Menu Close

Tháng Mười giữa đêm về sáng

Tháng Mười giữa đêm về sáng, tôi  nhớ câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trích từ Kinh Kim Cang. Nhờ nghe câu kinh này, Ngài Huệ Năng hoát nhiên ngộ đạo, sau này làm bài kệ vi diệu:“Bồ đề bổn vô thọ. Minh cảnh diệc phi đài. Bổn lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai.” Ngài đã được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát trở thành Lục Tổ, vị tổ sư đời thứ sáu của phái Thiền Tông. Tôi lại nhớ cuộc đàm luận giữa Ðức Phật và Tôn Giả Tu Bồ Ðề, được kết thúc bằng bài kệ “Nhất thiết hữu vi pháp. Như mộng huyễn bào ảnh. Như lộ diệc như điện. Ưng tác như thị quán.” Có nghĩa là tất cả các pháp hữu vi, tức là pháp có sinh có diệt đều như huyễn mộng, như bọt nước, như hạt sương mong manh, hoặc như tia điện chớp, không có gì thật sự vững chắc. Khoa học lượng tử tương quan [RQM: Relational Quantum Mechanics] người hay vật tồn tại, ngày nay cũng kết luận: Ðã đến lúc cõi người ta phải xem xét lại hình ảnh của thế giới bên ngoài. Bởi vì thực tế khách quan không phải là một thực tế tuyệt đối, cũng không phải là một thực tế độc lập, mà chỉ là một thực tế tương quan. Ðiều này có ý nghĩa cụ thể như thế nào? Có nghĩa là sự vật không có thật, nhưng chúng ta vẫn thấy có sự vật. Bởi vì cái mà chúng ta thấy là sự tương tác giữa các giác quan của chúng ta, nhà Phật gọi là lục căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ… Sáu giác quan này tương quan với các cấu trúc ảo của vật chất. Cấu trúc ảo đó là gì? Ðó là từ những hạt ảo quarkelectron, tạo thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử, nguyên tử, phân tử và cuối cùng là thế giới, sinh vật, con người. Vật tuy không thật sự hiện hữu, nhưng những hạt ảo làm thành cấu trúc ảo, giúp con người nhận ra mối tương quan giữa chúng.

thang-muoi-giua-dem-ve-sang

Tôi không có ý bàn luận về Phật Pháp; đây chỉ là những suy nghĩ bất ngờ dấy lên từ đáy sâu nội ngã, khi tôi nhìn thấy giọt sương từ trên mặt lá đang rơi. Tự tánh uyên nguyên trong tâm hồn mặc nhiên nhớ đến sự ảo hóa, chuyển động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Tôi từng nhìn thấy giữa khung trời, một ngôi sao bé xíu vô cùng sáng cứ nhấp nha nhấp nháy. Tôi đã cố đếm xem ngôi sao có năm cánh hay sáu cánh. Giữa lúc tôi chăm chú đếm, lại có những ngôi sao khác xuất hiện, sáng chói bao quanh ngôi sao bé xíu nói trên. Ôi! Một ngôi sao sáng! Hai ngôi sáng sao! Chúng xuất hiện nhanh chóng thật lạ lùng, càng đếm càng nhiều, đến nỗi không thể nào đếm được. Khung trời ban đầu chỉ có một ngôi sao bé xíu, bỗng dưng có hàng muôn ngàn vì sao vỡ lở, óng ánh, rực rỡ, như vàng như bạc. Tôi biết những đêm không mưa, trời luôn có những ngôi sao, nhưng không hề để ý xem chúng xuất hiện như thế nào. Khi chú mục nhìn ngắm thì đành chịu, chẳng thể nào biết những ngôi sao từ đâu đến. Cũng không thể biết chúng có chung nguồn cội, là anh chị em ruột, hay là thân thích cùng một giòng họ có từ muôn thuở.

