Menu Close

Ðau gót chân trái

Xin bác sĩ hướng dẫn tôi trị bịnh. Lúc thức dậy bước xuống giường gót chân trái đau buốt, Mỹ gọi là Plantar fasciitis . Dzung Nguyen

Ðáp: Ðau gót chân như ông nói là bệnh rất thường xảy ra khi dải dây mô bào planta fascia chạy từ gót chân tới các đầu ngón chân bị viêm. Bệnh thường xảy ra vào sáng sớm, khi bệnh nhân mới bước mấy bước xuống đất. Bệnh xảy ra nhiều hơn ở người chạy bộ, đôi khi người quá mập hoặc đi giày với đế quá mỏng.

Ðể bớt đau, bệnh nhân có thể uống các thuốc giảm đau như Advil, Motrim, Aleve… Ngoài ra, vật lý trị liệu cũng giúp giảm đau. Ban đêm, bệnh nhân có thể được mang một cái nẹp ở bàn chân để nới dây planta fascia. Ngoài ra, bệnh nhân cần duy trì sức nặng bình thường để không tạo sức nặng cho dây planta fascia; mang giày gót không quá cao, đừng đi chân đất đặc biệt khi sàn quá cứng; đừng mang giầy quá cũ; tránh môn thể dục tạo sức ép xuống bàn chân như chạy bộ… mà nên bơi hoặc đạp xe đạp; chườm nước đá lên vùng đau khoảng 15 phút, massage chỗ đau…

Dinh dưỡng với hóa già

Mấy anh em già chúng tôi muốn biết rõ làm cách nào mà sự ăn uống có thể làm chậm sự hóa già trong cơ thể chúng tôi. Mỗi anh đưa ra một ý kiến và tranh luận ỏm tỏi, mỗi người mỗi ý kiến. Vì thế cho nên anh em đề nghị là xin ý kiến của một bác sĩ cho chắc ăn. Xin bác sĩ vui lòng cho vài ý kiến. Cảm ơn bác sĩ. Lê Ðình Ðiểu.

Ðáp : Thưa ông, con người sinh ra, trưởng thành, lâm bệnh rồi từ trần, đó là chu kỳ “SINH LÃO BỆNH TỬ” theo luật thiên nhiên và nhân loại chấp nhận từ ngàn xưa.

Nhưng ngày nay, với kinh nghiệm sống, với tiến bộ của khoa học, nhất là y khoa, con người có khả năng ảnh hưởng đến hai trong bốn giai đoạn Sinh, Lão, Bệnh, Tử; đó là Lão và Bệnh.

Lão là thời kỳ con người lớn lên, tiến về già; Bệnh là lúc cơ thể con người như bộ máy, bị hao mòn, trở thành trục trặc trước khi ngưng hoạt động.

Con người ngày nay có thể  kéo dài tiến trình lão hóa, làm chậm lại tiến trình lão suy, làm nhẹ bớt nhiều chứng bệnh do tuổi già và loại hẳn nhiều chứng bệnh làm thiệt mạng người xưa kia. Dinh dưỡng đúng hoặc sai có ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ cơ thể con người, từ tinh thần tới thể chất, từ vai trò của các cơ quan ở trong cũng như bên ngoài cơ thể.

Hãy so sánh một người thiếu dinh dưỡng với một người ăn uống đầy đủ. Một bên thì hồng hào, đầy sinh lực, yêu đời. Bên kia thì ốm yếu, gầy còm, chậm chạp. Thiếu dinh dưỡng kinh niên thì làm sao có năng lượng để sống lâu, chẳng khác chi ngọn đèn cạn dầu, tắt lụi dần dần.

Cho nên biết ăn để mà sống lâu là cả một nghệ thuật. Các cụ ta vẫn nói “Bệnh tùng khẩu nhập”. Bệnh gây ra do những thực phẩm mà ta đưa vào miệng, những thực phẩm quá nhiều hoặc quá ít từ số lượng tới phẩm chất.

Vậy thì ăn như thế nào để vừa khỏe mạnh, vừa sống lâu?.

Khi ăn, không phải chỉ để no bụng cho hôm nay, tuần này mà cần nhớ là ăn cho mai sau, cho sức khỏe của những năm sắp tới.

Từ khi nằm trong lòng mẹ, sự dinh dưỡng đầy đủ đã có tác dụng tốt cho khi sanh ra và lớn lên.

Thói quen ăn uống tốt từ tuổi nhỏ, món ăn mà ta tiêu thụ bây giờ có nhiều ảnh hưởng tới sự ta sẽ sống bao lâu và những năm sống đó sẽ mạnh yếu ra sao.

Nhiều người thắc mắc rằng có một chế độ ăn uống mẫu mực, chung cho mọi người không: một chế độ mang lại sức khỏe tổng quát, sức chịu đựng với bệnh hoạn và trì hoãn tuổi già.

Câu trả lời sẽ là không có. Nhưng có một số nguyên tắc, một số hướng dẫn mà ta có thể áp dụng để đạt được điều ước muốn.

