Menu Close

Thí dụ hay là rơi lệ ru người

Thí Dụ” hay là “Rơi Lệ Ru Người” – ca khúc thuở xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho Khánh Ly, khi ông nghe tin đồn cô gặp nạn trên Biển Ðông. Giai điệu tha thiết, bồng bềnh bay lượn trên năm hàng kẻ, là lời tự tâm như của người vốn nòi tình thương người đồng điệu. “Thí dụ bây giờ em phải đi. Em phải đi đôi tay em dù ưu ái đời. Em phải đi đôi môi ngon dù chưa chín tới. Quanh em trăm năm khép lại có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu ngồi. Quên đời xóa hết cuộc vui. Nếu thật bây giờ em bỏ đi. Em bỏ đi sau lưng em còn con phố dài. Những hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói. Quanh đây hoang vu tiếng cười. Có ngày xưa em theo tôi cùng ra quán ngồi. Bên đường xe ngựa ngược xuôi.” Trong vùng trí tưởng, phải chăng Trịnh Công Sơn nhớ lại tháng năm an vui bên cạnh Khánh Ly, ở thế giới riêng của họ. Thế giới riêng này có thể là góc phố Ða Lạt, nơi có quán cà phê nhỏ nhìn ra lưng đồi thấy xe ngựa ngược xuôi. Ngồi trong góc phố ngày xưa, nghĩ về người rất thân quen có thể đã đi xa mãi mãi, cảm giác đầy hoài niệm này thật trống vắng, thật đơn độc. Phải chăng người lên đường vượt trùng dương mênh mông, bất ngờ sớm mai tâm thức tiền thân dậy đã tới bờ bên kia, cũng có cảm giác đầy hoài niệm thật trống vắng, thật đơn độc như vậy. Bởi vì họ không hề biết đã thực hiện chuyến đi sau cuối của cuộc đời. Nỗi xao xuyến, quằn quại bắt đầu xuất hiện, chỉ có câu hỏi không có câu trả lời. Khi cảnh vật thay đổi, khi tất cả mọi điều thân quen đều đã về xưa, dấu hỏi đỏ rực như ánh lửa dưới bầu trời đen tối, hóa hiện kim chỉ nam cho những ai đang chơi vơi trong cuộc vượt biển đi qua bến bờ vô cùng xa lạ. Giữa thinh không trong thinh không, chừng như có lời đồng vọng: Dải đất mới nằm trong lòng người. Bổn phận của tôi hay của ai đó chính là lên đường đi đến hố thẳm một cách im lặng, một cách rộng lượng, và không hy vọng.

“Thí dụ bây giờ tôi phải ra đi. Tôi phải đi tay chia ly cùng đời sống này. Có nhiều hôm đưa chân tôi về biên giới mới. Nghe ra quanh tôi đêm dài có còn ai trong yên vui còn yêu dấu ngồi. Rơi lệ ru người từ đây… Nếu thật hôm nào tôi phải đi. Tôi phải đi ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng. Với bình minh hay đêm khuya và từng trưa nắng. Bao nhiêu sen xanh sen hồng. Với giòng sông hay anh em và những phố phường. Chắc lòng rất khó bình an.”

“Thí Dụ” là ca khúc Trịnh Công Sơn viết cho Khánh Ly, nhưng lại là lời tiên đoán ứng nghiệm vào cuộc đời của chính ông. Ông đã ra đi, đã chia ly cùng đời sống này, để lại tiếng hát Khánh Ly nghẹn ngào “Rơi Lệ Ru Người.” Ông kết thúc cuộc hành trình, bắt đầu bước vào dải đất mới, trong lúc giai điệu của bài ca vẫn ngân vang trên dương thế:“Có còn có còn em im lìm trong chiều hôm. Nước mắt rơi cho tình nhân. Nếu còn nếu còn em xin được xin nằm yên đất đá hân hoan một miền.”

Chắc hẳn Trịnh Công Sơn biết cả đời người là một con đường có nhiều bậc dốc thẳng đứng, đòi hỏi mỗi một cá nhân phải mang hết toàn bộ sức lực ra để đi. Con đường ấy từng đưa ông đi qua những truông dài thăng trầm vinh nhục, và cũng đã đưa ông đến nơi đầy ánh sáng thăng hoa thật hoàn mỹ lưu lại thanh danh. Suốt thời gian ở trên dương thế trong những năm cuối thế kỷ hai mươi, Trịnh Công Sơn đã chứng kiến rất nhiều biến động của quê hương, của sông núi. Ông chăm chú theo dõi, ân cần tham dự vào cuộc thay đổi này bằng âm nhạc. Càng sống lâu dài trong âm nhạc, ông càng cảm nhận nỗi thống khổ vô biên, khi đường tơ lỡ phím tơ chùng. Ðiều không may [hay may nhất] của ông, đó là những vấn nạn và buồn thương của ông bị một số người nhìn mà không thấy và hiểu sai, thậm chí họ còn hoảng sợ mỗi khi lỡ lời nhắc đến tên ông. Khi tác giả bị đặt trước nhiều “vấn nạn,” thật rất khó xử. Chẳng khác nào bạn hay tôi đang nói chuyện giữa đám đông, bỗng nhiên bị một bàn tay bịt chặt miệng. Chúng ta thành người câm, ngậm bồ hòn nhưng không được kêu đắng. Trong suốt cuộc lữ hành trên cõi thế, Trịnh Công Sơn có thể tiếp tục sáng tác, có thể tiếp tục ca hát, tôi cho rằng là nhờ hàng triệu triệu thính giả yêu mến, chống đỡ cho ông. Một nhạc sĩ còn có gì vui sướng hơn, khi được thính giả năm châu bốn biển, nói những thứ tiếng khác nhau, nhưng nhận biết và yêu thích giai điệu của ông.

