Bạn bè như lửa ấm hoàng hôn…
Tưởng tượng trong buổi chiều thu như chiều nay, có được một ngọn lửa ấm để ngắm nhìn và để sưởi, quả thật là đẹp và dễ chịu biết bao. Bạn bè cũng vậy. Cũng như ngọn lửa ấm trong hoàng hôn gió đầy trời hay tuyết đổ. Vâng, đúng như thế. Tình bạn mang đến cho chúng ta nhiều chia sẻ và an ủi. Bạn chính là một phần đời của chúng ta, và sẽ mãi mãi ở cùng chúng ta -mặc cho khoảng cách địa lý và thời gian, mặc cho chiến tranh và ly tán.
Như tình bạn của Louise và Opal trong mẩu chuyện sau đây. Câu chuyện đã được kể một lần, hôm nay xin kể lại khi trận thunderstorm đang ì ầm phía chân trời…
NS
Khi tôi nói lời từ biệt người bạn thân nhất của tôi là Opal, chúng tôi hứa là sẽ viết thư cho nhau và nguyện sẽ gặp lại nhau. Ở tuổi mười bốn, tương lai dường như còn nhiều hứa hẹn đối với chúng tôi mặc dù cuộc chia ly đang xảy ra. Ðó là vào Tháng Sáu năm 1957, sau khi chúng tôi đã qua hai năm rưỡi vô cùng hạnh phúc với nhau ở Căn Cứ Không Quân Chitose ở Nhật Bản. Giờ đây, gia đình của bạn di chuyển tới Anh quốc, còn gia đình tôi về Florida. Ðiều đau đớn nhất của cuộc chia tay là ở chỗ chẳng những Opal là người bạn đầu tiên mà còn là người bạn thân nhất của tôi.
Lớn lên trong gia đình có người cha là nhà binh có nghĩa là di chuyển thường xuyên. Ngôi trường với hai phòng học nằm trên hòn đảo phía bắc Hokaido là ngôi trường thứ chín của tôi -và khi đến đó tôi mới lên lớp sáu. Thời thơ ấu luôn di chuyển của Opal rất giống với tôi -ngoại trừ điểm là tôi hết sức rụt rè e thẹn. Tôi chúa ghét khi thấy mình mãi là cô bé mới đến. Một hai lần tôi sắp làm quen được với một người bạn và chưa kịp tìm hiểu nhau thì đã chia tay -tôi phải di chuyển tới một ngôi trường khác.

Thế rồi vào một ngày của Tháng Giêng năm 1955, khi tuyết phủ mặt đất dày tới mười feet và gió hú lộng qua lò sưởi, tôi đứng tần ngần ở đằng trước lớp học mới của tôi. Cũng như mọi khi, lòng tôi đau nhói vì nỗi sợ hãi chạy qua người tôi như những mũi tên nhọn. Tôi hy vọng không ai biết tôi đang cố ngăn dòng nước mắt. Hai chục bạn học nhỏ yên lặng nhìn tôi, và tôi đỏ phừng cả người. Tôi cứ nhìn chăm chăm nền nhà, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt ngó trộm những khuôn mặt chung quanh. Bỗng tôi nhìn thấy một cô bé rạng rỡ, với nụ cười ấm áp như ánh nắng mặt trời tràn ngập hồn tôi. Cô bé có vẻ muốn đón mừng tôi. Khi cô giáo bảo tôi hãy ngồi cạnh Opal, thì những nỗi hãi sợ trong tôi tan dần.
”Thân chào, tôi là Opal.” Tiếng nói của cô bé mang giọng mũi của miền Trung Tây, khuôn mặt tròn, đôi mắt êm dịu đằng sau cặp kiếng dày, mái tóc dài màu nâu. Và như tôi chẳng bao lâu nhận ra ngay, trái tim cô bé đúng là vàng hai mươi bốn carat không pha trộn.
Trong buổi học đầu tiên ấy, khi chúng tôi chuyển từ giờ sử qua giờ toán rồi giờ tiếng Anh, Opal giúp tôi tìm ra đúng ngay trang phải học trong sách và chỉ cho tôi cách đối xử với bạn bè trong lớp. Hóa ra họ đều là những đứa dễ thương. Ðừng khó chịu với tên kia. Hắn hay trêu ghẹo nhưng rất là vui tính. Hoặc, “Ồ, con bé ấy hơi điệu một chút, nhưng rất thân ái.”
Bởi vì cả ba lớp Bốn, Năm và Sáu cùng học chung trong một phòng, thầy giáo phải cho một nhóm lên phía trên, số còn lại ngồi lại bàn để học, tất cả giống y như ngôi trường trong Little House On The Prairie. Lớp Sáu chúng tôi gồm 5 đứa, tôi thường học thêm ngoại khóa khi biết chắc trong đó có Opal.
Sau buổi học đầu tiên hôm ấy, chúng tôi mặc nhiên hứa với nhau là sẽ trở thành bạn tốt mãi mãi. Những tháng kế tiếp sau đó, nhiều đứa bạn khác cùng đến hòa nhập với chúng tôi. Opal tỏ ra thân thiện với hết thảy và dạy tôi cùng tỏ ra như thế. Bé Maureen tóc đỏ đến nhập bọn và trở thành bạn thân của chúng tôi. Chúng tôi, trai cũng như gái, cùng chơi chung với nhau – đá banh, trượt tuyết đằng sau nhà tôi, chạy chơi trong rừng, bơi lội dưới mặt ao băng giá, và trong mùa hè ngắn ngủi, chúng tôi đi cắm trại chung và tham dự ngày hội hoa đào của Nhật Bản.
