Menu Close

Dăm câu với bạn Phùng

Phùng Nguyễn ra đi mới đó mà đã gần một năm (Phùng mất ngày 17 tháng 11. 2015). Nhiều người tiếc nuối tài năng của Phùng Nguyễn. Khởi đi từ những khó khăn ở quê nhà (nghèo khổ, đi lính rồi bị thương, giải ngũ), sang Mỹ phấn đấu học hành đỗ đạt (Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh và Tin học) rồi khởi sự viết truyện ngắn và nổi tiếng. Hai tuyển tập truyện ngắn Tháp Ký Ức và Đêm Oakland của Phùng Nguyễn được anh em văn nghệ và độc giả đón nhận.  Phùng đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, VHNT Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, …, chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002), chủ trương tạp chí mạng Da Màu (năm 2006) cùng với Đặng Thơ Thơ & Đỗ Lê Anh Đào. Những năm gần cuối đời, Phùng Nguyễn phụ trách trang Blog trên VOA và đã viết một số những tản văn xuất sắc.

Tới đây, kỷ niệm một năm Phùng Nguyễn ra đi, tạp chí Da Màu cùng với các văn hữu huy động bài vở để ấn hành một cuốn sách tuyên dương văn nghiệp Phùng Nguyễn.

Sau đây là bài viết của nhà văn Trúc Chi trên Da Màu.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Phùng Nguyễn, Trúc Chi (2004)
Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Phùng Nguyễn, Trúc Chi (2004)

Thiệt tình, mở máy, tôi thấy có chút gì ngỡ ngàng, khi chợt nhớ rằng mình định viết về Phùng. Vì trong thâm tâm, không bao giờ tôi ngờ mình lại “có dịp” viết về một người bạn trẻ hơn mình trên một giáp chứ không ít, trẻ vậy mà lại bỏ anh em viết lách một cách đột ngột, đành đoạn như vậy. Nhưng mà… thôi thì đành vậy.

Quen biết nhau trên dưới vài chục năm, sau khi được biết vài điều về thời trẻ của Phùng, đọc truyện của Phùng trên Văn, Văn Học và một vài tạp chí khác ở hải ngoại, tôi vẫn thầm phục sức chịu đựng, chí phấn đấu trong con người này của xứ Quảng: Phùng có một quãng đời thiếu thốn về vật chất nếu không muốn nói nghèo khó, cơ cực, vậy mà trong hầu hết các truyện của Phùng mà tôi đã đọc, không bao giờ thấy Phùng “rên.” Không than thân trách phận, ngay trong các truyện không phải được kể lại ở ngôi thứ nhứt. Hình như con người này không có thì giờ để mà “rên.” Con người này, trong tác phẩm của mình, đã dành nhiều thời gian và không gian cho tình thương, cho tình yêu.

Yêu thương trong nhiều truyện của Phùng thiệt da diết, hết mình. Lọc phần hư cấu, giữ lại chất sống của tác giả, chúng ta sẽ thấy rằng con người này vừa già dặn vừa ngây thơ dại dột khi yêu nhưng mà dù già dặn hay ngây thơ dại dột, tình của Phùng là tình chân thật, không pha trộn, tình “ở trong phổi trong tim, trong hồn nữa” nói như Hàn Mặc Tử. Cho nên, số độc giả bắt gặp chính mình qua xúc cảm của nhân vật, qua cái éo le và nghiệt ngã của hoàn cảnh trong truyện tình của Phùng, tôi nghĩ không phải là ít. Kể, như vậy là cũng đủ để nói về thành công của người viết qua chất liệu và văn phong.

Tôi không muốn dài dòng trích dẫn từng đoạn tác phẩm của Phùng để minh chứng cho ý kiến trên đây của tôi khi nói về Phùng vì thiệt tình, tôi nghĩ muốn đọc Tháp Ký Ức Ðêm Oakland Và Những Truyện Khác (tác phẩm của Phùng) không phải tìm đâu xa. Ngay trong tạp chí Da Màu này cũng có rồi.

