Mức gia tăng dân số tác động mạnh tới việc gia tăng mật độ dân cư tại các đô thị trên lục địa châu Á. Nếu sự gia tăng dân số ở các thành phố lớn là 2.5% một năm thì các đô thị hạng hai sẽ gia tăng 4%. Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo mới về những thay đổi dân số tại các khu vực đô thị các nước châu Á, cho thấy: Năm 2018, dự kiến sẽ có tới hơn nửa dân số trong khu vực Á sống tại các khu đô thị. Tới năm 2040, số dân chuyển đến sinh sống tại các thành phố của khu vực này sẽ là hơn 1 tỷ người và đến năm 2050, dân số thành thị tại khu vực trên sẽ lên đến 3.2 tỷ người.

Việc gia tăng dân số tại các đô thị ở các nước kém phát triển và đang phát triển như Karachi (24 triệu), Dhaka (15 triệu), Bombay (30 triệu) và các thành phố khác tại châu Á, không khác gì những quả bom nổ chậm. Vào thời buổi con người có nhiều phương tiện di chuyển nhanh chóng bằng đường hàng không thì các mầm bệnh qua đó mà chuyển dịch từ thành phố này đến thành phố khác, từ nước này sang nước khác. Nhưng điều đáng buồn phân nửa dân số sống trong các đô thị là những người nghèo, chính quyền còn hạn chế những điều kiện bảo hiểm y tế. Cứ mỗi giờ ở thành phố New Delhi có một cư dân qua đời vì tình trạng ô nhiễm không khí. Ngay cả Hồng Kông, Bắc Kinh hay Thượng Hải một khu vực kinh tế phát triển mạnh vẫn bị đe dọa nạn ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng sức khoẻ cư dân đô thị ở mức báo động.

Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra sự phát triển kinh tế hiện nay tại các đô thị đã giúp làm tăng quy mô tầng lớp trung lưu, song sự bất bình đẳng về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vẫn ngày một lớn. Việc làm cho người dân, sự gia tăng số người nghèo ở thành thị, chi phí sinh hoạt ở thành thị ngày một đắt đỏ, tình trạng nhiều người không được tiếp cận các dịch vụ và nhà ở thỏa đáng là một vài trong số rất nhiều thách thức đang đặt ra đối với dân cư thành thị. Nhiều đô thị sẽ mất tính năng động và hiện đại của nó. Các thành phố có quy mô dân số nhưng yếu kém về tính cạnh tranh kinh tế sẽ làm cho đời sống cư dân sụt giảm. Ðó là một thách thức lớn cho chính quyền các đô thị là sẽ không bảo đảm an toàn vệ sinh cho cuộc sống. Người dân tại những thành phố này cũng dễ bị tổn thương trước thiên tai và những thay đổi khí hậu, đặc biệt người nghèo có nhiều nguy cơ bị thiệt hại nhất. Do đó, các chính phủ khu vực cần có những thay đổi cần thiết để các đô thị có tương lai bền vững hơn.
Ngày nay, Tokyo với lượng dân số trên 13 triệu nhưng hầu như không có nạn kẹt xe. Ngược lại xe cộ di chuyển như rùa bò ở nhiều đô thị khác dân cư chỉ bằng một phần tư Tokyo. Chính quyền Tokyo đã thành công với chính sách khuyến khích cư dân thành phố sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống xe điện vận chuyển 7.2 triệu lượt/ngày giải quyết sự di chuyển nhanh chóng, đúng giờ cho người dân đi làm, đi học và cả khách du lịch. Nhiều đoàn tàu nối liền các thành phố với tốc độ cao, nối các thành phố trong nước.
Giao thông vận tải là yếu tố tối quan trọng trong việc xác định hiệu quả bền vững của một siêu đô thị có dân số trên 10 triệu người. Theo xu thế phát triển chung, từ vài thập niên qua, nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Mexico, Brazil… đã bước vào công nghiệp hóa. Một số nước đang phát triển cũng chuyển mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ðồng hành với tiến trình đó là sự bùng nổ của đô thị hóa trên khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines… Ðô thị hóa là tất yếu của quá trình công nghiệp và hiện đại hóa. Mặt tích cực là đô thị hóa tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển nhanh. Tuy nhiên, một trong những mặt trái nổi bật là vấn nạn đối với hệ thống giao thông ở những đô thị lớn, đặc biệt đối với những đô thị thiếu sự chuẩn bị cần thiết.