Trong cả cái nhóm đông đúc đó, tôi và Opal gắn bó với nhau thân thiết. Opal cao và gầy, tôi lùn và mập, nó giỏi toán, tôi thích đọc sách. Mặc dù Opal không ưa chuộng thể thao nhưng cô bé vui vẻ tham dự tất cả các hoạt động vui chơi do tôi lôi kéo vào. Cha của Opal là Trung Sĩ, cha tôi là Trung Tá. Cô bé ngưỡng mộ sự mau mắn của tôi, còn tôi thì đặc biệt ưa thích sự dịu dàng của bạn đối với trẻ con, cái khả năng và sự tinh tế để nhìn thấy đóa hồng nhỏ bé giữa đám gai chằng chịt. Những sự khác biệt của chúng tôi không hề chỏi nhau.
Hai năm trôi qua -hai năm thật kỳ diệu đầy những điều vui nhộn và sự khám phá thế giới chung quanh. Chúng tôi đã lớn lên trong thời gian đó. Rồi những tin đồn bắt đầu râm ran. Người ta dự định đóng cửa Căn Cứ Không Quân ở đây, và gia đình chúng tôi sẽ phải chuyển vào nội địa nước Mỹ, đi nhận những nhiệm sở mới cách xa nhau hàng trăm, có khi hàng ngàn dặm.
Như đã hứa, Opal và tôi thỉnh thoảng viết thư cho nhau (lương nhà binh, không cho phép gọi điện thoại đường dài) cho tới khi chúng tôi mười sáu tuổi. Khi lá thư cuối cùng của bạn đến thì tôi vào học trường nội trú. Năm ấy bạn bắt đầu vướng vào tình yêu với một người lớn tuổi hơn. Rồi Opal rời nước Anh nơi gia đình cư ngụ để trở về Mỹ làm đám cưới với người yêu. Cô sinh được đứa con gái đầu lòng xinh đẹp.
Tôi viết liền cho Opal nhưng không nhận được hồi âm. Biết rằng Opal khó có được thì giờ viết thư, tôi viết hết thư này đến thư khác. Cuối cùng thì thư của tôi bị bưu điện trả lại vì không có địa chỉ chuyển tiếp. Tôi lo cho bạn quá. Lập gia đình và có con ở tuổi mười sáu! Tôi biết bạn mình quá rõ: Tôi biết bạn sẽ là người mẹ tuyệt vời nhưng bạn kết hôn quá sớm.
Tôi tốt nghiệp, ra trường và thành hôn, có ba đứa con, rồi ly dị, rồi tái hôn. Các con của tôi lớn lên, vào college, và con gái tôi bây giờ là mẹ. Tôi vẫn thường nghĩ đến Opal, không biết bây giờ bạn ở đâu, có khỏe mạnh, sung sướng không. Tôi thường kể về những năm tháng vui vẻ của tôi và Opal, và gia đình tôi biết rất rõ về tình bạn chúng tôi.
Một ngày nóng nực của Tháng Tám năm 1991, chuông điện thoại nhà tôi reo lên: Có phải đây là Louise Ladd không ạ?”
“-Vâng.”
“-Có phải đây là Louise Ladd trước ở Nhật không ạ?”
“-Bà là ai? Tôi gào lên.
“-Opal đây.”
Tôi thét lớn, chạy ra ngoài cửa, cả phố đều nghe tiếng tôi. Vừa nhảy múa vòng quanh, tôi biểu lộ hết cỡ nỗi vui mừng của mình.
Ðã ba mươi bốn năm kể từ ngày chúng tôi nói lời từ giã nhau, bây giờ thì bạn đã tìm được tôi. Gần đây, nhân dịp dọn nhà sắp xếp lại đồ đạc, Opal bắt gặp một cái hộp cũ, trong đó lưu giữ tất cả thư từ của tôi từ năm 1959. Vậy là lập tức, Opal gọi tất cả những người mang họ Ladd ở Maryland nơi tôi cư ngụ trước đây nhưng không kết quả. Không nản chí, bạn gọi vào trường nội trú nơi tôi học ngày trước, năn nỉ hết lời xin số điện thoại của tôi. Nhân viên phụ trách hồ sơ thương tình thuận cho.
Giáng Sinh năm ấy, Opal cùng ông chồng mới lái xe từ Omaha, Nebraska, đến ở lại chơi nhà chúng tôi tại Connecticut. Opal trông vẫn như xưa. Cách nói năng cũng vậy. Bạn không có gì thay đổi. Vẫn tỏa ra sự ấm áp thân tình như tôi từng biết. Opal tưởng nhớ tôi cũng như tôi hằng tưởng nhớ bạn. Trải qua nhiều khốn khó nhưng Opal luôn tìm được điều tốt trong cuộc sống. Vàng hai mươi bốn carat có bao giờ phai!
Và giờ đây, chúng tôi lại bên nhau như xưa, mãi mãi là bạn tốt của nhau.
NS – theo Louise Ladd