mảnh ruộng gồ ghề, manh mún, có mảnh thì phải tát bớt nước ra, có mảnh thì phải tự bơm thêm nước vào. Nhưng đâu hẳn gieo được giống rồi là thở phào, một cơn mưa giông trút xuống, ruộng ngập, nhà nhà phải kéo nhau ra tát lại, ai có sẵn cái máy bơm nước thì đỡ công hơn. Hoặc cũng có thể thuê người ta chạy nước ra cả ngày với giá khoảng vài ba trăm ngàn. Chi phí lại đội thêm, một sào lúa cao nhất được 350 kg nếu được mùa, nhiều khi chỉ được một trăm mấy chục đến hai trăm mấy chục ký. Kể cao nhất với giá lúa 6 ngàn đồng một ký lô, người nông dân thu được chừng 2 triệu đồng. Nếu ai có công thì còn đỡ, không thì phải trả cho người ta, 300 ngàn tiền cày, bừa đất, 300 ngàn tiền thuê người kéo đất, gieo mạ. Phân bón lót, thuốc trừ sâu, khoảng vài đợt, rồi tiền thuê khoảng 40 đến 60 ngàn mỗi lần nếu không tự bỏ công. Kế nữa là máy gặt, 300 ngàn một sào, chẳng biết khi nào, mưa hay nắng, đang khỏe hay đang bệnh, trưa hay chiều, máy gặt bảo đang gặt là phải chạy ào ra đồng liền nếu không muốn lúa bị vứt giữa đồng.

Người nông dân phải trả 300 ngàn đồng cho việc mướn máy cày và bừa đất
Người nông dân phải trả 300 ngàn đồng cho việc mướn máy cày và bừa đất

Một mảnh ruộng ở đây rộng 500 mét vuông, ở Thanh Hóa – Bắc miền Trung là 460 mét vuông, miền Bắc còn trên 300 mét vuông. Cũng một phần vì điều này mà nhiều nông dân ở Thanh Hóa không muốn Thanh Hóa sát nhập vào miền Bắc, mặc dù tập quán, địa lý họ có vẻ gần với miền Bắc hơn Bắc miền Trung. Nhấp ngụm trà sen, ông này nói tiếp:

– Con thấy không, bác thế này là được lắm đấy. Mấy người trồng sen, thả sen, ít ai giữ lại ít tim sen như bác để uống trà. Bởi người ta bán hết, mới mong dư được đôi đồng. Chứ làm lúa ở mình thì có được mấy hạt. Vạt sen này trước bác cũng trồng lúa nhưng mấy năm nay mất mùa quá, bác chuyển sang thả sen. Thu nhập không nhiều nhưng được cái đỡ công hơn lúa.

– Mấy năm nay lúa mất mùa lắm hả bác?

– Ừ con, trời đất sinh ra cái chi cũng có cái lý của nó. Không tự nhiên mà lúa trong đồng bằng sông Cửu Long tốt thế. Cũng là nhờ phù sa của sông. Nhưng giờ thì hết rồi, bữa nay trong đó bị hạn, bị mặn, thủy điện thì Trung Quốc xây đầy thượng nguồn, chặn sông, lúa mất mùa hết. Bác là người sống theo kiểu “ tích cốc phòng cơ” nhưng rồi cũng phải bỏ lúa. Chứ ở đây người ta cũng chặn dòng rồi, thủy điện họ thích xả lúc nào thì xả. Mà xả thì Ðại Lộc trôi luôn cả làng. Hết. Dưới này thì 3 năm rồi không biết lụt là gì nữa. Ruộng không có phù sa, chuột thì vào làm ổ, ăn hết lúa. Sợ lắm con à, vợ bác bán tạp hóa hơn 20 năm nay, chưa thấy bả la làng như thế bao giờ. Ai đời cái bịch ma dô ne (mayonnaise) mới cứng mà nó cắn đứt hết, chai nước mắm cũng vậy, rồi đường, nấm khô… Nó phá lắm con à. Kiểu ni trước sau gì dân cũng chết.

Chở lúa sau khi máy gặt xong để mang về nhà
Chở lúa sau khi máy gặt xong để mang về nhà

Tôi tạm biệt những lão nông xứ Quảng để xuôi xe ra Huế, len lỏi qua những cánh đồng, bắt gặp những em nhỏ đi bán bánh lọc cùng mẹ hay phơi lúa ngoài hiên.

Trời giữa trưa, nắng cháy như đổ lửa, gặp một đoạn đường dài trải đầy lúa, tôi lại tạt vào quán nước ven đường để nghỉ một lúc.

Một người vừa hỏi tôi muốn uống nước gì vừa vác cái trang và cái cào (hai dụng cụ thường dùng để phơi lúa của nông dân miền Trung, cái trang để cào lúa, làm bằng một miếng gỗ nhỏ, dài cỡ 40cm, rộng cỡ 15-20 cm, có cán tre. Cào thì có người dùng cào bằng răng gỗ, có người làm bằng tre, người nông dân trong quá trình phơi lúa sẽ dùng cào để đảo lúa cho khô đều và loại những cọng rơm còn sót lại trong lúa  – UC) ra phơi lúa ngay đường.

H2

– Mình phơi thế này khoảng mấy ngày lúa khô vậy chú? – Tôi hỏi chú chủ quán nước.

– Nắng thế này chỉ cần một ngày là được rồi con, có thể bỏ bao rồi cất.

– Mà sao chú phơi ngoài đường vậy, lúa dễ bị xe cán nát mà con cũng nghe có người than là đi đường nguy hiểm nữa.

– Biết là vậy nhưng làm sao khác được giờ hả con! Hồi xưa nhà chú còn có cái sân, nhưng mấy năm nay người ta làm đường, mình hiến đất hết để mở rộng đường. Trước chú nuôi cá ngay đầm Lập An, nhưng bữa nay chẳng biết thế nào, cá chết hết. Chú đổ vốn vào súc hồ, thay giống cá, thay nước nhưng rồi được vài bữa, cá cũng chết lại, chẳng biết nguyên nhân. Lâu rồi chú mới làm ruộng lại con à.

– Mình thuê ruộng hả chú?

– Không cần, mấy người họ làm lỗ quá nên bỏ ruộng hoang. Còn mình thì cũng hết đường, bám quán nước này nửa năm nay, không đủ ăn nên chú xin họ rồi làm. Mình bỏ công ra hết, cuối mùa còn có ít lúa cho con ăn con à!

Người nông dân miền Trung quanh năm lam lũ, cui cút làm ăn, dường như cuối cùng cũng chỉ mong lo cho con cái được miếng ăn, học được con chữ. Khá khá hơn chút thì cất ngôi nhà xi măng để tránh bão mùa đông.

H9

UC