Hằng năm Tháng Tám về là mùa của con nước nổi với hàng loạt các loài thủy sinh trên sông lại kéo vào đồng ruộng, từ cá rô, cá lóc, cá chép, cá lia thia cho đến tôm tép, cua rạm, và cả cá linh, loài cá đặc biệt chỉ có ở miền Tây sông nước. Từ huyện Chợ Mới mua vé qua phà An Hòa để về thành phố Long Xuyên. Điệu sống ở đây bây giờ chẳng giống tí nào so với những gì tôi đọc về thành phố này.

Từ trước năm 75, Long Xuyên là tỉnh lỵ của tỉnh An Giang và cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Long Xuyên trước năm 1956.
Cách thành phố Sài Gòn chừng 190 km, cách Cần Thơ 62 km về hướng Tây, thành phố Long Xuyên là thành phố lớn thứ hai của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, sau Cần Thơ.
Về đường thủy, thành phố Long Xuyên có cảng Mỹ Thới và 2 bến phà là Phà Vàm Cống, Phà An Hòa… Ngoài ra, còn có hai bến phà nhỏ hơn: Phà Ô Môi và Phà Trà Ôn, đi lại giữa các bờ Mỹ Long – Mỹ Hòa Hưng và Bình Đức – Mỹ Hòa Hưng.
Cuộc sống với sông nước mênh mông phù sa, tôm cá, sản vật phong phú có vẻ như làm cho con người miền Tây không biết từ bao đời luôn trở nên dễ gần gũi và dễ mến. Không khó để làm quen khi tôi bắt chuyện với một cử nhân trẻ trên cùng chuyến phà.
– Em đi phà quen rồi chị, hồi xưa dễ gì mà bắt chuyến phà lên thành phố đâu. Mỗi khi con nước lên, đường sá ngập lụt chỉ có phà làm phương tiện di chuyển. Nhưng giờ khác xưa nhiều rồi.

– Khác là khác thế nào bạn?
– Giờ người ta xây nhiều đường sá, chỉ còn bắc Vàm Cống và bắc An Hòa này còn hoạt động ở vùng này. Còn lại những người lái bắc nghỉ hết rồi chị à. Có đi ra mới thấy mọi thứ thay đổi. Em về thăm ba mẹ vài ngày rồi lại lên Sài Gòn. Hồi xưa thích về lắm nhưng giờ như bổn phận thôi.
– Sao vậy bạn?
– GDP của Long Xuyên gấp đôi GDP của cả tỉnh An Giang này, nhưng cũng một phần vì điều đó mà mọi thứ thay đổi rồi chị à. Có vẻ như khi người ta ngăn dòng chảy của sông Mê Kông lại thì miệt Tây Nam Bộ hay miệt Long Xuyên cũng trở nên khô héo. Lát chị ghé thành phố rồi sẽ hiểu…
Con phà cứ rẽ nước đi, và thành phố Long Xuyên đã trước mắt chúng tôi.

Tạm biệt anh chàng cử nhân xã hội học, nhóm chúng tôi tìm quán nước cạnh bến phà trước khi tính chuyện đi đâu. Cô chủ quán mừng rỡ khi có khách ghé vào với tiếng “cưng” gần gũi ngọt ngào chỉ có ở miệt sông nước Cửu Long:
– Ngồi đi cưng, ngồi chút đỡ mệt rồi muốn đi đâu thì đi.
– Dạ, ở Long Xuyên mình có điểm nào đẹp để đi không cô?
– Cưng ghé nhà thờ lớn, rồi chợ nổi Long Xuyên. Ở đây có chùa ông Bắc, rồi ngôi chùa của người Khmer nữa.
– Dạ, vậy mình đi bằng gì thì tiện hả cô?
– Ði chợ nổi thì đi thuyền rồi, nhưng trên này thì đi taxi tiện hơn.
– Vậy cô cho con số của taxi Long Xuyên nha!
– Ðể chế gọi thằng Cường chở cưng đi nha. Ði giúp nó kiếm đồng về nuôi con.
