
Trong khi giá nhập cảng than từ Indonesia vô Việt Nam chỉ với giá 44 Mỹ kim/tấn thì với giá than nhập từ Trung Cộng lại lên đến 71 Mỹ kim/tấn.
Tờ Dân Trí cho biết, trong vòng 8 tháng đầu năm nay Việt Nam đã cho nhập cảng số lượng than lên đến 9,7 triệu tấn, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch nhập cảng mà Bộ Công thương đề ra cho năm 2016.
Có 3 thị trường chính cung cấp than cho Việt Nam, đó là Nga, Indonesia và Trung Cộng. Có nhiều loại than khác nhau, nhưng tính trung bình giá nhập cảng than từ Nga vào Việt Nam là 63 Mỹ kim/tấn; giá than trung bình nhập từ Indonesia là 44 Mỹ kim/tấn. Trong khi đó, nhập cảng từ Trung Cộng lên đến 71 Mỹ kim/tấn.
Theo ông Lê Đăng Doanh một chuyên gia kinh tế, với với xăng dầu trên thế giới giảm nên những loại nguyên liệu chất đốt như than cũng phải giảm theo. Do vậy, việc giá than nhập cảng từ Trung Cộng có giá như vậy là không chấp nhận được.
Trong khi đó, qua trả lời phóng viên báo Dân Trí, ông Nguyễn Thanh Sơn, người từng là Trưởng Ban quản lý Dự án khai thác than Đồng bằng Sông Hồng đưa ra giả thiết than được nhập cảng từ Trung Cộng là loại than mỡ. Than mỡ là loại than thường được dùng trong các nhà máy luyện thép do đó giá thành mắc hơn so với những loại than khác.
Tuy nhiên, giá than mỡ trên thị trường thế giới hiện nay đang ở khoảng từ 125 Mỹ kim/tấn cho đến 150 Mỹ kim/tấn. Do vậy, không có chuyện than mỡ nhập cảng từ Trung Cộng vào Việt Nam có giá 71 Mỹ kim/tấn.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh lý giải, do Việt Nam là quốc gia “sùng bái” công nghệ Trung Cộng. Nên từ dây chuyền, máy móc đều nhập cảng từ Trung Cộng. Rất nhiều nhà máy xi-măng có công suất nhỏ như ở Hải Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình đều là công nghệ của Trung Cộng và nhập than đốt rất nhiều.
Từ việc bán công nghệ, dây chuyền, máy móc ở ngành công nghiệp nặng, Trung Cộng dần dần chi phối luôn cả giá nguyên liệu bán cho Việt Nam.