Thưa hồi nhỏ tôi thường theo Má tôi lên chùa lễ Phật. Ðứa con nít nào cũng thích được đi theo Má mình, dù tới bất cứ nơi nào.
Nhưng thực sự, thưa rằng, hồi 9, 10 tuổi tôi không thích đi chùa chút nào.
Tại vì tôi sợ.
Thưa trước khi bước vào chánh điện, chùa nào cũng có tượng hai ông Thiện và Ác đứng ở hai bên. Tượng ông Thiện có vẻ hiền từ, (dĩ nhiên)! Tượng ông Ác thì có vẻ dữ, (cũng dĩ nhiên)!
Rồi thơ thẩn đi theo một chú Tiểu, đầu chừa ba vá miểng dừa, vốn là thằng bạn học cùng lớp Nhì, tôi xem những bức tranh rất ghê rợn, vẽ quỷ sứ đang cưa người ta ra làm hai để nấu dầu, máu chảy tùm lum tề lê, nhằm trừng phạt tội ác đã phạm phải khi còn trên trần thế.
Sợ lắm, nên đi chùa về, tối nào ngủ cũng mớ. Bị ác mộng. Bị quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, đầu có mọc sừng, cầm đinh ba đến nắm cẳng lôi đi.
(Mà tôi đâu có tội tình gì?! Nếu có, chỉ là tội giành ăn cà rem với mấy đứa em tôi thôi mà!)
Giựt mình choàng tỉnh thức, mồ hôi, mồ kê ướt đẫm mình mẩy… Sợ run luôn. Lầm bầm thầm hứa với đám quỷ sứ rằng: Từ rày về sau, tôi không dám giành ăn cà rem với mấy đứa em tôi nữa.
Sau từ từ lớn lên, ‘ngộ’ ra rằng sở dĩ tôi bị ác mộng là do chú Tiểu, bạn học, chơi ác, nhát tôi thôi… Chớ làm gì có Thập điện Diêm Vương, làm gì có chuyện người gây tội trên trần gian, chết xuống âm phủ phải ngồi bàn chông, đầu đội chậu máu đâu hè?!
Nếu có ai làm ác thì Trời sẽ ‘quánh’ ngay cho một búa, chết không kịp ngáp… ngáp. Ngày xưa quả báo nhãn tiền, ngày nay quả báo thấy liền một khi.
Rồi lớn lên chút nữa, biết nghĩ sâu, thì mới ‘ngộ’ ra rằng: Ðời, bất cứ nơi đâu, trong nhân loại, đều cũng có ông Thiện và có ông Ác.
Ngay cả chính trong lòng chúng ta cũng đang có thiện và ác đánh nhau tơi bời hoa lá để giành giật tâm hồn của chúng sinh, như tôi, vẫn còn chìm trong bể trầm luân, sân si, lục dục thất tình.
Em yêu nghe vậy, bảo rằng anh đã ‘ngộ’ rồi đó! Nhưng tôi chưa muốn cạo đầu đi tu như Lan trong tuồng Lan và Ðiệp, vì lòng trần tôi còn rất nặng, tôi vẫn còn tha thiết yêu em. Mà nợ trần chưa trả hết cho em. Ði tu sao đành?! Uổng!
Nhưng có lẽ vì bị nhát hồi nhỏ, mà vẫn bị ám ảnh, sợ tới bây giờ, nên tôi ráng làm lành lánh dữ cho nó chắc ăn. Coi điều ác như giết người là kinh khủng lắm. Ráng sống sao cho có cái lòng nhân hậu mới được.
o O o
Thưa vậy mà ở Chicago thành phố lớn hàng thứ ba của nước Mỹ, quê hương của Tổng thống Barack Obama, coi bộ ông Ác hơi ‘bị’ nhiều.
Tính từ đầu năm cho đến nay, số người bị giết ở thành phố Chicago lên đến 471 người, cao hơn tổng số những người bị giết ở hai thành phố New York và Los Angeles gộp lại.
Tuy nhiên trong bức tranh ảm đạm về tội ác của mấy ông Ác tại thủ đô sát nhân Chicago nầy, thì tui cũng thấy lóe sáng lên tấm lòng nhân hậu của một ông Thiện.
Chẳng qua có một người đang lái xe bắt gặp hình ảnh một ông tên là Fidencio Sanchez, dẫu đã già tới 89 tuổi rồi mà vẫn còn còng lưng, nặng nhọc đẩy một chiếc xe, đi bán cà rem dạo quanh một khu phố tên là Little Village.
Ðiều đó làm ông Thiện xúc động, rồi tự hỏi: “Tới cái tuổi nầy rồi sao vẫn còn phải vất vả để mưu sinh?!”
Thế là ông Thiện nầy dừng xe lại, móc bóp lấy tờ 50 đô, mua ủng hộ cho ông lão bán cà rem 20 cây.
Rồi ông Thiện chụp hình ông lão còng lưng đi bán cà rem dạo, đưa lên trang mạng xã hội Facebook làm bà con khắp nước Mỹ, ai nấy cũng đều cảm động.
Có vài người đề nghị nên mở một cuộc gây quỹ giúp gia đình ông Cụ nầy đi!
