Phan Nhự Thức đồng thời với Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Thành Tôn, Hà Nguyên Thạch…, còn có bút danh Mê Kung, tên thật Nguyễn Văn Minh, sinh ngày 4 tháng 2 năm 1943 (?) tại Ðà Nẵng, quê nội Quảng Ngãi. Sĩ quan trừ bị Thủ Ðức khóa 24. Học tập cải tạo từ 1975 đến 1982. Thơ ông xuất hiện trên văn đàn miền Nam giữa thập niên 1960 thế kỷ trước. Thân phận, cuộc sống, quê hương, chiến tranh, tình yêu, bạn bè là đề tài sinh động trong thơ Phan Nhự Thức. Ông còn chủ biên tạp chí Trước Mặt, tạp chí Tập Họp. Phan Nhự Thức qua đời tại Sài Gòn ngày 21 tháng 1 năm 1996 trong cảnh nghèo, để lại vợ và con trai 8 tuổi. Tang lễ Phan Nhự Thức có trên 100 nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tới tham dự và tiễn đưa tận nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ngoài điếu văn của Cung Tích Biền, còn có bài thi điếu của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt và một bài thơ của Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng.

– Ðã xuất bản: Ðốt Tuổi, thơ. Ngưỡng cửa. Quảng Ngãi. 1969. Thư Ấn quán tái bản 2007.
Sau đây là trích đoạn bài Ðiếu văn của Cung Tích Biền do Hà Nguyên Thạch thay mặt đọc trước linh cữu Phan Nhự Thức:
Thức ơi Thức,
Cuộc trăm năm lẽ sinh ký tử quy, sao anh vội ra đi, bỏ lại người bạn đường đã tảo tần tháng năm gian khó cùng anh. Vinh quang nơi đâu? Sao nỡ để đây gánh nặng trên đôi vai người vợ hiền.
Dù sớm muộn cũng hóa thân cát bụi, sao anh sớm ẩn mình, để lại đứa con thân yêu vừa lên tám, từ nay không cha đùm bọc. Sống khôn thác thiêng, mong anh phù hộ hạnh phúc đường dài con trẻ.
Hôm nay, nơi này,
Ta cạn một chung, để nhớ buổi Hồ trường
Ngâm câu thơ, thương thuở Hành phương Nam
Tâm hóa thạch, lệ thành mây bay mãi,
Nơi cuối trời con én đã thôi bay . . .
Hôm nay, nơi này, hỡi ôi!
Ðặt một cành hoa
ném một nắm đất,
đốt khói nhang cúi đầu nước mắt,
chúng tôi tiễn anh đi.
Mai kia mộ chí cỏ sẽ vàng,
Thức ơi, hãy thong dong cõi nghìn thu . . .
Bái biệt.
Cung Tích Biền
trích theo Phương Tấn
Cũng theo Phương Tấn trong bài Vạt Nắng Lung Linh Cùng Gió Mới: Ngay sau khi tạp chí “Thư Quán Bản Thảo” số 27 phát hành với chủ đề về nhà thơ Phan Nhự Thức – nhà văn Thu Hương đã nhờ nhà văn Trần Hoài Thư và nhà văn Phạm Văn Nhàn (chủ trương tạp chí TQBT) tìm giúp địa chỉ của chị Phan Nhự Thức ở Việt Nam nhằm: “Có thể lo cho con của nhà thơ Phan Nhự Thức học hành đến nơi đến chốn, đồng thời giúp chị Thức buôn bán hay làm một việc gì đó cần thiết…” Nhận được hảo ý của cô Thu Hương, hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã nhờ tôi tìm hộ. Sau 2 ngày dò tìm, tôi đã vui mừng báo ngay cho hai anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn và cô Thu Hương số điện thoại và địa chỉ nhà của chị Phan Nhự Thức. Vài giờ sau, cô Thu Hương báo tin vui cho tôi là đã gửi 200 USD cho chị Thức với: “Hy vọng chị Thức sẽ vui để biết cuộc đời còn chút tình thân của người khác…”
Và sau đây, mời các bạn đọc lại một bài thơ của Phan Nhự Thức.
Đốt tuổi
nắng Quảng Ngãi tôi về không mũ đội
trời tháng năm gió núi hạ Lào bay
thành phố ấy buồn như người xế tuổi
cuộc sống quanh năm khổ luống đất cày
từng kỷ niệm bây giờ lên tiếng gọi
giọng thổi buồn đêm sông Vệ không trăng
cát Trà Khúc theo sầu bồi lấy tuổi
tôi cúi đầu đời sống lạnh như băng
đất mẹ đó đã đau bầm kháng chiến
giờ thân già bão lụt lại hành hung
trong đời sống bấp bênh ngày tháng lụn
tôi nhìn em đau xót nói không cùng
đêm Nghĩa Hưng trời mịt mờ lửa đạn
chiều Ba Gia xác chết chật đường làng
ôi kiếp sống bơi quanh bờ hữu hạn
tìm tương lai trong hiện tại kinh hoàng
quen thanh bạch từ khi còn tấm bé
biết gì đâu lừa đảo bán buôn lường
với tuổi đó chưa đáp đền cha mẹ
nói làm chi đến món nợ quê hương
lũ em nhỏ mỗi lần không học phí
trường đuổi về nằm khóc đợi trông anh
(tôi bỏ học lang thang cùng phố thị
thả đời trôi nên năm tháng lênh đênh)
tôi đánh mất tình yêu từ dạo đó
và lớn khôn từng nỗi xót xa này
bán chữ nghĩa như rau khoai ngoài chợ
vẫn đói nghèo bạn hữu mãi cho say
tôi khôn lớn từ ruộng đồng Quảng Ngãi
lấy đau thương làm sữa mớm thơ mình
thành phố ấy với những gì còn lại
tôi ấp vào lòng đôi mắt lệ lung linh
1971
NGUYỄN & BẠN HỮU
Tổng hợp