Menu Close

Kỷ niệm một năm ngày Nhà văn Mặc Đỗ ra đi

Mặc Ðỗ tên thật là Ðỗ Quang Bình – sinh năm 1917 tại Hà Nội từ trần ngày Chủ Nhật 20 tháng 9 năm 2015 tại Austin, tiểu bang Texas – Hoa Kỳ. Như vậy là ông sống gần 100 tuổi. Vừa qua là kỷ niệm một năm ngày ông qua đời.

Ông là nhà văn/nhà dịch thuật quan trọng của Miền Nam. Người phụ trách trang này từ lâu đã có lòng kính phục ông. Tài liệu cho biết: Bút hiệu Mặc Ðỗ (người họ Ðỗ trầm lặng) do thân phụ đặt cho. Di cư vào Nam năm 1954.  Ông cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Ðiểm, chuyên xuất bản sách của những người trong nhóm. Mặc Ðỗ cùng với Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Ðình Chí, Ðinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lê Ðức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Năm 1975 ông tỵ nạn ở Hoa Kỳ ở tuổi 58. Thời gian cuối đời, Mặc Ðỗ sống lặng lẽ với việc đọc Kinh Phật.

Từ phải: Mặc Đỗ, Bs Trần Văn Tính, Hoàng Ngọc Ẩn, Võ Phiến, Trần Ngọc Bích, Huy Lực, ngày 10.04.1980 tại Houston, Texas. Lấy theo bài viết của Ngô Thế Vinh
Từ phải: Mặc Đỗ, Bs Trần Văn Tính, Hoàng Ngọc Ẩn, Võ Phiến, Trần Ngọc Bích, Huy Lực, ngày 10.04.1980 tại Houston, Texas. Lấy theo bài viết của Ngô Thế Vinh

Tác phẩm của Mặc Đỗ

Sáng tác

Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Ðảo San Hô (2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Ðỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Ðiểm.

Dịch thuật

Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Ðiểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Ðiểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Ðơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Ðình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh MÔN / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Ðất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Ðất Sống 1973); Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Ðất Sống 1973).

Tác phẩm dịch thuật của Mặc Ðỗ là một đóng góp quan trọng cho văn học Miền Nam. Theo Trần Chí Phúc, khi sang Mỹ tỵ nạn Cộng Sản, nhà văn Mặc Ðỗ gọi cuộc tỵ nạn đó là “Tỵ Tần” có nghĩa là tránh nạn nhà Tần – so sánh Cộng Sản với triều đại tàn ác bên Tàu thuở xưa. Ông gọi “hải ngoại” là “biển ngoài”; và nhận định về văn chương báo chí hải ngoại như sau: “Vui thấy bạn còn nhớ cho báo đều, đọc báo thì chẳng mấy vui. Rất hiếm đọc những bài viết cho thấy cái công phu của người trau chuốt nghệ thuật. Luôn luôn nổi rõ sự vội vàng sản xuất và vội vàng chấp nhận… Sự đời ở biển ngoài đã biết rồi, thưởng thức hiếm có dịp, thành ra chẳng thấy vui.”

Ông vẫn thao thức viết được một tác phẩm lớn cho xứng tầm của hoàn cảnh đất nước Việt Nam chiến tranh trong nhiều năm và hoàn cảnh lang thang của mấy triệu người Việt Nam ở hải ngoại sau 1975, nhưng ông bất lực: “Tôi đã không thể viết. Tôi mong cho tôi, cũng mong, cũng mong cho đông đảo độc giả Việt Nam vì  hiện chưa có một tác phẩm nào ghi lại liên tục giai đoạn lịch sử độc đáo vừa bi hùng vừa đáng cười ra nước mắt. Kho tàng đó đang chờ những người Việt Nam dám lãnh vinh dự và trách nhiệm là nhà văn.”

Trong truyện ngắn Thầy Giáo, nhà văn Mặc Ðỗ đã bày tỏ tấm lòng yêu lá cờ vàng ba sọc đỏ Việt Nam Cộng Hòa của một thầy giáo tên Khuê (cũng là tâm trạng của tác giả ) dạy học trường làng vùng quê xôi đậu đầy rẫy Việt Cộng:  “Khuê nhìn thấy ở ngọn cờ một mối liên lạc mạnh mẽ với bao nhiêu những thầy giáo khác cùng hoạt động trong một hoàn cảnh tương tự. Khuê không thể là một cá nhân đơn độc, Khuê muốn mãi mãi là một bộ phận tích cực ở trong đoàn thể những bạn cùng nghề, cùng lo một công việc chăn dắt những trẻ em nghịch ngợm nhưng rất đáng yêu. Khuê sinh trưởng ở ấp Tân Thới này, nhưng ở nhiệm vụ hiện thời của Khuê, Khuê sẽ cảm thấy lạc lõng hết sức nếu không có ngọn cờ đó. Cho nên Khuê quyết phải giữ ngọn cờ, nó hình dung trước mắt Khuê mối liên lạc mật thiết giữa Khuê với đoàn thể to tát những bạn cùng nghề.” (Truyện Ngắn Mặc Đỗ trang 150).

Mặc Đỗ - tranh Tạ Tỵ
Mặc Đỗ – tranh Tạ Tỵ

Nhận định về nền văn học Miền Nam từ năm 1954 đến 1975, Mặc Ðỗ trả lời trong một cuộc phỏng vấn với bằng hữu rằng: “Ðiểm đáng nêu ra là: từ 1954 đến 1975 người ở ngoài nhìn bằng con mắt khách quan phải nhìn nhận rằng những người Việt Nam từ Bến Hải tới mũi Cà Mau có tự do (không có thứ tự do nào tuyệt đối cả) và những người làm văn học nghệ thuật cũng như mọi sản phẩm của họ đều có màu sắc, tư cách, tự do”.

Nhà văn Mặc Ðỗ sống ẩn dật trong tuổi già, tìm bình an trong Ðạo Phật. Ông có bài thơ Khai Bút năm 2003: “Những khớp xương nghe đời phôi pha. Nhưng như xưa tấm lòng vẫn ấm. Tiễn đưa chào đón chén trà đậm. Cuộc tình trời đất dài thăm thẳm. Hai bàn tay khép mời nguyện ngắm. Theo nén nhang sợi khói bay cao. Những mối yêu nguyên vẹn thuở nào. Một mình bầu bạn không trăng sao. Tư bề không tiếng sóng dạt dào. Thời gian ngồi lại không chờ đợi. Buồn vui không cũ cũng không mới.” (Mặc Đỗ – Giao Thừa 2002-2003). (theo Trần Chí Phúc)

Ðể tưởng niệm nhà văn Mặc Ðỗ xin ghi lại theo Ngô Thế Vinh bài thơ Haiku cuối cùng ông sáng tác lúc 4 giờ 30 sáng ngày 19 tháng 9 năm 2015 và đọc cho con cháu ghi trước khi qua đời.

Nhớ sống muốn tìm thơ

Khi nào thơ đến bắt đầu sống

Sống cuộc đời như xưa.

Mặc Đỗ

NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp