Hẳn lúc trẻ, ai cũng dăm lần uống say mèm say khướt vì thất tình, hẳn ai cũng post bao nhiêu status đầy tâm trạng, hẳn ai cũng từng đi ra đường với bộ mặt ủ rũ như muốn cả thế giới biết mình đang đau khổ, và cũng lắm người đi xăm lấy một hình xăm để đời. Lúc trẻ, niềm vui hay nỗi buồn đều tới một cách ồn ào. Vui thì phải chè chén, phải hò hét, phải tới tận cùng hiểm nguy, buồn thì phải như đất trời sụp đổ vì như thế mới thấy cuộc đời đáng sống.
Cho đến lúc người ta bắt đầu thấy mệt mỏi vì những nỗi buồn, đặc biệt là khi nó tích tụ dần lại thành những cơn trầm cảm thì người ta lại muốn thoát ra để được bình yên. Tất nhiên chúng ta không loại trừ những người thích sống trong những câu chuyện bi ai, bởi không bi ai thì cuộc đời không có ý nghĩa, không bi ai thì lấy gì để biện minh cho thất bại của mình. Và khi muốn bình yên, người ta thường tìm cách tránh đi những nơi chốn, những mối quan hệ có thể làm mình tổn thương. Thế nhưng, nỗi buồn cũng như cái bóng, người còn thì nỗi buồn còn, nhưng khác cái bóng ở chỗ, khi mình già đi thì nỗi buồn cũng già theo.
Khi người ta trẻ, nỗi buồn như cơn bão, tùy tính cách mỗi người mà mức độ tàn phá cũng tương ứng theo. Khi người ta già, nỗi buồn như lúc bão tan, mọi thứ tan hoang nhưng lặng yên. Người ta đứng đó trước điêu tàn, buông tay và chấp nhận. Rồi cũng tùy tính cách mà người ta lựa chọn đối mặt bằng cách dọn dẹp đống đổ nát hoặc bỏ đi nơi khác. Nhưng cũng có những nỗi buồn nhẹ chỉ bằng một trận mưa giông thôi, không đủ tàn phá bất cứ thứ gì, chỉ đủ làm cho người ta lỡ đường thì ướt sũng, áo quần phơi không kịp gom đi, chậu cây trước nhà bị ngập nước không kịp thoát. Người ta gọi đó là những nỗi buồn thuộc trường phái gây rắc rối.
Lại có những nỗi buồn chẳng phải như mưa giông, không phải như bão lũ mà như lá rụng mùa thu. Ngày xưa, khi chưa sống với mùa thu thật sự, tôi nghĩ nỗi buồn bị so sánh như mùa thu thiệt là sến và oan ức. Nhưng khi tôi chứng kiến được cảnh ngày hôm trước đang nắng mà hôm sau trời đã trở lạnh, rồi cây cối bỗng dưng đổi hết màu lá và rụng từng dãy dài trên những con đường vắng trong công viên, rồi trời lạnh hơn nữa và mùa đông đến, thì tôi đã hiểu nỗi buồn của mùa thu. Ðó là nỗi buồn mà khi chúng ta biết chuyện đã rồi, như hai người yêu nhau mà rõ ràng biết họ chẳng sinh ra để sống cùng nhau, là nỗi ngậm ngùi mà người ta dù muốn có cũng không được và phải chấp nhận nó. Ðó là nỗi buồn của những ca khúc cũ, bỗng dưng ta lẩm nhẩm trong miệng rồi cả một trời kỷ niệm ùa về với những ngày tháng sống trong mê đắm, đợi chờ, thất vọng.
Nỗi buồn, khi già đi, giống như việc chúng ta mặc một cái áo cardigan mỏng, khoanh tay ôm chặt lấy chính mình trước cơn gió lạnh mùa thu, ngắm những con sâm cầm tư lự trong công viên, vừa thấy một thứ gì mất mát mà cũng vừa thấy lãng mạn. Khi chúng ta mang theo mình một nỗi-buồn-già-đi, chúng ta đang tự hành xác mình ở cấp độ thấp vì nó vừa đớn đau mà cũng vừa thích thú ở một mức rất vừa phải.
PTLP