Trời đêm không hoang vu khi ngàn sao xuất hiện. Tôi nhìn thấy những ngôi sao có hình thần nông, vịt trời, anh mục đồng, chàng kiếm sĩ… Có ngôi sao đong đưa vật gì trên vai, như đang gánh nước. Có ngôi sao thanh an cầm đèn lồng chạy nhảy tung tăng. Những ngôi sao dường như cười khúc khích, lém lỉnh nháy mắt với tôi. Rồi thì mặt trăng xuất hiện. Ban đầu là màu đỏ hồng, rồi màu vàng, chưa kịp nhìn rõ màu xanh tím ở giữa màu vàng, mặt trăng đã biến sang màu trắng, trắng lắm, trắng mịn màng. Bầu trời đêm được bao phủ, bằng một gam màu sữa thật nhẹ nhàng. Tôi không hiểu tại sao khi trăng xuất hiện, ngàn sao bắt đầu biến mất. Những ngôi sao còn lại cũng mờ nhạt. Ban nãy từng ngôi sao sáng ngời, óng mượt, lấp lánh như vàng như bạc; bây giờ chỉ là tia sáng yếu ớt mong manh. Sau này tôi được biết, trong số khoảng 5,000 ngôi sao sáng hơn cấp sáu, chỉ có một vài ngôi sao rất mờ là xấp xỉ kích thước và độ sáng với mặt trời. Những ngôi sao còn lại đều to hơn và sáng hơn. Trong số khoảng 500 ngôi sao sáng ở cấp bốn, mà người ta có thể nhìn thấy trên khung trời đô thị, tất cả đều to hơn và sáng hơn mặt trời nhiều lần. Trong số 50 ngôi sao sáng nhất mà mắt người trên trái đất có thể nhìn thấy, ngôi sao ít sáng nhất có tên gọi là Alpha Centauri. Cho dẫu bị đánh giá là mờ nhạt, ngôi sao Alpha Centauri  vẫn sáng gấp 1.5 lần mặt trời, và không thể dễ dàng nhìn thấy ở Bắc Bán Cầu.
Bất chấp những gì từng được diễn tả trong văn chương, thi ca, âm nhạc,  chúng ta không thể nào nhìn thấy một triệu vì sao trên bầu trời, cho dẫu chúng ta đang đứng ở đâu đó trên địa cầu. Lý do thật đơn giản: Không đủ gần và không đủ sáng. Vào một đêm thật sự tối đen, không ánh trăng và không có điện, một người với thị lực rất tốt chỉ có thể nhìn thấy khoảng từ 2,000 đến 2,500 vì sao. Ðếm hết con số này cũng đã là một việc làm rất khó! Sau này nghe ai đó khẳng định họ đã nhìn thấy một triệu vì sao trên trời, tôi cho rằng đây chỉ là lời nói ẩn dụ đầy thi vị. Tôi từng cho rằng các ngôi sao trông có vẻ nhấp nháy, lấp lánh, đặc biệt khi chúng ở gần đường chân trời. Ngôi sao Sirius nhấp nháy, tóe lửa, vụt sáng vụt tối quá nhiều lần, nên có khi người ta lầm ngôi sao này là UFO. Nhưng thật ra, nhấp nháy không phải đặc tính của các ngôi sao, mà do bầu khí quyển nhiễu loạn của trái đất. Khi ánh sáng từ một ngôi sao đi xuyên qua khí quyển, nhất là khi ngôi sao xuất hiện ở gần chân trời, nó phải đi qua nhiều lớp không khí thường có mật độ khác nhau. Từ đó xảy ra kết quả hiệu ứng lệch phương ánh sáng, giống như một viên đạn trong máy chơi bắn đạn. Ánh sáng đó cuối cùng đi tới mắt của chúng ta. Mỗi lần lệch phương hướng, ngôi sao thay đổi màu sắc và cường độ một chút. Ðiều này khiến người ta nhìn thấy ngôi sao nhấp nháy. Nếu nhìn từ phía trên bầu khí quyển của trái đất, những ngôi sao thường hằng đứng yên.

