Huy Tưởng đã nuôi lửa trong thơ mình, những ngọn lửa âm ỉ cháy qua những sợi cỏ tâm tưởng dễ bắt nhiệt. Những cụm khói cảm xúc u tịch bốc lên thành màu lam chiều cuồn cuộn, khiến thơ ông nổi lên, bật ra, quất vào trí tưởng và tim gan người đọc.
Tôi “gặp” ông. Người “nuôi lửa tịch mịch”, lần đầu tiên, từ một tập Thơ photocopy do một người bạn yêu thơ ông tặng. Ngay khi đọc những bài thơ, những con chữ tràn ngập âm thanh, màu sắc, chuyên chở tư tưởng và cảm xúc trong ấy, tôi như chao nghiêng đi. Thơ ông tựa một khoảnh rừng có nhiều cây gỗ quý, ẩn hiện đâu đó những chiếc mặt nạ da người treo lơ lửng trong một mảng trời ám khói.
Chiều. ghếch nâu lên mái
Dồn dập chui qua vết nứt tháng năm
Âm vọng từng tiếng nấc khoan đêm.hố thẳm
Tha thiết tím.thầm kêu im.ước nguyện…
Chiều quá rợp nâu.um khói
Bóng người về.chói lọi khúc cuồng ca
Tiếng chim nát từng lời máu đỏ.
Ðêm mãi tràn..huyết dụ quá.lòng ta...
(SONNET 34)
hay :
Lênh láng sắc hương.lênh láng chiều
Lênh lángđơm xanh đọt mầm tách vỏ
Lênh láng cung thương.ngày cũ
Lênh láng Em lênh láng tôi đày đoạn những thang âm nghịch chiếu
Lênh láng trầm thiết mộng… (SONNET 50)
Thơ Huy Tưởng đã nổi tiếng trước 1975 ở miền Nam Việt Nam.

Bùi Giáng yêu thơ ông, Ðinh Cường luôn rung động qua tiếng thơ luôn khắc khoải mà ma mị. Bùi Giáng không những vẽ chân dung ông mà còn vẽ ông qua câu thơ “Cám ơn thần thánh thiết tha / Vốn người xứ Quảng vốn là chịu chơi”, và xem Huy Tưởng như là “một hóa thân của Thôi Hộ về hiện diện ni cô hiện đại Việt Nam” với những câu thơ “xuất thần, nhập thánh, đáo tiên thiên!”
Huy Tưởng không những chịu chơi ngoài đời, mà trong thơ, ông cũng vét lòng mình, chơi đến cả những hạt cảm xúc li ti cùng tận.
Thơ vét hết lòng.thơ mất máu
Rừng cao.biển rộng.đẹp rưng rưng
Bão cuồn cuộn.cuốn.cơn hiềm oán
Một góc quê cha.quê khốn cùng!
Tang tóc sẽ về.câu nhắn gửi
Nắng vờn.loang loáng.kiếm sắc không
Nghe ai oán dậy.mưa thù.rót
Tiếng thét mãi ầm.vang.biển Ðông!…
(NHỮNG ÐÊM THÙ BÚNG MÁU)

Trịnh Thanh Thủy (TTT): Anh khởi nghiệp từ trước 1975, xin anh cho biết bầu khí Thơ Ca thời đó ra sao và thế nào ?
Huy Tưởng (HT): Nói thế nào cho gọn nhẹ nhỉ? Bởi chắc hẳn chị cũng đã đọc khá nhiều người viết về nó rồi. Tôi không muốn lặp lại. Nhưng, nó vui nhộn, đa dạng, lôi cuốn, hấp dẫn và nhất là, tự do ngất trời!…Từ đó tung ra nhiều trường phái, giọng điệu và sắc màu phong phú… đúng là trăm hoa đua nở thực sự mà không phải kiêng dè sợ sệt điều gì, để sau rốt, nổi trội lên những tên tuổi ngời sáng, mỗi người đứng riêng một cõi, một tiếng thơ biệt lập nguy nga.
TTT: Ðược biết, anh quen biết nhiều người, nhiều thế hệ. Riêng anh, anh hẳn có những bạn Thơ thân thiết, xin anh cho nghe vài kỷ niệm.