thi-du-hay-la-roi-le-ru-nguoi
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Trịnh Vĩnh Trinh – nguồn http://nguoinoitieng.vn/

Trần gian không thiếu những trái tim nồng ấm, không thiếu những ý lực siêu nhân. Một khi ý thức được rèn luyện trở nên sắc bén như mũi tên nhọn, người ta tưởng chừng có thể bắn rơi rụng sự tuyệt vọng ở chung quanh. Nhưng rất nhiều khi sự tuyệt vọng lại an trú trong chính đường bay của ý thức, nên ý thức càng sắc bén sự tuyệt vọng càng thẳm sâu. Trái tim của mỗi một người nếu không tự biến thành đáy biển, sẽ vang lên lời kêu than vô tận. Trong hoàn cảnh xã hội đầy biến động, sống cũng là một cách chọn lựa. Mỗi người tùy theo cảm nhận riêng, đều tự chọn cho mình một con đường, một cách sống. Phải chăng chính vì thế Trịnh Công Sơn đã viết“Diễm Xưa”: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động. Làm sao em biết bia đá không đau. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.”

Lại “thí dụ bây giờ tôi phải ra đi. Tôi phải đi tay chia ly cùng đời sống này. Có nhiều hôm đưa chân tôi về biên giới mới. Nghe ra quanh tôi đêm dài có còn ai trong yên vui còn yêu dấu ngồi. Rơi lệ ru người từ đây.” Ca khúc “Rơi Lệ Ru Người” là giai điệu tha thiết, bồng bềnh bay lượn trên năm hàng kẻ, là lời tự tâm như của người vốn nòi tình thương người đồng điệu. Nhưng mọi điều cũng qua đi rất nhanh. Như Trịnh Công Sơn đã bước nhanh qua bờ bên kia. Sự tiếc thương, lòng tưởng nhớ thinh lặng bão hòa trong giòng sống miên trường trôi chảy. Góc phố xưa không còn Trịnh Công Sơn, nhưng trên đường vẫn âm vang bước chân của rất nhiều người. Những bước chân đưa bé thơ đến trường học. Những bước chân đưa người lớn đến nơi làm việc. Những bước chân đưa người phu quét đường đến những nơi đầy lá. Và cũng có những bước chân đưa từng quan tài đến mộ phần. Tất cả tuần tự xảy ra, như trước kia cõi người ta nói lời ly biệt với Trịnh Công Sơn. Những ai còn hiện hữu trên Trái Ðất này, trong đó có tôi, có anh, có chị, có nữ ca sĩ Khánh Ly, đều không bi thảm hóa nỗi đau khổ. Chúng ta là những nhà ảo thuật tài hoa, biến điều phiền muộn day dứt thành phần hữu ích cho đời sống. Bởi vì bên cạnh những bất hạnh phải chịu đựng hàng ngày, vẫn còn một cõi hạnh phúc nào đó xui giục tôi và chúng ta phải đi về phía trước. Sau từng thời điểm tang tóc khốn khó là giai đoạn bình phục, chúng ta lại lên đường. Không biết mọi người nghĩ thế nào khi bắt đầu chuyến đi mới? Riêng tôi thấy tôi đã bớt đi một phần sôi nổi, háo hức mong chờ. Thận trọng là điều tôi học được trong cuộc hành trình đi lên. Nếu như có ngày nào đó, hốt nhiên thoát ra khỏi sinh hoạt đời thường phức tạp, tôi tin rằng mỗi một người đều không khỏi bàng hoàng và kinh ngạc, khi nhận diện khả năng của bản thân và của những người chung quanh. Phép mầu nào giúp tôi và chúng ta có thể chịu đựng sự chia ly, có thể cưu mang nỗi đau khổ bền bỉ đến thế?

Sẽ có nhiều biến đổi trong cuộc hành trình đi lên. Bước chân của tôi dần dần không còn thuộc vào con đường nữa. Mỗi một cuộc đời lại có con đường riêng. Dù ý thức hay vô thức, mỗi một người đều là kiến trúc sư tự phác họa con đường cho bản thân. Con đường ấy sẽ có nhiều đồi núi, sẽ có nhiều dốc đá cheo leo, sẽ có cả những vực thẳm hiểm nghèo. Ai cũng phải đi qua, trước khi trở về nơi an nghỉ cuối cùng. Rồi sẽ có ngày giai điệu tha thiết, bồng bềnh bay lượn trên năm hàng kẻ của Trịnh Công Sơn lại vang lên: “Thí dụ bây giờ tôi phải ra đi. Tôi phải đi tay chia ly cùng đời sống này. Có nhiều hôm đưa chân tôi về biên giới mới…” Tôi thật không biết, mọi người nghĩ như thế nào khi nghe giai điệu này. Riêng tôi tin rằng tôi sẽ mỉm cười, vì tôi biết trần gian nhỏ lệ ru người.

HV – 1:30am Chủ Nhật ngày 09 tháng 10 năm 2016