Menu Close

Sa tử cung – Táo bón trẻ em

Thưa bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Năm nay tôi 63 tuổi, sức khỏe cũng được được, ăn ngủ bình thường, chỉ có mỡ trong máu hơi cao. Bác sĩ nói chưa cần uống thuốc để giảm mỡ mà chỉ cần bớt chất béo và vận động. Mới đây, khi khám bệnh hàng năm thì bác sĩ gia đình cho biết tử cung hơi tụt xuống dưới và lấy hẹn cho tôi gặp bác sĩ chuyên môn. Tôi lo ngại quá. Ông lão nhà tôi cũng lo vậy. Nhờ bác sĩ cho tôi biết đây là bệnh gì nhé, tại sao tử cung lại tuột ra ngoài. Hay là tại tôi mập, tại tôi sanh nhiều. Tôi sanh tất cả 6 lần và một lần hư thai, hiện nay có 11 cháu nội ngoại.

Cảm ơn bác sĩ. Bà Vinh.

Đáp

Thưa bà,

Trước hết là phải chúc mừng ông bà, con cháu đầy đàn, vui vầy xum họp gia đình, an hưởng tuổi vàng mà Thượng Đế ban cho. Cũng  chúc mừng bà có sức khỏe “được được” như bà nói. Ở tuổi này mà có sức khỏe trung bình, ăn còn thấy ngon miệng, ngủ được dăm giờ đồng hồ mỗi đêm là tốt quá chừng rồi.

Về chuyện “tụt” tử cung mà cả ông lẫn bà đều đang lo ngại, thì nội vụ nó như sau.

Tử cung là bộ phận thuộc cơ quan sinh dục của phụ nữ nằm trong hốc xương chậu, phía trên âm đạo. Tử cung được giữ ở vị trí bình thường là nhờ có bộ phận nâng đỡ như  dây chằng, cơ bắp và gân ở xung quanh. Khi các mô nâng đỡ này yếu đi thì tử cung sẽ di chuyển về phía dưới, nhiều khi cổ tử cung nhô ra ngoài lỗ mở của âm đạo.

Nguyên nhân

Có nhiều lý do cũng như rủi ro đưa tới sa tử cung.

– Hậu quả của sự hóa già cơ thể: Về già thì các cơ quan bộ phận có nhiều thay đổi về cấu trúc cũng như chức năng. Các mô bào thường yếu đi, trở nên mềm, giảm sức đàn hồi, chịu đựng. Các mô bào nâng đỡ tử cung cũng cùng số phận, không còn sức để nâng tử cung ở vị trí thiên định, cho nên tử cung buồn tình “tụt” xuống.

– Phụ nữ có thai sanh đẻ nhiều lần, tử cung lớn lên, dây chằng nâng đỡ “quá tải” dần dần, yếu đi, thì tử cung chới với cũng “tụt” xuống theo.

– Khi áp lực trong khoang bụng quá cao, ép xuống dưới khiến cho tử cung “tụt” xuống dần. Đó là trường hợp của người quá mập, thậm chí cả khi ho hen thường xuyên, cười quá cỡ, tăng áp lực bụng. Cười đến nỗi vãi đái là một thí dụ.

– Táo bón kinh niên, đi cầu là phải ngồi lâu để rặn cho phẩn cứng thoát ra, cũng khiến cho tử cung “tụt” theo, lâu ngày lòi ra ngoài.

Rồi còn u bướu trong xương chậu, lao động hoặc tập luyện liên tục phải nâng nhấc vật nặng, giải phẫu vùng xương chậu…


Dấu hiệu

Sa tử cung thường gây ra một số triệu chứng như cảm thấy đau đau thốn thốn ở thắt lưng nhất là khi đi đứng; cộm đầy trong bụng dưới, cảm giác như ngồi trên một quả banh bóng bàn; đái rắt, táo bón, dễ nhiễm trùng bọng đái ống dẫn nước tiểu; xuất huyết ở cửa mình, khí hư… Đặc biệt là “vương vướng” đau đau gây cản trở cho việc riêng tư phòng the vì có kẻ lạ “cản mũi kỳ đà”.

Nếu thấy xuất hiện mấy dấu hiệu kể trên thì nên đi nhờ bác sĩ khám, coi xem có chuyện bất thường gì hay không rồi điều trị

Điều trị

Điều trị tùy theo tình trạng của các mô nâng đỡ mạnh yếu ra sao, tử cung “tụt” xuống chút đỉnh hoặc lòi hẳn ra ngoài.

