Menu Close

Mày có biết tao là ai không!

Một năm có hai ngày dành cho “phụ nữ Việt Nam”, 8/3 và 20/10. Vào hai ngày này chị em ở Việt Nam có quyền đòi quà, đòi quyền. Hoặc nhắm vào ngày ni mà đăng đàn so sánh, trách móc sự vô tâm, xa lánh, thay lòng đổi dạ của giống đực… Thước đo “tình” đa số được dựa trên giá trị tinh thần hoặc vật chất của các món quà, có hoặc không, của mình hoặc của “vợ người ta”!

hai-nguoi-dan-ong-danh-nu-nhan-vien-hang-khong5
Mày có biết tao là ai không! – Ảnh cắt từ clip hai người đàn ông hành hung nhân viên sân bay

Sáng mò lên mạng đọc email, bảng tin mới. Thấy khắp nơi tràn ngập lời chúc, quà tặng bằng hình, bằng thơ xen lẫn những nỗi niềm bi đát của quý mợ. Tôi còn “say ke” nên thêm… ngơ ngác. Ðến khi đọc kỹ mới hiểu, nay, 20/10 là ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ quốc doanh.

Tôi xác nhận mình thích quà. Ðàn bà mà, dễ dụ lắm (rứa mà không ai thèm dụ). Nhưng, tôi không tin một năm mình chỉ có hai bữa để được nhận quà. Còn 363 (năm nhuận thì 364) ngày còn lại thì sao? Có ai biết rằng, để có đến 2 ngày lễ tuyên dương Phụ Nữ, Việt Nam đã phải “ngậm đắng nuốt cay” nằm trong danh sách hàng đầu (vị trí số 2) của UNICEF ở cột buôn bán, bạo hành phụ nữ và trẻ em tuy đã ký không biết bao nhiêu quy ước về Nhân Quyền của Quốc tế. Trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng sáng nay ở Mỹ, một lần nữa ông Donald Trump nêu đích danh Việt Nam, “một trong số những quốc gia trả lương thấp nhất trên thế giới”, lần đầu là ở cuộc tranh cử tháng 2/2016. Trong khi thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy tỷ lệ lao động nữ tại Việt Nam trên 73%, thuộc nhóm cao nhất so với các nước trên thế giới. Ðó là chưa kể các chị em “xuất khẩu lao động” sang “thị trường” các nước với đủ loại ngành nghề. Thành thử cái chuyện đánh trống la làng “Mừng ngày phụ nữ” của chính phủ Việt Nam thường bị bạn bè thế giới “hiểu lầm”. Ở những nơi coi trọng phụ nữ hàng ngày, hầu như họ không cần hoặc không quan tâm đến những ngày tương tự. Tôi sẵn sàng nhường quý mợ cả thế giới nhận quà vào hai ngày này. Và những ngày còn lại, hãy nhường cho tôi vì sự hy sanh cao cả trên.

may-co-biet-tao-la-ai-khong1
Lao động chính ở Việt Nam

Mà…  ta nói, nhắc tới “hội liên hiệp” quốc doanh ở Việt Nam là ngán. Vì ở Việt Nam cái gì cũng có hội, mà hội lập ra hầu như chỉ để kết nạp hội viên và thu phí sanh hoạt. Ví dụ như qua chuyện các gian thương công nghiệp tố những doanh nghiệp nước mắm truyền thống lâu đời cả trăm năm sản xuất nước mắm nhiễm độc thạch tín đang xôn xao dư luận cả tuần nay. Vinastas (theo Google là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng) chính là điển hình cho đa số các hội, hiệp hội có tính chất “mậu dịch quốc doanh” tại Việt Nam. Chúng được sinh ra với những mục đích cao cả và hoa mỹ, nhưng chưa bao giờ có hiệu quả, thậm chí lợi dụng lòng tin của những “tín đồ” mà gây nhiều “hậu quả nghiêm trọng”. Có những hội sinh ra chỉ để kêu gọi tài trợ, kiếm tiền, ăn chơi, đánh đấm, lợi ích phe nhóm… Ai đó còn bảo, trên Quốc hội, có các đồng chí cách mạng về hưu lại xin lập hội để được cấp nhà, xe, trụ sở…

Trong khi đa số người Việt không hề biết đến cái hội này trước khi bắt gặp nó nằm dài trên báo, nó lại được sinh ra với sứ mệnh “bảo vệ người tiêu dùng”. Có ai đó thầm hỏi, trong “công trình” đầu độc cá tập thể của Formosa ở miền Trung, Vinastas đứng ở đâu, vị trí nào, họ đã làm gì để “bảo vệ người tiêu dùng”? Các thông tin cho thấy, công an bảo sẽ vào cuộc vụ công bố kết quả kiểm nghiệm nước mắm sản xuất theo cách truyền thống của Vinastas, thậm chí có thể kiện tụng Vinastas. Nhưng ở một đất nước người dân đi kiện cái công ty Formosa trong nửa tháng có thể giết hơn 80 tấn cá (vẫn chưa ngừng lại) bị bác đơn, hành hung và cản trở. Một người dân đen bị tù 7 năm vì “phát hiện” nước ngọt Doctor Thanh của Tân Hiệp Phát có ruồi. Thì những thứ mang danh “hội”, “hiệp hội” đa phần là nằm dưới sự bảo trợ của nhà nước làm sao bị “người nhà” kiện được?  Tất cả như dòng sông chảy xiết về một hướng…

hai-nguoi-dan-ong-danh-nu-nhan-vien-hang-khong4
Nước mắm Chinsu Việt Nam “đảm bảo” không có thạch tín và…. cá!

