Menu Close

Bài học Dân Chủ từ Thái Lan

Lễ mừng 70 năm trị vì của Quốc Vương Thái Lan - nguồn salon.com
Lễ mừng 70 năm trị vì của Quốc Vương Thái Lan – nguồn salon.com

Trước những hung tin về sức khoẻ của vua Bhumibol Adulyadej, chỉ số ở thị trường tài chánh Thái Lan sụt giảm 6.1% trước khi lên lại 4.4% vào hôm Thứ Sáu 14/10. Từ những chao đảo ở thị trường tài chánh Thái Lan trong suốt tuần qua và có lẽ sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng tới, phần nào người ta có thể đoán trước tình hình bất ổn trong tương lai của vương quốc này.

Từ mấy tháng qua, nhiều tin tức lọt ra ngoài cho biết tình hình sức khoẻ của vua Bhumibol của Thái Lan ngày càng suy sụp và hôm Thứ Năm tuần qua, chính phủ quân đội Thái Lan chính thức thông báo cùng toàn dân Thái một tin buồn rằng vua Bhumibol đã băng hà tại một bệnh viện ở thủ đô Bangkok sau nhiều năm suy yếu, hưởng thọ 88 tuổi.

Vua  Bhumibol Adulyadej trị vì đất nước Thái Lan trong suốt 70 năm và được xem là vị vua ngồi trên ngai vàng lâu nhất trên thế giới từ trước tới nay. Trong suốt thời gian dài trên ngôi, vua Bhumibol giữ vai trò như là biểu tượng về sự đoàn kết và ổn định của đất nước Thái. Sự ra đi của ông để lại một lỗ hổng to lớn trong tình hình chính trị tại Thái và rất có thể sẽ đưa tới những bất ổn trong tương lai của đất nước sau khi không còn vị vua có nhiều uy tín và được người dân Thái yêu mến, tôn sùng như một vị thần khi còn sống.

03

Sanh năm 1927 và đăng quang năm 1946 lúc mới 18 tuổi, và trong suốt thời gian 70 năm ngự trị ngai vàng, vua Bhumibol luôn ở trong vị thế cạnh tranh quyết liệt với các chính phủ dân sự để giành ảnh hưởng về quyền lực chính trị cũng như lòng trung thành của người dân Thái. Vua Bhumibol được xem như một nhân vật bất khả xâm phạm, và được bảo vệ bởi một đạo luật cấm khi quân rất nghiêm khắc giải thích rất rõ là với những ai đưa ra những lời xúc phạm đối với nhà vua sẽ bị phạt án tù có thể kéo dài tới 15 năm. Mặc dù mang hình ảnh như một vị thần linh, vua Bhumibol vẫn gây được lòng tin và được xem như vị vua sống gần với người dân. Những dự án phát triển của ông được đưa ra thực hiện đều nhắm tới mục đích cải thiện đời sống của người dân Thái.

Sau khi thông báo sự ra đi của vua Bhumibol trên hệ thống truyền hình toàn quốc, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha cũng đã xác nhận Thái tử Maha Vajiralongkorn sẽ nối ngôi với tước vị Hoàng đế Rama đệ thập. Lời tuyên bố trên gây nên nhiều phản ứng lo âu từ dân chúng vì nhiều người lo sợ Vajiralongkorn có thể sẽ không có khả năng mang lại sự ổn định tương đối như cha ông đã làm trong suốt nhiều thập niên qua.