HT: Tôi có được cái vinh hạnh (đôi khi là tai nạn) được quen biết nhiều người trong giới học giả, trí thức,văn nghệ nhiều thế hệ, chẳng hạn tôi có thâm tình với thi sĩ Quách Tấn, cụ Vương Hồng Sển, cụ Toan Ánh,thi sĩ Vũ Hoàng Chương, học giả Tam Ích,… cho đến các nhà thơ còn rất trẻ hôm nay như Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Quốc Chánh, Vương ngọc Minh, Tha Thủy, Phan Quỳnh Trâm, Thận Nhiên, Bùi Chát… xuyên qua những Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tạ Ký, Phạm Công Thiện, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thái Tuấn,… tôi có những tiểu truyện về họ, cũng vui vui.
TT: Anh làm Thơ, và anh có “đức tin” nào về Thơ Ca không ?
HT: Ồ! Chị vô tình lại đụng đến chỗ sâu thẳm nhất của tôi. Tôi luôn đặt đức tin cao nhất vào Thơ Ca. Tôi tuyệt đối tin vào sự truyền dẫn của cảm xúc và sự trợ lực tối thượng của siêu hình. Một người làm nghệ thuật mà chỉ dựa vào sự khéo tay, kỹ thuật vững vàng không thôi, không mảy may có một ám ảnh, một vọng động nào réo gọi từ tầng cao của ngùn ngụt hư vô,… thì cũng tội nghiệp như một “tín đồ” không có đức tin khi đối diện trước điện thờ mà lòng cứ dửng dưng, trơ cạn niềm tin và trống khô như ngói. Nếu bạn không có cảm xúc thì khó mà truyền dẫn đến người đọc, điều nhỏ nhặt đó, ai cũng hiểu nhưng ít người muốn nhớ tới. Không có hành trang tối thiểu đó, làm sao có thể nhấc chân lên để dọn đường cho một hành trình đầy gian nan ?
Ông, tên thật Nguyễn Ðức Hiệp, sinh vào tiết trọng đông, cuối năm 1942 và đầu năm 1943, cầm tinh con ngựa Nhâm Ngọ. Khởi viết từ những năm giữa thập niên 60s, và tham gia hầu hết các diễn đàn văn học nghệ thuật có uy tín thời đó; và đã cùng một số thân hữu thành lập nhà xuất bản Kinh Thi, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Riêng ông, ngoài một vài tác phẩm dịch thuật, biên dịch, ông cho xuất bản các tập thơ như:
- Mưa trong vườn chiêm bao (thơ)
2. Một mùa tóc mộ (thơ)
3. Áo nguyệt ca (thơ)
4. Hỏi đường cùng mây trắng (thơ)
5. Trăng kêu Xanh (thơ)
6. Trong đá (thơ),
7. Người nuôi lửa tịch mịch (thơ)
8. Chàng trẻ tuổi gan dạ trên chiếc đu bay (sách dịch)
9. Tuyết trên ngọn Kilimanjaro (sách dịch)
Có tên trong tuyển tập : Thơ Tình Việt Nam và Thế Giới (Nguyễn Hùng Trương-1998)
Hầu hết thơ ông tự in và phát hành hạn chế trong số ít thân hữu, nên hiện nay gần như bị tuyệt bản.
TTT: Cũng nghe nói, anh đã ngưng viết từ sau 1975, và toan tính từ bỏ hẳn khi chuyển sang định cư tại Úc Ðại Lợi ?
HT: Ðúng và chưa đúng. Sau 1975, tôi cùng một số văn nghệ sĩ còn kẹt lại được tập trung để “bồi dưỡng tư tưởng”, tất thảy không gây cho tôi một ấn tượng hay cảm hứng nào cả. Tôi quyết định về sống đời lầm lũi vô danh, không hội hè đàn đúm với bất cứ đoàn nhóm nào, lui về buôn bán phôi pha. Thỉnh thoảng làm một đôi bài thơ cho đỡ nhớ chữ, đăng trên Tạp chí Thơ, Hợp Lưu,… Nhưng như vậy cũng không yên, tôi càng thêm chán ngán khi bị tra tấn bởi lòng bội phản nơi những người thân, những người từng thọ ân chúng tôi… Nên khi dứt áo ra đi định cư tại Úc, tôi đã xóa, đã đốt hết mọi bản thảo, hình ảnh, còn bao nhiêu sách vở tôi đóng thùng gửi tặng hết cho một số bạn bè. Tôi ra đi tay không với lời nguyền từ bỏ văn chương!
Tôi ra đi mà không chắc mình có thể sống sót vì bệnh trụy tim rất nặng. Nếu sống sót, sẽ chỉ mong sống đời ẩn dật nơi chốn đô hội ấy để qua đời.