Mục tiêu ban đầu rất khiêm tốn là khoảng 3 ngàn đô la là đã quá thành công. Nhưng ít ai ngờ chỉ trong vòng vài ngày, số tiền quyên góp đã lên tới hơn 300 ngàn đô Mỹ.
Mà hoàn cảnh gia đình của ông đáng thương thật. Con gái ông từ trần vào Tháng Bảy rồi, bỏ lại mấy đứa cháu Ngoại không ai nuôi. Vợ ông lại bịnh hoạn, sắp nhỏ chỉ còn biết trông cậy vào ông Ngoại đã già yếu của mình.
Ðứa cháu gái bùi ngùi, cảm động, nói: “Thượng đế đã gởi đến cho tụi con món quà trong lúc cần kíp nhứt. Bây giờ ông Ngoại con có thể thôi không phải vất vả đi bán cà rem để nuôi tụi con nữa rồi!
Con xin cám ơn tấm lòng nhân hậu của những người, con còn chưa hề biết mặt. Thật là điều tuyệt vời khi mở lòng ra giúp những kẻ không may.”
o O o
Thưa nói nào ngay, (trừ đám cán bộ ra) thì người dân rất đỗi bình thường dẫu không giàu có gì mấy cũng có tấm lòng nhân hậu… cũng không có hiếm.
Chị Lê Thị Bích Diễm, một người tiểu thương ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp, năm rồi, đã xuất 150 triệu, tiền túi dành dụm của gia đình mình ra, mua một chiếc xe 7 chỗ, dù đã cũ, nhưng vẫn còn chạy tốt để làm xe cứu thương, chở miễn phí bà con nào ốm đau bịnh hoạn bất ngờ, cần đi nhà thương gấp.
“Hồi đó lúc Ba bịnh. Kêu xe cũng hơi khó. Ba đau cũng khổ nữa. Từ cái khổ đó mình vái mình làm ăn có dư chút đỉnh để mua chiếc xe cho Hội Hồng Thập Tự chuyển bịnh… Cho những người không có tiền đi bịnh viện bớt khổ phần nào…”
o O o
Thưa thiệt là quý hóa! Nhưng khi tôi đọc đưa cái tin nầy thì lại thấy căm giận rồi bùi ngùi muốn rơi nước mắt. Ðồng bào của tôi đây mà!
Ngày 29 Tháng Tám, Chị Lò Thị Phanh, 40 tuổi, đi nằm điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Ðến ngày 12 Tháng Chín, bệnh tình trở nặng, rất yếu, phải dìu mới đi được, bệnh viện nói là không chữa được, nên chị Phanh thều thào là: “Cho em về, để chết ở nhà.”
Theo lời trăn trối của em mình, người anh trai là Lò Văn Muôn, thuê xe ôm chở em về, nhưng đến Nà Sản thì chị mất.
Ông xe ôm nhận 150 ngàn tiền công và không chịu chở nữa; ông Muôn đành bó xác của em gái mình trong một cái chiếu, để nằm ngang sau yên xe, hai cẳng của bệnh nhân vẫn còn ló ra ngoài. Và tự mình chở về nhà.
Người dân đã chụp được tấm hình bi thảm, ghi lại thân phận của một đời người cùng khốn mà nhà ‘thương’ nỡ dửng dưng, không ‘thương’… làm bà con mình xót xa rồi phẫn nộ… trên mạng.
Công an khẳng định cái nầy do bệnh chết. Không phải án mạng nên khỏi điều tra. Phủi tay là xong.
Về phía bên Y tế, thì thầy đổ bóng, bóng đổ thầy.
Và nước mắt cá sấu của lương y như ‘ác’ mẫu nhễu nhão ra.
“Tôi rất đau lòng khi xem bức ảnh. Tôi xin khẳng định. Sẽ không bao giờ có trường hợp để người nhà phải chở xác bệnh nhân từ bệnh viện về trên xe máy.”
(Còn hấp hối thì chắc được phải không?).
Bộ Y tế cho biết việc giải quyết tình huống cho xe đưa bệnh nhân Phanh về quê là không có quy định, nhưng về tình thì nên cho xe đưa bệnh nhân về. Và bệnh nhân nghèo cũng thuộc diện được hỗ trợ vận chuyển 0.2 lít xăng/km.
Trong khi đó, bà con trong nước mình từng được biết, các quan lớn đầu, tỉnh Sơn La đã xài tới 1400 tỉ đồng, tiền ngân sách, để xây dựng một tượng đài?!
Thưa bà con! Có một chi tiết rất đắt là: Ðể phủi tất cả trách nhiệm của một người thầy thuốc của nhân dân (?!) là bắt thân nhân của nạn nhân (chớ không còn là bệnh nhân nữa) cam kết sẽ không kiện cáo gì khi bệnh viện cho phép chở bệnh nhân, đang hấp hối, về nhà lo hậu sự, là phải làm đơn xin được chết.
Ðiều đau đớn nhứt dành cho gia đình nạn nhân trong tờ đơn kính gởi lãnh đạo bệnh viện cho được về chết tại nhà bắt đầu bởi hai dòng chữ:
“Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Ðộc lập Tự do Hạnh phúc.”
Thiệt là cười ra nước mắt!

DXT – melbourne