05

Thái tử Vajiralongkorn sẽ phải đương đầu với những thử thách đầy khó khăn nếu như ông muốn đi theo bước chân của vua cha nhưng lại không có đủ tài năng và đức độ. Chắc chắn là Vajiralongkorn sẽ không được hưởng sự yêu mến và kính phục mà người dân Thái đã dành cho cha ông. Ông không có được phẩm hạnh, uy quyền và sự quyến rũ như vua Bhumibol; người dân chỉ chú ý tới Bhumibol và có thể nói hình ảnh của Vajiralongkorn rất lu mờ trong đời sống của người dân Thái. Hơn nữa, trong quá khứ, Vajiralongkorn đã tỏ ra không mấy nhiệt tình trong sự hợp tác với các định chế dân chủ hoặc là lên tiếng ủng hộ dân chủ. Ông có một đời sống hưởng thụ xa hoa, và không một ai dám hó hé dòm vào những thứ chi tiêu phung phí của ông bằng tiền của người dân đóng thuế. Ông cũng được biết tiếng là đối xử rất tàn nhẫn với kẻ thù. Một trong những người từng được xem là thân cận với Vajiralongkorn, một thầy bói nổi tiếng tên Suriyan “Moh Yong” Sucharitpolwongse, đã bị chết một cách mờ ám trong khi bị cầm tù. Suriyan bị cáo buộc là đã lợi dụng danh nghĩa của thái tử để làm lợi cho cá nhân.

Thêm một chuyện nữa, bị xem gần như một điều cấm kỵ đối với người dân Thái nổi tiếng sùng đạo Phật, là sự thất bại của Vajiralongkorn trong hôn nhân với ba lần ly dị. Gần đây nhất là bà vợ thứ ba Srirasmi, trong một đoạn video lọt ra ngoài gây nên nhiều tai tiếng. Trong đoạn video cho thấy hình ảnh của Srirasmi, hầu như không mặc một mảnh vải trên người, đang ăn bánh trên nền đất cùng Vajiralongkorn trong bữa tiệc sinh nhật dành cho con chó cưng của thái tử. Sau đó hai người ly dị, Srirasmi bị tước mất ngôi vị công chúa và thân nhân trong gia đình của bà này bị bỏ tù vì đã xúc phạm đến hoàng gia sau những cáo buộc tham nhũng, hối lộ.

Với một vị thái tử yếu kém nay mai sẽ trở thành tân vương của đất nước Thái Lan, có nhiều khả năng phía quân đội có thể trở thành nhóm tất yếu nắm trọn quyền hành trong nền chính trị tương lai của Thái.

Trong thời gian trị vì, vua Bhumibol đã tạo được một sự liên minh với quân đội, thành lập một “mạng lưới quân chủ” đặt định chế hoàng gia vào vị trí cao nhất của cơ chế chính trị Thái Lan. Phía hoàng gia và phía quân đội đã cùng nhau dựng lên một hệ thống chính trị nơi mà các chính phủ do dân bầu bị giữ ở thế yếu và dễ bị lật đổ. Nếu như nhà lãnh đạo dân cử nào tỏ ra thách thức quyền hạn của quân đội và hoàng gia thì liền bị lật đổ bởi những cuộc đảo chánh từ phía quân đội. Ðiển hình gần đây nhất là hai cuộc đảo chánh năm 2006 và 2014 để lật đổ anh em nhà Shinawatra.

Nhưng với tình hình bất định xoay quanh nhân vật Vajiralongkorn và khả năng của ông này có thể mang lại sự bảo đảm an ninh cho những phe nhóm nằm trong “mạng lưới quân chủ” có thể lại khiến phía quân đội can thiệp vào chính trị như vụ đảo chánh năm 2014 là một bằng chứng.

Sự liên minh giữa Vajiralongkorn với quân đội có thể có lý trong thời gian chuyển tiếp ngôi vua và sẽ không gặp vấn đề, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, sự liên minh mới giữa Vajiralongkorn và quân đội nếu như kéo dài có thể tác động nghiêm trọng đến nền dân chủ tại Thái Lan.

Dấu hiệu mới nhất về sự liên minh này có thể đã hình thành vì trong khi thông báo cùng quốc dân về sự ra đi của vua Bhumibol, Thủ tướng Chan-o-cha tuyên bố toàn quốc sẽ để tang trong suốt một năm tới, đồng thời cũng cho biết Thái tử Vajiralongkorn yêu cầu trì hoãn việc lên ngôi vì ông còn đang bận việc tang ma. Cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan trước đây được ấn định sẽ diễn ra trong năm 2017, và với tình hình hiện nay, có thể sẽ bị dời lại cho đến năm 2018.