TTT: Nhưng nay, anh đã viết trở lại, như một hiện tượng, rất sung sức, vì đâu?
HT: Vâng, về thể chất đến nay cũng tạm ổn, sức khỏe rất “phồn vinh giả tạo” sau ba lần đột quỵ và “đi xuyên tường” nhiều đêm ngày, còn tinh thần có lúc tưởng như tắt ngọn, tôi phải mất nhiều năm để tu tập kiên khổ, và nay đã vực dậy được phần nào nhờ những động viên sốt sắng của các bạn bè khắp nơi. Các Bạn đã thổi vào tôi một luồng khí tươi mát, tạo nên một năng lượng đáng kể, trong đó có những thành viên trong gia đình nhỏ của tôi. Tôi nay được khỏe lại nhờ tinh thần phấn chấn, mạnh hơn cả thuốc men. Qua đây, xin các Bạn khắp nơi nhận cho tôi lời cám ơn sâu sắc nhất.

TTT: Ðọc thơ anh, nhiều người cùng nhận xét, anh luôn có những sáng tạo, nhiều màu sắc, hình ảnh, đặt nặng vai trò thẩm mỹ, và nhất là khai sinh ra nhiều chữ rất mới, rất lạ, anh nghĩ sao? Và anh có kinh nghiệm thế nào về sáng tác Thơ?
HT: Mỗi người có một “kinh nghiệm” riêng, khó nói, nhưng rốt cùng, kinh nghiệm là không kinh nghiệm gì cả! Cứ rong chơi, cứ suy tưởng, cứ mơ mộng, và…cứ làm thơ. Mỗi người một cách, kiểu. Từ ngày quyết tâm rời bỏ “căn nhà cũ”, nói khác đi là, đứt ruột rời bỏ văn chương chữ nghĩa các thứ, tôi tay không, không sách không bút, không vở, sang dưỡng bệnh tại Úc, nguyện sống đời lặng lẽ. Tôi bắt đầu lang thang hết cả những đồi cao biển thấp, núi rừng sông hồ Châu Ðại Dương và nhiều nơi khác mà chẳng tơ màng gì đến Thơ ca, thì…bất giác, chữ và màu rộn rã bùng lên từ những bước chân, ôm chầm lấy tôi! Và tôi hồn nhiên làm thơ trở lại, không còn vướng bịu gì với sách vở mỏi mòn xưa. Ngồi nghĩ lại, chuyện tôi mất hết sách vở hóa ra là may mắn, như chuyện Tái Ông thất mã. Mà nghĩ cho cùng, chữ của tôi cũng có gì mới mẻ đâu, đôi khi chỉ là thứ cũ xì, sét gỉ, phế liệu,… được lau sáng lại bằng cái nhìn, cái cảm xúc tinh tươm và bỡ ngỡ trẻ thơ mà thôi. Từ năm 1967, tôi viết nhân ngày sinh nhật “Em đã thấy.nhưng nghìn năm không hiểu / Vì sao anh bệnh hoạn một màu trăng !” lắm kẻ chau mày, nhưng cũng nhiều người trầm trồ vì Thơ vẫn đem được cái mùi ê-te của nhà thương vào, rất ngọt. Chữ nào cũng rất thơ & chữ nào cũng không thơ.
Cái đẹp giúp chúng ta nhìn và sống tích cực. Và tại sao cái đẹp rất cần thiết cho Thơ ?
TTT: Anh có ý kiến gì về Thơ hôm nay?
HT: Câu hỏi, nghe thì dễ nhưng tôi chắc ít có ai muốn trả lời, nhất là những người làm Thơ. Thời nào và ở đâu cũng vậy, có những số đông bảo thủ và đổi mới. Những người bảo thủ luôn trung thành với những nền nếp cũ, làm thơ như một người thợ chuyên nghiệp, dụng công và chỉn chu, khác nào các cụ ta ngày xưa học thuần thục các giáo khóa về thơ, để rồi khi ra trường thi ứng thí, thi thố làm thơ. Thơ ấy gọi là thơ cử nghiệp, đúng niêm luật… các thứ, thời nay vẫn còn nhan nhãn trên các trang thơ thù tạc. Người trẻ thì quyết tâm đổi mới bằng những “sáng tác” quá mới mẻ, tân kỳ đến… có khi kỳ quái, có người băng ngang vào thơ hậu-hiện-đại khi chưa kịp thấm nhuần các bước đầu về thơ truyền thống, chưa có ý niệm hay thẩm thấu đủ khái niệm về tiết nhịp trong thơ, chưa qua căn bản về hình họa thì đã múa những đường kiếm trừu tượng, vô dung, ghê thay! Nhiều Bạn biết được ít nhiều ngoại ngữ, hoặc thường đọc thơ dịch, đến khi làm thơ tiếng Việt mà khi đọc lên, ta cứ ngỡ là… thơ dịch! Giọng điệu nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt.
