Giáo hội thứ nhất xa hoa, giàu có, béo tốt. Giáo hội ấy đóng cửa nhà thờ chính toà im ỉm, trong khi đồng bào mình bị đánh đập, bắt giam… ngay trước cửa nhà thờ.
Giáo hội ấy hô hào “tốt đạo đẹp đời”, ra thư chung khuyến khích giáo dân tham gia những cuộc bầu cử giả hiệu, ngăn cản giáo dân xuống đường để “giữ trật tự xã hội’.
Giáo hội ấy thoả mãn với việc in nhiều kinh sách, phong chức được nhiều linh mục, xây thêm nhiều nhà thờ tráng lệ ngất ngưỡng…
Giáo hội thứ hai thầm lặng cúi mình trên thân phận những người nghèo khó, chia sẻ với trẻ mồ côi, cầu nguyện và che chở cho những người bị bức hại vì lòng yêu nước.
Giáo hội thứ hai chia sẻ và đồng hành với đồng bào mình những vấn nạn về an sinh xã hội, y tế, môi trường.
Giáo hội này chỉ thẳng mặt và lên án công khai lũ bán nước, bọn tham nhũng bất lương.
Giáo hội đó có những linh mục, tu sĩ bị giam cầm, tù đày vì lẽ công chính mà không hề có sự đoái hoài dù là nhỏ nhất của Giáo hội thứ nhất.
Giáo hội nào là phản chiếu gương mặt của Người thợ mộc thành Nazareth, kẻ đã chia sẻ bữa ăn với người nghèo, an ủi goá phụ, tha thứ cho kẻ trộm trong những giây phút cuối cùng của đời mình?
Lịch sử chuyển mình vì những bước chân can đảm và công chính, không vì những hào nhoáng mà Giáo hội thứ nhất vẫn tự hào.
Chúa chỉ ở cùng Giáo hội thứ hai, thưa các vị!
GỞI CHUNG TẤT CẢ CÁC BẠN ĐANG CHO RẰNG TÔI CHIA RẼ GIÁO HỘI:
Cũng như các bạn, tôi mong ước được nhìn thấy một Giáo hội hiệp nhất để tranh đấu cho công lý và hòa bình trên đất nước này.
Bài viết của tôi chỉ nêu ra một thực tế hiển nhiên mà chúng ta đang chứng kiến. Và tôi, như một phần tử của Giáo hội, có quyền trăn trở về điều đó. Như một con người tự do, tôi có lựa chọn của mình.
Tôi là ai mà có thể gây chia rẽ Giáo hội, nếu như Giáo hội ấy thật sự là một thực thể không gì chia cắt được vì lẽ công lý và hòa bình?
“Tôi muốn một Giáo hội lem luốc trên đường phố với người nghèo hơn là ẩn mình trong sự an toàn giả tạo” (lời Đức Giáo Hoàng Francis)
“Giáo hội không làm chính trị nhưng phải đặt mình vào chính trị”, vì “như Đức Phaolô VI nói, chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái”. Trên hết, Giáo hội “phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề “đạo đức, khoa học xã hội, đức tin” gây ra.
PHƯƠNG LÊ