Một đám đông tập hợp trên một đường phố trung tâm Bangkok phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan năm 2014  - nguồn BBC.com
Một đám đông tập hợp trên một đường phố trung tâm Bangkok phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan năm 2014
– nguồn BBC.com

Nhưng cho dù có trì hoãn bầu cử hay không, lòng dân mới là quan trọng. Nếu nhìn lại những cuộc bầu cử, rồi đảo chánh, rồi lại bầu cử thì ta thấy đại đa số dân chúng Thái Lan ủng hộ dân chủ cùng một chính phủ dân sự.

Ví dụ cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 đã đưa đến chiến thắng bất ngờ cho nhóm chính trị Thái Lan bị truất quyền bởi cuộc đảo chánh do quân đội chỉ 15 tháng trước đó. Cuộc đảo chánh này lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra vừa mới cầm quyền được năm năm trong khi ông này đang công du ở nước ngoài.

Mặc dù cuộc đảo chánh được sự ủng hộ của giới thượng lưu, nhưng do những áp lực từ thị trường quốc tế buộc phía quân đội phải tổ chức một cuộc bầu cử mới sớm hơn dự định. Hơn 70% người dân Thái đã đi bầu.

Sau cuộc đảo chánh năm 2006, phía quân đội đã giải tán đảng Thai Rak Thai (Người Thái Yêu Người Thái) của ông Thaksin và tìm đủ cách làm yếu đi những đảng phái không thân với quân đội. Mặc dù gặp nhiều trở ngại, những người ủng hộ Thaksin đã tái hợp và lập ra đảng People Power Party (PPP – Ðảng Sức mạnh Người dân) và thắng 233 ghế trong tổng số 480 ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2007 – tuy không đạt đủ đa số nhưng sau khi kết hợp với một số đảng nhỏ đã lên nắm quyền.

Biểu tình chống chính phủ tụ tập bên ngoài Grand Palace vào năm 2014.  nguồn Reuters: Damir Sagolj
Biểu tình chống chính phủ tụ tập bên ngoài Grand Palace vào năm 2014.
nguồn Reuters: Damir Sagolj

Quân đội lại tìm cách truất phế quyền thủ tướng của PPP qua việc sử dụng Toà án Hiến pháp và đưa người của đảng khác lên thay thế. Nhưng đến cuộc tổng tuyển cử năm 2011, người dân Thái lại đưa người của đảng Pheu Thai (Vì dân Thái – hậu thân của PPP) trở lại nắm quyền. Năm 2014, Thủ tướng Yingluck Shinawatra của đảng Pheu Thai lại bị truất quyền bởi Toà án Hiến pháp.

Bài học dân chủ từ Thái Lan là trong những khoảng thời gian cầm quyền, quân đội đã tỏ ra yếu kém trong việc điều hành kinh tế quốc gia sao cho bắt kịp với thị trường toàn cầu. Ðại đa số người dân nghèo vùng nông thôn đã tìm được tiếng nói chính trị của họ. Và cử tri Thái đã cho thấy họ muốn giải quyết những chia rẽ sâu đậm trong cả hai lãnh vực chính trị vùng miền và giai cấp trong xã hội bằng việc bầu phiếu và tranh luận chứ không bằng súng đạn và xe tăng.

Theo Wikipedia: Cho tới năm 2014, nền chính trị tại Thái Lan theo chính thể quân chủ lập hiến, với thủ tướng là người cầm đầu chính phủ và vua là người đứng đầu quốc gia. Ngành tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp.

Kể từ cuộc đảo chánh ngày 22 Tháng 5 năm 2014, bản hiến pháp năm 2007 bị xoá bỏ và đất nước Thái Lan được đặt dưới quyền cai trị của một tổ chức quân đội được gọi là Hội đồng Quốc gia vì Hoà bình và Trật tự (NCPO), giữ quyền kiểm soát tất cả hệ thống chính phủ trên toàn quốc.

VH