Menu Close

Lịch sự trong ăn uống (kỳ 3)

(tiếp theo)

Chúng ta bàn chưa hết chuyện, hôm nay bàn tiếp nha các bạn.

– Nhai thức ăn nên “kín miệng”, đừng phô bày “mồm họng” của mình ra cho người khác thấy. Cũng đừng nhai chóp chép ồn ào, khi ăn các món lỏng đừng húp xì xụp. Trong khi ăn không nên nói chuyện quá nhiều, nhưng cũng đừng… cắm cúi ăn không để ý đến ai. Tốt nhất là trao đổi vài ba mẩu chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ để tạo không khí cởi mở, và nhất là có “kẻ nói, người nghe”. Không kể lể dài dòng và tránh những đề tài sôi động gây tranh cãi

lich-su-an-uong
Bảo Huân

– Nếu là ăn cơm khách, lại càng phải thận trọng hơn. Có những thói quen không mấy khi được ta lưu ý đến khi dùng cơm trong gia đình, nhưng lại trở nên khó coi trong các bữa cơm khách nơi nhà người khác. Nên ngồi ngay ngắn, tránh chồm tới phía trước hay nghiêng qua nghiêng lại  và đừng rung đùi đánh nhịp… Những cử chỉ này rất khó coi khi ăn chung với khách.

– “Tốc độ” cũng là một yếu tố rất tế nhị trong các bữa cơm khách. Chủ nhà dù ăn ít đến đâu cũng không nên buông đũa trước khách, vì thế mà phải chú ý “ăn cầm khách”. Khách được mời dù có “công suất lớn” trong ăn uống cũng nên tự biết giới hạn ở mức độ vừa phải, đừng ăn cành hông. Tuy nhiên, nếu ngược lại, khách tự biết mình ăn ít thì cũng nên tế nhị kéo dài thời gian một chút, đừng buông đũa quá sớm sẽ làm cho chủ nhà lúng túng. Ngay cả khi ăn xong, cũng tránh rời ngay khỏi bàn ăn khi chủ nhà hoặc những người khác vẫn còn đang “dở dang”. Người chủ nhà tế nhị khi thấy khách đã ăn xong thường sẽ chủ động mời ra bàn nước, hoặc sẽ nhanh chóng… rút ngắn phần còn lại của mình ngay.

– Tuy nhiên, trong những bữa cơm khách mà quan hệ giữa chủ nhà với khách là rất thân tình, cũng nên biết cách “khẳng định” sự thân tình ấy. Chẳng hạn, tránh đừng để chủ nhà phải mời mọc quá nhiều. Cần tỏ rõ cho mọi người thấy là mình rất tự nhiên, vì điều đó sẽ làm vui lòng chủ nhà.

(còn tiếp)