Nói một cách chung chung thì bác sĩ có thể:

– Hướng dẫn cách tập luyện (Kegel exercise)  để tăng sức mạnh các cơ bắp nâng đỡ tử cung ở vùng xương chậu;

– Cho mang một dụng cụ hỗ trợ pessary ở trong âm hộ để nâng đỡ tử cung sa cơ lỡ vận.

– Cho dùng hormon estrogen để tăng sức mạnh của cơ bắp;

– Giải phẫu cắt bỏ tử cung, tùy theo mình muốn có con hay không..

Rồi sau đó, tránh nâng vật nặng, giảm cân nếu quá mập phì, ăn nhiều rau trái có chất xơ để tránh táo bón.

Hy vọng là những hiểu biết kể trên giúp ông nhà cũng như bà sửa soạn tinh thần đợi ngày tới khám bác sĩ chuyên khoa. Mọi việc rồi cũng giải quyết xong, vì cứ như bà nói thì tôi nghĩ tình trạng không đến nỗi “tối tăm” lắm đâu. Bà cứ bình tâm, đặt niềm tin ở Đấng Bề Trên và ở bác sĩ. Chúng tôi cầu nguyện cho bà.

Chúc ông bà vui mạnh.

Thưa bác sĩ

Tôi có một cháu trai, năm nay 9 tuổi. Cháu khỏe mạnh, học đều, tương đối ngoan, dễ dạy. Chỉ có điều là cháu đi cầu không bình thường, có khi cả tuần không đi cầu. Ấy vậy mà đôi khi lại có phẩn dính ở quần lót.Tôi vẫn cho cháu uống nước đều thậm chí còn bắt cháu mang nước theo để uống, vì tôi sợ là xa nhà cháu không uống. Tôi nghe nói uống thuốc xổ là không tốt cho nên không cho cháu dùng. Vậy thì tôi phải làm gì bây giờ. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm. Lisa.

Đáp

Chào Lisa

Táo bón ở trẻ em là chuyện thường xảy ra đấy, Lisa ạ. Theo thống kê, có tới 10% các em rơi vào tình trạng này và đây cũng là mối lưu tâm của cha mẹ. Vấn đề này cũng hơi phức tạp, cho nên tôi xin tóm lược như sau.

Bình thường trẻ em đại tiện mỗi vài ba ngày. Khi các em không đi cầu mỗi 3 ngày và phẩn lại cứng thì có thể là bị táo bón.

Đa số trẻ em không có những nguyên nhân rõ rệt gây ra táo bón như ở người lớn. Một số cháu bé tự ý không muốn đi cầu vì ham chơi; đi học thì thấy nhà cầu không sạch sẽ hoặc sợ người ta nhìn thấy; một số khác có những kỷ niệm đau đớn khi đi cầu, nên tránh né vào cầu tiêu; một số khác ăn nhiều chất ngọt, ít rau, ít uống nước cũng bị táo bón. Ngoài ra, nóng sốt nhiễm trùng hoặc một số dược phẩm trị cảm ho cũng gây táo bón.

Y học tả một chứng táo bón ở trẻ em gọi là “di phẩn” tiếng Anh là Encopresis. Em đi cầu một lần với khối phẩn rất nhiều nhưng cảm thấy đau ở hậu môn cho nên lần sau mót cầu không dám đi, vì sợ đau. Phân tụ lại trong ruột, lâu lâu són ra ngoài.

Chữa táo bón ở trẻ em khác ở người lớn. Thuốc xổ không là giải đáp.

Trường hợp của cháu và theo như cô nói, cháu vẫn khỏe mạnh, hạnh kiểm tốt, học hành được thì tôi nghĩ là không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên cô cũng nên đưa cháu đi bác sĩ để được khám bệnh, loại trừ các rủi ro trầm trọng.

Trong khi chờ đợi, cô có thể áp dụng vài cách sau đây:

– Tập cho cháu có thói quen đi cầu mỗi ngày. Sau bữa ăn là lúc thuận tiện, vì khi đó thực phẩm sẽ kích thích đường ruột, gây ra sự chuyển động chất bã và sẵn sàng đi cầu. Bắt cháu ngồi chừng mươi phút, để tạo ra thói quen;

– Cho cháu ăn uống cân bằng cộng thêm rau trái, hạt nguyên vẹn và

– Uống nước đầy đủ kèm thêm nước táo, nước mận;

– Lâu lâu chườm hậu môn với khăn ngâm nước ấm, để thư giãn cơ bắp, kích thích cảm giác muốn đi cầu. Cô có thể thoa một chút glycerin hoặc nhét viên đạn glycerin vào hậu môn để đại tiện dễ dàng hơn.

Chúc cô luôn luôn có sức khỏe tốt.

NYĐ