Rất nhiều khi khoa học phải mỉm cười độ lượng, trước vẻ đẹp thanh thoát có từ thi ca-văn chương-âm nhạc của giải ngân hà, của đường trăng sao nguyệt bạch sáng ngời bay. Khi  huyền thoại về Thần Sấm, về những vị thần như Aphrodite, Apollo, Ares, Artemis, Athena, Hephaestus, Zeus, Eros, và hình ảnh của những siêu nhân vẫn còn được đưa lên màn ảnh đại vĩ tuyến, thì cõi người ta vẫn mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. Sự mơ mộng không có gì đáng ngại, bởi vì trí tưởng tượng là cây đũa thần biến những điều không tưởng trở nên hiện thực, chắp cánh cho những ước mơ biến thành sự thật. Những người mơ mộng luôn luôn là những người có trí sáng tạo phi thường. Giữa đêm về sáng vạn vật thinh lặng chuyển động trong thể tĩnh, thật giống một bãi biển đầy cát sỏi. Nhưng khi chăm chú nhìn lại không thấy, như ảo như thực. Trong làn khói  sương mờ, bãi cát đầy sỏi lấp lánh có những đốm hừng hực như lửa đỏ, lại có những đốm nhỏ lấp lánh như vỏ ngọc trai bảy sắc cầu vồng, có hình dạng giống ngôi sao, phát ra ánh sáng chập chờn khi ẩn khi hiện. Những viên sỏi trông bình thường, hoặc tròn hoặc dẹp ở hai đầu, hoặc có hình tam giác, từng góc cạnh nhẵn bóng, đường vân trên mặt mờ mờ, đặt trên tay không thấy màu sắc, đưa lên gần sát mắt vẫn chỉ là một màn mờ đục, không phát sáng. Tại sao ở giữa bãi cát viên sỏi lấp lánh, nhưng khi nhặt lên lại chỉ là hòn đá bình thường. Thật không thể hiểu. Tôi lại nhớ câu chuyện cổ: Cây quít ở trồng ở Hoài Nam thì ngọt, đem trồng ở Hoài Bắc lại chua, do phong thổ địa phương khác nhau. Những viên sỏi có thể là từng mảnh vụn của một tảng đá, từ đỉnh núi cao rơi xuống. Trải qua một cuộc bể dâu, bị giông tố bão táp dập vùi, bào mòn, mài nhẵn, từng mảnh đá mới có hình dạng nhỏ bé nằm yên trên bãi cát là viên sỏi bây giờ. Biển mênh mông, sóng bạc đầu, mưa xuống nắng lên. Thời tiết ấy, giòng nước ấy, khí chất ấy đã giúp từng viên sỏi thể hiện bản sắc đặc biệt. Cầm trên tay, thiếu khí thiêng của đất trời, hòn sỏi không thể nào thắp sáng màu sắc thiên nhiên vốn có.
Phải chăng khi ở giữa bãi cát cưu mang hồn sóng nước, thần khí uy linh thiêng của trời đất mới có thể chạm đến linh hồn của đá, giúp viên sỏi lấp lánh bừng sáng. Cũng giống như cá ở trong nước, sẽ tung tăng bơi đi bơi lại. Bị bắt hay bị dạt vào bờ, cá nằm bất động, cái vây hết uốn lượn, cái đuôi hết vẫy vùng. Chim bay giữa tầng mây có hình có tiếng hót, lên cao xuống thấp, thoải mái, tự do. Chẳng may sa xuống nước, chim có cánh không thể bay, có móng chẳng thể bám víu. Trên cõi đời này, chỉ ở trong bản năng tự nhiên sinh tồn, mới nhìn thấy sức sống, mới nhìn thấy bản sắc, mới nhìn thấy sinh mạng của một vật đang tồn tại. Con người thường thích thay đổi, xem thường quy luật tự nhiên, muốn lấy ý riêng gán vào những vật thể đang hiện hữu. Kết quả chỉ là ngược lại. Như hòn sỏi lấp lánh khi nằm bình dị giữa bãi cát, lại trần trụi thô thiển khi được trân trọng đặt trên bàn tay của con người. Ðá sỏi vốn lạnh lùng mà còn có thuộc tính riêng, huống là con người. Trong thế giới bao la này nhân loại là số một, trăm người trăm khuôn mặt trăm tánh khí, không rập khuôn, không một kiểu. Nếu mỗi người được thể hiện tài năng, được phát huy sở trường trong điều kiện thích hợp, nhất định họ sẽ có những sáng tạo phi thường, đem lại kết quả hoàn hảo cho toàn thế giới.

Tháng Mười, giữa đêm về sáng tôi nhìn lên bầu trời đầy sao, cảm nhận mỗi người là một ngôi sao lấp lánh, nhưng hoàn toàn khác biệt.

HV – 3:15am Thứ Bảy ngày 01 tháng 10 năm 2016