Tôi thường được những người chụp ảnh hỏi rằng họ có thể in lớn cỡ nào với những hình từ máy ảnh 24, 16, 12, 8, hoặc 6 megapixel (MP) của họ? Phân tích cho kỹ, nhiều máy ảnh sản xuất trong vòng vài năm qua (thực tế là từ 16 MP trở lên) đều có khả năng in các bích chương cỡ lớn. Tuy nhiên, nó có một giới hạn, vượt qua giới hạn đó thì ảnh không còn rõ đẹp nữa.
Tại sao phần nhiều máy ảnh có thể in ảnh lớn dù cho chúng có độ phân giải thấp
Một con số rất thông thường để in quảng cáo trên một bích chương ngoài trời thật lớn là 1,800 pixels theo chiều dài và 1200 pixels theo chiều cao; ngang hàng với chỉ vỏn vẹn 2.1 megapixels. Nghe có vẻ tầm xàm? Thật sự thì không. Và nếu bạn hiểu thấu nguyên tắc này, bạn sẽ có khả năng in cỡ lớn nhiều hơn bạn nghĩ có thể.
Điều căn bản là khi cỡ in tăng lên, thì khoảng cách xem cũng tăng! Nếu bạn đứng sát trước một tấm bích chương, bạn sẽ thấy rõ rằng độ phân giải rất tệ và những chấm ảnh (pixel) thật lớn. Nhưng không ai lại đứng đụng mũi với một tấm bích chương. Chúng ta nhìn nó từ xa.
Một điều tương tự cũng diễn ra trên một tỷ lệ nhỏ hơn với hình in. Khi bạn in cỡ 8×10”, có thể người xem sẽ cầm nó ở khoảng chiều dài cánh tay. Vậy chúng ta cần một độ phân giải đủ nhuyễn để mắt có thể phân biệt ở khoảng cách đó. Nhưng khi bạn in hình thật lớn (như một tấm tranh 24×36”), không một ai sẽ đứng gần cỡ đó. Vì khoảng cách xem hình xa hơn, độ phân giải của hình đó không cần phải nhuyễn như vậy.
Cho nên câu hỏi đầu tiên bạn nên tự hỏi khi muốn xác định bạn có thể in cỡ lớn bao nhiêu là “Khoảng cách xem là bao nhiêu?”. Nhưng bạn đừng lo, chúng ta không cần những công thức toán phức tạp và cũng không cần phải đo lường gì hết. Chỉ cần nhận thức rằng cỡ in lớn hơn có nghĩa khoảng cách xem xa hơn, và đó là tại sao tôi đã nói trong đoạn đầu bài rằng gần như tất cả máy ảnh hiện đại đều có thể tạo nên hình in có phẩm chất tốt ở bất cứ kích thước nào.
DPI (dots per inch) nào tạo nên hình in có phẩm chất “hoàn hảo” nhất?
Thường thì độ “nhuyễn” lý tưởng nhất của hình in là ở 300 dpi. Mặc dù có một số máy in cao cấp có thể in ở độ phân giải cao hơn 300 dpi, nhưng mắt thường không thể phân biệt được sự khác biệt đó. Nếu được thì có lẽ người đó có cặp mắt rất tinh xảo hoặc với sự giúp đỡ của kính lúp, để phân biệt được giữa 300 và 400 dpi.
Một điều quan trọng bạn nên phân biệt rõ ràng là độ phân giải của hình in và độ phân giải của hình xem trên màn ảnh. Hai cái hoàn toàn có tác dụng khác nhau. Ðối với những hình để gởi qua máy in, 300 dpi là con số tiêu chuẩn nhất để đạt phẩm chất cao. Nhưng đối với những hình chỉ để xem trên màn ảnh (internet, Facebook, email, v.v.) con số trong khung “Resolution” của Photoshop hoàn toàn không thành vấn đề. Bạn có thể điền vào số 1 hoặc 300 hoặc 2000 trong khung đó và cũng chẳng thấy phẩm chất ảnh khác nhau tí nào. Tại sao? Vì độ phân giải của màn ảnh monitor mới là thành phần chủ yếu. Khi bạn đưa một tấm ảnh lên màn ảnh hoặc chia sẻ trên mạng, chỉ có con số pixels theo chiều ngang và chiều dài mới quan trọng.


Kết luận, và một nguồn in quan trọng!
Quan trọng nhiều hơn cả con số megapixels trong máy ảnh của bạn là phẩm chất của máy in mà bạn chọn để in hình.
Cách đây không lâu, khi tôi chuẩn bị in hình (tranh lớn cỡ 30×45 inch) cho một cuộc triển lãm lớn, tôi đã đặt in thử 3 tấm hình từ khoảng một chục hãng in khác nhau (từ Walmart, Shutterfly, Snapfish, Bayphoto, MPIX, EZprint…) để so sánh xem hãng nào phẩm chất ảnh cao nhất và đỡ tốn kém nhất. Khi họ gởi về những bản in, tôi bị sốc khi khám phá rằng những phòng in rẻ nhất lại cho ra hình tốt nhất, và một trong những hãng in đắt tiền nhất là cho ra hình tệ nhất.
Khỏi phải nói, chắc bạn cũng biết tôi đã chọn hãng in nào. Nhưng dù có chọn hãng nào đi nữa, tất cả hồ sơ ảnh của tôi đều phải đủ tiêu chuẩn 300 dpi và ở độ phân giải cao nhất (sử dụng 100% số Megapixels của máy ảnh)

AN