  1. Ăn vừa phải. Ăn vừa phải, đúng với nhu cầu, đừng nhiều quá, ít quá. Các cụ ta vẫn khuyên là nên ăn “ba phần đói, bảy phần no” là tốt hơn cả, khỏi nặng bụng, lên cân.

Nhu cầu thực phẩm cũng thay đổi tùy từng người, tùy cấu trúc cơ thể to nhỏ, khi làm việc, khi nghỉ ngơi. Con người thường có khuynh hướng ăn quá nhiều, bất cứ lúc nào, coi bao tử như một thùng chứa. Thế là béo phì, tiểu đường, suy tim mạch, giảm tuổi thọ trời cho. Lên cân vừa phải vào tuổi 60 có thể chấp nhận được vì đó là diễn tiến bình thường, nhưng “mập mạp” quá không bao giờ là dấu hiệu của sức khỏe.

  1. Cân bằng. Thực phẩm cần có sự cân bằng giữa các chất dinh dưỡng căn bản. Không nhất thiết là phải cân bằng ở mỗi bữa ăn, mà có thể trong ngày, trong tuần.. Các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyên nên theo tỷ lệ 30% béo, 15-20% đạm, 45-50% carbohydrat.
  2. Ða dạng. Ðừng sở thích chi phối hoàn toàn việc chọn lựa món ăn, mà cần phải lưu ý đến việc ăn nhiều món ăn khác nhau. Mỗi một thực phẩm có chất dinh dưỡng với công dụng riêng mà những món khác không có và không thay thế được. Bỏ quên một chất dinh dưỡng nào đó quá lâu sẽ đưa tới thiếu dinh dưỡng

Sau đây là tóm tắt một số thực phẩm mà kinh nghiệm cho là có thể làm chậm sự lão hóa. Một số thực phẩm này chủ yếu là có chứa những chất chống sự oxy hóa (anti oxidant). Ðây là chất có khả năng ngăn chặn các gốc tự do (free radical), nguồn gốc của tiến trình oxy hóa các tế bào và là một trong nhiều nguy cơ đưa đến lão suy.

  1. Thực phẩm có nhiều Beta-Carotene (tiền tố sinh tố A) đều từ gốc thực vật như dưa, hồng qua, ớt đỏ, khoai lang, đu đủ, ớt cay, cà rốt, xoài, bí ngô, cải xanh lục… Dưa hấu, quít, trái bơ, bắp su, dâu, cam đào, cà chua… chứa một lượng beta carotene ít hơn nhưng cũng là nguồn cung cấp không kém quan trọng.
  2. Thực phẩm có sinh tố B 5 (pantothenic acid) có khả năng vừa chống gốc tự do vừa hạ cholesterol, chống ô nhiễm, bảo vệ gan. Sinh tố B6 có nhiều trong men, gạo lức, hạt bí ngô, hạt mè…
  3. Sinh tố C là chất chống oxy hóa rất tốt và có trong trái cam, chanh, dâu, cải lá xanh lục, cà chua, su lơ xanh lục, khoai tây, khoai lang…
  4. Sinh tố E có nhiều trong mầm lúa mạch, đậu nành, bắp su, su lơ xanh lục, các loại cải có lá xanh lục. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sinh tố E làm chậm tiến trình lão hóa và làm trẻ con người.
  5. Thực phẩm chứa nhiều calcium gồm có sữa gạn bớt mỡ, đậu phụng, sữa chua gạn mỡ, quả óc chó, phó mát, hạt hoa hướng dương, đậu nành, các loại đậu khô, cá mòi đóng hộp (ăn cả xương), các loại cải xanh lục, cá hồi, su lơ xanh lục…
  6. Khoáng chất iodine có trong tảo bẹ, hành, hải sản, đa số cải xanh lục…
  7. Khoáng chất sắt có nhiều trong sò hến, quả hạch, đào sấy khô, các loại đậu, thịt tươi không mỡ, măng tây, gan, mật mía, trứng, bột yến mạch (oatmeal)…
  8. Mầm lúa mạch, cám, cá tuna, hành, cà chua, su lơ xanh lục chứa khoáng chất selenium.
  9. Thực phẩm giầu chất đạm gồm có: cá tươi hoặc đông lạnh, tôm cua, sữa gạn mỡ, sữa chua gạn mỡ, thịt gà (đút lò hay nướng), thịt cừu, thịt bò lọc bỏ bớt mỡ, hạt cây hướng dương, hạt bí ngô, đậu phụng rang, bơ đậu phụng không pha đường hoặc muối.
  10. Trái cây chống lão suy gồm có: quả kiwi, nho đen Hylạp, hồng qua, đu đủ, các loại quả thuộc giống cam quít, dâu ổi, đào lông, dưa hấu. Những loại quả này có lượng sinh tố C rất lớn.

Ngoài ra còn phải kể đến những loại quả có chứa bioflavonoisd, một chất chống oxi-hóa mạnh, như: quả mơ (apricot), nho, dâu đen, quả anh đào (cherry), quít, bưởi cam…

Hy vọng rằng những góp ý này sẽ giúp quý lão tiên sinh sống trẻ sống khỏe mãi mãi.

NYD