– Người quen của cô à?
– Ừ, thằng cháu bên chồng. Trước hai vợ chồng cui cút làm ăn, rồi không biết thế nào, lại đâm ra mê số đề, được mấy bữa thì nhà cửa chẳng còn gì. Nghe người ta nói đánh bạc bên Campuchia trúng lớn lắm, vợ chồng nó bàn nhau đi thế chấp cái bìa đỏ (sổ chứng nhận quyền sử dụng đất) rồi theo xe đưa đón qua bên đó đánh. Giờ vợ nó đi đâu luôn rồi, nó về ở nhờ nhà chế, cho hai đứa nhỏ đi học. Sẵn cái bằng lái xe tải, vợ chồng chế khuyên nó xin lái taxi để nuôi con.
Ra là Long Xuyên chỉ cách biên giới Campuchia 42 km đường chim bay. Mỗi ngày không ít người dân thành phố này tham gia vào đoàn người lên đến mấy nghìn người sang các casino ở biên giới Việt Nam – Campuchia để đánh bài. Chủ yếu vẫn là những quý bà, những đại gia thủy sản, nhưng không thiếu những người dân mơ thành triệu phú trong một đêm để rồi nhà cửa, đất đai, đường tương lai của con cái đều tan tành sau vài ván bài.
Nhờ anh Cường chở đến trung tâm thành phố Long Xuyên, rồi chúng tôi tiếp tục dạo phố. Chao ôi, lần đầu bắt gặp những chiếc xe lôi trên đường phố, thật sự như lạc vào một thế giới của cả trăm năm trước. Không biết thời đó xe lôi thế nào. Chú Hồng, phu xe lôi, đã trạc 50 tuổi nói rằng: “Xưa ông cố chú là một ‘điển sinh’ (Năm 1876, Châu Ðốc và Long Xuyên mở nhà “dây thép” do người Pháp chỉ huy, thuở đó, người Việt vào tập sự, gọi là “điển sinh” tức là học sinh bưu điện.) Thời nhỏ ông nội chú hay đùa là muốn gửi thứ gì cứ treo lên sợi dây thép trước nhà, gõ gõ vào cột, gọi là ‘đánh dây thép’. Vậy mà rồi mọi thứ cũng thay đổi con à. Ba của chú không tiếp tục nghề đánh dây thép của ông nội chú. Ổng bảo sinh ra bên con sông Hậu, ông trời cho biết bao sản vật, mình không được phụ lòng. Thế là cả đời ba chú lênh đênh theo con nước lớn nước ròng. Hồi chú còn nhỏ, mỗi lần nước lớn vui lắm. Người miền Trung chạy lũ chứ người trong này đợi lũ con à.”
– Ðợi lũ là sao chú.” Tôi hỏi.
– Ðợi mùa nước nổi đó con. Thường thì ở miệt này, khoảng cuối tháng 7 là nước lên, cũng có nơi đến cuối tháng 8. Mùa nước nổi kéo dài đến hết tháng 11. Bao nhiêu cá đổ về, thời đó, có ngày ba mẹ chú bắt được cả tấn cá linh. Rồi ruộng đồng ở đây cũng tốt lắm, nước lên mang theo phù sa về.
Nhưng bây giờ, người ta xây đập chặn hết rồi. Con sông Cửu Long này giờ chỉ còn cái xác ngứa ngáy, oằn người ra mà chịu bao nhiêu chất thải đổ xuống. Hai, ba năm nay chẳng có con nước nổi nào, không có cá tôm, cá linh nhiều khi đánh cả ngày được có vài kí. Trước chú cũng trồng lúa nhiều nhưng giờ bỏ rồi, chẳng lãi mấy đồng, thôi thì ôm cái xe lôi này, ngày nhiều khi gặp mối cũng được hai trăm ngàn.
– Hôm trước con thấy trong tivi, nước lên dữ lắm mà chú?
– Ðó là nước mưa thôi con ơi! Ở cái miệt này, bữa nay mưa một trận lớn là ngày mai phố xá ngập hết trơn, ống cống chuột rúc không lọt mà.
