Andy báo tin rằng sẽ nhận lời mời tham dự một chương trình tham khảo về đề tài Wildlife của Hội Bảo Tồn Thiên Nhiên tổ chức ở đảo quốc Nam Mỹ Trinidad và Tobago. “Họ sẽ đài thọ tất cả những chi phí của du trình dài ngày này. Với họ, điều quan trọng nhất là sự có mặt của chúng ta”. Anh cười, hoan hỉ chân thực với niềm hạnh phúc.

Kỳ 1: “The Last Sumurai”
Tôi nhìn anh, cảm nhận sự nồng ấm và viên mãn. Tôi hiểu, trái tim và khối óc kia đang hưng vượng nhờ dưỡng chất và sự thỏa mãn mà đức tính hoan hỉ mang lại. Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn đã thực hiện giấc mơ của đời mình bằng một quá trình đầy phấn đấu, hy sinh. Với anh, phẩm chất và kinh nghiệm luôn được đào sâu và chuyển hóa thành những thành quả tích cực trong công việc. Anh chia sẻ với tôi rằng: hãy tập thưởng ngoạn kinh nghiệm của mình một cách trọn vẹn, chấp nhận. Và sống kinh nghiệm bằng cả thân, tâm, và cảm thức của chính mình.
1. Sớm hạ oi ả. Đón chúng tôi ở phi trường Miami là hai đại diện của BTC là Mark và Jerry. Mark trông rất “gấu” ở dáng vẻ to lớn, mái tóc buộc túm phong trần như những tay cỡi mô-tô. Và Jerry, tùy viên phụ tá, người có gương mặt đôn hậu với cái nhìn không vội xét đoán, nhưng biết trầm lặng, chờ đợi. Jerry hoạt động trong lãnh vực báo chí, vai trò photojournalism của tờ nhật báo New York Times.

Tác giả ở phi trường Trinidad & Tabago

Hội ngộ của một trong số thành viên trong phái đoàn tại sân bay Piarco International Airport
Chiếc Boeing 767 sau 3 tiếng 10 phút bạt gió trên không, hạ cánh ở Piarco International Airport. Giữa trưa trên đảo quốc Trinidad, gió phả vào người những làn hơi khô đến rạn da. Làn da tôi đã bị bỏ quên bởi phong trần gió bụi. Chuyến phiêu lưu trên xứ sở Costa Rica chỉ vài tuần qua, dấu ấn còn lưu lại trên làn da sậm màu cơn nắng rừng nhiệt đới.
Buổi hội ngộ đầu tiên của phái đoàn trên đảo quốc Trinidad. Chúng tôi gặp những nhân vật tên tuổi trong chuyên ngành Wildlife. Sandesh, tuổi trung niên với nước da đen bóng và mái tóc quăn xít đến từ Ấn Độ, mặc T-shirt có logo National Geographic. Mark đùa rằng Sandesh đang quảng bá cho một “thương hiệu” của kênh truyền hình và tạp chí nổi tiếng thế giới. Sandesh là chuyên viên quay phim của NatGeo WILD. Và Scott, đại diện của hội cầm điểu Audubon ở Cape May. Phong cách trẻ trung, xuề xòa quần short, áo chim cò lòe loẹt, tay luôn táy máy với cái ống nhòm. David photographer/bird guide đến từ New York, bộ dạng tròn trịa với cái bụng Đổng Trác. John & Susan, chuyên viên nhiếp ảnh thiên nhiên ở West Palm Beach. John kỳ cựu tuổi nghề, hàm râu trắng tuổi đời, và cặp mắt biết cười. Tôi háo hức bắt tay Susan, đến cần thiết để có một “đồng minh” của phái đẹp ta. Bà hoạt bát, vẻ phóng khoáng thân thiện.

