(tiếp theo)
Chúng ta tiếp tục bàn về phép lịch sự trong việc ăn uống nha các bạn.
Trong khi ăn, nên giữ một thái độ thích hợp với từng tình huống khác nhau. Tuy nhiên, dù là ăn cơm trong gia đình thì cũng có những điều tối thiểu cần phải biết.
Thức ăn khi còn trong chén, không nên lấy thêm một món khác. Ðiều đó có nghĩa là, bạn phải ăn tuần tự từng món. Một chén cơm được “tích lũy” cùng lúc vài ba món ăn không phải là một hình ảnh đẹp trong mắt người khác. Nếu là món lỏng như canh, súp… tránh đừng lấy quá đầy chén.

Việc dùng đũa ăn cơm là thói quen lâu đời của dân ta, nhưng không phải là thói quen chung của mọi dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy cần chú ý vài đặc điểm khi ăn bằng đũa để tránh gây khó chịu cho những người nước ngoài lúc dùng cơm chung, và thậm chí ngay cả với một số người Việt cũng vậy.
Tuyệt đối không dùng đũa gắp vào các món ăn lỏng như canh, súp… Ðiều này tuy là khá quen thuộc ở các bữa cơm thân mật, nhưng quả thật có phần kém… văn hoá. Khi chúng ta ăn, đầu đũa được ngậm vào trong miệng. Nếu sau đó lại “rửa” vào trong bát canh hay bát súp thì thật… kinh hoàng. Một số tập thể hiện nay đã phát triển thói quen khi ăn chỉ dùng đũa để gắp thức ăn và mỗi người đều có một cái muỗng riêng để đưa thức ăn vào miệng. Có vẻ như còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng quả là một cách ăn uống… hợp vệ sinh hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đòi hỏi mọi người đều theo như ý mình. Chỉ có điều, dù có ăn bằng đũa như xưa nay thì cũng nhớ đừng “rửa đũa” vào món ăn chung.
Khi gắp thức ăn, nên “ngắm nghía” trước sẽ gắp miếng nào, rồi mới đưa đũa gắp. Tránh việc dùng đũa “đào bới” trong đĩa thức ăn chung, rất khó coi. Ngoài ra, cũng cần quan sát trước, tránh cùng lúc lấy thức ăn ở một chỗ với người khác. Tuy vẫn chưa… hết, nhưng trông… kỳ lắm.
(còn tiếp)