Các cụ thâm Nho của chúng ta ngày xưa thường làm các bài thơ theo thể Thơ Ðường, Tống,… các bài thơ không chê vào đâu được, từ kỹ thuật đến ý nghĩa cao xa, tròn trịa, chỉn chu, nhưng tiếc thay cái mơ-hồ-mà-trọng-yếu của bài thơ ta tìm mãi, không thấy đâu, ấy là cái “vị” của nó: vị Ðường, vị Tống,..(hãy đọc một bài thơ Lục Bát của một người ngoại quốc giỏi tiếng Việt xem, khó tìm cho ra cái vị 6/8 mềm mại của bản tộc). Các bạn trẻ bây giờ giỏi giang và hòa nhập dễ dàng hơn với môi trường bên ngoài, nhưng tôi vẫn lo mà vẫn rất kỳ vọng.
Tôi cũng không hạp với các loại thơ ưa triết lý quanh co hay dạy đời này nọ.
Thơ hôm nay, nói thật, tôi rất lạc quan. Những người trẻ luôn ở trong một tâm thế quật khởi tươi mới, dù họ đang phải cong mình nơi những góc tối đầy chướng khí hay những bạn khác tung tẩy và hớn hở giữa những môi trường khoáng đãng tự do lồng lộng, nơi đâu cũng là đòn bẫy vững chắc giúp họ bay cao. Tôi luôn ngóng đợi.
Sống, mà cứ bảo thủ, không biết chờ mong, hoài vọng, thì… nghèo nàn và buồn tẻ quá, phải không chị ?
TTT: Như trên, anh đã nói, trong những ngày đầy khó khăn sau năm 1975, anh cũng như bao người (văn nghệ) khác, phải bươn chải kiếm sống từng ngày, và anh muốn “về buôn bán phôi pha”. Nhưng anh đã buôn bán thật sự, từ một quán cafe’ bên lề đường Bà Lê Chân, Tân Ðịnh, đến Quán đặc sản FAIFÔ PHỐ HOÀI, đã ghi đậm kỷ niệm đối với rất nhiều anh em văn nghệ trong và ngoài nước, đến nay vẫn còn những dư vang. Anh có thể kể cho nghe một vài kỷ niệm tại hai nơi đó, được không?
HT: Nói về thời kỳ “không thể tưởng tượng” ấy, quả thật tôi bị choáng ngợp và che phủ bởi vô vàn hình ảnh, vô vàn tiếng động, tâm thái, ngồn ngộn giữa biết bao lo sợ, khiếp đảm, chen lẫn vui buồn của kiếp người, của giao tình bằng hữu,… tôi quả không biết phải nói và bắt đầu như thế nào, nhất là giai đoạn mở đầu ở đường Bà Lê Chân, Tân Ðịnh. Nơi đây đã manh nha cho những dự phóng văn học lớn lao mà nay đã hình thành và vững mạnh ở ngoại quốc (…). Các Bạn ấy hiện là những trụ cột trên văn đàn. Nhưng hiện giờ, nói nhại theo người xưa, thì “quán xưa vẫn còn đó, mà người xưa nay đâu rồi? chỉ còn nghe đâu đây tiếng thở dài về lòng bạc bẽo của nhân thế!…”. Biết nói sao cho cạn, cho vừa những tháng ngày cơ khổ quá cùng mà cũng thơ mộng tót vời bên những bạn bè cùng khổ chung quanh! Tôi luôn tri ân các bạn hữu, và nhất là hình ảnh lồng lộng của nhà phụ diễn tài năng và thường trực nhiễu sự, gây nhiều khó khăn cho bản quán: trung niên thi sỹ đười ươi Bùi Giáng!
Ðịnh phận đã dọn chỗ cho mình thành chủ các quán, thì nay nơi chốn xa xôi này vẫn phải tiếp tục với… Quán Không!
…giã từ hàng quán xôn xao
vội đi.quên gửi câu chào cuối đông
Tôi giờ.tĩnh tịch quán không!
TTT: Xin cám ơn anh, và chúc anh an bình cùng những sáng tác sung mãn hơn.
TTT – thực hiện