Chú Hồng tiếp tục kể cho tôi nghe những hồi ức về ngày còn nhỏ, lúc lẽo đẽo theo mẹ lên phố cuối tuần, rồi thì chuyện chú bỏ ra hai năm thời trai trẻ để tìm về những con rạch cũ mà người ta đào hồi xưa. Cái việc mà chú bảo là hồi đó chắc ‘hâm hâm’ nghĩ là đi cho biết, biết đâu đấy. Nhưng giờ thì khổ, biết rồi.
Trời có vẻ xế trưa, thôi không phiền chú nữa. Ðể chú chợp mắt trên chiếc xe lôi một chút trước khi nhận chở hàng vào buổi chiều. Tôi tiếp tục lang thang đến Ðại Học An Giang.
Ðây là ngôi trường được xây dựng vào năm 1999. Hằng năm có khoảng hơn một ngàn sinh viên, chủ yếu đến từ đồng bằng sông Cửu Long tốt nghiệp ngôi trường này rồi cũng rày đây mai đó.
Kiên nhẫn bắt chuyện gần một tiếng đồng hồ, Mai một cô sinh viên năm thứ hai của ngôi trường này mới chịu tỉ tê tâm sự với tôi:
– Em là con út trong nhà, nhà có 5 chị em mà chẳng có mảy may ông con trai nào. Vậy nên mấy chị em đều khổ. Giờ ai cũng lấy chồng rồi, em thi đậu vào đại học rồi năn nỉ ba má cho lên đây học, tự túc hết, vì hai ông bà thu nhập cũng chẳng mấy đồng. Chị đầu em đang làm vợ cho một ông Hàn Quốc, lão năm nay hơn 70 rồi. Ði biền biệt cả 6 năm nay, hiếm lắm mới gọi điện về thăm một lần vào năm kia.
– Chị ấy kết hôn diện mai mối hả em?
– Cũng chẳng phải chị à, hồi đó có bà trong xóm thấy nhà em nghèo quá, lúc đó em mới vào lớp 10. Mấy chị đều nghỉ hết chỉ có em được đi học. Má em bệnh nặng, nằm nhà thương cả tháng, bà ta đánh tiếng và chị em ‘lên xe hoa’. Cả nhà em ai cũng mừng cho chị vì được xuất ngoại, ai dè, đời khốn nạn.
Mai nói tiếp:
– Thân con gái ở cái xứ này vậy thôi chị ơi, không đi xứ khác kiếm tiền thì cũng làm ô sin không lương cho mấy ông chồng già. Như em tưởng vào đại học thì tương lai tốt hơn nhưng tốt nỗi gì. Muốn qua được cái đại học này, cũng phải bỏ vốn ra.
Nói một hồi, Mai rít dài điếu thuốc. Cô gái hai mươi tuổi này chấp nhận làm bồ nhí của một đại gia đất Long Xuyên để có tiền trang trải học hành. Bởi theo cô thì thà chấp nhận bị một lão quản lý và chi tiền còn đỡ hơn phải chiều chuộng hết người này đến người khác rồi phải nộp tiền bảo kê cho ‘mấy thằng quản lý khu vực’. Đám bạn cùng cảnh ngộ với cô đã chịu đủ loại này rồi và kinh nghiệm của mấy cô này truyền lại là Mai phải chăm chuốt, khéo léo để giữ chắc chỗ hiện tại, nếu không một cô tân sinh viên nào đó sẽ thế chỗ Mai trong một ngày không xa.
Một ngày trôi qua ở tỉnh lỵ của tỉnh Long Xuyên cũ (trước năm1956) liệu có dài hơn 24 tiếng? Tôi lên phà để quay lại Chợ Mới. Khi mặt trời khuất núi, gánh hàng rong vẫn lụi cụi nơi góc tường hay đầu bãi giữ xe để mong kiếm đôi đồng. Người khách trẻ bỗng lừng khừng đứng lại:
– Cô ơi, mua giùm cháu cây sing gum!

UC