Menu Close

Kỷ yếu triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn đoàn

Kỷ Yếu Triển Lãm Và Hội Thảo Về Tự Lực Văn Ðoàn” do Nhật Báo Người Việt phát hành ngày 22 tháng 9 năm 2014. Quyển kỷ yếu bao gồm những bài thuyết trình, và nhiều hình ảnh được chia làm hai phần.

– Phần 1: Gồm 21 bài thuyết trình trong hội thảo.

– Phần 2: Gồm 16 bài viết không có trong hội thảo.

Sự kiện này nhấn mạnh đến con đường khai phá, theo mới hoàn toàn theo mới không chút do dự của Tự Lực Văn Ðoàn, của hai nhật báo Phong Hóa, Ngày Nay, và của nhà xuất bản Ðời Nay, về những đề tài có ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam từ 84 năm về trước. Chẳng hạn như:

– Họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường đã thiết kế những mẫu y phục cho phụ nữ Việt Nam.

– Ðăng những ca khúc tân nhạc đầu tiên của Việt Nam do Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh, v.v… sáng tác; và khuyến khích sáng tác những ca khúc mới.

– Phong trào “Nhà Ánh Sáng” phát động việc xây dựng một kiểu nhà rẻ tiền, sáng sủa, hợp vệ sinh cho dân nghề. Lần đầu tiên một hoạt động xã hội do Tự Lực Văn Ðoàn khởi xướng, đã vận động tất cả mọi tầng lớp kể cả chính quyền trong xã hội thời đó, và đã tạo được sự chú ý của công chúng.

– Cổ động kịch thơ, kịch nói, còn gọi là thoại kịch, bằng cách đăng các kịch bản văn học. Nhà thơ Thế Lữ là đạo diễn, đồng thời cũng là kịch sĩ trong nhiều vở kịch.

– Ngoài ra còn có sự cộng tác của nhiều họa sĩ có tài như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Cát Tường, v.v…

tu-luc-van-doan

Từ năm 1932 đến năm 1945 tại Việt Nam, Tự Lực Văn Ðoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai, sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức.

Tự Lực Văn Ðoàn chính thức thành lập năm 1933, gồm có Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng Trần Khánh Giư, Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ. Theo tài liệu của Trương Chính, sau này có thêm sự cộng tác của Xuân Diệu, Trần Tiêu. Ngoài ra còn có những nhà văn cộng tác thường xuyên với Tự Lực Văn Ðoàn như Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Ðoàn Phú Tứ. Cơ quan ngôn luận của văn đoàn là nhật báo Phong Hóa. Khi Phong Hóa bị đóng cửa năm 1936, thì nhật báo Ngày Nay thay thế.

Những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn phần lớn do nhà in Trung Bắc Tân Văn của ông Ðỗ Văn phát hành. Về sau Tự Lực Văn Ðoàn mở nhà in riêng Ðời Nay, tự in ấn tác phẩm của họ. Bìa và tranh minh họa do các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân đảm nhiệm. Có thể nói các nhà xuất bản thời đó là Nam Ký, Tân Dân, Mai Lĩnh, Cộng Lực, Minh Phượng, Lê  Cường, Tân Việt… không thể nào cạnh tranh với nhà xuất bản Ðời Nay của Tự Lực Văn Ðoàn.

Khi sáng lập, Tự Lực Văn Ðoàn có tôn chỉ mục đích rõ ràng: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không theo tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết Ðạo Khổng không hợp thời nữa. Ðem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam.” Năm 1930, phong trào Cách Mạng Yên Bái của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Ðức Chính thất bại, một không khí buồn bã, bi quan yếm thế bao trùm đời sống. Con đường yêu nước bế tắc. Thanh niên không có lý tưởng phụng sự, đã sáng tác thơ văn ái tình lãng mạn. Văn Học thời 1903 đã khai sinh ra những nhân vật điển hình như Tố Tâm, Ðạm Thủy của Song An Hoàng Ngọc Phách. Sau đó là những bài thơ u buồn của Tương Phố, Ðông Hồ, người khóc chồng, người khóc vợ, khơi mào cho phong trào lãng mạn ca ngợi tình yêu trong văn chương và thi ca.

Tự Lực Văn Ðoàn đưa ra tôn chỉ “lúc nào cũng trẻ, yêu đời” nhằm phá tan không khí u uất, thảm đạm này. Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, nhân văn tiểu tư sản tiến bộ nhiều hơn, nếu so với nhân văn cổ hủ, hẹp hòi thời phong kiến. Trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn, thanh niên chưa dám đứng lên cứu nước, tìm mọi cách thoát ly thực tế, vui để mà quên, than vãn là lạc hậu. Như lời đề tựa của Nhất Linh, trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng: “Phảng phất vui lẫn buồn tựa như những ngày thu nắng nhạt điểm mưa thưa.”

HNP