Thay đổi hình thức làm việc tại công sở, công ty cũng là một trong những cách giải quyết giao thông và nhu cầu làm việc của nhiều cư dân đô thị. Làm việc ở nhà góp phần giảm bớt lượng xe, lượng người lưu thông trên các đường phố. Và nó cũng có tác động làm giảm tai nạn giao thông. Các nhà kinh tế Nhật dự báo rằng trong vòng hai thập niên tới sẽ có khoảng 15% đến 28% lực lượng lao động tại các thành phố làm việc tại nhà riêng.
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại châu Á diễn ra khá nhanh chóng. Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) dự báo trong những thập kỷ tới, quá trình đô thị hóa của châu Á vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng hiện tại. Theo ADB, mặc dù quá trình đô thị hóa của châu Á có nhiều nét tương đồng so với những khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ Latinh hay Bắc Mỹ, song vẫn có những đặc điểm đặc biệt.

Theo ADB, tới năm 2030, sẽ có khoảng 60% dân số châu Á sẽ sinh sống tại các thành phố. Gần 200 triệu người đã di chuyển đến các khu vực đô thị sẽ tạo ra nhiều thành phố có số dân lên đến 30 triệu người: Tokyo (37,2 triệu), Delhi (36,1), Thượng Hải (30,8), Mumbai (27.8), Bắc Kinh (27.7), Dhaka (27.4), Karachi (24.8). Trong khi đó, với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng tại Việt Nam, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 1 triệu thị dân. Dự báo, đến năm 2050 sẽ có 60% dân số VN sống ở thành thị. Lần đầu tiên, dữ liệu so sánh các khu đô thị và dân số một cách nhất quán trên toàn khu vực châu Á, đã giúp các chính phủ và các nhà lãnh đạo đô thị hiểu biết tốt hơn về hình hài và quy mô tăng trưởng để họ có thể thực hiện đô thị hóa đúng đắn.
Ðặc điểm dễ nhận biết và đặc biệt nhất đó là số lượng các “siêu thành phố” mà châu Á sở hữu. Theo số liệu thống kê, trong năm 1950, trên thế giới chỉ có duy nhất hai siêu thành phố là New York, với 12.3 triệu dân, và Tokyo với 11.3 triệu dân. Ðến năm 1980, thế giới có thêm hai siêu thành phố mới là Sao Paulo của Brazil với 12.1 triệu dân và Mexico City với 13 triệu dân. Tuy nhiên, đến năm 2010, trên tổng số 23 siêu thành phố của thế giới, có 12 thành phố nằm tại châu Á. Liên Hợp Quốc dự báo, đến năm 2025, số lượng các siêu thành phố ở châu Á sẽ tăng lên 21 thành phố. Các thành phố lớn như Trùng Khánh, Quảng Châu, Jakarta, Lahore và Thâm Quyến được dự báo sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 10 triệu người.

Axel Van Trotsenburg, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phát biểu: “20 năm tới sẽ là rất quan trọng về chiến lược cho các siêu đô thị châu Á. Các thành phố lớn sẽ cạnh tranh ác liệt để thu hút tài năng, chất xám và các thay đổi lớn mang lại bởi công nghệ thông tin sẽ đào sâu hơn nữa ngăn cách giữa các đô thị. Ðô thị hóa nhanh chóng là một thách thức đáng kể cho khu vực châu Á, nhưng chúng ta không thể quản lý những gì chúng ta không thể đo lường được. Chúng tôi cung cấp dữ liệu này để lãnh đạo các đô thị có thể có được một bức tranh tốt hơn và hành động để bảo đảm rằng tăng trưởng đô thị mang lại lợi ích cho người dân đang di chuyển ngày càng nhiều đến các thành phố, đặc biệt là người nghèo”.

Mặc dầu tốc độ tăng trưởng dân số đô thị ở các nước châu Á nhanh chóng nhưng quá trình mở rộng đô thị chỉ mới bắt đầu so với Bắc Mỹ, Nam Mỹ và xếp sau châu Âu. Marisela Montoliu Munoz, Giám đốc thực hành về ứng phó phát triển đô thị của WB nhấn mạnh: “Tuy quá trình đô thị hoá trong khu vực phần lớn bị thúc đẩy bởi các lực thị trường nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính bền vững. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng số liệu để hiểu rõ hơn xu hướng mở rộng đô thị, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định sáng suốt nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững trong một môi trường thay đổi nhanh chóng như chuẩn bị cho việc mở rộng đô thị, bảo đảm tiến trình đô thị hóa hiệu quả về mặt kinh tế, khắc phục sự phân mảnh đô thị…”.
Các đô thị châu Á đứng trước sự bùng nổ về dân số, phân hóa giàu nghèo một cách rõ rệt, cũng như mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa và đời sống thị dân gắn kết với nhau tạo áp lực cho việc phát triển đô thị trong tương lai. Các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích đất đai toàn thế giới, song tiêu thụ đến 75% nguồn lực thế giới. Do đó, rất dễ bị tổn thương trước những hệ quả biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, dịch bệnh, thiếu hụt nước, hạ tầng giao thông không hoàn chỉnh khi bùng nổ dân số đô thị vượt tầm kiểm soát.

NL – Theo: Asian Cities Populations