Sandesh chuyên viên quay phim của NatGeo WILD.
Mark cho biết Authur Morris, NAG wildlife danh tiếng sẽ đáp chuyến bay cuối ngày đến quốc đảo Trinidad. Và hai nhân vật sau cùng trong phái đoàn là Andy Nguyễn và tôi. Nhiếp ảnh gia gốc Việt Andy Nguyễn là một tên tuổi trong chuyên ngành nhiếp ảnh wildlife, và anh cũng là người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng danh dự quốc tế ở lãnh vực này. Mark gọi đùa tôi là “The last Sumurai”, người có tên cuối cùng trong danh sách của phái đoàn. Chỉ đơn giản và may mắn, là “portfolio” hình ảnh nghệ thuật của tôi đã hoàn toàn “chinh phục” được ban tổ chức dù trước đó tác phẩm của tôi chưa bao giờ phổ biến đến với họ.
2. Nóng và đói. Mark háo hức giới thiệu cùng phái đoàn món ăn dân dã của xứ sở “Ti and Ti” (T&T cách gọi tắt của Trinidad & Tobago). Một quán lộ thiên chỉ vài bước cuốc bộ từ phi trường. Tôi đứng quan sát săm soi từng động tác gói bánh thoăn thoắt của người bán hàng bản xứ. Mark gọi tên món đặc sản là “Double”. Vỏ bánh tựa loại bột burrito của Mễ. Bánh ăn nóng, nóng ở nồng độ cay xé lưỡi của gia vị tương ớt đặc biệt. Và khẩu vị khá hài hòa với chút hương vị cà-ri, chế biến cùng 2 loại xoài chua và đậu hột. Tôi xuýt xoa cay. Cảm giác thỏa mãn. Tôi thưởng thức, và nhận ra giá trị của mọi khía cạnh trong cuộc tồn sinh. Vẻ đẹp đặc thù của một nền văn hóa dân tộc; dẫu chỉ ở hương vị của một món ăn dân dã. Tôi thử qua loại nước soda bản xứ, mùi nước trái cây lịm ngọt ở đầu lưỡi.
Giải quyết xong sự xung đột của mấy cái bao tử. Phái đoàn lục đục lên xe.


Quầy “Bird bar” nơi refill Rum Punch Cocktail
3. Meet A Trini!
“D Naturalist” là cách ghép chữ Dave; và Naturalist là nghề nghiệp của nhà khoa học tự nhiên Dave Ramlal. Mọi người quen gọi anh với cái nick quen thuộc này.
D-naturalist gốc Ấn. Nước da hắc ín. Vẻ chải chuốt ở mái tóc ngắn hơi bị lỡ tay với bình keo xịt tóc. Quần jeans bó, rườm rà những “trang sức” đeo quanh cổ. Dave chia sẻ với tôi rằng anh đã 23 năm trong ngành sinh thái học. Dòng họ Ramlal được biết đến qua hơn hai thế hệ tiếp chuyển. Cha của Dave là ông Rudal Ramlal, tay tổ danh tiếng của chuyên ngành khoa học tự nhiên trên đảo quốc này.
Trinidad và Tobago (viết tắt T&T) là tên chính thức của nước Cộng hoà Trinidad và Tobago, là một quốc gia nằm ở phía nam Biển Caribe, 11 km (7 dặm) ngoài khơi bờ biển Venezuela. Quốc gia này là một đảo quốc gồm hai đảo chính, Trinidad và Tobago, và 21 đảo nhỏ với tổng diện tích 5.128 km². Ước tính dân số khoảng 1.065.842 người.
Chúng tôi đang ở trên đảo quốc Trinidad. Dave giải thích từ “Trinity” tiếng Tây Ban Nha có ý nghĩa là “Hòn đảo của Thiên Chúa Ba Ngôi”. Nhiều người tin rằng tên gốc của hòn đảo trong tiếng Arawak’ là “Iere”, nghĩa là “Vùng đất của chim ruồi”. Nhà thám hiểm Christopher Columbus đã đổi tên đảo thành “La Isla de la Trinidad”.
Tôi quan sát những biển ngữ trên đường phố, ngôn ngữ thông dụng là Anh ngữ. Dave cho biết các công dân chính thức của hai đảo này đều được gọi chung là người Trini.
Sau lưng ghế của D-naturalist. Tôi căng mắt quan sát. Những tay “cao bồi” Trini đang mặc nhiên tăng tốc trên các nẻo đường đồi núi. Dân Trini lái xe số tay nhuần nhuyễn và luồn lách giỏi đến kinh ngạc. Đoạn dốc chênh vênh. Một bên là vực thẳm, bên kia là vách núi. Hai chiếc xe tựa 2 mũi tên lao vun vút ngược chiều trên vực đèo. Tôi hồi hộp, cảm giác như bàn chân mình đang đạp thắng. D-naturalist trấn an tôi bằng nụ cười sáng cả răng hàm: “Đừng lo, hãy cứ thanh thản thưởng ngoạn cảnh vật đi nhé!”