Nhưng không phải chỉ có chuyện tình trong tác phẩm của Phùng mới đáng nhắc đến, bởi vì, gì thì gì, Phùng cũng như hầu hết lớp người cùng lứa đang sống trong và ngoài nước, không thoát nổi cái bóng của đám mây đen kia: tôi muốn nói đến cuộc nội chiến khốc liệt đã lặng tiếng súng hồi Tháng Tư 75, nhưng dư ba của hậu quả cho đến nay vẫn chưa thực sự chấm dứt.

phung-nguyen-622

Tôi nhấn mạnh hậu quả của những chính sách khắc nghiệt xuất phát từ những bộ óc không được đào tạo trên cơ sở nhân bản, những chính sách mang nặng chất căm thù, kỳ thị và thiển cận như kinh tế mới, cải tạo, phân biệt thành phần xã hội … không lợi gì cho tình người, tình đồng bào đã đành, mà lại còn tai hại khủng khiếp cho đất nước mãi cho đến nay, năm 2016, vẫn chưa hết.

Dài dòng vậy để nói thêm rằng cái bóng u ám chở nặng uất hận ấy vẫn đổ sập xuống cuộc sống hàng ngày, vẫn lơ lửng trong tâm thức của cả một lớp nạn nhân trong đó có Phùng. Nó hiện rõ nhất trong một đôi truyện của Phùng khi Phùng dùng cái bấp bênh của chiến tranh làm bối cảnh cho sinh hoạt của một vài nhân vật trong đó có thằng Kình trong truyện “Ðêm Oakland. Câu Hỏi.”

Truyện kể sinh hoạt bất trắc của những người sống trong một vùng ban ngày có cơ quan hành chánh quốc gia, ban đêm thỉnh thoảng có “mấy ổng” (chữ của Lê Xuyên) về tổ chức mit-tinh, tòa án nhân dân xử tử kẻ có tội với “Giải Phóng” v.v… thằng Kình sống và chết trong một nơi như vậy. Thời ấy, đó là chuyện cơm bữa nghe đó, thấy đó rồi quên đó, không khác chi tin nạn nhân của khủng bố Islam kể như hàng ngày trên TV, trên nhựt báo hiện nay. Chuyện cơm bữa, nhưng mà ngòi bút của Phùng đã gửi vào truyện thằng Kình một câu buộc người đọc cứ phải nghĩ đến chữ nghiệp của giáo lý nhà Phật, đến cái thánh giá trên vai người công giáo: “Tuy vậy, tôi có nhiều lý do để tin rằng thằng Kình đã không hề biết đến ý nghĩa thực sự của những câu hoan hô đả đảo phát ra từ cái miệng méo mó, bóng nhẫy những nhớt dãi của mình.” Không thì khó giải thích hành trạng của một người “không được đi học.”!

Viết mà khiến cho nhân vật của mình tạo ra cứ bám sát lấy người đọc là một điều khó. Phùng đã làm được điều khó đó trong Ðêm Oakland. Câu hỏi.

Ðến đây, bạn đọc cũng đã thấy là tôi không phê bình, mổ xẻ tác phẩm của Phùng. Tôi chỉ tóm tắt cảm tưởng chung, nhớ đâu viết đó, khi nhìn vào toàn bộ tác phẩm của bạn, kể cả ấn tượng sâu sắc của thằng Kình.

Và chắc bạn đọc cũng đã thấy là tôi không dùng đến bút hiệu Phùng Nguyễn mà chỉ thân mật gọi tên Phùng như những lần trực diện đối thoại hoặc chuyện trò với nhau qua điện thoại. Như vậy, nó thân mật hơn, mà chính tôi cũng cảm thấy mình vẫn gần gũi với người đã ra đi. Phải không Phùng? Thôi!

Trúc Chi – 8/16 – Nguồn: Damau.org