Một bác lớn tuổi kể:

“Nhớ trước 1975 ở Sài Gòn có cái viện Pasteur rất uy tín, viện này làm tất cả các việc trong đó có thử và tìm các chất có trong sản phẩm. Văn bản của viện này khi phát hành đều được xem là văn bản cuối cùng khỏi phải đi đâu để lấy thêm thông tin.

Viện này phục vụ tất cả từ chính quyền, tập thể đến cá nhân. Thí dụ tôi mới đào cái giếng, tôi đem mẫu nước đến xin xét nghiệm xem có thể dùng sinh hoạt trong gia đình được không? Chỉ cần đợi vài ngày là người yêu cầu sẽ nhận được phiếu trả lời không thể chi tiết hơn”.


Còn bây giờ sao thấy nhiều “bang hội” với tiêu chí bảo vệ người tiêu dùng nhưng đến với họ khó quá và hình như họ chỉ ngồi chơi xơi nước chứ làm việc không hiệu quả.”

Và. Hiệu quả hay không có lẽ người nhìn nhận rõ nhất là hơn 90 triệu dân đang ngất ngư trong cảnh lo sợ từng ngày, không biết đến bao giờ mình nhận được kết quả “dương tính” với ung thư, với zika, với những hèn mọn của chính phủ ban cho. Sự thất vọng chứng minh rất rõ ở con số 16 tỷ chảy vô tài khoản của MC Phan Anh trong 3 ngày để ủng hộ đồng bào vùng lũ một cách TỰ NGUYỆN chỉ vì ba chữ KHÔNG TRUNG GIAN mà anh ký kết.

“Ðăng báo bán nhà thì miễn trung gian/môi giới/cò mồi. Giờ kêu gọi từ thiện, ủng hộ đồng bào cũng phải nói rõ là miễn trung gian, một đồng cũng không để thất thoát đến tay kẻ (trung) gian. Ðó là thái độ cương quyết tách nhóm gian manh cho chúng về một phía, để chúng tự cô lập mà chết đi.

Hoan nghênh và tiếp tục ủng hộ tinh thần lá lành đùm lá rách của tầng lớp dân thường chúng ta. Khi niềm tin vào một nhóm bùi nhùi đã mất thì niềm tin yêu của tầng lớp dân thường dành cho nhau được tạo dựng vững chắc. Ðó là động lực của thay đổi. Niềm tin chỉ được tạo dựng từ nền tảng của đạo đức và lương tri. Niềm tin không bao giờ là thứ xa xỉ.” Ðây cũng là lời một anh bạn vừa đăng… bán nhà.

hai-nguoi-dan-ong-danh-nu-nhan-vien-hang-khong3
Phụ nữ không chỉ yêu hoa…
hai-nguoi-dan-ong-danh-nu-nhan-vien-hang-khong2
mà còn thích…. họa

Quay lại chuyện hôm nay là ngày phụ nữ Việt Nam. Tôi chưa kịp lên trang cá nhân khoe mình cũng là một phụ nữ thì đã đọc được bản tin sốt dẻo. Hình phạt cho những nhân vật từ câu chuyện xảy ra ngày hôm qua ở sân bay Nội Bài. Một người phụ nữ nhân viên ngành hàng không bị hai gã đàn ông hành hung. Nghe báo chí nói họ là EM CỦA trưởng phòng thanh tra giao thông và đã từng bị tố giác nhiều lần hành hung người khác, trong số nạn nhân có cả một tay Cảnh Sát Giao Thông ở Hà Nội. (Hắn nhìn vào nàng, quát:”MÀY CÓ BIẾT TAO LÀ AI KHÔNG!” trước khi một kẻ dùng tay bóp cổ, một kẻ vòng ra sau dùng iPad mini trên tay đập vào đầu người phụ nữ đứng chưa qua vai họ (tính luôn guốc). Cú đánh đó, câu hỏi đó nó “căn bản” và quen thuộc như “em tên gì?” đối với người dân thấp cổ bé họng ở đất nước này. Nó tượng trưng cho cái vỗ ngực: Tao là đại diện của cửa quyền, của chính trị lộng hành… Câu hỏi đó và cú đánh đó, vào cơ thể cô gái, như thể vào văn minh nhân loại!

Trong lúc hỗn loạn, các vị nhân viên và an ninh sân bay ở đâu? Có lẽ họ phải đứng xem cho rõ hoặc quay clip lại quá trình trên để… báo cáo người có thẩm quyền sau đó chăng? Lạ một điều là lúc cô gái bị đánh thì an ninh hàng không quanh đó giương mắt ếch đứng nhìn, đến lúc tên đồ tể tên Thuấn bị anh chàng “Lục Vân Tiên” bất đắc dĩ đá ngã thì an ninh hàng không ùa ra can ngăn. Sau tất cả, người phụ nữ đáng thương nhập viện trong hoảng loạn. Hai tên khốn “chuẩn bị” nhận giấy phạt. Chuyện không có gì để nói, khi cả Việt Nam bàng hoàng nghe tin, anh chàng “Lục Vân Tiên” kia sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự với tội… gây rối trật tự công cộng, đe dọa an ninh hàng không (!). Ðó là uy lực của câu nói “MÀY CÓ BIẾT TAO LÀ AI KHÔNG!”

may-co-biet-tao-la-ai-khong
Mày có biết tao là ai không!

Mày biết tao là ai không! Tao là pháp luật. Mai cô gái đó sẽ hết đau. Cộng đồng sẽ lắng và quên đi họ để chạy theo thời cuộc. Có thể cô gái kia sẽ phải chuyển công việc khác, thậm chí gia đình cô phải xin lỗi người đánh mình. Người đàn ông nghĩa hiệp kia sẽ bị khởi tố. Mày có biết tao là ai không (chấm than)! Ðó là một câu nói khẳng định chứ không phải một câu hỏi.

DU