Chiếc mini van vẫn phăng phăng giữa sườn đồi. Xe lên đến độ cao 1,200 ft. Tôi thập thò cửa sổ xe, tò mò. Một rừng xanh giàn dây leo trĩu trái, là sà giữa lưng đồi. Dave giải thích rằng những giàn trái “susu” của dân địa phương trồng để thu hoạch. Tôi nhớ đến nồi canh susu hầm thịt sườn, hơi chút tò mò với khẩu vị chế biến loại rau quả này của dân bản xứ Trini. Tài xế Dave bất ngờ dừng xe, với tay ngắt một nhánh trái nhỏ vàng rực. Wild Tobacco, dân bản xứ phơi lá hút như cần sa, trái ngọt ăn được. Dave bảo đừng nên thử “phê”, nguy hiểm.
Andy hỏi Dave về giá xăng, như thể, điều thực tế cần quan tâm hàng đầu trên mọi lãnh vực. Dave chia sẻ, chút tự hào: “1$ cho một gallon xăng, chỉ có thế. Nước chúng tôi chủ yếu công nghiệp hóa với nền kinh tế dựa vào dầu mỏ và hóa dầu nên giá xăng rất rẻ”.

Andy Nguyễn đang chờ mua món bánh “Double” của bản xứ Trini
4. Lộ trình hơn 2 giờ đồng hồ từ phi trường đến trung tâm thiên nhiên. Vùng đèo dốc chiếm hơn nửa đoạn trường.
Khu Trung Tâm nằm lọt thỏm giữa vùng rừng núi hoang dã. Nhận xong chìa khóa phòng. Tôi ná thở khiêng đống hành lý leo lên từng bậc thang. Căn phòng gọn, tiện nghi vừa đủ. Một cái bàn nhỏ, lẻ loi một bình nhựa chứa nước lọc, 2 cái ly nhỏ và 2 cái giường con song song. Cửa sổ lưới, không máy lạnh, không tivi, 1 cái phone thời cổ đại. Tôi mang theo cái laptop, thử truy cập vào đường dây internet. Andy cá cược rằng có được chết liền. Giữa vùng rừng núi này thì cái telephone là phương tiện hiện đại duy nhất, đừng mơ google!
Tôi mở toang cửa sổ. Một màu xanh ngăn ngắt bên ngoài khung cửa. Âm thanh núi rừng tràn vào căn phòng nhỏ. Tiếng gió rít, tiếng chim muông, tiếng côn trùng. Cảm giác như mình đang sống thở giữa thiên nhiên. Một “Thiên đường nhiệt đới” cũng là đây.
Liếc sơ tờ “Welcome of Paradise in the rainforest”, tôi dừng kỹ hơn ở “meal service time”. Những bữa ăn nơi đây được báo bằng hồi kẻng. Bước rã gối hơn mấy chục bực thang cấp mới xuống đến phòng tiếp tân. Rồi dừng lại, ngây người ngắm những nhánh hoa rừng nhiệt đới, rực rỡ bung sắc trong chiếc bình cổ to lớn. Nghệ thuật cắm hoa của người bản xứ Trini khá cổ điển ở phong cách và tinh tế ở sự hài hòa sắc màu.
Tiếng kẻng vang. Đồng hồ đã 6 giờ chiều. Sóng sánh ly Rhum Punch Cocktail, tôi buông thả từng giác quan. Hương vị rum nồng nàn, quyến rũ. Lỡ khát nước, tôi nốc Rhum Punch tự nhiên như uống soda, liên tục ‘refill’. Andy ngó sang, nhắc chừng không phải nước ngọt à nhe, 75% nồng độ cồn đó.
Nơi tôi ngồi, tầm nhìn rộng mở trước cảnh sắc thiên nhiên rừng núi. Và gần lắm, tôi có thể quan sát những chiếc tổ của loài chim Crested Oropendola, tựa những túi mây rũ vắt vẻo trên từng nhánh đại thụ.
Chúng tôi gặp Arthur Morris ở giờ dinner. Nhiếp ảnh gia danh tiếng hơn 30 năm trong nghề với những tác phẩm “Bird of Art”. Ở ông, là một phong thái được trọng vọng, thể hiện qua sự ngạo nghễ ở góc mắt nhìn đời. Thuộc thế hệ U 70, ông vẫn rất phong trần với nhủm tóc lưa thưa búi gọn sau gáy. Arthur Morris nhận ra Andy Nguyễn từ lần gặp đầu. Ông cởi mở rằng đã ngầm “theo dõi” từng bước đi, và những thành quả nghệ thuật của Andy trong lãnh vực nhiếp ảnh. Hai thế hệ nghệ sĩ trao đổi những quan điểm nghệ thuật. Ông bày tỏ về năng lực cảm thụ nghệ thuật của giới thưởng ngoạn ngày nay. Đã phát triển theo chiều hướng đa dạng. Và người nghệ sĩ, cần có sự chuyển biến trong sáng tạo.
Nhóm chuyên viên chúng tôi sẽ làm việc dưới hướng dẫn của Ban Tổ Chức và các nhà khoa học tự nhiên địa phương. Chủ trương của Cơ Quan Bảo Tồn Thiên Nhiên nhằm giới thiệu hình ảnh về hệ sinh thái đặc thù của xứ sở Nam Mỹ này, và hoạch định tổ chức các lớp chuyên đề (Wildlife Photography Workshop) cho những tay NAG động vật hoang dã chuyên nghiệp khắp toàn cầu.
Tôi đọc qua tờ Lịch Trình Công Tác “không khe hở” của những ngày kế tiếp. Chút ngao ngán.
Bữa cơm tối khẩu vị rất Trini. Món cơm bí, đậu hột, gà nướng ướp cà-ri. Salad là món bắp cải thái nhỏ trộn với cà chua ăn cùng một loại nước sauce đặc biệt. Tôi ăn thử món tương ớt đặc sản. Dư vị cay như mê muội khứu giác. Ngon tuyệt.
D-naturalist thông báo lịch trình làm việc. Phái đoàn sẽ “thám hiểm” thế giới về đêm của các loài vật, và loài cú Spectacled Owl đặc thù của vùng rừng này. Chúng tôi trở về phòng chuẩn bị cho cuộc hành trình xuyên đêm giữa rừng. Và nghĩ tới sẽ có rất nhiều điều lý thú để ghi lại những ngày ở một đất nước xa lạ này.
Hẹn nhé.
Tôi bước lên mấy bực thang cấp. Chòng chành cảm giác. Chợt hoang mang về mấy ly rhum punch “chất lượng”.
“Hummm, không lẽ mình ‘xỉn’ sao ta!”
ĐMH
hanhphoto@yahoo.com